Vấn-Ðề Chủ-Quyền Ðối với
Hai Quần-Ðảo Hoàng-Sa và Trường-Sa:

Vài Nhận-Xét về Lập Luận của
hai chính-phủ Bắc-Kinh và Ðài-Loan

Tạ-quốc-Tuấn
 

Cuộc tranh-chấp về chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa đã kéo dài hơn bốn chục năm rồi. Ngoại trừ trận đụng-độ lớn giữa hải-quân Việt-nam Cộng-hòa và hải-quân Trung-Cộng tại quần-đảo Hoàng-sa ngày 19 và 20 tháng 1 năm 1974, trong đó Trung-Cộng với một lực-lượng lớn hơn lại không bị phân-tán cũng như suy-yếu vì nội-chiến nên đã cưỡng-chiếm được quần-đảo này, và một trận nổ súng nhỏ ngày 14.3.1988 tại vùng quần-đảo Trường-sa giữa hải-quân của hai nước cộng-sản Việt-nam và Trung-hoa, phần nhiều sự tranh-chấp đều diễn ra dưới hình-thức tranh-biện qua các lời tuyên-bố, thông-cáo, văn-thư hay bạch-thư của các chính-phủ Việt-nam và Trung-hoa thuộc cả hai phe quốc-gia và cộng-sản. Ngoài ra, còn có nhiều bài báo, biên-khảo hay sách viết về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa của một số học-giả, nhà văn, nhà báo hai bên nữa.

Ðể biện-minh hành-động xâm-lăng của mình năm 1974 trái với tinh-thần của bản Hiến-chương Liên-hiệp-quốc mà Trung-Cộng từ khi gia-nhập vào tháng 10 năm 1971 đã cam-kết tôn-trọng và bảo-vệ, Trung-Cộng đã nại cớ hai quần-đảo Hoàng-sa (hay là Tây-sa trong từ-ngữ Trung-hoa) và Trường-sa (Trung-hoa gọi là Nam-sa) vốn từ lâu là một phần lãnh-thổ của Trung-quốc nhưng đã bị Nhật-bản xâm-chiếm trong Thế-chiến II và đã được chính-phủ Trung-hoa Dân-quốc thu hồi lại năm 1946, sau khi trận chiến này chấm dứt. Trung-hoa Dân-quốc cũng đã phụ-họa sự biện-minh này. Các luận-cứ của Trung-Cộng còn được nhiều tài-liệu ngoại-quốc nhắc đi nhắc lại.

Trong bài này chúng tôi sẽ đưa ra những nhận-xét về các luận-cứ của các giới trong chính-phủ Trung-hoa, quốc-gia lẫn cộng-sản, đã cố-gắng chứng-minh chủ-quyền của Trung-quốc trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa. Tuy các phe tranh-chấp gồm có Việt-nam (trước là Việt-nam Cộng-hòa, sau là Cộng-hòa Xã-hội Chủ-nghĩa Việt-nam), Trung-quốc (cả Trung-hoa Dân-quốc lẫn Trung-hoa Nhân-dân Cộng-hòa-quốc), Phi-luật-tân, và gần đây lại còn thêm cả Mã-lai-á, Brunei, v.v..., nhưng hai phe tranh-chấp chính là Việt-nam và Trung-hoa. Chúng tôi không nghiên-cứu luận-cứ của Việt-nam vì nhiều người đã làm việc này rồi, Trái lại, chúng tôi chỉ cứu-xét luận-cứ của Trung-quốc thôi, vì ngoài lý-do Trung-quốc là một trong hai phe tranh-chấp chính ra mà còn vì lý-do là dù là quốc-gia hay cộng-sản, Trung-quốc vẫn có một ảnh-hưởng và một thế-lực quan-trọng tại Ðông-nam Á-châu.

Mặt khác, chúng tôi cũng giới-hạn thời-gian nghiên-cứu vào từ sau trận Thế-chiến thứ II trở lại đây thôi, không đề-cập tới thời-gian trước đó. Chỉ từ khi vấn-đề Hoàng-sa và Trường-sa được đề-cập tới trong một hiệp-ước quốc-tế, Hòa-ước Cựu-kim-Sơn ký ngày 8 tháng 9 năm 1951, nhất là từ khi người ta tìm thấy có nhiều túi dầu rất quan-trọng ở trong vùng này, sự tranh-chấp chủ-quyền mới trở nên ngày một mạnh. Thêm vào đó là biến-cố Ðảng Cộng-sản Trung-quốc nắm được chính-quyền ở Hoa-lục ngày 1.10.1949, đã làm sôi-động chính-trường quốc-tế, nhất là ở vùng Ðông-Á và Ðông-nam Á-châu, từ thập-niên 1950 trở đi.

Sau hết, bài này chỉ cứu-xét các luận-cứ chính-thức của cả hai chính-phủ Trung-Cộng và Ðài-loan thôi. Luận-cứ của các nhân-vật hay cơ-quan ngoài chính-quyền sẽ là đối-tượng của một bài nghiên-cứu khác.

Các tài-liệu sử-dụng trong bài này nếu là của chính-phủ đều phát-xuất từ Bắc-kinh hay Ðài-bắc. Nếu có nguyên-bản Hoa-văn thì chúng tôi dùng làm tài-liệu chính; nếu không, chúng tôi dùng bản dịch Anh-ngữ cũng của hai chính-phủ đó. Trong trường-hợp không có hai loại tài-liệu này, chúng tôi căn-cứ vào bản dịch Anh-ngữ của nhiều nguồn khác, nhất là của Tòa Tổng Lãnh-sự Hoa-kỳ tại Hương-cảng (như các nhà nghiên-cứu các vấn-đề Hoa-lục đã dùng trước năm 1971) hay của các đài phát-thanh Hoa-kỳ, Anh-quốc, v.v...

Vì sử-dụng các tài-liệu thuộc nhiều loại khác nhau như vậy nên không có sự thuần-nhất trong việc ghi chép nhiều địa-danh và đặc-biệt là nhân-danh Trung-hoa. Chúng tôi cố-gắng ghi các từ đó bằng Việt-ngữ. Tuy nhiên khi không biết rõ một từ viết bằng Hoa-ngữ như thế nào, chúng tôi sẽ không ghi bằng Việt-ngữ vì sợ có thể ghi sai và bắt-buộc giữ lại lối ghi âm trong tài-liệu mà chúng tôi dùng. Lối ghi âm này có khi là bằng pinyin (phan-âm) được dùng ở Hoa-lục hay trong các tài-liệu của các người hay cơ-quan ngoại-quốc biên-soạn từ thập-niên 1980 trở đi, hoặc bằng phương-pháp Wade-Giles hiện vẫn được dùng trong phần lớn các tài-liệu phát-xuất từ Ðài-loan hoặc của các tác-giả thuộc phe Trung-hoa Dân-quốc cũng như trong các tài-liệu ngoại-quốc trước thập-niên 1980.

Ngoài ra, có một số danh-từ riêng hay địa-danh mà người Trung-hoa dùng khác người Việt-nam. Trong tài-liệu này, khi đứng về phương-diện Trung-quốc, chúng tôi sẽ dùng các từ theo lối của người Hoa, còn khi đứng về phương-diện Việt-nam chúng tôi dùng các từ theo người Việt.

Chẳng hạn người Hoa nói Tây-sa, Nam-sa, Nam-hải (hay Nam Trung-quốc-hải), Quốc-vụ Viện (Trung-Cộng), Hành-chính Viện (Ðài-loan), v.v..., còn người Việt lại nói Hoàng-sa, Trường-sa, Ðông-hải (hay biển Ðông), Chính-phủ...

 

Nhận-xét về các luận-cứ

Luận-cứ của các chính-phủ Trung-hoa Dân-quốc (gọi tắt là Ðài-loan) và Trung-hoa Nhân-dân Cộng-hòa-quốc (tức Trung-Cộng) thường được phát-biểu những khi có một biến-cố hay sự việc nào có liên-quan tới vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa.
 

I. Phản-ứng đối với lời tuyên-bố của Tổng-thống Phi-luật-tân Quirino (1951)

Năm 1945 Nhật-bản bị các nước Ðồng-minh đánh bại ở Thái-bình-dương phải đầu-hàng. Một trong những việc nước này phải làm khi đầu hàng là từ-bỏ các đất-đai ở ngoại-quốc mà Nhật-bản đã chiếm được trong thời-kỳ toàn-thịnh của chế-độ quân-phiệt, trong đó có hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa. Bốn năm sau, Ðảng Cộng-sản Trung-quốc chiếm được toàn-thể Hoa-lục và Trung-hoa Nhân-dân Cộng-hòa-quốc ra chào đời ngày 1.10.1949, còn chính-phủ Trung-hoa Dân-quốc phải lánh nạn sang Ðài-loan. Với hai biến-cố trọng-đại này vấn-đề tranh-chấp chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa bắt đầu bước vào giai-đoạn mới.

Lần đầu tiên Trung-Cộng chính-thức lên tiếng về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo này là khi trong một cuộc họp báo ở Manila ngày 17.5.1951 Tổng-thống Phi-luật-tân Quirino đã tuyên-bố là vì quần-đảo Trường-sa ở kế-cận quần-đảo Phi-luật-tân nên nó phải thuộc về Phi-luật-tân. Hai ngày sau, ngày 19 tháng 5, Bắc-kinh đã có phản-ứng. Chính-phủ Trung-Cộng tuyên-bố như sau:

"Lời tuyên-truyền vô-lý của Chính-phủ Phi-luật-tân đối với lãnh-thổ của Trung-quốc rõ-ràng là sản-phẩm chỉ-thị của Chính-phủ Hoa-kỳ. Bọn khiêu-khích Phi-luật-tân và những kẻ Hoa-kỳ ủng-hộ chúng phải bỏ ngay mưu-đồ mạo-hiểm đó đi, nếu không thì hành-động này có thể đưa tới những hậu-quả nghiêm-trọng. Nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa không bao giờ để cho bất cứ một ngoại-bang nào xâm-lược quần-đảo Nam-sa hay bất cứ đất-đai nào khác thuộc về Trung-quốc."(1)

Tuy nhiên Trung-Cộng chỉ nói qua-loa như vậy thôi chứ không đưa ra được một bằng-chứng nào, dù là lịch-sử hay pháp-lý, cho thấy Trường-sa thuộc quyền Trung-hoa làm chủ. Sự thiếu-sót này kéo dài cho tới hiện-tại.
 

