Bang Giao Việt Nam - Trung Quốc và
Chuyến Đi Bắc Kinh Của Nông Đức Mạnh

Trần Trọng Nghĩa

 

Trong lúc Quốc Hội Hà Nội khóa X đang họp lần 10, trước tiếng hô phản đối của nông dân tụ tập trước Hội Trường Ba Ðình khiếu kiện cộng sản cướp đất, đoạt nhà của dân, thì Nông Ðức Mạnh, Tổng Bí Thư đảng CSVN mới lên ngôi vị từ tháng 4/2001 vừa qua, đã dẫn một phái đoàn hùng hậu gồm các quan chức Ðảng và Nhà Nước công du Bắc Kinh từ ngày 30/11 đến ngày 4/12 vừa qua. Giới quan sát quốc tế đánh giá: "Ðây là chuyến đi mang tính chiến lược, chứng tỏ Trung Quốc muốn vận động sự hậu thuẫn của các nước Ðông Nam Á, kể cả Việt Nam". Dưới con mắt của người dân Việt Nam, có lẽ chuyến đi Bắc Kinh của ông Mạnh, có thể mang tính chiến lược, nhưng không phải chiến lược đối với Trung Quốc mà là chiến lược đối với những ngày tàn của chế độ CSVN. Chuyến đi này trùng hợp với 3 sự kiện: Tổng bí thư mới, Hiệp ước thương mại với Hoa Kỳ, và Hiệp định về biên giới trên đất liền, trên biển và hợp tác nghề cá giữa Cộng Hòa XHCN Việt Nam và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Mối bang giao Hà Nội - Bắc Kinh.

Tuy rằng từ ngày chế độ CSVN mất hết chỗ dựa vào Liên Xô cũng như khối cộng sản Ðông Âu và phải hồi đầu về với Bắc Kinh để nối lại bang giao, Hà Nội luôn luôn rêu rao rằng "mối quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước dựa trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, cùng tồn tại hòa bình"; nhưng thực chất, ai cũng biết mối quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh không phải như vậy. Từ em bé đến ông già bà lão, nếu có đi học thì cũng biết lịch sử Việt Nam và biết dân tộc Việt Nam từ hơn 4 ngàn năm qua đã bao phen anh dũng chống giặc ngoại xâm từ phía Bắc tràn qua. Trước đây, cộng sản thường hay đổ cho các triều đại phong kiến Trung Hoa với bản chất tham lam, hiếu chiến đã xâm lược nước ta. Họ khoe khoang giai cấp vô sản, khoe khoang các nước đi theo chủ nghĩa xã hội là "các nước anh em". Riêng đối với Trung Hoa Cộng Sản, ra đời từ năm 1949, thì người dân Việt Nam ai cũng nhớ những lời tuyên bố của những lãnh tụ của chế độ ca ngợi "tình hữu nghị thắm thiết" giữa nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và mối bang giao được ví như "răng và môi"... Nếu không có "biến cố biên giới" năm 1979, khi răng cắn môi máu chảy thịt rơi, khi quân của Bắc Kinh kéo sang xâm lăng, đánh chiếm hai tỉnh Lào Kay, Cao Bằng khiến phía Việt Nam có đến 30.000 người chết và 32.000 người bị thương và phía Trung Quốc có 26.000 chết và 37.000 bị thương, không kể dân chúng bị tên bay, đạn lạc thì có lẽ dân chúng tưởng thật. Thực tế, nếu người dân không bị Hà Nội bưng bít thông tin, thì cũng biết được chiến xa Liên Xô đã từng tiến vào Budapest, Hung Gia Lợi vào năm 1956 và duy trì sự hiện diện quân sự tại nước này cho đến năm 1990. Họ cũng đã cùng các "nước XHCN anh em" như Ba Lan, Hung Gia Lợi, Bảo Gia Lợi và Ðông Ðức xua 650 ngàn quân và chiến xa xâm lăng Tiệp Khắc, tiến vào đàn áp dân chúng tại thủ đô Praha. Những dữ kiện lịch sử điển hình trên đây đã cho người ta thấy dã tâm của cộng sản đối với nhau: Dã tâm giữa người cộng sản đối với người cộng sản với hàng triệu người đã bị giết trong các đợt thanh trừng dưới thời Lênin, Stalin, Mao Trạch Ðông, Hồ Chí Minh... Dã tâm giữa nước cộng sản này với nước cộng sản kia. Ðặc biệt là giữa các nước cộng sản lớn đối với các nước gọi là chư hầu.

