Vấn-Ðề Chủ-Quyền Ðối với
Hai Quần-Ðảo Hoàng-Sa và Trường-Sa:

Vài Nhận-Xét về Lập Luận của
hai chính-phủ Bắc-Kinh và Ðài-Loan

Tạ-quốc-Tuấn

 

(tiếp theo)

V. Phản-ứng đối với lời tuyên-bố của Tổng-thống Phi-luật-tân về chủ-quyền trên quần-đảo Trường-sa (1971)

Mười hai năm lại trôi qua đi không có dịp nào dể các nhà cầm quyền Bắc-kinh và Ðài-bắc lên tiếng về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa, cho tới năm 1971.

Trong một buổi họp báo tại điện Malacanang(45) ngày 10.7.1971, trước buổi khai-mạc hội-nghị kỳ thứ 6 của Hiệp-hội các Quốc-gia Á-châu và Thái-bình-dương trên cấp bậc Tổng-trưởng tại Manila, Tổng-thống Phi-luật-tân Ferdinand Marcos tố-cáo quân-đội Ðài-loan, lúc đó đang chiếm đóng ở đảo Thái-bình (Itu Aba, hay Ligaw theo tên Phi-luật-tân), đã đặt những ổ trọng-pháo để tăng-cường sự phòng-thủ đảo này và trong một vài trường-hợp đã bắn cảnh-cáo vào những phi-cơ và tàu của Phi-luật-tân đi trinh-sát trong vùng. Ông cũng nói thêm là Hội-đồng An-ninh Quốc-gia Phi-luật-tân trong phiên họp ngày hôm đó đã đồng-thanh cho rằng vì những diễn-biến nhanh-chóng xảy ra trong vùng và vì đảo này ở kế-cận lãnh-thổ Phi-luật-tân nên việc một nước ngoài chiếm đóng ở đây là một mối đe-dọa trầm-trọng cho nền an-ninh của Phi-luật-tân(46). Ngoài ra, ông còn nhắc lại quan-điểm của Phi-luật-tân (đã nói ở đoạn III bên trên) là quần-đảo Trường-sa đang ở trong chế-độ giám-hộ trên thực-tế của các quốc-gia đồng-minh theo Hòa-ước với Nhật-bản ký tại Cựu-kim-sơn ngày 8.9.1951. Trong hòa-ước này Nhật-bản khước-từ mọi quyền, danh-nghĩa và đòi hỏi đối với quần-đảo này. Vẫn theo lời Marcos, vì quần-đảo Trường-sa ở dưới chế-độ giám-hộ, không nước nào có quyền mang quân-đội vào bất cứ hòn-đảo nào trong nhóm quần-đảo này nều không có phép và sự thỏa-thuận của các quốc-gia đồng-minh. Sau hết, ông loan-báo thêm là vì Ðài-loan thiết-lập một đồn binh tại đảo Thái-bình không có phép và sự thỏa-thuận của các quốc-gia đồng-minh nên Phi-luật-tân đã yêu-cầu Chính-phủ Ðài-bắc rút quân-đội khỏi nơi này.

Lời tuyên-bố cùa Marcos đã gây ra phản-ứng tại nhiều quốc-gia. Vài ngày sau khi có lới tuyên-bố này, các Chính-phủ Anh và Hòa-lan loan-báo hai nước khước-từ quyền giám-hộ trên quần-đảo Trường-sa(47). Chính-phủ Việt-nam Cộng-hòa, qua lời tuyên-bố của Ngoại-trưởng Trần-văn-Lắm ngày 13.7.1971, tái khẳng-định chủ-quyền của Việt-nam trên quần-đảo Trường-sa mà các dữ-kiện lịch-sử và pháp-lý chứng tỏ là thuộc về Việt-nam, ít nhất là từ thế-kỷ thứ 18. Ông cũng nhắc lại lời tuyên-bố của cựu Thủ-tướng kiêm Ngoại-trưởng Trần-văn-Hữu tại Hoà-hội Cựu-kim-sơn ngày 7.9.1951 (đã nói ở phần II bên trên).

Về phần Ðài-loan, Ngoại-trưởng Châu Thư-giai đã tuyên-bố rằng quần-đảo Nam-sa từ thời xa xưa vẫn thuộc về Trung-hoa và quân-đội Ðài-loan đã chiếm đóng quần-đảo này hơn 20 năm qua. Sau đó ông đã hội-đàm với Ngoại-trưởng Phi-luật-tân Carlos Romulo, nhưng nội-dung không được tiết-lộ.

Ðáng tiếc là Châu ngoại-trưởng đã không đưa ra một chi-tiết hay một thí-dụ nào để chứng-minh chủ-quyền của Trung-quốc đối với quần-đảo này "từ thời xa-xưa" và cũng không cho biết là "thời xa xưa" ấy là từ bao giờ. Chúng tôi xin mở dấu ngoặc ở đây để nói thêm là Ðài-loan đã cho leo thang thời-gian chủ-quyền. Trong lần phản-ứng năm 1956 (nói ở phần II bên trên), Ðài-loan nói là Trung-quốc có chủ-quyền trên hai quần-đảo này từ thế-kỷ thứ 15, nay lại đổi thành từ thời xa-xưa. Hơn nữa, ông lại cố-tình che dấu tính-cách bất-hợp-pháp của việc Quốc-quân Ðài-loan chiếm đóng ở đây như chúng tôi đã trình-bày trong đoạn II bên trên.

Mặt khác, trong vụ này nhà cầm quyền Bắc-kinh đã không chính-thức lên tiếng mà chỉ cho phép hãng thông-tấn nhà nước là Tân Hoa-xã phổ-biến ngày 16.7.1971 một bài nhan-đề là "Philippine Authorities Openly Violate China's Territorial Sovereignty by Occupying Islands of China's Nansha Islands" (Nhà Cầm Quyền Phi-luật-tân Công-khai Vi-phạm Chủ-quyền Lãnh-thổ của Trung-quốc Bằng Cách Chiếm đóng Các Ðảo thuộc Quần-đảo Nam-sa của Trung-quốc), để lên án việc Phi-luật-tân phái quân tới chiếm đóng vài hòn đảo trong quần-đảo Nam-sa, cho "đó là một biến-cố trầm-trọng của một sự vi-phạm trắng-trợn chủ-quyền lãnh-thổ của Trung-quốc của nhà cầm quyền Phi-luật-tân trong lúc theo đuổi chính-sách xâm-lược và mưu-đồ chiến-tranh ở Á-châu của đế-quốc Mỹ." Bài này nói là:

"Quần-đảo Nam-sa gồm đảo Thái-bình, đảo Nam-uy, đảo Trung-nghiệp, đảo Mã-hoan và nhiều cù-lao khác ở Nam-hải. Những đảo này lúc nào cũng là phần lãnh-thổ của Trung-quốc. Nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa có quyền bất khả tranh-nghị và hợp-pháp trên những đảo này. Mặc dù quần-đảo Nam-sa đã có lần rơi vào tay đế-quốc Nhật-bản sau khi nước này tung ra trận chiến-tranh xâm-lăng, khi Nhật-bản đầu hàng Chính-phủ Trung-hoa lúc bấy giờ đã thu-hồi lại quần-đảo này.(48)

Sau khi nhắc lại các lời tuyên-bố ngày 15.8.151 của Châu Ân-lai và ngày 29.5.1956 của phát-ngôn viên Bộ Ngoại-giao Trung-Cộng là "tuyệt-đối không nước nào được phép vi-phạm chủ-quyền hợp-pháp của Trung-quốc trên quần-đảo Nam-sa vì bất cứ lý-do nào và dưới bất cứ hình-thức nào", bài của Tân Hoa-xã còn cảnh-cáo:

"Chính-phủ và nhân-dân Trung-hoa tuyệt-đối không thể nào dung-thứ việc chính-phủ Phi-luật-tân công-khai vi-phạm chủ-quyền lãnh-thổ của Trung-quốc. Chính-phủ Phi-luật-tân phải ngưng ngay việc vi-phạm chủ-quyền lãnh-thổ của Trung-quốc và rút nhân-viên ra khỏi quần-đảo Nam-sa."(49)

Ðiểm đáng chú-ý là bài này làm ngơ không đả-động gì đến việc Ðài-loan chiếm đóng đảo Thái-bình và tuyên-bố chủ-quyền của Trung-quốc trên quần-đảo Trường-sa.

Một lần nữa, Trung-Cộng, giống Ðài-loan, không đưa ra được bằng-chứng nào mà chỉ nói vu-vơ là quần-đảo Trường-sa thuộc về Trung-quốc thôi.
 

VI. Luận-cứ nêu ra trong vụ đụng-độ hải-quân với Việt-nam Cộng-hòa (1974)

Vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa bước sang một giai-đoạn mới vào tháng giêng năm 1974, lần này đưa đến việc giải-quyết bằng vũ-lực qua một cuộc đụng-độ hải-quân công-khai và trực-tiếp giữa Việt-nam Cộng-hòa và Trung-Cộng tại quần-đảo Hoàng-sa. Vì là một nước rất nhỏ bé, về địa-dư cũng như về nhân-số, so với Trung-Cộng, vì không được sự giúp đỡ tận-tình của các quốc-gia tự nhận là đồng-minh, vì bị thế-giới làm ngơ và vì kiệt sức trước cuộc chiến-tranh trong nước đã kéo dài ngót 30 năm, Việt-nam Cộng-hòa chỉ chống lại Trung-Cộng được có hai ngày để rồi cuối cùng nhìn thấy quần-đảo Hoàng-sa rơi vào tay Trung-Cộng mà hậu-quả còn kéo dài tới ngày nay.

Biến-cố này xảy ra sau khi Chính-phủ Việt-nam Cộng-hòa đã quyết-định sáp-nhập quần-đảo Trường-sa vào xã Phước-hải, quận Ðất Ðỏ, tỉnh Phước-tuy, ngày 6.9.1973(50).

Ðây không phải là lần đầu tiên có sự sáp-nhập hai quần-đảo Hoàng-sa và quần-đảo Trường-sa vào các đơn-vị hành-chính nội-địa ở Việt-nam. Thực vậy, trong thời Pháp-thuộc, ngày 21.12.1933 quần-đảo Trường-sa đã được sáp-nhập vào địa-phận tỉnh Bà-rịa(51) và ngày 30.3.1938 quần-đảo Hoàng-sa được sáp-nhập vào tỉnh Thừa-thiên(52). Từ khi Việt-nam giành được độc-lập khỏi tay thực-dân Pháp, quần-đảo Hoàng-sa dược tổ-chức thành xã Ðịnh-hải, do một phái-viên hành-chính cai-trị và trực-thuộc quận Hoà-vang, tỉnh Quảng-nam ngày 13.7.1961(53), rồi đến ngày 21.10.1969 xã Ðịnh-hải (tức quần-đảo Hoàng-sa) sáp-nhập vào xã Hòa-long cùng quận Hòa-vang, tỉnh Quảng-nam(54); còn quần-đảo Trường-sa được đặt thuộc tỉnh Phước-tuy (tên mới của tỉnh Bà-rịa) ngày 22.10.1956(55). Nghị-định ngày 6.9.1973 chỉ đổi quận trực-tiếp quản-trị quần-đảo Trường-sa.

Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy là trong các việc sáp-nhập hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa trước đây các chính-phủ Trung-hoa không hề lên tiếng phản-đối gì cả. Chỉ đến lần cuối cùng, năm 1973, thì cả Bắc-kinh lẫn Ðài-loan mới có phản-ứng.
 

A. Phản-ứng của Trung-Cộng

1. Tuyên-bố ngày 1.1.1974

Ðiều chúng ta không hiểu rõ là vì lý-do gì mà mãi hơn 4 tháng sau khi có việc sáp-nhập quần-đảo Trường-sa vào quận Ðất Ðỏ Bắc-kinh mới có phản-ứng.

Ngày 11.1.1974 Bộ Ngoại-giao Trung-Cộng đã ra một bản tuyên-bố(56), mở đầu như sau:

"Cách đây không lâu, nhà cầm quyền Sài-gòn ở Nam-Việt đã trắng-trợn loan báo đặt hơn mười đảo thuộc quần-đảo Nam-sa của Trung-quốc, kể cả Nam-uy và Thái-bình, dưới quyền quản-trị của tỉnh Phước-tuy ở Nam-Việt. Ðây là một sự xâm-phạm điên-cuồng đến sự toàn-vẹn lãnh-thổ và chủ-quyền của Trung-quốc."

Sau khi nhắc lại lời tuyên-bố đã từng được nói tới nhiều lần là "cũng giống như các quần-đảo Tây-sa, Trung-sa và Ðông-sa, quần-đảo Nam-sa luôn luôn là lãnh-thổ của Trung-quốc," bản tuyên-bố đã tố-cáo đây không phải là lần đầu Việt-nam Cộng-hòa đã có hành-động như vậy:

"Trong những năm gần đây nhà cầm quyền Sài-gòn đã gia-tăng xâm-chiếm vài hòn đảo trong quần-đảo Nam-sa và Tây-sa, trong nhiều trường-hợp đã ồn-ào đòi chủ-quyền trên hai quần-đảo này, ngay cả dựng các "bia chủ-quyền" trên đó. Giờ đây nhà cầm quyền Sài-gòn lại đi thêm bước nữa, công-khai sáp-nhập hơn mười đảo, kể cả đảo Nam-uy và Thái-bình, vào ranh-giới của mình. Hành-động này tạo nên một bước mới nhằm nắm vĩnh-viễn quần-đảo Nam-sa của Trung-quốc."

Ðoạn bản tuyên-bố nhắc lại lập-trường cũ của Trung-Cộng:

"Chính-phủ nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa nhắc lại ở đây rằng các quần-đảo Nam-sa, Tây-sa, Trung-sa và Ðông-sa tất cả đều là phần của lãnh-thổ Trung-quốc. Nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa có chủ-quyền bất-khả tranh-nghị trên những quần-đảo này."

Sau hết bản tuyên-bố đã kết-luận bằng cách phủ-nhận giá-trị hành-động của Việt-nam Cộng-hòa.

"Quyết-định của nhà cầm quyền Sài-gòn đem sáp-nhập đảo Nam-uy, Thái-bình và các đảo khác ở quần-đảo Nam-sa vào Nam-Việt là bất-hợp-pháp và vô-hiệu-lực. Chính-phủ Trung-hoa sẽ không bao giờ dung-thứ việc xâm-phạm đến sự vẹn-toàn lãnh-thổ và chủ-quyền nào do nhà cầm quyền Sài-gòn gây ra."

Bản tuyên-bố ngày 11.1.1974 này vẫn không đưa ra bằng-chứng nào để chứng-minh hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa thuộc về Trung-quốc. Tuy nhiên, bản tuyên-bố đó có mấy điểm đáng cho chúng ta chú-ý.

  • Thứ nhất, không giống các lần tuyên-bố trước, lần tuyên-bố này có giọng điệu gay-gắt hơn ("trắng-trợn loan báo," "xâm-phạm điên-cuồng," "ồn-ào đòi chủ-quyền") như báo-hiệu trước những biện-pháp mạnh của Trung-Cộng sẽ dùng tới.
     
  • Thứ hai, trong những bản tuyên-bố trước Trung-Cộng chỉ nói đến việc các nước vi-phạm chủ-quyền lãnh-thổ của Trung-quốc thôi, lần này Trung-Cộng lại vu-cáo Việt-nam Cộng-hòa gia-tăng xâm-chiếm hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa trong mưu-đồ nắm vĩnh-viễn hai quần-đảo này. Sự vu-cáo đó dường như nhằm đánh lạc hướng dư-luận quốc-tế, qui tội xâm-lăng cho Việt-nam Cộng-hòa trước, để cho việc đánh chiếm hai quần-đảo này của Trung-Cộng trở nên hợp-pháp, nghĩa là muốn chứng-minh Trung-Cộng chỉ dùng võ-lực để bảo-vệ lãnh-thổ, chủ-quyền của mình thôi. Nhận-xét này đã được chứng-minh rõ-ràng sau ngày 19 và 20.1.1974. Khi Trung-Cộng cưỡng-chiếm quần-đảo Hoàng-sa, thế-giới đã hoàn-toàn im-lặng, không một nước nào lên tiếng. Ngay cả Liên-hiệp-quốc, một tổ-chức quốc-tế có bổn-phận duy-trì an-ninh thế-giới, cũng giữ thái-độ im-lặng khó hiểu. Ngoài ra, sau biến-cố này Việt-nam Cộng-hòa tính đưa nội-vụ ra trước Liên-hiệp-quốc và chuẩn-bị hồ-sơ kiện tại Toà Án Quốc-tế, nhưng một số nước vẫn nhận là đồng-minh của Việt-nam Cộng-hòa đã tìm cách ngăn-cản để cho Việt-nam Cộng-hòa không thể làm được việc này. Ðấy là chưa kể vào thời-gian xảy ra vụ Trung-Cộng cưỡng-chiếm quần-đảo Hoàng-sa. Ðệ Thất Hạm-đội của Hoa-kỳ đang tuần-tiễu và hoạt-động ở quanh vùng biển Ðông, gọi là để bảo-vệ Việt-nam Cộng-hòa, cũng không có một phản-ứng nào trước hành-động của Trung-Cộng.
     
  • Thứ ba, từ năm 1956 trở đi, mỗi khi nói đến chủ-quyền của Trung-quốc trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa, Trung-Cộng bao giờ cũng dùng từ "chủ-quyền bất-khả tranh-nghị và hợp-pháp" hay "chủ-quyền hợp-pháp". Tuy nhiên trong lần tuyên-bố ngày 11.1.1974 này -- và cả những lần sau đó, như chúng ta sẽ thấy -- Trung-Cộng chỉ nói tới "chủ-quyền bất-khả tranh-nghị" hay "chủ-quyền bất-khả xâm-phạm" thôi và hoàn-toàn không dùng từ "hợp-pháp" nữa. Có lẽ Trung-Cộng đã yên-chí là thế-giới đã mắc phải bả của mình rồi nên thấy không cần dùng từ này nữa!
     
  • Thứ tư, lần đầu tiên Trung-Cộng đã công-khai bộc-lộ rõ nguyên-nhân thầm-kín thúc-đẩy việc tranh-chấp chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa: đó là nguồn tài-nguyên thiên-nhiên ở vùng này. Thực vậy, bản tuyên-bố ngày 11.1.1974 có câu:

"Các tài-nguyên thiên-nhiên trong các vùng biển quanh các quần-đảo này cũng thuộc về Trung-quốc."

Ðiểm đáng chú-ý ở đây là sự sử-dụng chữ của Trung-Cộng. Bản tuyên-bố không nói là những tài-nguyên thiên-nhiên trên càc quần-đảo này mà lại nói tới "những tài-nguyên thiên-nhiên trong các vùng biển quanh các quần-đảo này" cũng thuộc về Trung-quốc. Như vậy, Trung-Cộng cố đòi cho kỳ được chủ-quyền đối với Hoàng-sa và Trường-sa không phải chỉ vì chỗ phân chim, phốt-phát hay các tài-nguyên khác tìm thấy trên hai quần-đảo mà chính là nhằm vào những túi dầu có ở quanh hai quần-đảo đương-tranh. Ðây mới là động-lực chính thúc-đẩy Trung-cộng ra tay hành-động mạnh.

Tưởng cũng cần nhắc lại là Trung-Cộng chỉ lên tiếng với các lời lẽ gay-gắt hơn và sau này đi đến hình-thức tranh-chấp cực-đoan hơn bằng cách dùng đến võ-lực để chiếm quần-đảo Hoàng-sa, sau khi mấy công-ty dầu ngoại-quốc đã ký giao-kèo khai-thác dầu ở ngoài khơi Việt-nam với chính-phủ Việt-nam Cộng-hòa. Giả thử quanh hai quần-đảo này không có các túi dầu quan-trọng thì chưa chắc Trung-Cộng đã làm gì, có lẽ vẫn giữ nguyên thái-độ cũ là chỉ tuyên-bố, đe-dọa suông như mọi lần, chứ không đánh chiếm quần-đảo Hoàng-sa. Vì vậy chúng ta có thể đề-quyết không sợ bị sai-lầm là chính vì các túi dầu của Việt-nam Cộng-hòa mà Trung-Cộng đã ra tay.
 

2. Tuyên-bố ngày 20.1.1974

Tuy nhiên bản tuyên-bố ngày 11.1.1974 mới chỉ là màn giáo đầu. Tám ngày sau đã xảy ra một cuộc hải-chiến hai ngày 19 và 20.1.1974 tại vùng quần-đảo Hoàng-sa giữa Việt-nam Cộng-hòa và Trung-Cộng. Ðiều chúng ta thắc-mắc là không hiểu tại sao Trung-Cộng không chọn quần-đảo Trường-sa để ra tay mà lại chọn quần-đảo Hoàng-sa. Phải chăng vì quần-đảo này ở gần hải-phận của Việt-nam Dân-chủ Cộng-hòa (Bắc-Việt) hơn nên các cuộc hành-quân của Trung-Cộng không bị trở-ngại và còn được Bắc-Việt chống lưng cho hơn là một cuộc hành-quân ở quần-đảo Trường-sa nằm mãi sâu xuống phía nam và gần hải-phận của Việt-nam Cộng-hòa?

