RFA - Trao đổi thư tín với thính giả

Tâm Việt

3/2/02

 

Lời giới thiệu: Việc nhượng đất nhượng biển cho Trung quốc có thể nói là đề tài sôi nổi nhất ở hải ngoại trong những ngày cận Tết, và tuy Nhà nước tìm cách dìm tin về những chuyện này vẫn có nhiều triệu chứng là chuyện này cũng đang gây ra nhiều bất mãn đối với chính quyền và nhất là đối với Ðảng CS ở trong nước. Những thư từ Ðài Á Châu Tự Do nhận được trong tuần qua cho ta thấy rõ điều này. Sau đây xin mời Quý Thính Giả theo dõi phần Trao Ðổi Thư Tín tuần này do Tâm Việt phụ trách...
 

Từ Hà nội, một thính giả tên Nguyễn cho chúng tôi biết như sau về tin Hà nội đã nhượng đất nhượng biển cho Trung quốc. Anh viết:

Tuần qua, tôi có hỏi chuyện một quan chức vc về vụ Hiệp Ðịnh Biên Giới Việt Nam Trung Quốc. "Có, Việt Nam có mất nhưng không nhiều lắm," bà ta nói. "Nhưng mà đối với các ông đó [ý chỉ các nhân vật lãnh đạo cao cấp của CSVN], thì một chút đất đó là cái gì!?" [Thế thì thử hỏi] Họ coi lãnh thổ Việt Nam là của dân tộc Việt Nam hay là của riêng Ðảng của họ vậy? "Tôi tin tưởng rằng, trong một tương lai gần, CSVN sẽ được chứng kiến một cuộc khủng hoảng chính trị không thể cứu vãn được."

Xin cảm ơn anh Nguyễn cho biết chi tiết trên, xác nhận một điều mà ở trong nước giờ này ai cũng biết đó là chính quyền Hà nội đã hiến đất cho Trung quốc ở vùng biên giới dù như là nhiều hay "không nhiều lắm" như bà viên chức nhà nước kia nói.

Một bạn khác tên Thái, cũng từ Việt Nam, thì muốn được biết rõ hơn về lịch sử liên hệ đến sự tranh chấp giữa ta và Bắc kinh trên biển Ðông. Anh viết:

"Xin chào các anh chị trong ban việt ngữ Ðài RFA. Tôi là Thái, là một thính giả thường xuyên của đài. Tôi nhờ anh chị trong Ðài cho tôi biết chi tiết sự kiện ngày 14 tháng 03 năm 1988 xảy ra ở Trường Sa giữa hải quân Việt Nam với Trung Quốc. Tôi cũng muốn biết sự kiện 1974 khi Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Xin anh chị cho biết những số liệu chi tiết về hai sự kiện này (số liệu thiệt hại của hai bên, số phận của những người lính hải quân Việt Nam Cộng Hòa ra sao sau khi bị Trung Quốc đem nhốt ở Hồng Kông...). Tôi là sinh viên ở tỉnh đang học đại học ở thành phố HCM.

"Tôi xin cám ơn quí đài rất nhiều, sẽ còn rất rất nhiều điều muốn hỏi quí đài và rất rất nhiều vấn đề muốn cùng quí đài để bình luận thời cuộc, đặc biệt là lĩnh vực chính trị và an ninh quốc phòng. Xin chào các anh chị trong Ðài RFA, hẹn gặp lại qua những thư sau."

Xin hoan nghênh tinh thần "đi tìm sự thật" của anh Thái và những bạn trẻ như anh. Chúng tôi không dám chắc là mình sẽ trả lời được tất cả những "rất rất nhiều điều muốn hỏi" của anh trong tương lai, nhất là khi chính quyền ở trong nước và Ðảng CSVN chuyện gì hơi nhạy cảm một chút là đều coi như "bí mật quốc gia." Song chúng tôi sẽ cố gắng tối đa trong khả năng hiểu biết của chúng tôi. Về hai vụ hải chiến giữa Việt Nam và Trung Cộng mà bạn hỏi thì xin được tóm tắt như sau:

Tháng Giêng năm 1974, nghĩa là đúng một năm sau khi Hiệp định Paris về Hòa bình ở miền Nam Việt Nam được ký và quốc tế bảo đảm, Hải quân Trung Cộng vào ngày 16 1 đã gởi người đến chiếm đóng các đảo Cam tuyền, Quang hòa và Duy mộng ở Hoàng sa. Riêng ở Duy mộng, hay còn gọi là Drummond Island, Bắc kinh còn cho tập trung đến 11 chiến hạm để bọc đánh bốn chiến hạm của ta. Chính phủ miền Nam lúc bấy giờ đã lập tức phản đối, nhưng hai ngày sau Bắc kinh lại cho thêm chiến hạm lẫn máy bay đến đe dọa ba đảo trong quần đảo Hoàng sa do quân ta đang chiếm giữ, đó là các đảo Cam tuyền, Vĩnh lạc, và Hoàng sa với các tên quốc tế là Robert, Money và Pattle. Dù như Hải quân VNCH vào ngày 19-1-1974, sau khi bị khiêu khích đã phải khai hỏa trước và oanh liệt chống trả, cuối cùng quân ta cũng đã bị quân Trung Cộng tràn ngập. Kết quả mấy ngày giao chiến là phía VNCH bị thiệt hại 43 người chết và 71 người bị bắt. Vì Trung Cộng đã hoàn thành mục tiêu của họ nên chỉ ít ngày sau, họ thả những người bị bắt về qua ngả Hồng kông, chứ không có giam giữ ở đây như anh bạn Thái viết, sở dĩ vậy là vì lúc đó Hồng kông còn nằm trong tay nước Anh.

Viết về chuyện này 20 năm sau, đặc biệt suy tư về sự yên ắng của Hà nội vào năm 74, một bình luận gia nổi tiếng của tờ Far Eastern Economic Review, ông Frank Ching trong số ra ngày 10-2-1994 đã có nhận định như sau: "Thuở ấy, Hà nội thường thích mô tả các viên chức của miền Nam như là những tay sai của Mỹ đã bán đứng những quyền lợi của dân tộc Việt Nam. Nhưng cũng ngay từ đó, những lời cáo buộc ấy đã không nhất thiết đứng vững. Giờ đây, 20 năm sau, thật rõ ràng là đã có những lúc chính quyền Sài gòn thực sự đại diện cho quyền lợi của Việt Nam một cách ngoan cường hơn là chính quyền Hà nội."

Dù Hà nội làm thinh song cũng không tránh được một trận chiến biên giới vào tháng 2-1979, rồi 11 năm sau, vào ngày 14-3-1988, Hải quân Trung Cộng lại đánh chiếm Trường sa, bắn chìm ba chiến hạm của Hải quân Việt Nam, làm chết 72 người và bắt tù binh 9 người. Cái khác giữa hai trận Hoàng sa 1974 và Trường sa 1988 là trong trận đầu, Hải quân VNCH còn bắn chìm được hai chiến hạm Trung Cộng ngay từ 5 6 phút đầu cuộc đụng độ, trái lại trong trận sau, Hải quân của Hà nội sợ bắn trúng tàu của đàn anh nên tìm cách thương lượng. Mặc dầu vậy, số người chết trận vẫn cao gần gấp đôi số người bị thương vong 13 năm trước.

Mong là những chi tiết trên đây đã trả lời được câu hỏi của anh Thái và có lẽ cũng là thắc mắc của nhiều người khác nữa. Cũng liên hệ đến những chuyện nhượng đất nhượng biển này của Hà nội cho Trung Cộng, một bạn nghe đài trẻ từ Ðà nẵng viết cho chúng tôi vào ngày 30 1 bức thư sau:

"Kính chào ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do. Tôi tên là Quốc, hiện đang sinh sống tại Ðà Nẵng, xin được quen biết đến quý đài. Thưa quý đài, tôi được biết đến đài RFA do sự tình cờ. Hôm đó tôi tìm kiếm các đài khác mà vô tình bắt được sóng của quý đài, không biết có phải do chúng ta có duyên với nhau hay không. Thật tình mà nói, lúc đầu tôi chỉ xem đài RFA như các đài hải ngoại khác, cũng phát những tin tức mà nhà nước Việt Nam gọi là phản động, chống phá chế độ. Nhưng không, nghe đài rồi tôi mới thấy đài RFA là một đài bổ ích. Quý đài đã mang đến cho chúng tôi những thông tin rất thật, rất chính xác và hữu ích về tình hình trong nước cũng như quốc tế. Tôi vô cùng cảm ơn quý đài.