II. Dịp có Hòa-hội Cựu-kim-sơn (1951)

Ðến đầu tháng 9 năm 1951, theo lời mời của Chính-phủ Hoa-kỳ, năm mươi mốt quốc-gia trước kia đã từng tham-gia hay có liên-hệ tới cuộc chiến chống xâm-lăng Nhật-bản từ năm 1939 đến năm 1945 đã tham-dự Hội-nghị Hòa-bình nhóm họp ở Cựu-kim-Sơn (Hoa-kỳ) để thảo-luận vấn-đề chấm-dứt tình-trạng chiến-tranh và tái-lập bang-giao với Nhật-bản. Ðiểm đáng chú-ý là cả hai phe Quốc-gia và Cộng-sản Trung-hoa đều không được mời tham-dự hội-nghị. Trong hội-nghị, vấn-đề chính là thảo-luận bản dự-thảo hòa-ước do hai nước Anh và Hoa-kỳ đề-nghị ngày 12.7.1951. Ngày 8.9.1951, ngoại-trừ Liên-sô và một số nước đàn em, các nước tham-dự hội-nghị đã ký hòa-ước với Nhật-bản(2).

Vì thấy mình bị Hoa-kỳ gạt ra ngoài hòa-hội, các nhà lãnh-đạo Bắc-kinh, ngay từ cuối năm 1950, đã có phản-ứng. Một mặt họ ra một số tuyên-bố chính-thức, mặt khác họ cho phép đăng các bài báo để lên án việc không mời Trung-Cộng tham-dự hoà-hội và để trình-bày quan-điểm của Bắc-kinh về một số vấn-đề cần phải được thảo-luận, trong đó có vấn-đề chủ-quyền trên quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa. Vì giới-hạn của đề-tài, ở đây chúng ta chỉ xét tới các luận-cứ của chính-phủ Trung-Cộng đối với vấn-đề chủ-quyền này thôi.

Ngày 4.12.1950 Châu Ân-lai, lúc đó là Bộ-trưởng Ngoại-giao, trong bản tuyên-bố đầu tiên của chế-độ, đã nêu ra căn-bản chính để ký một hòa-ước với Nhật-bản:

"Bản Tuyên-cáo Cairo, Thỏa-ước Yalta, bản Tuyên-ngôn Potsdam và các chính-sách căn-bản đối với Nhật-bản sau khi nước này đầu hàng đã được các quốc-gia trong Ủy-hội Viễn-đông thỏa-thuận và thông-qua ngày 19.6.1947 -- các văn-kiện quốc-tế mà Chính-phủ Hoa-kỳ đã ký-két là căn-bản chính cho một hòa-ước liên-hợp với Nhật-bản."(3)

Châu Ân-lai còn nói thêm:

"Nhân-dân Trung-quốc rất ước muốn sớm có một hoà-ước liên-hợp với Nhật-bản cùng với các quốc-gia đồng-minh khác trong thời-kỳ Thế-chiến thứ hai. Tuy nhiên căn-bản của hoà-ước phải hoàn-toàn thích-hợp với bản Tuyên-cáo Cairo, Thỏa-ước Yalta, bản Tuyên-ngôn Potsdam và các chính-sách căn-bản đối với Nhật-bản sau khi nước này đầu hàng được qui-định trong các văn-kiện này."(4)

Tuy bản tuyên-bố trên của Trung-Cộng không đề-cập đến vấn-đè chủ-quyền đối với Hoàng-sa và Trường-sa mà chỉ đề-cập tới các vấn-đề khác, nhưng vì nó đã nêu ra quan-điểm chính-yếu của Bắc-kinh nên chúng ta cần phải nghiên-cứu kỹ nó cùng với bản tuyên-bố ngày 15.8.1951 là tuyên-bố chính-thức của Bắc-kinh về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa để tìm hiểu giá-trị các luận-cứ của Trung-Cộng.

Thực vậy, khi nghiên-cứu dự-thảo hoà-ước Cựu-kim-sơn của Anh-Mỹ gửi cho các quốc-gia được mời tham-dự hoà-hội, Chính-phủ Trung-Cộng thấy điều 2 của bản dự-thảo này không qui-định là hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa mà Nhật-bản từ-bỏ phải dược trao cho quốc-gia nào. Vì thế ngày 15.8.1951, sau khi đề-cập tới quan-điểm của Trung-Cộng về từng vấn-đề một được nêu trong bản dự-thảo(5), Châu Ân-lai đã tuyên-bố:

"... Dự-thảo Hiệp-ước qui-định là Nhật-bản sẽ từ-bỏ mọi quyền đối với đảo Nam-uy (đảo Spratly) và quần-đảo Tây-sa (quần-đảo Paracel), nhưng lại cố ý không đề-cập tới vấn-đề tái-lập chủ-quyền trên hai quần-đảo này. Thực ra, cũng như các quần-đảo Nam-sa, quần-đảo Trung-sa và quần-đảo Ðông-sa, quần-đảo Tây-sa (quần-đảo Paracel) và đảo Nam-uy (đảo Spratly) lúc nào cũng là lãnh-thổ của Trung-quốc. Dù các đảo này đã có lúc bị Nhật-bản chiếm đóng trong một thời-gian trong trận chiến-tranh xâm-lăng do đế-quốc Nhật-bản gây ra, sau khi Nhật-bản đầu hàng Chính-phủ Trung-hoa đã thu-hồi những đảo này.

"Chính-phủ Nhân-dân Trung-ương nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa do đó tuyên-bố: dù Dự-thảo Hiệp-ước Anh-Mỹ có chứa đựng các điều-khoản về vấn-đề này hay không và dù các điều-khoản này có được soạn-thảo như thế nào, chủ-quyền bất-khả xâm-phạm của nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa trên đảo Nam-uy (đảo Spratly) và quần-đảo Tây-sa (quần-đảo Paracel) sẽ không vì thế mà bị ảnh-hưởng."(6)

Họ Châu sau đó kết-luận vấn-đề này bằng cách phủ-nhận giá-trị bất cứ một thỏa-ước nào ký với Nhật-bản mà không có sự tham-dự của Bắc-kinh:

"Chính-phủ Nhân-dân Trung-ương nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa một lần nữa tuyên-bố: Nếu không có sự tham-dự của nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa trong việc chuẩn-bị, soạn-thảo và ký hòa-ước với Nhật-bản dù nội-dung và kết-quả một hiệp-ước như vậy có như thế nào, Chính-phủ Nhân-dân Trung-ương cũng coi hòa-ước ấy hoàn-toàn bất-hợp-pháp, và vì vậy sẽ vô-hiệu."(7)

Tuy rằng lời kết-luận này nhằm chung toàn-thể hòa-ước với Nhật-bản, nó cũng bao-trùm luôn cả vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa.
 

Trong bản tuyên-bố này chúng ta nhận thấy có những điểm đáng chú-ý sau:

Thứ nhất, tuy tuyên-bố là đảo Nam-uy và quần-đảo Hoàng-sa lúc nào cũng là lãnh-thổ của Trung-quốc, Châu Ân-lai lại không nêu ra một chi-tiết nào để chứng-minh chủ-quyền của Trung-quốc đối với các đảo này.

Ðành rằng trong một bản tuyên-bố chính-thức của chính-phủ không thể nào kể hết mọi chi-tiết hay dẫn-chứng, nhưng ít nhất nó cũng phải nêu ra một vài thí-dụ cụ-thể để hỗ-trợ lời tuyên-bố và để giúp người ngoại-cuộc có thể hiểu rõ một cách khách-quan hơn những điều được trình-bày trong bản tuyên-bố. Làm thế nào người ngoại-cuộc có thể thông-cảm và ủng-hộ lời tuyên-bố nếu nó không mang một chi-tiết nào, dù là nhỏ nhất, để giúp người ngoại-cuộc có thể kiểm-chứng tính-cách xác-thực và chân-thực của lời tuyên-bố? Nếu tuyên-bố chỉ để tuyên-bố thì lời tuyên-bố rất yếu. Chúng ta cũng nên biết rằng trong bản tuyên-bố này khi đề-cập đến các vấn-đề khác họ Châu đã nêu nhiều chi-tiết để chứng-minh hay biện-hộ.

Vì vậy sự không dẫn-chứng của Châu Ân-lai đối với vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa thật đáng cho chúng ta phải ngạc-nhiên và khiến chúng ta phải tự hỏi phải chăng vì biết Trung-Cộng quả không có một căn-bản nào vững-vàng, về pháp-lý cũng như về lịch-sử, để chứng-minh chủ-quyền này nên Trung-Cộng phải bỏ không viện-dẫn chứng-cớ?


Thứ hai, bản tuyên-bố này, cũng như các bản tuyên-bố khác sau này của Trung-Cộng, và cả của Ðài-loan, đã đề-cập tới việc Chính-phủ Trung-hoa thu-hồi Hoàng-sa và Trường-sa sau khi Nhật-bản đầu hàng tháng 8 năm 1945.

Một câu hỏi được đặt ra: việc Chính-phủ Trung-hoa (khi đó là Trung-hoa Dân-quốc) thu-hồi hai quần-đảo này có phải là một hành-vi hợp-pháp không?

Chúng ta biết rằng năm 1938, trước khi xẩy ra trận Thế-chiến thứ II, Nhật-bản đã chiếm Lâm-đảo thuộc quần-đảo Hoàng-sa, nói là để khai-thác thương-mại nhưng thực ra chính là để lập căn-cứ chiến-lược làm bàn đạp tấn-công vùng Ðông-nam Á. Theo R. Serene thì "Năm 1938 Nhật-bản mượn cớ khai-thác thương-mại đã chiếm Lâm-đảo để bành-trướng sự kiểm-soát tới các đảo Cam-tuyền và Linh-côn..."(8). Rồi đến ngày 31.3.1939, Bộ Ngoại-giao Nhật-bản ra một thông-cáo loan tin là ngày hôm trước, 30.3,

Nhật-bản đã quyết-định đặt quần-đảo Trường-sa duới quyền kiểm-soát của Nhật-bản vì lý-do tại đây đã thiếu một chính-quyền hành-chính địa-phương nên đã làm thiệt-hại đến quyền-lợi của Nhật-bản(9). Trong suốt thời-gian của trận Thế-chiến thứ II, Nhật-bản đã đóng quân trên hai quần-đảo này cho tới khi đầu hàng quân-đội Ðồng-minh.