Sau khi có trận hải-chiến ở vùng Hoàng-sa ngày 20.1.1974 Bộ Ngoại-giao Trung-Cộng đã tung ra một bản tuyên-bố khác(57). Bản tuyên-bố này rất quan-trọng vì đã đề-cập tới một số dữ-kiện không hề nói tới trong những bản tuyên-bố khác. Chúng ta sẽ lần-lượt cứu-xét những dữ-kiện đó.

Trước hết, theo đường lối vu-khống cố-hữu của Trung-Cộng, bản tuyên-bố ngày 20.1.1974 đã che dấu sự thật và vu-cáo là hải-quân và không-quânViệt-nam Cộng-hòa đã có hành-động trước như là tấn-công các ngư-thuyền của Trung-Cộng và chiếm hai đảo trong quần-đảo Hoàng-sa ngày 15.1.1974, tấn-công các đảo khác ngày 19.1.1974 và bắn vào các chiến-hạm Trung-Cộng đang đi tuần-tiễu. Rồi để biện-minh hành-động quân-sự của mình, nhà cầm quyền Trung-Cộng đã tuyên-bố:

"Vì bị đẩy tới quá mức chịu-đựng nên các đơn-vị hải-quân, ngư-dân và dân-binh của chúng ta [tức là của Trung-Cộng] mới anh-dũng chống trả để tự-vệ và để trừng-phạt đích-đáng quân địch xâm-lăng."

Sau khi vu-cáo "nhà cầm quyền Sài-gòn ở Nam-Việt đã từ lâu định xâm-chiếm hai quần-đảo Tây-sa và Nam-sa của Trung-quốc" và nhắc lại việc Việt-nam Cộng-hòa sáp-nhập hơn mười đảo thuộc quần-đảo Trường-sa như đã nói tới trong bản tuyên-bố ngày 11.1.1974, Bộ Ngoại-giao Bắc-kinh đã lên án là Việt-nam Cộng-hòa "giờ đây còn trắng-trợn khiêu-khích Trung-quốc về quân-sự và chiếm lãnh-thổ của Trung-quốc bằng võ-lực. Ðó là điều táo gan đến cùng-cực."

Nói cách khác, bản tuyên-bố này cố vẽ một Việt-nam Cộng-hòa hiếu-chiến, đã có những hành-động gấy-hấn trước và một Trung-Cộng hiếu-hòa, chỉ ra tay hành-động khi không thể chịu đựng sự khiêu-khích và xâm-lăng của Việt-nam Cộng-hòa được nữa. Mục-đích của lời vu-cáo này hiển-nhiên là nhằm vào dư-luận thế-giới nói chung và Hoa-kỳ nói riêng hầu chặn trước không cho một nước nào phản-đối Trung-Cộng đã vi-phạm Hiến-chương Liên-hiệp-quốc, mà Trung-Cộng là một hội-viên trước đó ba năm, bằng việc cưỡng-chiếm quần-đảo Hoàng-sa. Về điểm này Trung-Cộng đã thành-công. Không một nước nào trong Liên-hiệp-quốc đã lên tiếng cả.

Bản tuyên-bố còn phê-bình các hành-động của Việt-nam Cộng-hòa là:

"Ðồng-thời với việc xâm-nhập võ-trang vào lãnh-thổ Trung-quốc, nhà cầm quyền Sài-gòn lại còn dùng đến chiến-thuật 'kẻ có tội đâm đơn kiện trước,' bịa-đặt là Trung-quốc 'đột-nhiên thách-thức' chủ-quyền của chúng trên quần-đảo Tây-sa nhằm cố-gắng làm rối-loạn dư-luận quần-chúng và lại còn khẳng-định là Sài-gòn hoàn-toàn có chủ-quyền trên quần-đảo Tây-sa và không một quốc-gia nào tham-dự Hội-nghị Cựu-kim-sơn năm 1951 lại phản-đối việc chúng đòi chủ-quyền."

Tới đây Bộ Ngoại-giao Bắc-kinh nhắc lại lời tuyên-bố cố-hữu là: "Như mọi người đều biết, quần-đảo Tây-sa cũng như các quần-đảo Nam-sa, Trung-sa và Ðông-sa luôn luôn là lãnh-thổ của Trung-quốc." Ðiểm đáng nói ở đây là sau khi tuyên-bố chủ-quyền này là "một sự thực bất-khả tranh-nghị" bản tuyên-bố của Bắc-kinh đã gài thêm một câu là "mọi người Trung-hoa đều chủ-trương như vậy."

Câu này nhằm chặn họng trước Ðài-loan để đề-phòng trường-hợp Ðài-loan, vì nhu-cầu muốn duy-trì sự giao-hảo với Việt-nam Cộng-hòa vào lúc các quốc-gia khác dần-dần bỏ rơi Ðài-loan sau khi Trung-Cộng được gia-nhập Liên-hiệp-quốc năm 1971 và đang được Hoa-kỳ o-bế, và vì vốn có cừu-thù với Trung-Cộng, coi việc gì Trung-Cộng làm cũng là trái với quyền-lợi của Trung-quốc, quay ra chống-đối hành-động cưỡng-chiếm Hoàng-sa của Trung-Cộng, khiến cho Ðài-loan không thể làm gì khác được. Hơn nữa, câu này còn có ý thách-thức Ðài-loan có dám đi ngược lại với quyền-lợi của Trung-quốc không.

Về điểm này Trung-Cộng cũng đã thành-công. Ðài-loan không những đã phụ-họa với Trung-Cộng trong việc đòi chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa mà lại còn phái thêm quân đến chiếm đóng vài hòn đảo thuộc quần-đảo Trường-sa của Việt-nam Cộng-hòa để sẵn-sàng chống lại khi cần.

Mặt khác, trái với các tuyên-bố trước đây chỉ đề-cập tới việc quần-đảo Hoàng-sa (và cả Trường-sa) bị Nhật-bàn chiếm đóng trong thời Thế-chiến thứ II và sau đó Chính-phủ Trung-hoa Dân-quốc đã thu-hồi lại, lần này bản tuyên-bố ngày 20.1.1974 đưa ra một chi-tiết tuy không mới lạ đối với Việt-nam nhưng lại mới đối với các người ngoại-cuộc: đó là việc Pháp chiếm đóng quần-đảo Hoàng-sa.

"Mặc dù vài hòn đảo thuộc quần-đảo Tây-sa có một thời-kỳ trước Thế-chiến thứ II đã bị Pháp chiếm đóng và sau đó đến lượt Nhật-bản, nhưng sau Thế-chiến, quần-đảo Tây-sa cũng như các đảo khác trong Nam-hải đã được Chính-phủ Trung-hoa lúc bấy giờ chính-thức thu-hồi."

Chúng ta tự hỏi tại sao Trung-Cộng lần này lại đề-cập tới việc Pháp chiếm đóng quần-đảo Hoàng-sa? Câu hỏi này thật khó trả lời.

Nếu bảo rằng đó chỉ là để đáp lại lời tuyên-bố của Việt-nam Cộng-hòa ngày 12.1.1974 và 16.1.1974 trong đó đã nêu việc trong thời-gian Việt-nam bị Pháp đô-hộ (1862-1945) "nhân-danh vương-quốc Việt-nam, Chánh-phủ Pháp đã thực-hiện việc chiếm-cứ chính-thức đảo Hoàng-sa"(58) và đặt "quần-đảo Hoàng-sa thành đơn-vị hành-chánh sáp-nhập vào tỉnh Thừa-thiên" cùng "thiết-lập hai đơn-vị hành-chánh tại quần-đảo Hoàng-sa là đơn-vị Croissant và đơn-vị Amphytrite"(59) để chứng-minh chủ-quyền của Việt-nam trên quần-đảo thì lập-luận này không đúng. Tại sao? Ðây không phải là lần đầu tiên Việt-nam Cộng-hòa đã đưa ra bằng-chứng này. Thực vậy, suốt từ khi có Hòa-hội Cựu-kim-sơn năm 1951, và nhất là từ năm 1956, trở đi, Việt-nam Cộng-hòa đã nhiều lần nhắc tới việc Pháp đã nhân-danh Việt-nam chiếm-hữu hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa để chứng-minh chủ-quyền của mình. Lại nữa, trong vụ Phi-luật-tân đòi chủ-quyền trên quần-đảo Trường-sa năm 1976 (đã nói ở đoạn III bên trên), (mất đoạn???) xử-lý Thường-vụ Tòa Ðại-sứ Pháp tại Manila ngày 9.6.1956 đã thông-báo cho Bộ Ngoại-giao Phi-luật-tân về việc Pháp chiếm-hữu hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa(60). Như vậy không phải là Trung-Cộng không biết đến việc Pháp chiếm-hữu hai quần đảo.

Câu hỏi là tại sao trong mọi lần trước Trung-Cộng không đả-động gì đến sự-kiện này mà nay lại nhắc tới? Phải chăng đó là vì Trung-Cộng muốn leo thang việc chứng-minh chủ-quyền của Trung-quốc trên quần-đảo đương-tranh có từ trước Thế-chiến thứ II nhưng đã bị Pháp chiếm mất? Không chắc như vậy. Một luận-cứ kiểu này không thể nào đánh đổ được luận-cứ của Việt-nam Cộng-hòa về tính-cách hợp-pháp của chủ-quyền của Việt-nam Cộng-hòa trên quần-đào này cũng như trên quần-đảo Trường-sa, và cũng không thể nào chứng-minh được chủ-quyền của Trung-Cộng. Vả lại, nếu đúng vì mục-đích này thì tại sao trong các lần tuyên-bố trước Trung-Cộng không hề nêu yếu-tố Pháp ra, mà chỉ nói tới yếu-tố Nhật-bản chiếm đóng Hoàng-sa và Trường-sa thôi?

Hay là vì những lần trước Trung-Cộng đã không biết đến yếu-tố Pháp này? Càng không đúng nữa vì các tuyên-bố của Việt-nam Cộng-hòa về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa từ 1951 đến nay luôn luôn đề-cập tới yếu-tố Pháp. Chắc-chắn Trung-Cộng đã nghiên-cứu kỹ-lưỡng các tuyên-bố của Việt-nam Cộng-hòa. Vì thế không có lý-do gì để tin được là Trung-Cộng đã không biết đến yếu-tố này.