Vì CSVN là một chư hầu nên trước đây đã phải quỳ lụy Liên Xô và Trung Quốc (xem VNDC số 62, 11/2000). Sự lệ thuộc này mang tính toàn diện và có thể coi như chế độ CSVN đã trở thành chư hầu của Trung Cộng. Trong cuộc tranh chấp giữa Liên Xô và Trung Quốc trước đây, CSVN đã ngã theo Liên Xô và đã đứng ở vị thế đối đầu với Trung Quốc. Khi Ðặng Tiểu Bình tuyên bố dạy cho Việt Nam "một bài học", CSVN đã không ngần ngại xung đột võ trang trong cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc. Bộ máy tuyên truyền của Hà Nội đã cạn tàu ráo máng với Trung Quốc, coi Trung Quốc là kẻ thù không đội trời chung. Sự đoạn giao ngỡ rằng mãi mãi sẽ không thể nào hàn gắn lại được. Nhưng vào năm 1991, trong thế cùng quẫn, lãnh đạo CSVN đã phải hồi đầu quy phục "Bắc Triều" để khỏi bị cô đơn trên trường quốc tế, để khỏi bị nội loạn trong đảng lật đổ, để trấn áp nhân dân đòi tự do, dân chủ... Tuy bề ngoài, việc nối lại bang giao giữa Hà Nội và Bắc Kinh được thể hiện chính thức qua những Hiệp Ðịnh Hợp Tác kinh tế được ký kết vào ngày 07/11/1991, nhưng những gì đã được thảo luận, những yêu sách nào phía Trung Quốc đã đưa ra, những gì Hà Nội đã nhượng bộ để đổi lấy sự che chở của Bắc Kinh mà sống còn... đương nhiên là những điều CSVN phải dấu kín. Không công bố thì người ta cũng có thể phỏng đoán là Bắc Kinh chắc chắn đã đặt những điều kiện thắt họng và Hà Nội phải chấp nhận trả giá rất đắt di hại cho đất nước, dân tộc về lâu về dài. Một trong những điều người ta cũng nhìn thấy là Hà Nội đã phải chấp nhận sự lệ thuộc vào Bắc Kinh. Sự lệ thuộc của chế độ này có thể còn khắc nghiệt hơn trong thời kỳ chủ nghĩa cộng sản còn đang thời hưng thịnh rất nhiều. Hiện tượng Ðỗ Mười, Lê Khả Phiêu và mới đây là Nông Ðức Mạnh phải thân chinh sang trình diện Bắc Kinh để được "sắc phong" là những chỉ dấu đầu tiên, dễ thấy nhất của cái thế chư hầu trong nền bang giao giữa CSVN với Trung Quốc.
 

Bang giao Việt-Trung và Hiệp ước thương mại Mỹ-Việt

Ngay sau khi khối Liên Xô tan vỡ, cộng sản đã ý thức được mối nguy cơ sụp nếu không cứu vãn được nền kinh tế để cho người dân có được đôi chút lợi nhuận mà trong thời kỳ áp dụng chủ nghĩa cộng sản trước đó chế độ đã cướp đoạt toàn bộ. Cùng lúc, cộng sản Hà Nội đã phải tung ra chính sách gọi là "đổi mới'; nhưng thực chất là từ bỏ mô thức kinh tế xã hội chủ nghĩa để chạy theo kinh tế thị trường và mở cửa đối với đầu tư quốc tế, đặc biệt là với Hoa Kỳ. Cấp thời, Hà Nội cũng đã chủ động nối lại bang giao với Bắc Kinh. Người ta hiểu được, vào thời điểm đó, Hà Nội ví như người sắp chết đuối vì con thuyền XHCN Liên Xô và Ðông Âu đã bị chìm sâu dưới đáy biển, nên họ quơ quào, vái lạy tứ phương mong sao vớ được cái phao cứu mạng.