Vào cuối năm 1943, trong lúc chiến-tranh đang ở mức-độ ác-liệt nhất thì các nhà lãnh-đạo tối-cao của Hoa-kỳ, Anh và Trung-hoa Dân-quốc đã bí-mật gặp nhau tại Cairo, thủ-đô nước Ai-cập, từ 23 đến 27 tháng 11(10) để thảo-luận các chiến-lược tiêu-diệt phe Trục (Ðức-Ý-Nhật). Ngày 26, Tổng-thống Hoa-kỳ Franklin D. Roosevelt, Thủ-tướng Anh Winston Churchill và Tổng-thống Trung-hoa Dân-quốc Tưởng Giới-thạch đã ký một bản tuyên-cáo chung (thường được gọi là Tuyên-cáo Cairo) trong đó có một đoạn như sau:

"Ðối-tượng của các nước này [tức là của ba nước Ðồng-minh] là phải tước bỏ quyền của Nhật-bản trên tất cả các đảo ở Thái-bình-dương mà nước này đã cưỡng-đoạt hay chiếm-đóng từ khi có trận Thế-chiến thứ I năm 1914 và tất cả các lãnh-thổ Nhật-bản đã cướp của người Trung-hoa, như là Mãn-châu, Ðài-loan và Bành-hồ, phải được hoàn trả Trung-hoa Dân-quốc. Nhật-bản cũng sẽ phải bị trục-xuất khỏi các lãnh-thổ khác ã chiếm được bằng võ-lực và lòng tham."(11)

Ðọc đoạn trích-dẫn trên chúng ta thấy Tuyên-cáo Cairo có hai qui-định quan-trọng. Thứ nhất, chỉ có các đất Mãn-châu, Ðài-loan và Bành-hồ được qui-hoàn cho Trung-quốc thôi. Thứ hai, còn các lãnh-thổ khác mà Nhật-bản chiếm được thì bản tuyên-cáo này chỉ qui-định việc trục-xuất Nhật-bản thôi, chứ không hề nói tới việc qui-hoàn chúng cho Trung-quốc. Chỉ có điều đáng tiếc, và đó cũng là nguyên-nhân gây ra những vụ tranh-chấp về chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa sau này, là Tuyên-cáo Cairo đã không nói các lãnh-thổ khác ấy phải được qui-hoàn cho nước nào.

Quyết-định này đã được Tổng Thư-ký đảng Cộng-sản Liên-sô Joseph Stalin tán-thành. Trong một bữa ăn trưa công-tác giữa ông, Tổng-thống Roosevelt và Thủ-tướng Churchill tại Tòa Ðại-sứ Liên-sô ở Tehran (Ba-tư) ngày 30.11.1943, khi Churchill hỏi ông đã đọc bản Tuyên-cáo Cairo chưa thì Stalin cho biết ông đã đọc rồi và còn nói thêm là mặc dù ông không thể cam-kết điều gì, ông hoàn-toàn tán-thành bản tuyên-cáo và tất cả những điều nói trong đó. Ông cho hay việc hoàn Mãn-châu, Ðài-loan và Bành-hồ lại cho Trung-quốc là phải(12). Ngoài ra, Stalin hoàn-toàn không hề nói gì đến hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa.

Một năm rưỡi sau, quyết-định của tam-cường tại Hội-nghị Cairo được tái xác-nhận trong một hội-nghị thượng-đỉnh tam-cường khác nhóm tại Potsdam từ 17.7 đến 2.8.1945 để ấn-định các điều-kiện cho Nhật-bản đầu hàng. Tổng-thống Hoa-kỳ, Thủ-tướng Anh (13) và Tổng-thống Trung-hoa Dân-quốc đã ra một tuyên-ngôn (thường gọi là Tuyên-ngôn Potsdam) ngày 26.7.1945 trong đó có ghi là "Các điều-khoản của bản Tuyên-cáo Cairo sẽ được thi-hành"(14).

Tại hội-nghị Potsdam này các nhà lãnh-đạo tam-cường đã quyết-định chia Ðông-dương làm hai khu-vực để cho tiện việc giải-giới quân-đội Nhật-bản đóng tại đây. Vĩ-tuyến thứ 16 được chọn làm ranh-giới: việc giải-giới ở khu-vực bắc vĩ-tuyến ủy-thác cho Quốc-quân Trung-hoa và ở khu-vực phía nam do liên-quân Anh-Ấn đảm-nhận(15). Vì quần-đảo Hoàng-sa nằm ở giữa hai vĩ-tuyến thứ 15 và 17 nên việc giải-giới quân-đội Nhật trú-đóng ở đây thuộc thẩm-quyền Quốc-quân Trung-hoa. Trái lại, việc giải-giới ở quần-đảo Trường-sa phải do liên-quân Anh-Ấn đảm-nhận do lẽ quần-đảo này nằm giữa hai vĩ-tuyến thứ 8 và 12.

Nhật-bản khi đầu hàng đã chịu điều-kiện qui-định trong bản Tuyên-cáo Cairo và ghi nhận trong Văn-kiện Ðầu hàng ngày 2.9.1945(16). Ðồng-thời, khi ra lệnh cho quân-đội Nhật-bản ở ngoại-quốc đầu hàng và nộp vũ-khí cho quân-đội Ðồng-minh, Nhật-hoàng Hirohito đã ban-hành Tổng Mệnh-lệnh số 1, trong đó điều I khoản (a) qui-định là:

"Các tư-lệnh Nhật-bản và tất cả lục, hải-quân cùng các lực-lượng phụ-thuộc ở trên đất Trung-hoa (ngoại trừ Mãn-châu), Ðài-loan và Ðông-Pháp ở 16 độ bắc vĩ-tuyến đầu hàng Ðại Nguyên-soái Tưởng Giới-thạch"(17).

Việc giải-giới quân-đội Nhật-bản của Quốc-quân Trung-hoa ở bắc vĩ-tuyến thứ 16 được coi là bắt đầu từ ngày 9.9.1945, khi Quốc-quân Trung-hoa do Tướng Lư-Hán chỉ-huy tiến vào thành-phố Hà-nội để thi-hành nhiệm-vụ này, và chấm-dứt vào cuối tháng 8 năm 1946 khi đội quân chiếm-đóng Trung-hoa cuối-cùng rời khỏi Việt-nam(18) sau khi Trung-hoa Dân-quốc đã ký với Pháp một thỏa-ước ngày 28.2.1946 nhường lại quyền giải-giới cho quân-đội Pháp(19). Tuy nhiên theo Bành Phẩm-quang viết trong bài "Quần-đảo Nam-sa tiền-đồn phòng-thủ lãnh-hải" thì:

"Ngày 26.10.1946, hạm-đội đặc-biệt của Trung-hoa Dân-quốc gồm 4 chiến-hạm, mỗi chiếc chở một số đại-diện của các bộ và 59 binh-sĩ thuộc trung-đội độc-lập về cảnh-vệ của hải-quân (tiền-thân của thủy-quân lục-chiến) từ cảng Ngô-tùng xuất-phát ngày 29 tháng 10 và ngày 29 tháng 11 thì các tàu Vĩnh-hưng và Trung-kiện mới tới đảo Vĩnh-hưng thuộc quần-đảo Tây-sa và đổ-bộ lên đây. Ngày 4 tháng 12 chiến-hạm Vĩnh-hưng còn đi qua đảo La-bột, đảo Ba-bột v.v... rồi trở lại. Còn hai chiến-hạm Thái-bình và Trung-nghiệp đến ngày 9 tháng 12 mới tới quần-đảo Nam-sa. Tháng 12 hoàn-tất công-tác chiếm đóng đảo Thái-bình, ngày 15 tháng 1 chiến-hạm Thái-bình tới các đảo I-thái, Ðế-đô, Song-tử, Nam-cực, v.v... rồi trở về. Ðến đây công-tác chiếm đóng và tiếp thu quần-đảo Tây-sa và Nam-sa đã hoàn-tất và lần-lượt trở về cảng Du-lâm."(20)

Như vậy việc Quốc-quân Trung-hoa đổ-bộ lên hai quần-đảo này, mà cả hai Chính-phủ Trung-hoa Dân-quốc và Trung-Cộng gọi là "tiếp-thu", là một hành-vi bất-hợp-pháp vì nhiều lý-do:

  • a) Theo quyết-định của hội-nghị Potsdam, Quốc-quân Trung-hoa chỉ có quyền giải-giới quân-đội Nhật-bản ở trên quần-đảo Hoàng-sa chứ không có quyền ở trên quần-đảo Trường-sa vốn thuộc thẩm-quyền liên-quân Anh-Ấn. Chúng tôi không biết và cũng không thấy có tài-liệu nào cho thấy là liên-quân Anh-Ấn hay chính-phủ hoàng-gia Anh đã ủy-thác việc giải-giới quân-đội Nhật-bản ở đây cho Quốc-quân Trung-hoa.
     
  • b) Việc giải-giới phải thực-hiện trước cuối tháng 8/1946. Tuy nhiên Quốc-quân Trung-hoa lại đổ-bộ quân lính lên hai quần-đảo này vào hai tháng 11 và 12 năm 1946 và tháng 1 năm 1947, như thế là đã làm một hành-vi xâm-lược chứ không phải là hành-vi thụ-ủy hợp-pháp, vì từ tháng 8/1946 hành-vi giải-giới của Quốc-quân Trung-hoa không còn căn-bản pháp-lý nữa.

    Thực vậy, theo Hiệp-ước Về Việc Pháp Khước-từ Trị-ngoại Pháp-quyền và các Quyền Liên-hệ khác ở Trung-quốc, do Ðại-sứ Pháp tại Trung-hoa là Jacques Meyrier ký với Bộ-trưởng Ngoại-giao Trung-hoa Dân-quốc Wang Shih-chieh ngày 28.2.1946 và có hiệu-lực từ ngày 8.6.1946, lãnh-thổ của Quốc-dân Chính-phủ Trung-hoa là Trung-hoa Dân-quốc (nghĩa là Hoa-lục và các đảo lân-cận) và của Chính-phủ Cộng-hòa Pháp là Pháp-quốc, Algeria, tất cả các thuộc-địa, các xứ bảo-hộ ở hải-ngoại cùng là các thác-quản địa của Pháp (điều 1). Mặt khác, theo văn-thư trao-đổi cùng ngày, việc quân-đội Pháp thay-thế Quốc-quân Trung-hoa (lúc đó đang chiếm đóng ở Viêt-nam phiá bắc vĩ-tuyến thứ 16) để canh giữ tù-binh Nhật-bản, duy-trì an-ninh trật-tự được thực-hiện từ ngày 1 đến ngày 15 tháng 3 và chấm-dứt trễ nhất là ngày 31 tháng 3.