Cũng không thể cho rằng Trung-Cộng đã coi thường yếu-tố này. Không một nhà hoạch-định chính-sách của một quốc-gia nào có thể và có quyền coi thường bất cứ một chi-tiết nào, dù là cỏn-con, để có ảnh-hưởng tai-hại cho quốc-gia. Ðiều này lại càng đúng hơn nữa đối với Cộng-sản nói chung và Trung-Cộng nói riêng, vốn có thói quen "cái tóc chẻ tư" trong việc nghiên-cứu bất cứ vấn-đề nào.

Mặt khác, trong bản tuyên-bố ngày 20.1.1974 này Trung-Cộng đã chú-trọng đến bản-chất và giá-trị cái mà họ gọi là sự thu-hồi hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa của Chính-phủ Trung-hoa sau khi Thế-chiến thứ II chấm dứt. Các bản tuyên-bố trước chỉ nói là "Chính-phủ Trung-hoa lúc bấy giờ đã thu-hồi" hai quần-đảo thôi. Lần này bản tuyên-bố đi xa hơn bằng cách thêm trạng-từ "chính-thức" để làm nổi bật giá-trị hành-vi của Trung-Cộng và đồng-thời để biện-minh sự đòi hỏi chủ-quyền của mình.

Hơn nữa, sau khi lập lại lời tuyên-bố ngày 15.8.1951 của Châu Ân-lai như mọi lần trước, bản tuyên-bố ngày 20.1.1974, để biện-hộ cho việc cưỡng-chiếm quần-đảo Hoàng-sa của mình, đã viện-dẫn đến chiêu-bài là:

"Trung-quốc là một quốc-gia xã-hội chủ-nghĩa. Chúng tôi không bao giờ chiếm đóng lãnh-thổ của nước khác, nhưng chúng tôi cũng sẽ không để cho các nước khác chiếm đóng lãnh-thổ của chúng tôi."

Ngoài ra, làm như có sự đồng-nhất quan-niệm và chính-sách của nhà cầm quyền Cấm-thành và nhân-dân Trung-quốc trong mọi việc, bản tuyên-bố này còn gài thêm một câu là:

"Ðể bảo-vệ sự toàn-vẹn lãnh-thổ và chủ-quyền của Trung-quốc, Chính-phủ và nhân-dân Trung-hoa có quyền làm mọi hành-vi cần-thiết để tự-vệ."

Trước đây các lãnh-tụ Trung-Cộng chỉ nói đến chính-phủ không thôi. Từ bản tuyên-bố này trở đi nhân-dân Trung-quốc được chính-quyền Bắc-kinh đoái-hoài tới trong vụ tranh-chấp chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa.

Sau hết, bản tuyên-bố ngày 20.1.1974 lại một lần nữa đã cố tô vẽ một Việt-nam Cộng-hòa hiếu-chiến dám chống-đối một lân-bang khổng-lồ bằng cách đòi "Nhà cầm quyền Sài-gòn phải ngưng ngay lập-tức mọi khiêu-khích quân-sự chống Trung-quốc" với mục-đích chứng-minh cho thế-giới biết rằng chỉ có Trung-Cộng mới hiếu-hòa thôi. Bản tuyên-bố kết-thúc bằng một sự đe-dọa quen-thuộc: "Nếu không, họ sẽ phải chịu mọi hậu-quả do các hoạt-động này gây nên."
 

3. Bài tường-thuật nội-vụ trận hải-chiến tại Hoàng-sa

Cùng lúc với bản tuyên-bố ngày 20.1.1974 trên, guồng máy tuyên-truyền của Trung-Cộng đã cho phổ-biến một bài tường-thuật nội-vụ cuộc hải-chiến nhan-đề "Saigon Authorities Invade China's Hsisha Islands and Provoke Armed Conflicts"(61).

Bài tường-thuật này bổ-túc bản tuyên-bố nói trên. Nó đã xuyên-tạc mọi chi-tiết, bóp méo hay thổi phồng các dữ-kiện hay sự-kiện trong một mục-đích chung là tô vẽ hai hình-ảnh. Một hình-ảnh Việt-nam Cộng-hòa hiếu-chiến đã "trắng-trợn xâm-phạm sự toàn-vẹn lãnh-thổ và chủ-quyền của Trung-quốc cùng là điên-cuồng khiêu-khích nhân-dân Trung-hoa," với những hành-động nào là "mặt dạn mày dày phái chiến-thuyền và phi-cơ xâm-nhập lãnh-hải và lãnh-không của Trung-quốc ở chung quanh và phía trên quần-đảo Tây-sa, cưỡng-chiếm quần-đảo của Trung-quốc và nổ súng bắn vào các ngư-dân Trung-hoa đang làm công-tác sản-xuất và vào hải-hạm Trung-hoa đang đi tuần-tiễu theo thường-lệ," nào là "khuấy-rối và phá-hoại ngư-thuyền Trung-hoa... đang làm công-tác sản-xuất ở gần đảo Cam-tuyền, bắn lên đảo có treo quốc-kỳ của nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa và vô-lý ép ngư-thuyền Trung-hoa phải rời hải-vực của mình," nào là "chiếm đảo Cam-tuyền và om-sòm hạ quốc-kỳ của Trung-hoa ở đó," nào là "đâm vào các ngư-thuyền Trung-hoa một cách tàn-bạo và vô-lý," nào là "tiếp-tục gia-tăng khiêu-khích và không thèm để ý đến những lời cảnh-cáo liên-tiếp của Trung-quốc," nào là "bắn chết và gây trọng-thương cho một số [ngư-dân Trung-hoa]," nào là "dội bom san bằng đảo," v.v... Hình-ảnh khác là một Trung-Cộng hiếu-hòa, với những hành-động như là "đấu-tranh chính-đáng bằng cách lý-luận với họ [tức là quân-sĩ Việt-nam Cộng-hòa] và yêu-cầu họ rời khỏi lãnh-thổ của Trung-quốc," rồi chỉ chống trả lại khi "bị dồn-ép đến quá mức chịu-đựng""để tự-vệ."

Bài tường-thuật còn nhắc lại lời vu-cáo là "Nhà cầm quyền Sài-gòn ở Nam-Việt đã từ lâu nuôi ý-đồ thôn-tính các hòn-đảo của Trung-quốc ở Nam-hải và đã chiếm-đóng một cách bất-hợp-pháp một vài hòn đảo thuộc quần-đảo Nam-sa và Tây-sa của Trung-quốc" và bản tuyên-bố ngày 11.1.1974 của phát-ngôn-viên bộ Ngoại-giao Trung-Cộng đã "nghiêm-khắc lên án sự xâm-lấn vô-luân của nhà cầm quyền Sài-gòn vào sự toàn-vẹn lảnh-thổ và chủ-quyền của Trung-quốc và tái khẳng-định là Trung-quốc có chủ-quyền bất-khả tranh-nghị trên các quần-đảo Nam-sa, Tây-sa, Trung-sa và Ðông-sa." Tuy nhiên, vẫn theo bài tường-thuật, "dù chính-phủ Trung-hoa đã liên-tiếp cảnh-cáo, chúng [tức là Việt-nam Cộng-hòa] vẫn phái quân-lực tới lấn-chiếm lãnh-thổ của Trung-quốc và gây-chiến ... khiến cho nhân-dân Trung-hoa hết sức phẫn-nộ." Bài tường-thuật kết-thúc bằng câu đe-dọa là "Nếu nhà cầm quyền Sài-gòn nhất-quyết cố-ý hành-động như vậy, không chịu ngưng ngay việc lấn-chiếm lãnh-thổ của Trung-quốc thì nhất-định chúng sẽ phải ăn trái đắng của chính chúng."
 

4. Tuyên-bố ngày 4.2.1974

Ðể đề-phòng mọi bất-trắc có thể xảy ra, ngày 1.2.1974 Chính-phủ Việt-nam Cộng-hòa đã phái một đội đặc-nhiệm hải-quân tới tăng-viện phòng-thủ năm đảo thuộc quần-đảo Trường-sa và dựng bia chủ-quyền tại đây. Vì thế, ngày 4.2.1974, Bộ Ngoại-giao Trung-Cộng lại ra một bản tuyên-bố(62) tố-cáo hành-động này, coi đó là "một sự xâm-lấn điên-cuồng đến sự toàn-vẹn lãnh-thổ và chủ-quyền của Trung-quốc và một khiêu-khích quân-sự mới chống lại nhân-dân Trung-hoa" do đó "Chính-phủ và nhân-dân Trung-quốc cực-lực lên án và phản-đối [hành-động này]."

Hơn nữa, bản tuyên-bố còn nói rằng:

"Chính-phủ Trung-hoa đã nhiều lần tuyên-bố là các quần-đảo Nam-sa, Tây-sa, Trung-sa và Ðông-sa tất cả đều là phần lãnh-thổ của Trung-quốc và nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa có chủ-quyền bất-khả tranh-nghị đối với các quần-đảo này và các hải-khu chung quanh các quần-đảo đó."(nhấn mạnh thêm)

Ðoạn bản tuyên-bố kết-thúc bằng lời tuyên-bố cố-hữu là:

"Chính-phủ nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa nhất-quyết không để cho nhà cầm quyền Sài-gòn xâm-lấn vào sự toàn-vẹn lảnh-thổ và chủ-quyền của Trung-quốc vì bất cứ lý-do gì. Lập-trường này của Chính-phủ Trung-hoa cương-quyết không thể lay-chuyển được."

Tuy bản tuyên-bố vẫn mang những vu-cáo quen-thuộc và những luận-điệu cũ-rích nhưng nó cũng có một điểm mới đáng nói. Ðó là nó đã nới rộng phạm-vi tranh-chấp chủ-quyền.

Trong những lần tuyên-bố trước, Trung-Cộng chỉ nói rằng các quần-đảo Tây-sa, Nam-sa, Trung-sa và Ðông-sa là phần lãnh-thổ của Trung-quốc mà Trung-quốc có chủ-quyền bất-khả tranh-nghị (có khi lại nói là chủ-quyền bất-khả xâm-phạm) không thôi. Lần này, bản tuyên-bố ngày 4.2.1974 còn nới rộng thêm ra và cho rằng cả các hải-khu chung quanh các quần-đảo đó cũng thuộc chủ-quyền của Trung-quốc.

Như đã nói ở một đoạn bên trên, lý-do sự tranh-chấp chủ-quyền trên các quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa (và cả Trung-sa lẫn Ðông-sa nữa) là các túi dầu ở đây. Lý-do này một lần nữa được Trung-Cộng để lộ cho thấy, dù chỉ là gián-tiếp, trong bản tuyên-bố ngày 4.2.1974 này, khi Bắc-kinh còn đòi thêm cả chủ-quyền ở các vùng biển chung quanh các quần-đảo, nơi gần dây người ta tìm thấy có những túi dầu quan-trọng.