Biết rằng tìm cách thiết lập bang giao với Mỹ là một điều rất khó, vì chủ quan mà nói thì nội bộ đảng cộng sản Hà Nội và một phần nào đó trong nhân dân Việt Nam bị sự tuyên truyền của họ, vẫn còn coi Hoa Kỳ là thù nghịch, là "đế quốc xâm lược". Ấn tượng này, đến ngày nay vẫn còn tồn tại, ít là trong một nhóm giáo điều trên thượng tầng lãnh đạo. Mặc dầu vậy, nhưng Hà Nội vẫn phải nhìn nhận là tiềm năng kinh tế của Hoa Kỳ là vượt trội trên thế giới, có khả năng vực lại nền kinh tế èo uột của Việt Nam. Dù sao thì hiện nay Hoa Kỳ cũng được coi như cuờng quốc bá chủ trên thế giới kể cả về mặt kinh tế lẫn quân sự. Bang giao với Mỹ là một ước mơ thầm kín của phần lớn tập đoàn lãnh đạo Cộng Sản Hà Nội. Nó cũng là ước mơ công khai của giới làm ăn buôn bán và của đại bộ phận quần chúng nhân dân. Nói là ước mơ vì không tiện công khai nói ra và cũng còn khó khăn để thực hiện. Người ta ghi nhận, Hà Nội đã đầu tư nhiều nỗ lực vận động gián tiếp qua những nước Âu Châu, hay trực tiếp qua những cựu tù binh Mỹ đã "học tập tốt, cải tạo tốt".

Thiết lập bang giao với Mỹ đã khó và cơ bản thì đã đạt được. Nhưng nối lại bang giao với Trung Cộng tuy cũng đã hoàn thành trên cơ bản nhưng lại tạo ra nhiều khó khăn hơn. Bắc Kinh không tiện công khai biểu lộ, nhưng người ta nhận xét là Bắc Kinh đã không hài lòng với những nỗ lực của Hà Nội nhằm tiếp cận những quốc gia Tây Phương. Có hai lý do chính: một là với bản chất bá quyền, nước lớn trong lúc CSVN đã thần phục; hai là trên bình diện kinh tế thị trường quốc tế, Hà Nội và Trung Quốc sẽ ở vào thế cạnh tranh không nhân nhượng. Chính vì những lý do đó mà sự thiết lập bang giao giữa Hà Nội với Mỹ đã gặp khá nhiều trở ngại. Ðiển hình, người ta thấy rõ nhất sự can thiệp của Trung Quốc trong vụ ký Hiệp Ước Thương Mại với Mỹ.

Như người ta đã biết, lúc CSVN nối lại bang giao với Trung Quốc thì cũng là lúc họ tìm cách thiết lập bang giao với Hoa Kỳ. Sau nhiều nỗ lực vận động qua các chính phủ trung gian và nhiều cuộc thương thuyết, nhất là vào thời điểm đó, vụ "tìm kiếm người Mỹ mất tích" trong chiến tranh Việt Nam đang là vấn đề lớn của Mỹ, vào ngày 28/01/1995, Hoa Thịnh Ðốn và Hà Nội đã ký kết hiệp định thiết lập các "Văn Phòng Liên Lạc" tại thủ đô hai nước. Ðến ngày 08/08/1995, quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã được bước đầu thiết lập. Ðầu năm 1996, hai bên bắt đầu thảo luận về "Quy chế quan hệ mậu dịch bình thường" giữa cộng sản Hà Nội và Hoa Kỳ. Trong các cuộc thương thuyết, phái đoàn Hà Nội, đã do Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Ðình Lương hướng dẫn; và về phía Hoa Kỳ do ông Joe Damond chủ trì. Cũng từ năm đó, tổng thống Mỹ đã hàng năm phải ký sắc lệnh bãi miễn luật Jackson-Vanick cho Hà Nội. Cuộc thương thuyết kéo dài 4 năm trời và vào tháng 7/1999, hai bên đã ký tắt trên các văn kiện của Hiệp Ước. Hiệp Ước này chỉ còn chờ được các nhân vật thẩm quyền của hai chính phủ chính thức ký kết. Việc này đã được dự trù xảy ra nhân cuộc họp thượng đỉnh các nước APEC (Hợp Tác Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương) tại Auckland, Tân Tây Lan và sẽ được chính tổng thống Bill Clinton ký kết với Phan Văn Khải. Vào giờ chót, bỗng nhiên một bức điện từ Việt Nam gửi sang yêu cầu thủ tướng Phan văn Khải không được ký kết mà không đưa ra được lý do nào chính đáng. Hà Nội sau đó chỉ cho biết là cần thảo luận lại vì có nhiều điểm bất công đối với Việt Nam. Theo lời Phan Văn Khải thì Hiệp Ước đã không được Bộ Chính Trị đảng CSVN chấp thuận. Tìm hiểu nguyên nhân thì người ta được biết là thực chất, trong Bộ Chính Trị, chỉ có một người là Ðỗ Mười, lúc đó 82 tuổi, đã dùng quyền phủ quyết. Ðến năm 2000, Hà Nội cố gắng vận động để được ký lại; nhưng vẫn ngoan cố đòi thảo luận lại toàn bộ Hiệp Ước. Hoa Kỳ đã tỏ ra cứng rắn và trả lời thẳng rằng họ từ chối không thảo luận lại những gì đã thảo luận và chỉ giải thích thêm những gì Hà Nội không hiểu mà thôi. Hoa Kỳ cũng cho biết là họ không thể mất thời giờ hơn nữa để cuối cùng, chỉ vì một ý kiến trong Bộ Chính Trị của chế độ có thể phá hỏng hết. Hà Nội phải chấp thuận và Hiệp Ước đã được hai bên chính thức ký kết ngày 12/07/2000.