    Trong khi đó, theo Hòa-ước Pháp-Hoa do Khâm-sai Ðại-thần Thanh-triều là Tổng-đốc Trực-lệ Lý Hồng-chương ký với đại-diện Pháp là Trung-tá Hải-quân Fournier tại Thiên-tân ngày 11.5.1884, Trung-quốc khước bỏ mọi quyền đối với Việt-nam và Việt-nam từ ngày đó trở đi không còn là một thuộc-quốc của Trung-hoa nữa. Hoà-ước này được tái-xác-nhận hơn một năm sau trong một hòa-ước khác ký ngày 9.6.1885. Mặt khác, sau khi Thế-chiến thứ II chấm-dứt, hoàng-đế Việt-nam khi đó là Bảo-đại (1925-1945) ngày 11.3.1945 đã hủy bỏ tất cả các hiệp-ước bảo-hộ Pháp-Việt và tuyên-bố Việt-nam độc-lập. Nền độc-lập của Việt-nam được tái-xác-nhận ngày 2.9.1945 khi Ðảng Cộng-sản Việt-nam nắm chính-quyền (19.8.1945). Chính nước Pháp cũng công-nhận nền độc-lập của Việt-nam trong điều 1 của Tạm-ước Pháp-Việt ký ngày 6.3.1946. Nói cách khác, kể từ 11.3.1945 trở đi lãnh-thổ của nước Việt-nam độc-lập gồm giải đất từ ải Nam-quan đến mũi Cà-mâu và các đảo phụ-thuộc Việt-nam ở ngoài khơi, kể cả hai quần-đảo Hoàng-sa và Trưởng-sa. Như vậy đối với cả hai nước Pháp và Trung-hoa, Việt-nam không phải là thuộc-quốc của nước nào cả.

    Do đó, việc "tiếp-thu" hay "giải-giới" của Quốc-quân Trung-hoa do Bành Phẩm-quang báo-cáo kể trên, dù là để thi-hành quyết-định của các quốc-gia đồng-minh trong trận Thế-chiến thứ II, đúng là một hành-vi bất-hợp-pháp, trái với các nguyên-tắc căn-bản của luật quốc-tế. Nó đã vi-phạm đến chủ-quyền của nước Việt-nam độc-lập.
     
  • c) Bản Tuyên-cáo Cairo Tuyên-ngôn Potsdam hoàn-toàn không đề-cập tới vấn-đề trao-hoàn cho Trung-quốc hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa mà Nhật-bản cưỡng-chiếm vào đầu trận thế-chiến thứ II. Sự thiếu-sót này có phải là do các nhà lãnh-đạo đồng-minh sơ-ý hay quên không? Lẽ dĩ-nhiên là không. Trái lại, chúng ta phải giải-thích là các vị ấy đã không quan-niệm hai quần-đảo này là phần lãnh-thổ của Trung-quốc. Ðiểm đặc-biệt đáng chú-ý hơn nữa là chính Tổng-thống Trung-hoa Dân-quốc, Ðại Nguyên-soái Tưởng Giới-thạch, đã tham-dự cả hai hội-nghị và đã ký vào cả Tuyên-cáo Cairo lẫn Tuyên-ngôn Potsdam, chứ không phải một người đại-diện nào khác để bảo là có thể đã không thi-hành đúng chỉ-thị của Chính-phủ Trung-hoa Dân-quốc. Nếu hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa thực-sự thuộc chủ-quyền của Trung-quốc thì không có lý gì họ Tưởng chỉ đòi trao-hoàn có Mãn-châu, Ðài-loan và Bành-hồ thôi mà lại không đòi luôn Hoàng-sa và Trường-sa. Hơn nữa, trong bản văn của Tuyên-cáo Cairo Tuyên-ngôn Potsdam chúng ta cũng không thấy từ "vân vân" để có thể nói là vấn-đề đã được bao-hàm trong hai văn-kiện này.

    Mười hai năm sau khi tham-dự Hội-nghị Cairo và ký bản Tuyên-cáo, ngày 8.2.1955 Tưởng Giới-thạch vẫn còn nhắc lại là:

    "Trong thông-cáo công-bố vào lúc bế-mạc hội-nghị, chúng tôi đã tuyên-bố là tất cả các lãnh-thổ do Nhật-bản 'cướp' của Trung-hoa, kể cả Ðông-tam tỉnh, Ðài-loan và Bành-hồ phải được trao-hoàn lại cho Trung-hoa Dân-quốc. Lời tuyên-bố này đã được bản Tuyên-ngôn Potsdam công-nhận và Nhật-bản chấp-nhận khi nước này đầu hàng."(21)

    Một lần nữa, ông hoàn-toàn không nói gì đến việc phải trao-hoàn hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa cho Trung-quốc. Vào lúc ông nói lời trên ông không phải là không biết có sự tranh-chấp về chủ-quyền đối với hai quần-đảo này mà cả chính-phủ của ông lẫn chính-phủ của Mao Trạch-đông đang đòi.

    d) Giải-giới quân-đội Nhật-bản ở Hoàng-sa và Trường-sa không thể hiểu là tiếp-thu hay thu-hồi được. Hai hành-động này có bản-chất khác nhau. Giải-giới chỉ có nghĩa là tước bỏ tất cả vũ-khí của một đội quân nào để cho đội quân đó không thể dùng vào việc chiến-tranh được nữa. Dù việc giải-giới đó được thực-hiện trên phần lãnh-thổ của một nước khác với nước có phận-sự giải-giới nó cũng không thể là lý-do để cho nước giải-giới chiếm lãnh-thổ đó được, trừ phi trong hiệp-định ủy-thác việc giải-giới đó có qui-định thêm cho phép nước giải-giới được chiếm lấy lãnh-thổ đó. Ngược lại, tiếp-thu hay thu-hồi ngụ ý chỉ nước làm công việc này tiếp-nhận lại phần lãnh-thổ của mình trước đó đã bị một nước khác chiếm đoạt.

    Như chúng ta được biết, cả Tuyên-cáo Cairo lẫn Tuyên-ngôn Potsdam chỉ cho phép Trung-hoa Dân-quốc giải-giới quân-đội Nhật-bản ở quần-đảo Hoàng-sa thôi, chứ không hề cho phép Trung-hoa Dân-quốc thu-hồi quần-đảo này cùng là giải-giới quân-đội Nhật-bản ở quần-đảo Trường-sa hay thu-hồi quần-đảo đó. Vì thế việc chiếm đóng và thu-hồi hai quần-đảo này của Trung-hoa Dân-quốc là bất-hợp-pháp và vi-phạm trầm-trọng luật quốc-tế vì đi trái với quyết-định của Tuyên-cáo Cairo Tuyên-ngôn Potsdam.

Vì các lý-do vừa kể trên, chúng ta phải nhìn-nhận rằng lời tuyên-bố ngày 15.8.1951 của Châu Ân-lai đã mâu-thuẫn với lời tuyên-bố ngày 4.12.1950 cũng của họ Châu. Một đằng Trung-Cộng đòi các quốc-gia phải tuân theo hai văn-kiện quốc-tế này và các chính-sách căn-bản đối với Nhật-bản sau khi nước này đầu hàng, trong đó việc chia đôi Ðông-dương để giải-giới quân-đội Nhật-bản đóng tại đây cũng là một chính-sách căn-bản, một đằng lại cho việc tiếp-thu hai quần-đảo không hề được qui-định trong hai văn-kiện quốc-tế là một hành-vi hợp-pháp.
 

Thứ ba, Trung-Cộng coi bất cứ một hòa-ước nào ký với Nhật-bản mà không có sự tham-dự của Trung-Cộng vào việc chuẩn-bị, soạn-thảo và ký-kết là bất-hợp-pháp và vô-hiệu.

Hòa-ước Cựu-kim-sơn ngày 8.9.1951 ký với Nhật-bản có phải là một hòa-ước bất-hợp-pháp và vô-hiệu không?

Theo định-nghĩa của luật quốc-tế, một hiệp-ước bị coi là bất-hợp-pháp khi nào nó nhằm theo đuổi một đối-tượng vô-luân, khi nào nó tạo ra những nghĩa-vụ bất-hợp-pháp trái với các nguyên-tắc của luật quốc-tế đã được mọi quốc-gia công-nhận, trái với nhân-quyền, trái với các nguyên-tắc căn-bản của Hiến-chương Liên-hiệp-quốc, hoặc-giả một hiệp-ước mà sự thi-hành sẽ tạo nên một bất-công pháp-lý cho một quốc-gia đệ tam, hoặc khi nó được được ký-kết bất-xứng hay mâu-thuẫn với các nghĩa-vụ của hiệp-ước có trước mà tất cả hay một trong các nước kết-ước đã ký (22). Chính Trung-Cộng cũng chấp-nhận giải-thích này và quan-điểm của Trung-Cộng được hai học-giả luật quốc-tế nổi tiếng là Thiệu Kim-phủ và Trần Thể-cường trình-bày trong hai bài biên-khảo.

Khi bàn về Hòa-ước Cựu-kim-sơn, Trần Thể-cường đã nhắc lại định-nghĩa của luật quốc-tế là "một quốc-gia có bổn-phận không được ký các hiệp-ước nào không phù-hợp với các nghĩa-vụ của các hiệp-ước có trước. Việc ký-kết những hiệp-ước như vậy là một hành-vi bất-hợp-pháp không thể tạo nên những kết-quả hợp-pháp có lợi cho quốc-gia vi-phạm luật."(23)

Mặt khác, trong bài "'Lưỡng Cá Trung-Quốc' Mậu-Luận Hòa Quốc-Tế-Pháp Nguyên-Tắc"(24), Thiệu Kim-phủ đã viện-dẫn lời của L. Oppenheim cho rằng "Hiệp-ước phải phù-hợp với luật-pháp, biểu-hiện trong các nguyên-tắc của luật quốc-tế được công-nhận một cách phổ-biến cũng như trong các tập-tục của các quốc-gia"(25) và "các nghĩa-vụ mâu-thuẫn với các nguyên-tắc của luật quốc-tế đã được mọi quốc-gia công-nhận thì không thể là đối-tượng của một hiệp-ước được."(26) Ngoài ra, ông cũng viện-dẫn điều 103 của Hiến-chương Liên-hiệp-quốc nói rằng khi có sự phân-tranh giữa các nghĩa-vụ của một quốc-gia hội-viên Liên-hiệp-quốc theo Hiến-chương này và các nghĩa-vụ do hiệp-ước quốc-tế khác tạo nên, nghĩa-vụ theo Hiến-chương Liên-hiệp-quốc sẽ ưu-thắng. Rồi ông kết-luận là hiệp-ước nào không phù-hợp với Hiến-chương Liên-hiệp-quốc sẽ bị coi là vô-hiệu không thể chấp-hành được.

Ðem áp-dụng các định-nghĩa nêu trên vào Hòa-ước Cựu-kim-sơn, chúng ta thấy các quốc-gia ký hòa-ước với Nhật-bản là để chấm-dứt tình-trạng chiến-tranh có từ khi xảy ra trận Thế-chiến thứ II, khôi-phục địa-vị của Nhật trên trường quốc-tế, làm giảm tình-trạng căng-thẳng trên thế-giới ngõ hầu xúc-tiến việc tạo-dựng và duy-trì hòa-bình trên thế-giới, v.v... Như vậy các quốc-gia này đã tuân-thủ các nguyên-tắc căn-bản của Hiến-chương Liên-hiệp-quốc và theo đuổi một đối-tượng cao-quý, chứ không phải là vô-luân. Riêng đối với Trung-Cộng, nếu muốn, nước này có thể viện cớ không được mời tham-dự hòa-hội Cựu-kim-sơn để coi hòa-ước không thể chấp-hành đối với mình thôi, chứ không thể coi nó là hòa-ước bất-hợp-pháp và vô-hiệu được.