 

B. Phản-ứng của Ðài-loan

Về phần Ðài-loan, chính-phủ của Tưởng Giới-thạch đã nhiều lần lên tiếng về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa trong thời-gian có trận hải-chiến ngày 19-20.1.1974. Trong số những tuyên-bố này, có hai tuyên-bố đáng cho chúng ta xét ở đây.
 

1. Tuyên-bố của Bộ Ngoại-giao Ðài-loan ngày 7.2.1974

  • Tuyên-bố thứ nhất là của Bộ Ngoại-giao Ðài-loan vào ngày 7.2.1974, nội-dung như sau:

    "Gần đây Chính-phủ Việt-nam Cộng-hòa tuyên-bố chủ-quyền trên quần-đảo Nam-sa (Spratly). Ðối với lời tuyên-bố này, Chính-phủ Trung-hoa Dân-quốc đã cực-lực phản-kháng với Chính-phủ Việt-nam và tái khẳng-định lập-trường là quần-đảo này là phần lãnh-thổ cố-hữu của Trung-hoa Dân-quốc và không ai có thể nghi-ngờ chủ-quyền của Trung-hoa Dân-quốc đối với quần-đảo này.

    "Quần-đảo này đã bị Nhật-bản chiếm đóng trong trận Thế-Chiến thứ II và được qui-hoàn Trung-hoa Dân-quốc khi, sau chiến-tranh, vào tháng 12 năm 1946, Chính-phủ Trung-hoa đã phái một hải-đội tới thu-hồi khỏi tay Nhật-bản. Từ đó trú-quân thường-trực Trung-hoa đã tới đóng ở đó. Hơn nữa, ngày 1.12.1947, Chính-phủ Trung-hoa Dân-quốc đã loan-báo cùng thế-giới tên tiêu-chuẩn của các đảo, cù-lao, ám-tiêu, thiển-than trong quần-đảo.

    "Những đảo này, tạo thành phần hoàn-chỉnh lãnh-thổ Trung-hoa, là một sự thực bất-khả tranh-nghị. Chính-phủ Trung-hoa Dân-quốc vì vậy cương-quyết tái khẳng-định chủ-quyền của Trung-hoa trên quần-đảo Nam-sa. Lập-trường này không thể bị bất cứ nước nào thay-đổi bằng bất cứ biện-pháp nào."(63)


    Về tuyên-bố của Ðài-loan chúng ta có mấy nhận-xét sau quần-đảo này.:
     
  • Thứ nhất, bản tuyên-bố đã đề-cập tới việc hải-quân Trung-hoa tới thu-hồi quần-đảo Trường-sa khỏi tay người Nhật vào tháng 12 năm 1946 và từ đó có quân trú-đóng tại đây.

    Trong phần II bên trên chúng tôi đã trình-bày tính-cách bất-hợp-pháp của sự tiếp-thu quần-đảo Trường-sa do hải-quân Trung-hoa Dân-quốc thực-hiện nên không cần nhắc lại ở đây. Vì hành-vi tiếp-thu Trường-sa bất-hợp-pháp nên luận-cứ này của Ðài-loan không có giá-trị nữa.
     
  • Thứ hai, ngày 1.12.1947 Chính-phủ Ðài-loan đã thông-tri cho thế-giới hay việc đặt tên tiêu-chuẩn cho các đảo, cù-lao, ám-tiêu, thiển-than trong quần-đảo Trường-sa. Vấn-đề đặt ra là việc đật tên đó có phải là yếu-tố cần-thiết không có không được để chứng-minh quần-đảo Trường-sa thuộc Trung-quốc hay không.

    Ðứng về phương-diện thực-tế, việc đật tên cho một vật gì chẳng qua chỉ là để cho người khác hiểu được người nói muốn ám-chỉ, đề-cập tới vật đó thôi. Nó không có tính-cách bắt-buộc. Ðứng về mặt pháp-lý cũng vậy, việc một người hay một quốc-gia đặt tên cho một vật gì không có nghĩa là vật đó đương-nhiên thuộc quyền sở-hữu hay thuộc chủ-quyền của người hay quốc-gia đặt tên cho nó. Nếu không thì bất cứ một người hay quốc-gia nào cũng có thể đặt tên cho một vật rồi chiếm ngay lấy vật đó làm vật sở-thuộc của mình. Giả thử nếu Việt-nam đật một tên tiêu-chuẩn cho đảo Ðài-loan rồi tuyên-bố cùng thế-giới hay rằng Ðài-loan thuộc chủ-quyền của Việt-nam thì Ðài-loan sẽ nghĩ sao? Nếu Hoa-kỳ, Nga, Anh, Pháp, v.v..., mỗi nước cũng đặt cho Ðài-loan một tên rồi bảo nó thuộc chủ-quyền của mình, như vậy có được không?

    Vì lý-do này, luận-cứ thứ 2 của Ðài-loan không đứng vững và không có giá-trị.
     
  • Thứ ba, căn-cứ vào hai sự-kiện nêu trên (tiếp-thu và đặt tên), Ðài-loan tuyên-bố rằng quần-đảo Trường-sa là một phần lãnh-thổ của Trung-hoa Dân-quốc và sự thực này bất-khả tranh-nghị.

    Chúng ta thấy điều tuyên-bố này không có gì mới lạ. Nó chỉ là nhắc lại những lời tuyên-bố của Trung-Cộng từ trước tới nay. Cũng giống trường-hợp các tuyên-bố của Trung-Cộng, nó thiếu-sót các chứng-liệu để chứng tỏ rằng chủ-quyền của Trung-quốc đối với hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa là bất-khả tranh-nghị. Sự thiếu-sót này làm cho luận-cứ của Ðài-loan, cũng như của Trung-Cộng, không có giá-trị về thực-tế cũng như về pháp-lý.
     

2. Tuyên-bố của Tưởng Kinh-quốc ngày 24.2.1974

Mười bảy ngày sau khi Bộ Ngoại-giao Ðài-bắc ra bản tuyên-bố nói trên, Tưởng Kinh-quốc, con trai của Tưởng Giới-thạch và lúc đó đang giữ chức Hành-chính-viện Viện-trưởng tức Thủ-tướng Chính-phủ Ðài-loan, trong một cuộc phỏng-vấn dành cho ký-giả Roy Rowan của tạp-chí Time ngày 24.2.1974 tại Ðài-bắc cũng đã đề-cập tới vấn-đề Hoàng-sa và Trường-sa như sau(64):

Hỏi: Xin Thủ-tướng cho rõ quan-điểm của ngài về vụ tranh-chấp đối với hai nhóm quần-đảo Paracel và Spratly. Liệu quí-quốc có phòng-vệ đội trú-quân đóng ở quần-đảo Spratly của quí-quốc khi bị tấn-công không?

Ðáp: Chúng ta cần phải duyệt lại lịch-sử các quần-đảo này. Cách đây nhiều năm, Chính-phủ chúng tôi đã duy-trì lực-lượng tại quần-đảo Paracel. Lực-lượng này chỉ là một phần của hệ-thống phòng-thủ đảo Hải-nam. Việc chúng tôi rút các lực-lượng đó đi không có nghĩa là chúng tôi từ-bỏ chủ-quyền của chúng tôi trên quần-đảo Paracel. Việc này chằng qua cũng giống như việc chúng tôi từ-bỏ chủ-quyền của chúng tôi trên đảo Hải-nam. Quần-đảo Spratly được qui-hoàn cho Trung-hoa Dân-quốc đồng-thời với việc quang-phục Ðài-loan khỏi tay Nhật-bản. Từ nhiều năm rồi binh-sĩ của chúng tôi đã trú-đóng ở trên hòn đảo chính của nhóm Spratly. Chúng tôi cuơng-quyết làm những gì có thể được để phòng-vệ quần-đảo này. Tôi thấy cần phải nói rõ là quân-đội của chúng tôi có bổn-phận phòng-vệ lãnh-thổ ủy-thác cho họ.

Hỏi: Liệu có thể có việc Trung-Cộng tấn-công nhóm Spratly không?

Ðáp: Vì Cộng-sản có thể tính-toán lầm nên chúng tôi không thể gạt bỏ việc đó được.
 

Có bốn điểm đáng nói trong các câu trả lời của Tưởng Kinh-quốc:

  • Thứ nhất, Tưởng Kinh-quốc làm như hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa đương-nhiên thuộc về Trung-quốc rồi nên không đưa ra một bằng-chứng nào để chứng-minh chủ-quyền thuộc về Trung-quốc. Cũng vì thế tuy ông ta nói là "Chúng ta cần phải duyệt lại lịch-sử các quần-đảo này," nhưng nói xong bỏ đấy, ông không đề-cập tới lịch-sử đó mà chỉ nói về sự từ-bỏ chủ-quyền trên Hoàng-sa và việc thu-hồi cùng bảo-vệ Trường-sa. Do đó, những ai muốn tìm hiểu xem vì lý-do nào Ðài-loan nhận có chủ-quyền trên hai quần-đảo này không còn cách nào biết được.
     
  • Thứ hai, việc Trung-hoa Dân-quốc duy-trì lực-lượng tại quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa mà Tưởng Kinh-quốc nói ở đây chính là việc mà Bành Phẩm-quang tường-thuật trong một bài báo chúng ta đã xem qua trong phần II. Chỉ có một chi-tiết mới là theo họ Tưởng, lực-lưọng trú đóng ở Hoàng-sa là một phần của hệ-thống phòng-thủ đảo Hải-nam của Trung-quốc.
     
  • Thứ ba, cũng vì lý-do này, theo ông, việc Ðài-loan từ-bỏ chủ-quyền đối với quần-đảo Hoàng-sa cho Trung-Cộng cũng giống việc từ-bỏ chủ-quyền đối với đảo Hải-nam. Nó không có nghĩa là Ðài-loan từ-bỏ chủ-quyền trên quần-đảo này. Nói cách khác, Tưởng Kinh-quốc ngụ-ý là dù cho quần-đảo Hoàng-sa có rơi vào tay Trung-Cộng thì nó vẫn còn thuộc chủ-quyền của Trung-quốc, chứ không phải là của nước khác, không đi đến đâu mà thiệt.
     
  • Thứ tư, ông cũng đề-cập tới việc quần-đảo Trường-sa qui-hoàn Trung-hoa Dân-quốc và phòng-thủ Trưòng-sa, không có thêm chi-tiết gì mới lạ. Có lẽ ông không biết, hay biết mà lờ không nói, đến tính-cách bất-hợp-pháp của cái ông gọi là "qui-hoàn" này.