Công việc tiếp theo là bản Hiệp Ước phải được Quốc Hội của hai nước phê chuẩn. Tại Hoa Kỳ Quốc Hội bao gồm Hạ Nghị Viện và Thượng Nghị Viện. Hạ Viện Hoa Kỳ đã biểu quyết thông qua Hiệp Ước Thương Mại với Việt Nam vào ngày 06/09/2001 như bỏ một cục đường vào miệng Hà Nội, vì nếu Hạ Viện đã thông qua thì ít khi Thượng Viện chống lại. Nhưng hiểm một cái là cùng ngày hôm đó, Hạ Viện cũng thông qua "Ðạo Luật Nhân Quyền Tại Việt Nam" với tuyệt đại đa số, khiến cho Hà Nội phản ứng điên cuồng như cắn phải ớt. Quả như dự đoán, Thượng Viện đã phê chuẩn Hiệp Ước Này. Phía Việt Nam thì Hiệp Ước cũng vừa được Quốc Hội phê chuẩn vào ngày 28/11/01 vừa qua với 278 phiếu thuận, 85 phiếu chống và 17 phiếu trắng. Ngay khi Hiệp Ước vừa được thông qua, CSVN đã vội vã cử hai phái đoàn đi hai nơi khác nhau. Phái đoàn thứ nhất do Nguyễn Tấn Dũng, phó thủ tướng hướng dẫn đi Hoa Kỳ và phái đoàn thứ nhì do Nông Ðức Mạnh hướng dẫn đi Trung Quốc. Theo tin của hãng thông tấn Reuters đánh đi hôm 12/12, qua một buổi lễ trao đổi văn thư tại thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, Hoa Kỳ, hiệp ước thương mại Việt-Mỹ đã bắt đầu có hiệu lực. Vào chiều ngày 10/12, Ðại Diện Mậu Dịch Hoa Kỳ Robert Zoellick và Bộ Trưởng Thương Mại Hà Nội Vũ Khoan đã trao đổi văn thư ký nhận hiệp ước thương mại.

Thế là đã phải trải qua 6 năm trời, từ lúc bắt đầu thương thuyết cho tới lúc trao đổi Hiệp Ước, với bao nhiêu trắc trở chủ quan cũng như khách quan. Dù chẳng ai nói ra, nhưng người ta đã thấy ảnh hưởng to lớn của Bắc Kinh lên chế độ cộng sản Hà Nội trong việc ký hiệp ước này với Hoa Kỳ. Nay hiệp ước đã có hiệu lực. Việt Nam đã nghiễm nhiên trở thành một đối tác với Hoa Kỳ và trở thành một quốc gia cạnh tranh với Trung Quốc trên thị trường to lớn của Mỹ. Tuy sẽ không có tiếng súng ở biên giới, nhưng lãnh vực kinh tế, mậu dịch sẽ trở nên một chiến trường gay go không kém. Chính vì sẽ phải ở vào thế coi nhau là đối phương, nếu không muốn nói là đối nghịch, trên thị trường thế giới và Hoa Kỳ mà Nông Ðức Mạnh, nhân khi sang trình diện vì mới lên ngôi Tổng Bí Thư, sẽ phải trình tấu với Thiên Triều. Không biết rồi trên lãnh vực kinh tế này, nước ta sẽ phải chịu thêm những điều kiện khắc nghiệt nào nữa của Trung Quốc, do CSVN rước về?
 