Ngược lại, đứng về phương-diện hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa, chính Trung-Cộng đã có hành-vi bất-hợp-pháp khi nhà cầm quyền Bắc-kinh cổ-võ và biện-minh cho việc Trung-hoa Dân-quốc đem quân đến chiếm hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa dưới danh-nghĩa tiếp-thu.

Thực vậy, điều 2 của Hòa-ước Cựu-kim-sơn sau khi đã nói về việc Nhật từ-bỏ mọi quyền, danh-nghĩa và đòi-hỏi đối với tất cả các lãnh-thổ nào không phải là lãnh-thổ chính của Nhật-bản mà nước này đã chiếm được từ khi có trận Thế-chiến thứ I cho đến khi chấm-dứt trận Thế-chiến thứ II đã qui-định thêm trong đoạn (f) như sau:

"Nhật-bản khước-từ mọi quyền, danh-nghĩa và đòi-hỏi trên quần-đảo Trường-sa và quần-đảo Hoàng-sa."

Các qui-định trong điều 2 như vậy đã theo đúng với quyết-định của Hội-nghị Cairo năm 1943 được diễn-tả trong bản Tuyên-cáo Cairo mà Trung-Cộng vẫn luôn đòi phải được coi là căn-bản chính cho một hòa-ước ký với Nhật-bản đã nói ở bên trên. Nói cách khác, chính Trung-Cộng đã coi quyết-định của các đại-cường là hợp-lý, hợp-tình và hợp-pháp.

Về giá-trị của bản Tuyên-cáo Cairo Tuyên-ngôn Potsdam, cả hai phe Quốc-Cộng Trung-hoa đều nhìn-nhận là có hiệu-lực. Chúng ta có thể nêu ra vài thí-dụ.

Về phía Trung-hoa Dân-quốc, ngày 8.2.1955, khi duyệt-xét tình-hình thế-giới, Tổng-thống Tưởng Giới-thạch, đã nói như sau:

"Tôi còn nhớ rằng năm 1945, cố Tổng-thống Hoa-kỳ Roosevelt và đương-kim Thủ-tướng Anh Churchill đã cùng tôi họp hội-nghị ở Cairo để thảo-luận về các vấn-đề liên-quan tới việc tiến-hành chiến-tranh chống Nhật-bản và hậu-quả của nó. Trong thông-cáo công-bố vào lúc bế-mạc hội-nghị, chúng tôi đã tuyên-bố là tất cả các lãnh-thổ do Nhật-bản 'cướp' của Trung-quốc kể cả Ðông-Tam tỉnh, Ðài-loan và Bành-hồ phải được trao-hoàn cho Trung-hoa Dân-quốc. Lời tuyên-bố này đã được bản Tuyên-ngôn Potsdam công-nhận và Nhật-bản chấp-nhận khi nước này đầu hàng. Như vậy giá-trị của nó, tức là của bản Tuyên-cáo Cairo, dựa trên một số thỏa-thuận và không ai có thể hoài-nghi được

...........

"Có ngưới phủ-nhận giá-trị của bản Tuyên-cáo Cairo ... Nếu người ta có thể phủ-nhận giá-trị của bản Tuyên-cáo Cairo, thì bản Tuyên-ngôn Potsdam và tất cả các hiệp-ước, thỏa-ước quốc-tế được ký-kết từ khi chấm-dứt Thế-chiến thứ II sẽ ra sao? Có thể phủ-nhận giá-trị của những văn-kiện này được không? Nếu như các nước dân-chủ không thừa-nhận bản Tuyên-cáo Cairo mà chính họ đã ký-kết thì làm thế nào mà bây giờ hay trong tương-lai họ có thể chỉ-trích khối Cộng-sản xâm-lăng xé bỏ các hiệp-ước, thỏa-ước được?..."(27)

Về quan-điểm của Bắc-kinh đối với vấn-đề giá-trị của hai văn-kiện quốc-tế quan-trọng này, chúng ta đã thấy (a) khi cuộc tranh-luận tại Liên-hiệp-quốc về địa-vị của đảo Ðài-loan đang tiến-hành, ngày 24.8.1950 nhà cầm quyền Cắm-thành đã gửi một bức công-điện cho tổ-chức quốc-tế này trong đó có đề-cập tới Tuyên-cáo Cairo Tuyên-ngôn Potsdam coi là "những thỏa-ước có ước-thúc-lực" mà các quốc-gia ký-kết phải tôn-trọng và tuân-hành(28), (b) hoặc như qua lời tuyên-bố ngày 4.12.1950 của Châu Ân-lai nói trên, (c) cũng như trong lời tuyên-bố ngày 15.8.1951 của Châu Ân-lai như sau:

"Dù xét về thủ-tục mà hòa-ước được chuẩn-bị hay về nội-dung, ta thấy Dự-thảo Hòa-ước Anh-Mỹ trắng-trợn vi-phạm các thỏa-ước quốc-tế quan-trọng, mà Anh-Mỹ đều là phe kết-ước, như là ... bản Tuyên-cáo Cairo, ... bản Tuyên-ngôn Potsdam ...

Vi-phạm sự thỏa-thuận theo bản Tuyên-cáo Cairo và bản Tuyên-ngôn Potsdam, Dự-thảo Hòa-ước chỉ qui-định là Nhật-bản sẽ khước-từ các quyền đối với Ðài-loan và Bành-hồ..."(29)

Bên cạnh quan-điểm của nhà cầm quyền Bắc-kinh còn có quan-điểm của học-giả nữa. Chẳng hạn Trần Thể-cường đã viết một bài nhan-đề "Ðài-loan đích Chủ-quyền Thuộc ư Trung-quốc," trong đó ông có nói:

"Bản Tuyên-cáo Cairo ... là một văn-kiện quốc-tế 'ràng buộc về pháp-lý các quốc-gia đương-sự.' Hơn nữa, bản Tuyên-ngôn Potsdam do Trung-quốc, Hoa-kỳ và Anh-quốc ký ngày 26 tháng 7 năm 1945 để thúc Nhật-bản đầu hàng đã tái xác-định các nghĩa-vụ trong bản Tuyên-cáo Cairo. Bản Tuyên-ngôn Potsdam qui-định là 'các điều-khoản của bản Tuyên-cáo Cairo sẽ được thì-hành.' Câu 'sẽ được thi-hành' như vậy chứng-tỏ rằng bản Tuyên-cáo Cairo là một văn-kiện tạo nên nghĩa-vụ quốc-tế, chứ không phải chỉ là lời tuyên-bố về các ý-định của các người ký ...

Ðứng về phương-diện học-lý của luật quốc-tế, không thể nào nghi-ngờ hiệu-lực ước-thúc của bản Tuyên-cáo Cairo, một hiệp-ước quốc-tế ." (30)

Như vậy là cả hai phe Quốc-Cộng Trung-hoa đều đồng-ý là bản Tuyên-cáo Cairo có hiệu-lực đối với các quốc-gia kết-ước. Trung-hoa, một trong những quốc-gia đó, có bổn-phận phải tuân-thủ những điều cam-kết. Do đó, tuy không tham-dự việc chuẩn-bị, soạn-thảo và ký Hòa-ước Cựu-kim-sơn, Trung-Cộng không thể nào coi hòa-ước này bất-hợp-pháp được vì lẽ nó đã qui-định đúng những quyết-định của bản Tuyên-cáo Cairo mà Trung-Cộng vẫn đòi mọi quốc-gia kết-ước phải tuân theo. Nói cách khác, vì Hòa-ước Cựu-kim-sơn là một văn-kiện quốc-tế nhằm thi-hành những quyết-định của Hội-nghị Cairo 1943, nó cũng phải có hiệu-lực như bản Tuyên-cáo Cairo, kể cả đối với Trung-Cộng vốn tự nhận là "đại-diện duy-nhất chân-chính của nhân-dân Trung-hoa."

Hơn một tháng sau khi lên tiếng ngày 15.8.1951 về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa nói trên, khi bình-luận về việc ký Hòa-ước Cựu-kim-sơn, trong một thông-cáo của Bộ Ngoại-giao Bắc-kinh ngày 18.9.1951, Châu Ân-lai không hề nói gì về vấn-đề hai quần-đảo này cả mà chỉ lập lại lập-trường cũ, phủ-nhận giá-trị và hiệu-lực của hòa-ước vì đã được ký-kết mà không có sự tham-dự của Trung-Cộng(31).

Sự im-lặng này càng khó hiểu hơn nữa khi chắc-chắn là Trung-Cộng phải biết rằng hòa-hội Cựu-kim-sơn đã bác-bỏ đề-nghị của phái-đoàn Nga-sô đòi trao trả hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa cho Trung-Cộng và về phản-ứng của phái-đoàn Quốc-gia Việt-nam(32).

Thực vậy, ngày 5.9.1951, trong phiên họp khoáng-đại hội-nghị thứ 2 của Hòa-hội Cựu-kim-sơn, đại-biểu Nga-sô Andrei A. Gromyko sau khi chỉ-trích tính-cách bất-hợp-pháp và sự vô-nghĩa cùa bản dự-thảo hòa-ước của Anh-Mỹ để ký với Nhật-bản đã đưa ra một đề-nghị 7 điểm gọi là để hướng-dẫn việc ký-kết hòa-ước thực-sự với Nhật-bản. Ðiểm 6 đề-nghị trao trả hai quần-đảo này cho Trung-Cộng. Hai ngày sau, 7.9.1951 Thủ-tướng kiêm Ngoại-trưởng Trần-văn-Hữu, trưởng phái-đoàn Quốc-gia Việt-nam, đã lên tiếng tái xác-định chủ-quyền của Việt-nam trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa.

Về đề-nghị của Gromyko, chính-phủ Bắc-kinh không chính-thức lên tiếng. Chỉ có bán nguyệt-san Anh-ngữ của Trung-Cộng People's China (Nhân-dân Trung-quốc) tường-thuật lại trong một bài nhan-đề "At the San Francisco 'Conference'" (Tại "Hội-nghị" Cựu-kim-sơn), trong đó có ghi điểm 6 của đề-nghị Nga-Sô như sau:

"Qui-hoàn Ðài-loan, quần-đảo Bành-hồ (Pescadores), quần-đảo Tây-sa và các lãnh-thổ Trung-hoa khác cho nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa." (33)

Ngoài điểm này ra, bài tường-thuật cũng không đả-động gì đến việc hòa-hội bác-bỏ đề-nghị của Nga-sô và phản-ứng của Quốc-gia Việt-nam. Sự im-lặng này đáng lạ vì bài tường-thuật được viết trong khoảng thời-gian giữa các ngày 5.9.1951 (ngày Gromyko nêu đề-nghị 7 điểm), ngày 7.9.1951 (ngày trưởng phái-đoàn Quốc-gia Việt-nam tái xác-định chủ-quyền của Việt-nam) và ngày 16.9.1951 (ngày báo phát-hành). Như vậy không thể nào Trung-Cộng không biết gì đến phản-ứng của Việt-nam đối với đề-nghị của Nga-sô và không có lý nào nhà cầm quyền Cấm-thành lại quên được, nhất là bài báo nói trên trước khi được in đã phải được nhà cầm quyền Trung-Cộng kiểm-duyệt và cho phép.