 

VII. Các tuyên-bố của Trung-quốc từ sau trận hải-chiến tháng 1/1974

Sau khi quần-đảo Hoàng-sa rơi vào tay Trung-Cộng tháng 1/1974, các chính-phủ Trung-hoa, cả cộng-sản lẫn quốc-gia, mỗi khi có dịp vẫn tiếp-tục lên tiếng về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa(65). Tuy nhiên, với thời-gian các tuyên-bố của chính-phủ đó ngày một thưa dần, nhường chỗ cho các tư-nhân lên tiếng thay-thế. Tất cả những tuyên-bố này đều nhắc lại gần như nguyên-văn các tuyên-bố chúng ta đã xét trên đây, không có gì khác-biệt hay mới lạ. Trong phần này chúng tôi chỉ nêu ra phải thí-dụ điển-hình thôi.
 

A. Tuyên-bố ngày 30.3.1974

Cuối tháng 3 năm 1974, trong khóa họp thứ 30 của Hội-nghị Á-châu Viễn-đông Kinh-tế Ủy-hội (hay Á-Viễn Kinh-ủy-hội) thuộc Liên-hiệp-quốc nhóm tại Colombo, thủ-đô xứ Tích-lan (Sri Lanka), khi phái-đoàn Việt-nam Cộng-hòa lên án vụ Trung-Cộng cưỡng-chiếm quần-đảo Hoàng-sa của Việt-nam, đại-biểu của Trung-Cộng là Chi Lung đã lên tiếng ngày 30.3.1974(66).

Chi Lung bác-bỏ lập-luận của phái-đoàn Việt-nam Cộng-hòa mà ông gọi là "chủ-trương vô-liêm-sỉ" và tái xác-định lập-trường của Trung-Cộng về chủ-quyền bất-khả tranh-nghị của Trung-quốc đối với hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa cùng là các hải-khu quanh đó. Ông nói thêm là điều 4 chương-trình nghị-sự của khóa họp hiện-tại đã ghi hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa là các khu đảo cận-hải của nhà cầm quyền Sài-gòn ở Nam-Việt và còn ghi thêm là "đã có khế-ước thám-sát và phát-triển khoảng 30 khu [như vậy] ở Nam-hải." Ðoạn Chi Lung tuyên-bố:

"Quần-đảo Tây-sa và quần-đảo Nam-sa ở Nam-hải vốn-dĩ là một phần bất-khả-phân của lãnh-thổ Trung-quốc. Nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa có chủ-quyền bất-khả tranh-nghị trên những quần-đảo này cũng như là các hải-khu quanh đó. Mặt khác, vào ngày 15.8.1951, trong một Tuyên-bố về Dự-thảo Hòa-ước với Nhật-bản của Anh-Mỹ và Hội-nghị Cựu-kim-sơn, Ngoại-trưởng Châu Ân-lai đã long-trọng tuyên-bố là 'cũng như các quần-đảo Nam-sa, Trung-sa và Ðông-sa, quần-đảo Tây-sa và đảo Nam-uy lúc nào cũng là lãnh-thổ của Trung-quốc. Mặc dù những đảo này đã có lúc bị Nhật chiếm đóng một thời-gian trong trận chiến-tranh xâm-lăng của đế-quốc chủ-nghĩa Nhật-bản, sau khi Nhật-bản đầu hàng Chính-phủ Trung-hoa đã thu-hồi những quần-đảo này.' Từ đó trở đi Chính-phủ Trung-hoa đã nhiều lần nhắc lại lập-trường này.

"Việc văn-phòng hội-nghị ghi trong tài-liệu nói trên rằng quần-đảo Tây-sa và Nam-sa của Trung-quốc là các đảo cận-hải của chính-quyền Sài-gòn ở Nam-Việt là một việc sai-lầm. Phái-đoàn Trung-quốc yêu-cầu văn-phòng áp-dụng mọi biện-pháp để sửa lại lỗi-lầm này để sau này không tái-diễn việc tương-tự nữa."

Trước lời phản-đối kịch-liệt của đại-biểu Việt-nam Cộng-hòa, mà Trung-Cộng gọi là "gào" đòi "chủ-quyền" trên quần-đảo Hoàng-sa và "khả-ố tấn-công Trung-quốc", Chi Lung lại lên tiếng cho rằng hành-động của Việt-nam Cộng-hòa chỉ cốt để "che-đậy sự xâm-lăng của mình một cách lão-luyện". Ông nói thêm rằng "Nhà cầm quyền Sài-gòn từ lâu đã muốn chiếm quần-đảo Tây-sa và quần-đảo Nam-sa của Trung-quốc" bằng cách "chẳng những là đã sáp-nhập vào lãnh-thổ của chúng hơn mười đảo của Trung-quốc, kể cả đảo Nam-uy và đảo Thái-bình thuộc nhóm quần-đảo Nam-sa, mà lại còn công-khai khiêu-khích võ-trang chống Trung-quốc và chiếm lãnh-thổ Trung-quốc bằng võ-lực," một việc Chi Lung coi là "hết sức mặt dạn mày dầy." Ðoạn ông ta "tái khẳng-định chủ-quyền bất-khả tranh-nghị của Trung-quốc đối với những quần-đảo này và những hải-khu chung quanh đó" và kết-luận là "Chính-phủ Trung-hoa sẽ không bao giờ để cho nhà cầm quyền Sài-gòn xâm-lấn chủ-quyền lãnh-thổ của Trung-quốc bằng bất cứ lý-do gì""Lập-trường này của Chính-phủ Trung-hoa cương-quyết và bất-di bất-dịch."

Ngoài những lời-lẽ thô-bỉ và kém lễ-độ không xứng-đáng với tư-cách đại-diện quốc-gia tại hội-nghị quốc-tế (chủ-trương vô-liêm-xỉ, gào đòi chủ-quyền, khả-ố tấn-công, hết sức mặt dạn mày dầy), lời tuyên-bố của Chi Lung chẳng qua chỉ là nhắc đi nhắc lại những luận-cứ cũ-rích của Trung-Cộng và không mang thêm một chi-tiết mới lạ nào cả. Tiện đây chúng ta cũng cần nói thêm là kể từ khi có trận hải-chiến tháng 1/1974 và sau vụ cưỡng-chiếm quần-đảo Hoàng-sa, trong các tuyên-bố chính-phủ Trung-Cộng, về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa cũng như về bất cứ vấn-đề gì khác có liên-quan tới Việt-nam Cộng-hòa, đã càng ngày càng dùng nhiều lời-lẽ thô-bỉ đối với Việt-nam Cộng-hòa. Sở-dĩ nhà cầm quyền Cấm-Thành phải dùng đến thái-độ này có lẽ là vì họ biết rằng họ bị đuối lý không thể tranh-luận một cách đứng-đắn với Việt-nam Cộng-hòa về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa nên đành phải dùng đến hình-thức này, một hình-thức Trung-Cộng tỏ ra rất điêu-luyện.
 

B. Tham-luận ngày 2.7.1974

Ngoài ra, tại Hội-nghị Liên-hiệp-quốc về Luật Biển kỳ 2 nhóm tại Caracas, thủ-đô nước Venezuela, từ 20.6 đến 29.8.1974, trong một bài tham-luận đọc trước hội-nghị ngày 2.7.1974, Trưởng phái-đoàn Trung-Cộng tham-dự hội-nghị là Thứ-trưởng Ngoại-thương Sài Thụ-phiên đã bác-bỏ những lời tố-cáo của phái-đoàn Việt-nam Cộng-hòa về việc Trung-Cộng cưỡng-chiếm quần-đảo Hoàng-sa và khẳng-định là "Quần-đảo Tây-sa và Nam-sa ở biển Nam xưa nay vẫn là một phần lãnh-thổ không thể chia cắt của Trung-quốc, quyết không cho phép nhà cầm quyền Sài-gòn vì bất cứ cớ nào xâm-phạm chủ-quyền lãnh-thổ của Trung-quốc."(67)

Giống như các tuyên-bố khác của Trung-Cộng, tham-luận của họ Sài không nêu ra một bằng-chứng nào để cho hội-nghị thấy rõ chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa quả thực thuộc về Trung-quốc. Lời khẳng-định của họ Sài không có gì đáng chúng ta chú-ý, ngoại trừ từ "xưa nay" được gài thêm mà trong các tuyên-bố trước đây không có. Từ này được thêm có lẽ vì từ vụ hải-chiến tháng 1/1974 Việt-nam Cộng-hòa đã đưa ra nhiều bằng-chứng lịch-sử và pháp-lý để chứng-minh chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Truòng-sa thực-sự thuộc về Việt-nam từ mấy thế-kỷ rồi nên Trung-Cộng phải thêm từ "xưa nay" hầu để chứng-minh chủ-quyền của Trung-quốc cũng có từ lâu. Tuy nhiên, bài tham-luận của họ Sài, cũng như tất cả những bản tuyên-bố khác của Trung-Cộng, vẫn chỉ nói mập-mờ như vậy thôi, chứ không hề nêu ra được một thí-dụ điển-hình nào cả.
 

C. Các tuyên-bố trong năm 1979

Mặt khác, từ sau khi Ðảng Cộng-sản Việt-nam chiếm được Nam-Việt (30.4.1975) bang-giao Việt-Hoa, vốn không mấy tốt đẹp từ thập-niên 1960 trở đi nên dù vẫn được các nhà lãnh-đạo Bắc-kinh ví như quan-hệ giữa môi và răng, môi hở thì răng lạnh, đã trở nên suy-sụp nhanh quá mức, biến thành bang-giao giũa hai quốc-gia thù-nghịch. Ngoài những vụ Việt-nam đuổi các Hoa-kiều cư-trú hay sinh-trưởng ở Việt-nam ra khỏi nước Việt, đưa đến việc Trung-Cộng xua quân vượt biên-giới đánh chiếm mấy tỉnh ở miền Bắc, việc tranh-chấp về chủ-quyền đối với hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa cũng leo thang. Trong năm 1979 có ít nhất là 8 lần vấn-dề này được nêu ra.
 

Quan-trọng nhất có ba lần.

1. Tuyên-bố của Ngoại-trưởng Trung-Cộng ngày 16.3.1979

Trong một buổi họp báo ở Bắc-kinh ngày 16.3.1979(68), ngoại-trưởng Trung-Cộng Hoàng-Hoa đã có mấy lời tuyên-bố hết sức phi-lý, không thể chấp-nhận được.