Các Hiệp Ðịnh về biên giới trên bộ và trên biển

Người ta còn nhớ, ngay từ khi mới chiếm xong lục địa, Mao Trạch Ðông đã nhòm ngó biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Trong bài viết nhan đề "Mốc mới trong quan hệ Việt - Trung" của Vũ Khoan, Ủy viên Trung Ương Ðảng CSVN, nguyên Thứ Trưởng Ngoại Giao và nay là Bộ Trưởng Thương Mại trong Tạp Chí Cộng Sản số 2, 1/2000, có câu: "Sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời (1949), một số lần nước ta và Trung Quốc đã trao đổi ý kiến, đàm phán về vấn đề biên giới trên bộ". Ngay khi vừa "nối lại bang giao với Trung Quốc vào năm 1991 qua Hiệp Ước Hợp Tác Kinh Tế (07/11/1991), người ta thấy, việc đầu tiên Hà Nội xúc tiến ngay là hội đàm với Bắc Kinh về biên giới trên đất liền và trên vịnh Bắc Việt. Kết quả, như Vũ Khoan đã viết, là: "ngày 19/10/1993, hai bên đã ký thỏa thuận về các nguyên tắc giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ, làm kim chỉ nam cho cuộc đàm phán tiếp theo". Vì thế, nếu khẳng định là điều kiện tiên quyết của Bắc Kinh đối với Hà Nội là vấn đề biên giới, thì cũng không xa sự thật là bao nhiêu. Dĩ nhiên là Bắc Kinh ở thế thượng phong nên đã treo giá cao và Hà Nội phải chịu nhiều thua thiệt.

Những cuộc thương thuyết đã kéo dài từ 10 năm nay giữa hai đảng cộng sản với nhau vì thực chất chính phủ là công cụ của đảng và chỉ có nhiệm vụ làm theo đảng, hay nói rõ hơn là làm theo tập đoàn đầu lãnh trong Bộ Chính Trị. Cuối cùng, cũng theo Vũ Khoan, "Ngày 30-12-1999, ngay bên thềm của năm mới, thế kỷ mới và thiên kỷ mới, tại Hà Nội đã diễn ra một sự kiện quan trọng được dư luận cả nước và thế giới quan tâm: đó là Hiệp ước về biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết". Bản hiệp ước này đã được Quốc Hội cộng sản Hà Nội biểu quyết thông qua vào ngày 19/06/2000. Hai bên đã trao đổi hiệp ước được phê chuẩn tại Bắc Kinh vào ngày 06/07/2000 sau đó, và đã trở thành có hiệu lực.

Về lãnh hải trên Vịnh Bắc Việt, Lê Công Phụng, Trưởng phái đoàn thương thuyết, đồng thời cũng là Thứ trưởng ngoại giao của chính quyền cộng sản Hà Nội đã viết một bài nhan đề "Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá giữa Việt Nam - Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ" đăng trong Tạp Chí Cộng Sản số 2, tháng 1/2001. Mở đầu bài viết, Lê Công Phụng loan tin một cách phấn khởi: "Nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch Trần Ðức Lương, ngày 25/12/2000, nước ta và Trung Quốc đã ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ. Lễ ký kết được tổ chức với sự chứng kiến của Chủ tịch Trần Ðức Lương và Chủ tịch Giang Trạch Dân". Hiệp định này chỉ mới được đưa ra đệ trình Quốc Hội hồi cuối tháng 11/2001 vừa qua, tức là gần 1 năm sau. Sự chậm trễ này có thể là vì ngay trong nội bộ đảng viên các cấp đã không đồng ý với những nhượng bộ to lớn của lãnh đạo Hà Nội. Bằng chứng là người ta đã biết đến bức thư của ông Ðỗ Việt Sơn, một đảng viên cộng sản lão thành với 78 tuổi đời và 54 tuổi đảng, gửi những người lãnh đạo cao cấp nhất của đảng CSVN và Nhà Nước yêu cầu Quốc Hội không thông qua "Hiệp định biên giới Việt Trung". Ông cho biết ngay từ tháng 2/2001 ông đã kiến nghị không thông qua hiệp định này vì "đây là một Hiệp định mà phía Việt Nam nhượng bộ quá nhiều. Theo tôi, đó là một sai lầm lớn của Ðảng và Chính phủ mà dân tộc ta chưa triều đại nào chịu nhượng bộ nhiều như thế".