"Nhân đây tôi xin được có ý kiến về một số nhận định mà quý đài đã đưa ra: Vừa rồi quý đài đã đưa tin nhà thơ Bùi Minh Quốc bị nhà nước Việt Nam quản chế và cách trả lời của ông tổng bí thư Nông Ðức Mạnh. Lý do mà ông Mạnh đưa ra là nhà thơ đã vi phạm pháp luật mà không nói rõ là đã vi phạm điều luật nào trong bộ luật của Việt Nam. Ðược biết trước đó nhà thơ đã có chuyến đi thực tế xem có thực là nhà nước Việt Nam [đã] nhượng đất cho phía Trung Quốc hay không. Tôi hoàn toàn không đồng ý cách trả lời của ông Mạnh. Tôi xin mạn phép được hỏi ông tổng bí thư là nhà nước ta còn có bao nhiêu điều luật quái gở nữa mà người dân chúng tôi chưa biết? Ông có thể cho in ra sách để người dân chúng tôi biết mà từ đó tránh không vi phạm pháp luật? Ðiều luật mà nhà thơ Bùi Minh Quốc đã vi phạm có phải là điều luật có nội dung: Bán nước là phù hợp với luật pháp?"

Cũng tương tự nhưng về một vấn đề khác, anh Quốc viết:

"Khi được hỏi ông Mạnh có biết là đại lão hòa thượng Thích Quảng Ðộ và linh mục Nguyễn Văn Lý bị cầm tù, quản chế do tội gì không, thì ông Mạnh trả lời rằng ông không phải là quan tòa nên không rõ. Tôi vô cùng thất vọng khi được biết ông trả lời như vậy đó, thưa ông tổng bí thư đáng kính. Thiết nghĩ với vai trò lãnh đạo tối cao như ông [thì] buộc phải biết chứ sao lại nói như thế được?"

Bức thư điện toán viết đến đây thì ngưng nên chúng tôi đoán là anh Quốc chắc đã viết từ một máy computer trong Internet Café nên đã phải vội ngưng ngang khi có người chú ý. Nhưng dầu sao thì thư cũng đã gọi là tạm đủ ý, và chúng tôi thấy rất là phấn khởi khi người dân muốn chất vấn thẳng ngay người lãnh đạo cao cấp nhất nước chứ không còn ngoan ngoãn cúi đầu, xem người trên là biết hết và ta không được xía tới nửa lời vào việc làm của các bậc tiền bối.

Tóm lại, ba bức thư từ ba miền và đều do các anh chị em trẻ ở trong nước phát biểu về những vấn đề nhức nhối của quê hương, thật đúng là hậu sinh khả úy, nhất là khi so với một vài câu chửi đổng rất vô văn hóa của một người giấu tên và đã phải ký là "bố của chúng mày" gởi lên Net vào ngày 1 2 vừa quạ Riêng ông này rất hồ đồ khi viết: "Cả lò lũ hải ngoại bán nước." Thật đáng tiếc cho "bố của chúng mày," ai lại vừa hèn mặt vừa thiếu chính sách đến như thế được?

Ðể kết thúc chương trình trao đổi thư tín lần này, chúng tôi xin đăng lại e mail của một bạn từ Pháp, anh M. Gouiran:

"Ðịa chỉ điện toán của các anh chị vì đang bị hỏng nên có vấn đề và chúng tôi do đó cũng không thể nào có được tin về Việt Nam. Ở Pháp, nhiều khi rất khó bắt được làn sóng của anh chị. Trong toàn thể nước Pháp. Còn như ở Việt Nam thì hình như không có vấn đề gì cả."

Xin cám ơn anh M. Gouiran đã cho chúng tôi biết tình hình trên.

Tâm Việt - RFA