Một điểm khác chúng ta cũng nên nhớ là bất cứ một hành-vi nào của Quốc-gia Việt-nam (và sau này của Việt-nam Cộng-hòa) đều bị Trung-Cộng theo dõi rất kỹ và, khi thấy thuận-tiện, phê-bình, chỉ-trích rất nặng-nề. Nếu quả thực hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa là của Trung-quốc thì việc trưởng phái-đoàn Quốc-gia Việt-nam tái xác-định chủ-quyền trong hòa-hội không thể nào mà không bị Trung-Cộng chỉ-trích dữ-dội và lên án, đe-dọa như sau này Trung-Cộng sẽ làm.

Sự im-lặng lại càng trở nên khó hiểu hơn nữa khi trong bản tuyên-bố ngày 5.5.1952(34) về hòa-ước mà Trung-hoa Dân-quốc đã ký với Nhật-bản ngày 28.4.1952, Châu Ân-lai không nói gì đến hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa, mặc dù hai quần-đảo này đã được đề-cập tới trong điều 2 của hòa-ước như sau:

"Ðiều 2.- Hai bên nhìn-nhận là theo điều 2 Hòa-ước với Nhật-bản ký ngày 8 tháng chín năm 1951 tại Cựu-kim-sơn ở Hoa-kỳ, Nhật-bản đã khước-từ mọi quyền, danh-nghĩa hay đòi-hỏi liên-quan đến Ðài-loan (Formosa) và Bành-hồ (the Pescadores), cũng như quần-đảo Trường-sa và Hoàng-sa."(35)

Theo điều-khoản này, Nhật-bản chỉ nhắc lại việc khước-từ thôi chứ không nói rõ là Nhật-bản qui-hoàn hai quần-đào này cho Trung-hoa Dân-quốc. Có một sự khác-biệt rất lớn giữa hai hành-động khước-từ và qui-hoàn. Khước-từ là một hành-động tiêu-cực do đó người (hay nước) khước-từ nhìn-nhận là từ ngày có (hay ký) quyết-định khước-từ người (hay nước) ấy sẽ không còn bất cứ một thứ quyền hợp-pháp nào đối với vật mà người (hay nước) ấy từ-bỏ. Tuy nhiên, người (hay nước) này không chuyển-giao hay chuyển-nhượng vật đó cho một người (hay nước) khác. Trái lại, qui-hoàn là một hành-động tích-cực, có nghĩa là người chiếm-hữu một vật gì, dù là chiếm-hữu hợp-pháp hay là bất-hợp-pháp, trả vật đó lại cho sở-hữu-chủ hợp-pháp của nó. Sở-hữu-chủ của vật được qui-hoàn là đối-tượng xác-định của hành-động qui-hoàn.

Vì mục-đích của chúng tôi trong bài biên-khảo này chỉ là tìm hiểu các luận-cứ của Trung-quốc về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa thôi nên chúng tôi không tìm hiểu nguyên-nhân của sự im-lặng của Trung-Cộng.

 

III. Phản-ứng của Trung-quốc đối với việc Phi-luật-tân lại đòi chủ-quyền trên quần-đảo Trường-sa (1956)

Sau khi hòa-hội Cựu-kim-sơn bế-mạc, cả Trung-Cộng lẫn Ðài-loan không có dịp nào để lên tiếng về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa cho tới năm 1956 khi Phi-luật-tân lên tiếng đòi chủ-quyền trên quần-đảo Trường-sa.

Trong hai năm 1949 và 1950, Tomas Cloma, chủ một đội ngư-thuyền và thương-thuyền và giám-đốc một trường hàng-hải(36) đã khám-phá thấy một nhóm đảo lớn nhỏ ở cách đảo Palawan của Phi-luật-tân(37) khoảng 400 dặm về phía tây. Ông hy-vọng lập một nhà máy nước đá và một nhà máy đóng đồ hộp ở trên một hòn đảo lớn nhất ở đây, cũng như là khai-thác phân chim trong những hòn đảo kế-cận.

Tuy nhiên, mãi đến đầu năm 1956 Cloma mới lại tiếp-tục khám-phá những hòn đảo này trong một chuyến du-hành 38 ngày. Ngày 15.3.1956, chiếc tàu PMI IV -- vẫn được dùng để huấn-luyện các sinh-viên trường hàng-hải của Cloma -- do thuyền-trưởng Filemon Cloma, em trai Tomas Cloma, điều-khiển đã lên đường ra các hòn đảo này chiếm đóng(38). 40 thủy-thủ trên tàu, tất cả đều có quốc-tịch Phi-luật-tân, đã dựng quốc-kỳ Phi-luật-tân trên một hòn đảo và chính-thức tuyên-bố chiếm-hữu đảo này theo tục-lệ quốc-tế. Tại mỗi hòn đảo họ tới chiếm đóng, họ đều niêm-yết cáo-thị chiếm-hữu. Họ đặt tên những hòn đảo ở đây, tất cả có 53 đảo và cù-lao với diện-tích tổng-cộng 64.976 dặm vuông, là "Freedomland" hay Ðất Tự-do(39).

Ngày 15.5.1956 Cloma chính-thức thông-báo cho Phó Tổng-thống kiêm Ngoại-trưởng Phi-luật-tân Carlos P. Garcia hay là một số công-dân Phi-luật-tân đã quan-sát, trắc-lượng và chiếm-hữu "một lãnh-thổ ở Nam-hải, bên ngoài hải-phận Phi-luật-tân và không thuộc thẩm-quyền quản-hạt của nước nào."(40) Cloma cũng nói thêm là lãnh-thổ này đã được Cloma và các đồng-sự tuyên-bố chiếm-hữu.

Mặt khác, Cloma đã gửi "cáo-thị" về việc chiếm-hữu này tới báo-chí trong và ngoài nước, yêu-cầu đăng-tải theo thủ-tục luật quốc-tế. Cáo-thị nhấn mạnh là sự tuyên-bố này căn-cứ vào quyền khám-phá và/hay chiếm-hữu công-khai.

Sáu ngày sau, ngày 21.5.1956, Cloma gửi một bức thư thứ nhì cho Bộ Ngoại-giao Phi-luật-tân để thông-báo cho Chính-phủ Phi-luật-tân hay là lãnh-thổ mà ông tuyên-bố chiếm-hữu được đặt tên là "Freedomland." Kèm theo thư là danh-sách các đảo và cù-lao.

Trong thư Cloma còn nói thêm là:

"Kính xin lưu-ý là sự tuyên-bố này do 'các công-dân Phi-luật-tân' làm chứ không phải là 'nhân-danh Chính-phủ Phi-luật-tân' bởi vì chúng tôi không được phép làm như vậy. Tuy nhiên việc này sẽ có hậu-quả là lãnh-thổ trở thành một phần của Phi-luật-tân. Vì lý-do đó chúng tôi hy-vọng và thỉnh-cầu Chính-phủ Phi-luật-tân ủng-hộ cùng là bảo-vệ sự tuyên-bố của chúng tôi và xin cũng đừng đưa một tuyên-bố nào khác ra Liên-hiệp-quốc để tránh khỏi khuyến-khích, xúi-giục sự phản-đối của các nước khác."(41)

Sau đó Cloma chính-thức tuyên-bố thành-lập một chính-quyền riêng-biệt cho quần-đảo Freedomland và gửi một bản tuyên-cáo về việc thành-lập chính-quyền này cho Ngoại-trưởng Phi-luật-tân ngày 6.7.1956. Bản tuyên-bố còn yêu-cầu Phi-luật-tân cho quần-đảo hưởng qui-chế bảo-hộ.

Vấn-đề rắc-rối thêm khi Ngoại-trưởng Phi-luật-tân trong thư trả lời Cloma đã viết:

"Về phần Bộ Ngoại-giao, thiểm Bộ coi các đảo, cù-lao, ám-sa san-hô, thiển-than và các bãi cát bao gồm ở trong vùng mà ông mệnh-danh là "Freedomland", ngoại trừ nhóm 7 hòn đảo mà quốc-tế thường gọi là quần-đảo Spratly, là đất vô-chủ, có cái mới nổi lên, có cái đã được ghi-chú trên bản đồ quốc-tế chưa thám-sát và sự hiện-hữu đáng nghi-ngờ, và tất cả đều chưa có ai tới chiếm-hữu, chưa có ai cư-ngụ; nói một cách khác, điều đó có nghĩa là mọi công-dân Phi-luật-tân có quyền tự-do khai-thác kinh-tế và lập-nghiệp như công-dân bất cứ quốc-gia nào khác, ngày nào mà chủ-quyền chuyên-hữu của bất cứ quốc-gia nào trên những đảo này không được thiết-lập theo các nguyên-tắc vẫn được luật quốc-tế chấp-nhận hay được cộng-đồng các quốc-gia thừa-nhận.

"Còn về nhóm 7 hòn đảo mà quốc-tế thường gọi là quần-đảo Spratly, Chính-phủ Phi-luật-tân coi những đảo này như là ở trong chế-độ giám-hộ trên thực-tế của các quốc-gia đồng-minh thắng trận Thế-chiến thứ 2 do kết-quả của Hòa-ước Nhật-bản ký tại Cựu-kim-sơn ngày 8.9.1951 do đó Nhật-bản khước-từ mọi quyền, danh-nghĩa và đòi hỏi trên quần-đảo Spratly và quần-đảo Paracel và cho tới nay các quốc-gia đồng-minh chưa có một vụ dàn-xếp đất-đai nào về hai quần-đảo này. Vì thế ngày nào mà nhóm các đảo đó còn ở trong tình-trạng này, mọi công-dân hay nhân-viên các quốc-gia đồng-minh có quyền khai-thác kinh-tế và lập-nghiệp trên căn-bản bình-đẳng cơ-hội và đối-đãi về các vấn-đề xã-hội, kinh-tế và thương-mại liên-quan tới hai quần-đảo này.

"Phi-luật-tân là một trong những quốc-gia đồng-minh đã đánh bại Nhật-bản trong trận Thế-chiến thứ 2 và cũng là quốc-gia ký Hòa-ước Nhật-bản đã nói bên trên.