Thực vậy, khi nói về vấn-đề tranh-chấp biên-giới Việt-Hoa, Hoàng-Hoa đã nhìn-nhận với các ký-giả ngoại-quốc là có thể có nhiều điều đáng nghi-ngờ về vấn-đề sở-hữu "vài chục cây số vuông" dọc biên-giới Hoa-Việt được qui-định trong hiệp-ước giữa triều-đình Mãn-Thanh và nhà cầm quyền đô-hộ Pháp ký vào cuối thế-kỷ thứ 19(69). Câu nói của họ Hoàng phải hiểu là vì ngu-dốt không biết gì về lịch-sử, địa-lý và chính-trị Việt-nam (điều này có thể có được, nhưng khó tin) hoặc vì để lấy lòng nhà cầm quyền Mãn-Thanh hầu thu-hoạch được lợi lớn hơn (có lẽ đây là nguyên-nhân chính), Pháp đã trao vài chục cây số vuông lãnh-thổ của Việt-nam cho Trung-quốc cuối thế-kỷ thứ 19. Cái phi-lý và trơ-trẽn của Hoàng-Hoa là ông ta đã tiêu-biểu cho thái-độ Trung-quốc khinh-thị các nước nhỏ bé.

Ðành rằng con số vài chục cây số vuông lãnh-thổ của một quốc-gia quả có nhỏ bé thực, nhất là so với một nuớc có lãnh-thổ bao-la như Trung-quốc, nhưng nó vẫn là một vấn-đề trọng-đại đối với Việt-nam. Ðáng lý ra Hoàng-Hoa, với chức-vụ ngoại-trưởng của mình, nghĩa là đại-diện cho Trung-quốc về phương-diện ngoại-giao cũng như bang-giao quốc-tế, phải thẳng-thắn tuyên-bố nhìn-nhận chủ-quyền của Việt-nam đối với vài chục cây số vuông đó, phải tỏ ra là Trung-quốc hối-tiếc về sự lầm-lẫn này đã làm tổn-hại rất lâu cho một quốc-gia vốn có mấy ngàn năm bang-giao với Trung-quốc và quan-hệ Việt-Hoa đó, như trên đã nói, vẫn được Trung-quốc coi rất mật-thiết giống như quan-hệ giữa răng và môi, và phải đưa ra những đề-nghị để giải-quyết vấn-đề, dù chỉ là đề-nghị sơ-khởi và trên lý-thuyết. Ðằng này họ Hoàng chỉ nói khơi-khơi rằng đó không phải là một điểm tranh-chấp quan-trọng. Nói cách khác, tuy nhìn-nhận sự sai-lầm, Trung-Cộng vẫn cứ chiếm giữ phần đất đó một cách bất-hợp-pháp như thường và bất-chấp dư-luận quốc-tế.

Mặt khác, về vấn-đề Hoàng-sa và Trưòng-sa, Hoàng-Hoa còn nói thêm rằng vào thời-kỳ có hiệp-ước nói trên Trung-quốc không thể cùng Pháp ấn-định ranh-giới miền lãnh-hải và vì thế không thể nào có sự nghi-ngờ về quyền sở-hữu của Trung-quốc trên hai quần-đảo Tây-sa vá Nam-sa vì đã có rất nhiều chứng-cớ lịch-sừ chứng-minh.

Ðiều đáng tiếc là Hoàng-Hoa đã không cho biết vì những lý-do nào vào cuối thế-kỷ thứ 19 Trung-quốc không thể ấn-định ranh-giới miền lãnh-hải với Pháp được. Mặc dù chúng ta có thể suy-luận ra được các nguyên-nhân, nhưng ở đây chúng ta không cần nói đến vì không phải là mục-đích của bài này. Ðiểm chúng ta cần nhấn mạnh là sự biện-hộ rất phi-lý của Hoàng-Hoa.

Chúng ta không thể nào viện-cớ vì không thể ấn-định ranh-giới lãnh-hải của một quốc-gia để bảo quốc-gia đó có quyền sở-hữu một phần lãnh-thổ nào đó. Nếu biện-luận theo kiểu họ Hoàng thì chúng ta cũng có thể nói được rằng vì không thể ấn-định ranh-giới được nên không thể có sự nghi-ngờ nào về quyền sở-hữu của Việt-nam ở ngay chính đại-lục Trung-hoa, trên một giải dất chạy dài từ hồ Ðộng-đình (tỉnh Hồ-nam) ở phía bắc và từ tỉnh Tứ-xuyên ở phía tây xuống tới phần lãnh-thổ Việt-nam hiện-tại vì đã có nhiều chứng-cớ lịch-sử chứng-minh. Các nhà lãnh-đạo Cấm-Thành nói chung và Hoàng-Hoa nói riêng nghĩ sao về biện-luận này? Trung-quốc có chịu nhìn nhận chủ-quyền của Việt-nam đó không? Hơn nữa, nói theo kiểu Hoàng-Hoa thì Trung-quốc phải nhìn nhận chủ-quyền của Việt-nam trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa mới đúng vì đã có rất nhiều chứng-cớ lịch-sử chứng-minh chủ-quyền này. Các chứng-cớ đó Việt-nam Cộng-hòa đã viện-dẫn minh-bạch rất nhiều lần và ai muốn cũng có thể kiểm-chứng được, chứ không chỉ nói mù-mờ như Hoàng-Hoa và các nhà lãnh-đạo khác của Trung-Cộng đã làm.

Sau hết, cũng cần nói thêm là trong buổi họp báo này Hoàng-Hoa còn cho biết thêm là chính Việt-nam Dân-chủ Cộng-hòa năm 1958 đã nhìn-nhận chủ-quyền của Trung-Cộng nhưng vào mùa hè năm 1977 Thủ-tướng Việt-nam Phạm-văn-Ðồng đã phủ-nhận sự nhìn-nhận ấy.
 

2. Giác-thư của Phó Thủ-tướng Trung-Cộng ngày 23.3.1979

Một tuần sau buổi họp báo của Hoàng-Hoa, tờ Nhân-dân Nhật-báo, cơ-quan ngôn-luận của Ðảng Cộng-sản Trung-quốc ở Bắc-kinh, đã đăng-tải nguyên-văn bức giác-thư của Phó Thủ-tướng Trung-Cộng Lý Tiên-niệm gửi Thủ-tướng Việt-nam Phạm-văn-Ðồng ngày 10.6.1977 trong đó có ghi rõ bối-cảnh các vụ tranh-chấp biên-giới giữa Trung-quốc và Việt-nam theo quan-điểm của Trung-Cộng (70). Một trong những điểm nêu ra trong bức giác-thư này có liên-quan đến vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa.

Theo bức giác-thư, ngày 15.6.1956 một thứ-trưởng ngoại-giao Việt-nam đã chính-thức nói với Trung-Cộng rằng "đứng về quan-điểm lịch-sử" thì hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa "là lãnh-thổ của Trung-quốc." Hơn nữa, trong các văn-thư ngoại-giao và tuyên-cáo ngày 14.9.1958 và 9.5.1965 chính-phủ Cộng-sản Việt-nam cũng đã chấp-nhận chủ-quyền của Trung-quốc trên hai quần-đảo này.

Qua hai chi-tiết này chúng ta biết thêm được rằng một luận-cứ khác của Trung-Cộng đối với vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa là chính Việt-nam Dân-chủ Cộng-hòa cũng đã nhìn-nhận chủ-quyền đó thuộc Trung-quốc. Có điều đáng tiếc là bức giác-thư này không nói rõ tên của viên thứ-trường ngoại-giao Việt-nam đã nhìn-nhận chủ-quyền của Trung-quốc và ông ta đã tuyên-bố như vậy trong trường-hợp nào, ở đâu, ngày nào, với ai, và nguyên-văn lời tuyên-bố đó ra sao. Hơn nữa vì bức văn-thư ngoại-giao và tuyên-cáo ngày 14.9.1958 và 9.5.1965 của Việt-nam Dân-chủ Cộng-hòa không hề được công-bố nên chúng ta không thể kiểm-chứng những điều bức giác-thư nêu ra xem có đúng sự thực không hay đã bị bóp méo, sửa đổi cho hợp với lập-luận hay mục-đích của Trung-Cộng.

Tuy nhiên, dù bức giác-thư có trích-dẫn đứng-đắn các lời tuyên-bố của Hà-nội, chúng ta thấy việc nhìn-nhận của Hà-nội không phản-ảnh quan-điểm thực và lâu dài của nhà cầm quyền Hà-nội, mà chỉ là nhìn-nhận có tính-cách giai-đoạn thôi. Thực vậy, vẫn theo bức giác-thư, Phạm-văn-Ðồng đã có lần giải-thích là những lời tuyên-cáo ủng-hộ chủ-quyền của Trung-quốc đối với Hoàng-sa và Trường-sa này được đưa ra chẳng qua là vì trong thời-gian kháng-chiến(71) "lẽ dĩ-nhiên là chúng tôi phải đặt việc chống đế-quốc chủ-nghĩa Hoa-kỳ lên trên mọi việc khác." Về giải-thích này, Lý Tiên-niệm đã đáp lại là các vấn-đề chủ-quyền lãnh-thổ phải được cứu-xét một cách nghiêm-túc.

Ngoài ra, Lý Tiên-niệm còn cho biết là sự thay-đổi lập-trường của Hà-nội đã xảy ra vào năm 1974 và 1975 khi Việt-nam đã "lợi-dụng cơ-hội giải-phóng miền nam Việt-nam để xâm-chiếm sáu đảo trong nhóm quần-đảo Nam-sa của Trung-quốc." Cũng cần nói thêm ở dây là bức giác-thư còn nói là thái-độ của Liên-sô về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Nam-sa và Tây-sa cũng đã thay-đổi vào năm 1975.
 

3. Phản-đề-nghị của Trung-Cộng ngày 26.4.1979

Ðể trả lời một đề-nghị của Hà-nội nhằm giải-quyết cuộc tranh-chấp, ngày 26.4.1979, Thứ-trưởng Ngoại-giao Trung-Cộng Hàn Niệm-long đã đưa ra một phản-dề-nghị của Bắc-kinh(72). Trung-Cộng đề-nghị là trong khi chờ đợi một cuộc dàn-xếp về vấn-đề biên-giói trên căn-bản Hòa-ước Trung-Pháp(73), hai nước Việt và Hoa nên tôn-trọng ranh-giới đã được đôi bên đồng-lòng thỏa-thuận năm 1957 là lãnh-hải nên được hoạch-định một cách công-bằng và hợp-lý theo các nguyên-tắc hiện-tại của luật quốc-tế và Việt-nam phải "quay trở lại lập-trường trước."