Tiếp theo, 20 cử tri gồm những người trí thức trong và ngoài đảng cũng đã viết một bức thư nội dung tương tự. Một số nhà nghiên cứu đã sưu tầm nhiều tài liệu liên quan đến lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam để tìm hiểu xem Hà Nội đã nhượng bộ những gì. Căn cứ theo những tài liệu đó và những gì Hà Nội đã ký kết với Trung Quốc, Hà Nội đã cắt khoảng 720 km2 trên bộ và 10% diện tích Vịnh Bắc Bộ. Người ta biết, diện tích Vịnh Bắc Việt đo được 123.700 km2. Cắt 10% cho Trung Quốc, Việt Nam đã mất đi 12.370km2!

Dư luận trong và ngoài nước từ hơn một tháng nay đã vô cùng sôi nổi về việc cộng sản Hà Nội đã thông qua các hiệp định vừa kể cắt đất, cắt biển nhượng cho Trung Quốc. Nhiều người đã gọi hành động này là "bán nước". Chính dư luận bất thuận lợi này đã khiến Quốc Hội cộng sản Hà Nội chùn tay. Cũng chính dư luận bất thuận lợi này sẽ khiến cho việc thực thi Hiệp định gặp trở ngại và khiến phật lòng Trung Quốc. Vì vậy chuyến đi của Nông Ðức Mạnh sang triều kiến Bắc Kinh kỳ này còn có mục đích giải thích và trấn an Thiên Triều. Cộng sản Hà Nội đã đặt tay ký kết các hiệp định bán nước này rồi. Dù thế nào họ cũng sẽ phải thi hành mà thôi. Ðọc bản thông cáo chung thì người ta cũng thấy rõ là Trung Quốc rất quan tâm đến các hiệp định này và khó mà Nông Ðức Mạnh và tập đoàn lãnh đạo CSVN có thể cựa quậy được.
 

Bản tuyên bố chung

Sau khi tới Bắc Kinh ngày 30/11/2001, Nông Ðức Mạnh và đoàn tùy tùng cao cấp nhất của đảng và Nhà Nước CSVN đã bệ kiến Giang Trạch Dân vừa là Chủ Tịch Nước, vừa là Tổng Bí Thư đảng cộng sản Trung Quốc. Sau đó, họ đã lục tục tới các dinh các phủ của Lý Bằng, Chu Dung Cơ, Lý Thụy Hoàn, Hồ Cẩm Ðào... Bản Tuyên Bố Chung viết: "Hai bên đã thông báo cho nhau tình hình mỗi Ðảng, mỗi nước..."  Thực chất đây là màn Nông Ðức Mạnh phải báo cáo với Bắc Kinh tình hình của đảng và chế độ CSVN. Bắc Kinh đời nào lại đi phúc trình tình hình đảng cộng sản Trung Quốc cho Việt Nam? Ở một đoạn sau viết tiếp: "chuyến viếng thăm này là một sự kiện trọng đại trong quan hệ hai Ðảng, hai nước vào đầu thế kỷ mới, góp phần quan trọng vào việc tăng cường là làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai Ðảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc trong thế kỷ XXI, và sẽ có ảnh hưởng tích cực và sâu sắc đối với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới". Chỉ qua câu này cũng đủ thấy là Nông Ðức Mạnh bắt buộc phải sang triều kiến. Vì nếu không thì không có hợp tác toàn diện, không có hòa bình và ổn định... Thông thường, trong quan hệ ngoại giao quốc tế, sự hợp tác giữa các quốc gia cũng có giới hạn trên một số lãnh vực và mức độ hợp tác. Hợp tác toàn diện nói trong bản tuyên bố chung này chỉ có nghĩa là một sự lệ thuộc toàn diện của cộng sản Hà Nội vào Trung Quốc.