"Về phương-diện vị-trí địa-dư của những hòn đảo và cù-lao bao gồm trong "Freedomland", vì chúng kế-cận biên-giới lãnh-thổ Phi-luật-tân về phía tây, vì những quan-hệ lịch-sử và địa-chất của chúng đối với quần-đảo Phi-luật-tân, vì giá-trị chiến-lược lớn-lao của chúng đối với nền quốc-phòng và an-ninh của chúng ta, ngoài tiềm-năng kinh-tế đáng kể về ngư-nghiệp, sản-phẩm san-hô, hải-sản và phốt-phát, chắc chắn là Chính-phủ Phi-luật-tân không coi thường sự khai-thác kinh-tế và lập-nghiệp của các công-dân Phi-luật-tân tại những nhóm đảo và cù-lao này ngày nào họ còn theo đuổi những mục-đích hợp-pháp."(42)

Ngoài ra, trong một buổi họp báo tại Manila ngày 19.5.1956, ông Carlos P. Garcia cũng tuyên-bố là một nhóm đảo ở Nam-hải, kể cả đảo Thái-bình và đảo Trường-sa, đúng lý ra phải thuộc về Phi-luật-tân vì chúng kế-cận nước này.

Các sự-kiện và lời tuyên-bố này đã đưa đến những phản-ứng mãnh-liệt trên thế-giới. Vì đề-tài của bài này, ở đây chúng tôi chỉ đề-cập tới phản-ứng của Trung-quốc thôi chứ không đề-cập tới phản-ứng của Việt-nam và của các quốc-gia khác.

Ngày 29.5.1956 Bộ Ngoại-giao Trung-Cộng đã ra một tuyên-bố về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo, nội-dung như sau:

"Theo tin gần đây của một vài hãng thông-tấn ngoại-quốc Bộ-trưởng Ngoại-giao Phi-luật-tân Carlos Garcia đã tuyên-bố trong một cuộc họp báo là nhóm các đảo ở Nam Trung-quốc-hải kể cả đảo Thái-bình và đảo Nam-uy 'đúng lý ra phải thuộc về Phi-luật-tân vì chúng ở kế-cận.' Các báo-cáo của các hãng thông-tấn ngoại-quốc còn tiết-lộ là Chính-phủ Phi-luật-tân hiện đang tiếp-xúc với bè lũ Tưởng Giới-thạch ở Ðài-loan mưu toan 'dàn xếp' cái gọi là vấn-đề chủ-quyền trên quần-đảo Nam-sa. Về vấn-đề này, Chính-phủ nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa thấy cần phải tuyên-bố như sau:

"Ðảo Thái-bình và đảo Nam-uy ở Nam-hải nói trên, cùng với những đảo nhỏ ở lân-cận đều được gọi chung là quần-đảo Nam-sa. Quần-đảo này lúc nào cũng là một phần lãnh-thổ của Trung-quốc. Nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa có chủ-quyền bất-khả tranh-nghị và hợp-pháp đối với quần-đảo này. Ngay từ ngày 15.8.1951, Bộ-trưởng Ngoại-giao nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa Châu Ân-lai trong bản Tuyên-bố về Dự-thảo Hòa-ước ký với Nhật-bản của Anh-Mỹ và Hội-nghị Cựu-kim-sơn đã long-trọng vạch rõ rằng: 'Cũng như toàn-thể quần-đảo Nam-sa, quần-đảo Trung-sa và quần-đảo Ðông-sa, quần-đảo Tây-sa (quần-đảo Paracel) và đảo Nam-uy (đảo Spratly) lúc nào cũng là lãnh-thổ của Trung-quốc. Mặc dù đã có thời-kỳ những đảo này bị Nhật-bản chiếm đóng trong trận chiến-tranh xâm-lăng do đế-quốc Nhật-bản gây ra, sau khi Nhật-bản đầu hàng, Chính-phủ Trung-hoa lúc bấy giờ đã thu-hồi lại.' Cớ do Chính-phủ Phi-luật-tân nêu ra để che-đậy ý-đồ xâm-chiếm lãnh-thổ của Trung-quốc, quần-đảo Nam-sa, hoàn-toàn không thể biện-minh được.

"Chính-phủ nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa long-trọng tuyên-bố: sự xâm-phạm chủ-quyền hợp-pháp của Trung-quốc đối với quần-đảo Nam-sa của bất cứ quốc-gia nào, vì bất cứ lý-do nào, và bằng bất cứ phương-tiện nào, cũng tuyệt-đối không thể dung-thứ được."(43)

Một lần nữa chúng ta thấy bản tuyên-bố vừa kể trên cũng không nêu ra một chi-tiết cụ-thể nào để chứng-minh chủ-quyền của Trung-quốc đối với quần-đảo Trường-sa, và cả Hoàng-sa nữa. Vẫn chỉ là sự tái khẳng-định chủ-quyền đó một cách vu-vơ thôi.

Về phía Ðài-loan, Chính-phủ Trung-hoa Dân-quốc, qua đại-sứ ở Manila, đã phản-kháng mạnh-mẽ cùng Chính-phủ Phi-luật-tân và viện vào cớ là quần-đảo này thuộc về Trung-quốc từ thế-kỷ thứ 15. Chúng tôi rất tiếc không được rõ nội-dung sự phản-kháng này nên không biết luận-cứ của Ðài-loan ra sao và căn-cứ vào đâu Ðài-loan cho là chủ-quyền đó có từ thế-kỷ thứ 15.

Song-song với việc phản-kháng tại Manila, phát-ngôn-viên Ðài-loan còn loan tin Ðài-loan phái một lực-lượng đặc-nhiệm tới quần-đảo Trường-sa "có thể và chắc chắn sẽ xảy ra" và quả thực một hạm-đội Ðài-loan đã được phái tới nơi trong một thời-gian ngắn để ngăn-chặn mọi việc không hay xảy ra.

Nhận được tin này, Ngoại-trưởng Phi-luật-tân vội-vàng chỉ-thị cho Ðại-sứ Phi-luật-tân tại Ðài-bắc là Narciso Ramos báo cho Chính-phủ Ðài-loan "không nên quá e-ngại về diễn-biến của tình-hình." Ngoài ra ông cũng loan-báo là Chính-phủ Phi-luật-tân chưa có một thái-độ chính-thức nào về những lời tuyên-bố của Cloma và tuy Phi-luật-tân chưa thăm-dò ý-kiến với Chính-phủ Hoa-kỳ về vấn-đề này, ông nghĩ rằng nếu sau này cần có một trung-gian hòa-giải thì Hoa-kỳ sẽ là "một trọng-tài công-minh chính-trực" vì Hoa-kỳ có quan-hệ thân-hữu với cả hai nước.

Trong khi đó, ngày 8.6.1956 Cloma lại phái một đoàn thứ 2 mang thực-phẩm ra tiếp-tế cho 29 thủy-thủ đã ở lại quần-đảo trong chuyến đi thứ nhất.

Ở đảo Thái-bình, các thủy-thủ của Cloma thấy hải-quân Ðài-loan đã bốc rỡ những mốc bia đánh dấu mà họ dựng lên trên đảo trong chuyến đi thứ nhất và đã dựng một dấu hiệu của Trung-hoa Dân-quốc trên mốc bia cũ của Nhật-bản và cũng vẽ dấu hiệu Trung-hoa trên tường một căn nhà đổ nát trước kia thuộc trại lính Nhật-bản.

Cuộc chạm trán đầu tiên giữa đội của Cloma và hải-quân Ðài-loan xảy ra ngày 1.10.1956. Lúc thuyền-trưởng Filemon Cloma đang ở trên tàu PMI IV bỏ neo ở ngoài khơi đảo Ciriaco thì có hai chiếc tàu của Ðài-loan từ phía nam tiến lại gần. Thuyền-trưởng Cloma được mời lên tàu của Ðài-loan để thuơng-nghị với thuyền-trưởng họ Hồ. Cuộc thảo-luận kéo dài 4 tiếng đồng hồ. Sau đó một đoàn thủy-quân Ðài-loan lên tàu của Cloma kiểm-soát trong hai tiếng đồng hồ. Họ tịch-thu tất cả súng ống, võ-khí, bản đồ và các tài-liệu trên tàu. Mặc dù có phản-kháng, thuyền-trưởng Cloma vẫn bị giữ trên tàu mãi đến 9 giờ đêm hôm đó. Hôm sau, thuyền-trưởng Cloma lại dược mời lên tàu Ðài-loan. Tuy từ-chối không chịu nhận Freedomland là lãnh-thổ của Trung-hoa và không chịu ký vào tờ tuyên-bố là ông và các thủy-thủ sẽ rời Freedomland không bao giờ trở lại, nhưng ông không bị bắt-buộc phải nộp võ-khí cho các viên-chức Ðài-loan. Ngày 3.10.1956 tàu của Ðài-loan rời khu-vực này.

Nói tóm lại, cả Bắc-kinh lẫn Ðài-bắc đều nhận hai quần-đảo Trường-sa và Hoàng-sa là lãnh-thổ của Trung-quốc. Tuy nhiên, cả hai chính-phủ Quốc-Cộng Trung-hoa lại vẫn không đưa ra dược một dẫn-chứng cụ-thể nào để bênh-vực quan-điểm của mình mà chỉ biết dùng võ-lực để ép người khác phải nhìn-nhận quan-điểm của họ. Chính-sách sử-dụng võ-lực này 18 năm sau (1974) đã được Trung-quốc dùng tới một lần nữa, lần này đến phiên Trung-Cộng.

 

IV. Dịp Việt-nam Cộng-hòa bắt giữ ngư-dân Trung-Cộng (1959)

Ngót ba năm sau, năm 1959, lại có một biến-cố khác đã xảy ra khiến cho Trung-quốc có dịp lên tiếng về vấn-đề chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa.

Ðêm ngày 20 rạng ngày 21.2.1959, một đơn-vị hải-quân Việt-nam Cộng-hòa đóng tại quần-đảo Hoàng-sa phát-giác thấy Trung-Cộng đã lén đưa ngư-dân đổ-bộ lên các đảo Cam-tuyền (Robert), Duy-mộng (Drummond) và Quang-hòa (Duncan) trong nhóm Nguyệt-thiềm (Crescent) thuộc quần-đảo Hoàng-sa với mục-đích chiếm lấy quần-đảo. Ðây không phải là lần đầu họ làm như vậy. Năm 1956 các ngư-dân Trung-Cộng đã lén-lút đổ-bộ lên Lâm-đảo (Wooded Island) và đảo Linh-côn (Lincoln Island), cũng thuộc nhóm Nguyệt-thiềm, và sau được thay-thế bằng quân chính-qui của Trung-Cộng. Tuy nhiên lần đổ bộ này họ không thành-công. Hải-quân Việt-nam Cộng-hòa đã ngăn-chặn các ngư-thuyền của họ và ra lệnh cho họ rút lui. Khi họ từ-chối và kháng-cự, các lực-lượng hải-quân Việt-nam Cộng-hòa đã bắt giữ 82 ngư-dân và 5 ngư-thuyền. Vài bữa sau họ được thả.