Ở đây chúng ta không cần nói tới đề-nghị dàn-xếp vấn-đề biên-giới Việt-Hoa trên căn-bản Hoà-ước Pháp-Hoa mà chỉ bàn tới vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa. Về điểm này, chúng ta nhận thấy có sự mâu-thuẫn và phi-lý trong luận-cứ của Trung-Cộng. Trung-Cộng một mặt chủ-trương giải-quyết vấn-đề ranh-giới lãnh-hải, hay nói cách khác là chủ-quyền lãnh-hãi, một cách công-bằng và hợp-lý theo các nguyên-tắc hiện-tại của luật quốc-tế, nhưng mặt khác lại đòi Việt-nam phải quay trở lại lập-trường trước, tức là phải công-nhận chủ-quyền của Trung-Cộng trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa.

Một trong những nguyên-tắc căn-bản và sơ-đẳng của việc giải-quyết một tranh-chấp, một mâu-thuẫn hay một xung-đột nào, dù là ở trên lãnh-vực quốc-gia hay trong lãnh-vực quốc-tế, là hai bên đương-tranh phải giữ nguyên hiện-trạng vào lúc đưa việc tranh-chấp, mâu-thuẫn hay xung-đột ra giải-quyết. Ðối-tượng của sự giải-quyết ở đây là sự bất-đồng, nó là nguyên-nhân hay nguyên-động-lực của sự tranh-chấp, mâu-thuẫn hay xung-đột. Nếu một bên đương-tranh bị bắt-buộc phải công-nhận trước quan-điểm hay đòi hỏi của bên kia trước khi cuộc tranh-chấp, mâu-thuẫn hay xung-đột được mang ra giải-quyết thì sự giải-quyết không còn đối-tượng nữa. Nếu có giải-quyết thì chẳng qua chỉ là làm một việc thừa. Hơn nữa, giải-quyết theo kiểu này thì đâu có công-bằng và hợp-lý nữa?

Sở-dĩ Trung-Cộng đòi-hỏi một cách phi-lý và mâu-thuẫn như vậy có lẽ là vì Trung-Cộng biết rằng nếu áp-dụng một cách đứng-đắn, công-bằng và hợp-lý các nguyên-tắc của luật quốc-tế đối với vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa thì Trung-Cộng sẽ bị thua do lẽ Trung-Cộng, và cả Ðài-loan nữa, không thể nào chứng-minh một cách đứng-đắn, thành-thực và phi-chính-trị được là chủ-quyền đó thuộc về Trung-quốc. Ðấy là chưa kể một nguyên-nhân khác là Trung-Cộng biết rằng khi đó Việt-nam, vốn bị cô-lập trên trường quốc-tế, vẫn cần đến sự giúp-đỡ và chống lưng của Trung-Cộng nên dù đòi-hỏi của Trung-Cộng có phi-lý và mâu-thuẫn thế nào đi chăng nữa, Việt-nam cũng sẽ bắt-buộc phải chịu theo.
 

4. Tuyên-bố tháng 9/1983

Vào đệ tam tam-cá-nguyệt 1983, trong một buổi họp báo hàng tuần tại Bắc-kinh(74), phát-ngôn-viên bộ Ngoại-giao Trung-Cộng là Qi Huaiyuan đã cho hay là gần đây có quân-lính ngoại-quốc chiếm-đóng bất-hợp-pháp ám-tiêu Danwan(75) và nột vài quốc-gia đã liên-tiếp đòi chủ-quyền lãnh-thổ trên một vài hòn đảo và ám-tiêu thuộc nhóm quần-đảo Nam-sa. Vì vậy, ông nhắc lại lập-trường cố-hữu của Trung-Cộng là chủ-quyền của Trung-quốc trên quần-đảo Nam-sa ở Nam-hải không thể để cho bất cứ nước nào vi-phạm, vì bất cứ lý-do gì hay bằng bất cứ cách nào. Ðoạn ông nói thêm là:

"Bộ Ngoại-giao nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa nhắc lại là Trung-quốc có chủ-quyền bất-khả tranh-nghị trên quần-đảo Nam-sa cùng các hải-khu lân-cận, và các tài-nguyên thiên-nhiên ở những vùng này thuộc về Trung-quốc."

Tuy lời tuyên-bố trên không có gì mới lạ nhưng chúng ta thấy Trung-Cộng đã càng ngày càng để lộ rõ lý-do Trung-quốc cố đòi chủ-quyền trên quần-đảo Trường-sa, cũng như quần-đảo Hoàng-sa: đó là kho tài-nguyên thiên-nhiên, hay nói cho đúng hơn là những túi dầu, ở vùng này. Vì vậy, trong lần tuyên-bố này, Trung-Cộng đã nhấn mạnh bằng cách thêm câu "các tài-nguyên thiên-nhiên ở những vùng này thuộc về Trung-quốc" sau khi nói về chủ-quyền bất-khả tranh-nghị của Trung-quốc trên quần-đảo và những hải-khu lân-cận.

Hơn nữa, trong khi những tuyên-bố trước chỉ nói đến tính-cách bất-hợp-pháp của việc bất cứ quốc-gia nào khác chiếm đóng hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa thôi, lần này Qi Huaiyuan còn nói đến tính-cách bất-hợp-pháp và không thể chấp-nhận của sự khai-thác các tài-nguyên thiên-nhiên ở đây cùng những hoạt-động khác nữa.

"Việc bất cứ một quốc-gia nào khác chiếm đóng bất cứ một hòn đảo nào trong quần-đảo Nam-sa và khai-thác cũng như các hoạt-động khác ở những vùng này là việc làm bất-hợp-pháp và không thể chấp-nhận được."

 

KẾT LUẬN

Qua việc nghiên-cứu các lời tuyên-bố của hai chính-phủ Bắc-kinh và Ðài-bắc liên-quan đến vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa từ năm 1951 đến nay, chúng ta nhận thấy rằng cả hai chính-phủ này có luận-cứ vu-vơ, mơ-hồ và võ-đoán. Họ chỉ nói đi nói lại nhiều lần là Trung-quốc có chủ-quyền bất-khả tranh-nghị hay chủ-quyền hợp-pháp và chủ-quyền đó có từ xa-xưa lắm rồi, nhưng lại không đưa ra được một bằng-chứng cụ-thể nào, căn-cứ vào các tiêu-chuẩn lịch-sử, địa-lý hay luật quốc-tế, để chứng-minh là chủ-quyền đó thuộc về Trung-quốc. Vì vậy những luận-cứ đó hoàn-toàn không có tính-cách thuyết-phục, dù là đối với những người đễ tính nhất. Cái lầm lớn nhất của cả Bắc-kinh lẫn Ðài-bắc là cứ làm như chủ-quyền đó là vấn-đề đương-nhiên, không cần biện-minh. Sở-dĩ chúng tôi bảo là sai-lầm là bởi vì khi có sự tranh-chấp về một quyền nào đối với vật nào, các phe đương-tranh ít nhất cũng phải đưa ra các bằng-cớ cần-thiết để chứng-minh quyền sở-hữu của mình đối với vật tranh-chấp ngõ hầu có thể thuyết-phục những người ngoại-cuộc. Việc không chứng-minh quyền sở-hữu này có thể khiến cho người ngoại-cuộc nghĩ rằng sự thực thì phe không đưa ra bằng-chứng không hề có quyền sở-hữu, mà hành-động đòi chủ-quyền chỉ là vì do lòng tham muốn chiếm-đoạt vật của người khác.

Ngoài ra, cả Bắc-kinh lẫn Ðài-bắc đã có hành-vi bất-hợp-pháp là cố tình coi việc giải-giới quân-đội Nhật-bản đóng ở hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa năm 1946 là Trung-quốc đã thu-hồi hai quần-đảo này để rồi vịn vào đó họ tuyên-bố chủ-quyền của Trung-quốc trên hai quần-đảo, mặc dù các quốc-gia đồng-minh trong trận Thế-chiến thứ II chỉ quyết-định giải-giới quân-đội Nhật-bản đóng ở đây thôi chứ không hề quyết-định qui-hoàn hai quần-đảo này cho Trung-quốc. Ngay cả trong Hoà-ước Cựu-kim-sơn năm 1951 Nhật-bản cũng không hề tuyên-bố hay nhìn-nhận qui-hoàn Hoàng-sa và Trường-sa cho Trung-quốc. Lý-do này rất dễ hiểu: các nước đồng-minh trong Thế-chiến thứ II cũng như Nhật-bản đều biết rằng hai quần-đảo này không phải là phần lãnh-thổ của Trung-quốc. Hành-vi bất-hợp-pháp này có hậu-quả rất tai-hại là nhiều người ngoại-quốc không nghiên-cứu kỹ và chỉ dựa vào các tuyên-bố của Bắc-kinh hay Ðài-loan đã mặc-nhiên nhìn-nhận chủ-quyền của Trung-quốc trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa. Các tài-liệu do người ngoại-quốc viết về vấn-đề này đã cho thấy rõ hậu-quả tai-hại đó. Rất hiếm, nếu không thể nói quả-quyết được là không có, tài-liệu do người ngoại-quốc biên-soạn hay viết đã tham-chiếu các tài-liệu của Việt-nam chứng-minh chủ-quyền đối với Hoàng-sa và Trường-sa thực sự thuộc về Việt-nam, mà chỉ tham-chiếu tài-liệu của Trung-quốc, cả quốc-gia lẫn cộng-sản, thôi.

Ngay cả việc giải-giới do Quốc-quân Trung-hoa thực-hiện năm 1946 cũng là hành-vi không hợp-pháp nốt. Một mặt, qua hiệp-ước ký với Pháp ngày 28.2.1946 Trung-hoa Dân-quốc đã chuyển-nhượng việc giải-giới quân-đội Nhật-bản ở bắc vĩ-tuyến thứ 16 cho Pháp nhưng mặt khác cuối năm 1946 lại cho quân đến giải-giới quân-đội Nhật-bản chẳng những ở Hoàng-sa mà còn ở cả Trường-sa nữa, để sau này vịn vào hành-động đó cả hai chính-phủ Bắc-kinh và Ðài-bắc coi là Trung-quốc đã tiếp-thu và có chủ-quyền trên hai quần-đảo này. Như vậy, nếu áp-dụng riêng luật quốc-tế theo yêu-sách của Trung-Cộng không thôi chúng ta thấy là Trung-quốc cũng không có tư-cách pháp-định làm chủ hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa.

Nói tóm lại, luận-cứ chính-thức của hai chính-phủ Trung-Cộng và Ðài-loan không có sức thuyết-phục được ai về chủ-quyền của Trung-quốc trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa vì đã không đưa ra được một bằng-chứng nào và lại dựa vào hành-vi bất-hợp-pháp.

Tạ-quốc-Tuấn

(Chú thích)