Như để nhắc nhở những cam kết của tập đoàn lãnh đạo cộng sản Hà Nội từ năm 1991 đến nay, điểm số ba của Tuyên Bố Chung đã đề cập đến những Thông Cáo Chung năm 1991, 1992, 1994, 1995 và các Tuyên Bố Chung năm 1999 và năm 2000. Việc ký Hiệp Ước Biên Giới Trên Ðất Liền, Hiệp Ðịnh Phân Ðịnh Vịnh Bắc Việt cũng được nhắc nhở và nhấn mạnh. Liên quan đến đường hướng của Việt Nam, tài liệu này viết "Hai Ðảng, hai nước đã trao đổi rộng rãi và sâu sắc về những kinh nghiệm đổi mới, cải cách mở cửa, xây dựng Ðảng và quản lý Nhà nước, lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội...". Ðây rõ ràng là một cuộc lên lớp của quan thầy dạy dỗ đàn em, thuộc hạ.

Ðiểm thứ 4, có câu viết "Hai bên quyết tâm kiên trì phương châm chỉ đạo 16 chữ "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai", quán triệt và thực hiện một cách toàn diện mục tiêu và nhiệm vụ đã được nêu rõ trong bản Tuyên Bố Chung về hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới giữa hai nước...". Sự "hợp tác toàn diện" có nghĩa là lệ thuộc mà Hà Nội đã thỏa thuận với Bắc Kinh có thể kéo dài hàng trăm năm.

Ðiểm 5 có chỗ viết "hai bên nhất trí tiếp tục duy trì truyền thống tốt đẹp giao lưu cấp cao giữa hai đảng, hai nước". Câu này cho thấy, Trung Quốc chỉ cần một nhóm lãnh đạo chóp bu là đủ rồi. Họ bất kể đến bên dưới và đến nhân dân.

Bản Tuyên Bố đã dành nguyên đoạn 7 để nói về vấn đề biên giới. Những câu đáng chú ý như sau: "Hai bên nhất trí cho rằng, việc ký Hiệp Ðịnh Biên Giới Trên Ðất Liền, Hiệp Ðịnh Phân Ðịnh Vịnh Bắc Bộ Hiệp Ðịnh Hợp Tác Nghề Cá ở Vịnh Bắc Bộ là sự kiện có ý nghĩa trọng đại, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy phát triển hơn nữa quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước và sự ổn định của khu vực". Hoặc "Hai bên đều không tiến hành các hành động làm phức tạp thêm hoặc mở rộng tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với những bất đồng nảy sinh..."

Tóm lại qua bản Tuyên Bố Chung, người ta có thể thấy được mối bang giao giữa cộng sản Hà Nội và Bắc Kinh là một mối bang giao chư hầu, không hơn, không kém.
 

Kết Luận

Chuyến đi Bắc Kinh của Nông Ðức Mạnh vừa qua đã nói lên cái thế chư hầu của CSVN đối với Trung Quốc. Vì ngoan cố đeo đuổi cái chủ nghĩa lỗi thời để bám lấy chính quyền mà tập đoàn lãnh đạo cộng sản Hà Nội đã cam tâm quỳ lụy Bắc Kinh, họ không ngần ngại cắt nhượng đất đai tổ tiên dày công tạo dựng và bảo vệ cho Trung Quốc. Họ không ngần ngại dâng hiến vùng biển rộng lớn trên Vịnh Bắc Việt. Họ đã công nhận chủ quyền Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa và đã không có nỗ lực giành lại Trường Sa đã bị Trung Quốc cướp đoạt bằng bạo lực quân sự. Sau khi Trung Cộng đã dùng vũ lực thôn tính các hải đảo của Việt Nam, họ đã trắng trợn đưa ra điều khoản số 7 của bản Tuyên Bố Chung, không được sử dụng vũ lực. Thế mà Nông Ðức Mạnh và tập đoàn lãnh đạo cộng sản không dám hé mồm đòi hỏi. Trước Nông Ðức Mạnh, đảng đổ cho Lê Khả Phiêu đã nhượng bộ Trung Quốc. Nhưng theo dõi chuyến đi của Nông Ðức Mạnh vừa qua, người ta có thể khẳng định là toàn bộ tập đoàn lãnh đạo và chính quyền Cộng Sản Hà Nội đều có trách nhiệm vì ở những vị thế cao nhất trong nước mà đã không dám bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ. Trái lại, tập đoàn này còn cắt đất dâng biển cho ngoại bang.

Hành động này quả là hành động bán nước cầu vinh, bán nước để bám lấy ngôi vị, bám lấy chính quyền. Tập đoàn này quả có tội đối với lịch sử và đối với nhân dân Việt Nam. Họ không xứng đáng lãnh đạo đất nước nữa.

Trần Trọng Nghĩa