Ngót một tuần sau, Bắc-kinh mới phản-ứng. Trong một bản tuyên-bố ngày 27.2.1959, Bộ Ngoại-giao Trung-Cộng đã vu-cáo là hải-quân VNCH đã xâm-nhập bất-hợp-pháp quần-đảo Hoàng-sa, bắt cóc 82 ngư-dân và chiếm giữ 5 ngư-thuyền cùng các tài-sản khác của ngư-dân Trung-Cộng. Bản tuyên-bố còn nói thêm là:

"Quần-đảo Tây-sa là một phần của lãnh-thổ Trung-quốc. Chính-phủ nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa đã long-trọng tuyên-bố về sự-kiện này ngày 15.8.1951 và ngày 29.5.1956. Bây giờ hải-quân Nam-Việt đã vi-phạm sự toàn-vẹn lãnh-thổ của Trung-quốc và bắt cóc các ngư-dân, ngư-thuyền Trung-hoa. Ðiều này làm cho nhân-dân Trung-hoa hết sức tức-giận.

"Bộ Ngoại-giao nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa long-trọng cảnh-cáo nhà cầm quyền Nam-Việt phải phóng-thích ngay những ngư-dân Trung-hoa bị bắt cóc, trao trả tất cả các ngư-thuyền và tài-sản khác đã bị chiếm mang đi, bồi-thường thiệt-hại cho những người này và bảo-đảm không để cho những việc bất-hợp-pháp tương-tự tái-diễn trong tương-lai. Nếu không, nhà cầm quyền Nam-Việt sẽ phải chịu trách-nhiệm về tất cả các hậu-quả."(44)

Bản tuyên-ngôn này, cũng như biết bao bản tuyên-ngôn trước đó, không hề đưa ra một chi-tiết nào để chứng-minh Hoàng-sa, và cả Trường-sa nữa, là một phần lãnh-thổ của Trung-quốc. Tuy nhiên, bản tuyên-bố cũng mang một vài điểm đáng cho chúng ta chú-ý.

  • Thứ nhất, khác với những lần trước Trung-Cộng chỉ nói đến chủ-quyền của Trung-quốc trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa và sự không dung-thứ những hành-vi nào mà Trung-Cộng cho là vi-phạm đến chủ-quyền đó thôi, lần này bản tuyên-bố đã đe-dọa rằng nhà cầm quyền Nam-Việt, một danh-từ Trung-Cộng thường dùng để gọi Việt-nam Cộng-hòa, "sẽ phải chịu trách-nhiệm về tất cả những hậu-quả." Lời đe-dọa đó sau này được Trung-Cộng thực-hiện bằng việc đánh chiếm quần-đảo Hoàng-sa năm 1974.
     
  • Thứ hai, Trung-Cộng đã coi việc hải-quân Việt-nam Cộng-hòa đóng tại quần-đảo Hoàng-sa là xâm-nhập bất-hợp-pháp quần-đảo Hoàng-sa và vi-phạm sự toàn-vẹn lãnh-thổ của Trung-quốc. Tuy nhiên, điều đáng nói là không phải chỉ đến ngày 20 và 21.2.1959, nghĩa là ngày xảy ra biến-cố bắt giữ ngư-dân Trung-Cộng, hải-quân Việt-nam Cộng-hòa mới tới đồn-trú tại đây; trái lại họ đã đồn-trú ở đó từ lâu rồi. Một việc quan-trọng như vậy, đến độ Trung-Cộng phải ghép vào loại "vi-phạm sự toàn-vẹn lãnh-thổ của Trung-quốc" chắc chắn là cả Trung-Cộng lẫn Ðài-loan đều phải biết. Trái lại, theo sự khảo-cứu của chúng tôi, cả Trung-Cộng lẫn Ðài-loan không hề lên tiếng phản-đối việc đồn-trú này. Phải đợi đến khi ngư-dân Trung-Cộng bị bắt giữ thì Trung-quốc mới có phản-ứng. Hơn nữa, chỉ có nhà cầm quyền Bắc-kinh mới lên tiếng kết tội Việt-nam Cộng-hòa. Trái lại Ðài-loan hoàn-toàn im-lặng, không ra một lời tuyên-bố nào, dù là chính-thức hay bán chính-thúc, về việc hải-quân Việt-nam Cộng-hòa đồn-trú tại quần-đảo Hoàng-sa cũng như về việc bắt giữ ngư-dân, ngư-thuyền Trung-Cộng.
     
  • Thứ ba, Trung-Cộng đã vu-cáo hải-quân Việt-nam Cộng-hòa "bắt cóc ngư-dân, ngư-thuyền Trung-hoa." Sở-dĩ chúng tôi phải dùng từ "vu-cáo" ở đây là vì Trung-Cộng đã dùng từ "bắt cóc" gán-ghép cho hành-động của hải-quân Việt-nam Cộng-hòa.

    Theo định-nghĩa "bắt cóc" là tội bắt giữ người một cách bất-hợp-pháp và di-chuyển người đó đi nơi khác. Theo luật quốc-nội cũng như luật quốc-tế, đây là một hình-tội. Muốn bị kết tội bắt cóc, ngưới bắt giữ phải phạm những yếu-tố sau đây: cố-ý phạm tội, bắt giữ nạn-nhân bất-hợp-pháp, và di-chuyển nạn-nhân đi chỗ khác.

    Cố-ý phạm tội có nghĩa là người bắt cóc phải đã có ý-định bắt cóc nạn-nhân trước khi thực-hiện ý-định đó. Trong việc bắt giữ các ngư-nhân Trung-Cộng, hải-quân Việt-nam Cộng-hòa không hề có ý-định bắt giữ họ từ trước mà chỉ giữ họ lại khi họ không chịu rời khỏi các đảo Cam-tuyền, Duy-mộng và Quảng-hòa theo như yêu-cầu của hải-quân Việt-nam Cộng-hòa thôi.

    Bắt cóc là một hành-vi bất-hợp-pháp. Tuy nhiên, nếu người bắt giữ người khác do trách-nhiệm, bổn-phận của mình trong phạm-vi pháp-luật cho phép, dù là pháp-luật quốc-nội hay pháp-luật quốc-tế, người bắt giữ không làm hành-vi bất-hợp-pháp. Trong vụ bắt giữ ngư-dân Trung-Cộng, hải-quăn Việt-nam Cộng-hòa chỉ thi-hành nhiệm-vụ của mình là bảo-vệ lãnh-thổ quốc-gia. Ðó là một nhiệm-vụ mà bất cứ quân-nhân nuớc nào trên thế-giới, kể cả Trung-Cộng, cũng phải thi-hành. Hơn nữa, nếu người bắt giữ không chịu thả nạn-nhân khi nạn-nhân có quyền được thả ra thì mới có thể bị coi là phạm tội bắt cóc. Ở đây, hải-quân Việt-nam Cộng-hòa đã thả các ngư-dân Trung-Cộng ngay sau khi đã làm các hành-vi thuộc bổn-phận của mình nên cũng không thể coi là bắt cóc họ. Nói cách khác, họ chỉ bắt giữ theo luật-định chứ không bắt cóc.

    Ngoài ra, việc bắt cóc ngụ-ý chỉ người làm ra hành-động giới-hạn sự di-chuyển của nạn-nhân, không cho nạn-nhân đi đâu hết. Trái lại, nếu chỉ ngăn-chặn không cho nạn-nhân tới một chỗ nào vì một lý-do hợp-pháp nào thì việc đó không phải là bắt cóc. Mặt khác, nếu nạn-nhân có cách thoát khỏi sự giam giữ mà không nguy-hại đến tính-mệnh của mình, việc bắt giữ nạn-nhân cũng không thể coi là bắt cóc được. Trong vụ này các ngư-dân Trung-Cộng đã được hải-quân Việt-nam Cộng-hòa đồn-trú tại ba hòn đảo nơi xảy ra biến-cố, mà Việt-nam Cộng-hòa cho là phần lãnh-thổ của mình và ủy-thác cho hải-quân Việt-nam Cộng-hòa bảo-vệ và canh giữ, để cho tự-do đi bất cứ nơi nào khác ngoại trừ đổ bộ lên ba hòn đảo này nếu không có phép của Việt-nam Cộng-hòa. Như vậy khi hải-quân Việt-nam Cộng-hòa bắt giữ các ngư-dân Trung-Cộng không chịu rút lui khỏi ba đảo họ không bắt cóc các ngư-dân đó.

    Sau hết, cũng nên nói thêm là Trung-Cộng đã dùng sai từ "bắt cóc". Bắt cóc đòi hỏi việc di-chuyển nạn-nhân đi một nơi khác với nơi bị bắt giữ và nơi đó không được tiết-lộ. Ở đây các ngư-dân Trung-Cộng không hề bị hải-quân Việt-nam Cộng-hòa di-chuyển đi dâu cả, mà chỉ bị ngăn không được lưu lại ba hòn đảo thôi. Hành-vi của hải-quân Việt-nam Cộng-hòa không thể bị ghép tội bắt cóc được.
     
  • Thứ tư, chính-quyền Bắc-kinh đòi Việt-nam Cộng-hòa chẳng những là phải "phóng-thích ngay những ngư-dân Trung-hoa bị bắt cóc" mà còn phải "trao trả tất cả các ngư-thuyền và tài-sản khác đã bị chiếm mang đi". Chỗ này Trung-Cộng vu-cáo quá lố. Hải-quân Việt-nam Cộng-hòa chỉ giữ các ngư-dân Trung-Cộng và ngư-thuyền thôi và không hề lấy một chút tài-sản nào khác chứ đừng nói là "trả tất cả các ngư-thuyền và tài-sản khác đã bị chiếm mang đi". Dụng-ý của Trung-Cộng ở đây khi vu-cáo như vậy là có ý muốn tỏ cho thế-giới biết rằng hải-quân Việt-nam Cộng-hòa đã có hành-động bất-hợp-pháp của những tên hải-tặc chuyên-môn đánh cướp trên mặt bể, chứ không phải là hành-dộng hợp-pháp của các quân-nhân bảo-vệ lãnh-thổ quốc-gia. Tuy nhiên, sự vu-cáo này của Trung-Cộng cũng không đáng cho mọi người ngạc-nhiên vì Trung-Cộng có thói quen vu-cáo và lăng-nhục những nước hay những người đối-nghịch với Trung-Cộng và thói quen đó đã nổi tiếng trên thế-giới.

( Xem tiếp phần II )