Vụ Án Hệ Trọng Được Khởi Đầu

Bùi Tín

RFA, 10-12/2/02
 

Lời giới thiệu: Chuyện nhượng đất nhượng biển của Đảng CSVN và chính-quyền Hà-nội ngày càng được cả trong lẫn ngoài nước chú ý, thậm chí cả quốc-tế cũng đã đưa tin như bài của ký-giả Sylvaine Pasquier trong báo Express mới đây ở Pháp. Cũng từ Pháp nhà báo Bùi Tín đã có bài viết tóm lược “vụ án hệ trọng” này của lịch-sử Việt Nam. Sau đây là phần đầu bài viết của nhà báo lão thành Bùi Tín...
 

Trong năm 2001, dư luận trong và ngoài nước bàn tán sôi nổi về bản Hiệp định về Biên giới trên Đất liền và bản Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Bộ máy tuyên truyền chính thức của Hà Nội chỉ loan báo vắn tắt rằng bản hiệp định thứ nhất đã được ký ngày 30-12-99 và bản hiệp định thứ hai đã được ký ngày 25-12-2000.  Chưa có một tin tức chính thức nào của Hà Nội đưa tin là hai hiệp định này đã được quốc hội Việt Nam thông qua; do đó không ai biết rằng hai văn kiện hệ trọng ấy được thông qua chưa? nếu đã được thông qua rồi thì trong phiên họp nào? vào ngày nào? và có giơ tay biểu quyết hay không (hay chỉ vỗ tay ào ào?) và với số thuận là bao nhiêu?

Ấy vậy mà bản Hiệp định Biên giới đã được thực thi từ ngày 27-12-2001, khi hai phía Việt Nam - Trung Quốc tổ chức việc cắm những cột mốc đầu tiên trong số 1500 cột mốc, bắt đầu từ Quảng Ninh sát biển đi dần về phía Tây.

Dư luận trong nước bắt đầu từ các vị "cách mạng lão thành" 40, 50 tuổi đảng, đến anh chị em trí thức, luật gia, nhà sử học, từ các câu lạc bộ các cụ về hưu như Câu lạc bộ Thăng Long ở thủ đô, Câu lạc bộ Bạch Đằng ở Hải Phòng, đến các câu lạc bộ sinh viên ở Sài Gòn, từ các cựu chiến binh, thương binh đến các viên tướng ngực đầy huân chương... ngày càng sôi nổi bàn luận về hai bản hiệp định nói trên. Nhiêu câu hỏi được đặt ra, chất vấn những người lãnh đạo của đảng và nhà nước. Vấn đề chất vấn lớn nhất là: vì sao hai bản văn kiện hệ trọng đến vận mệnh quốc gia đến thế, đã được ký từ hai và một năm nay, mà người dân và đông đảo cán bộ  không hề được biết nội dung của nó ra làm sao? Nó có bao nhiêu điều khoản? Lợi hại đối với đất nước ra sao? Phía ta được gì, mất gì so với trước? Ở các nước khác, các hiệp định biên giới thường kèm theo những bản đồ tỷ mỷ, sao ở ta lại có sự kín mít không bình thường đến như vậy?
 

* Lòng yêu nước trỗi dậy

Từ đầu năm 2001, nhà văn gan góc Dương Thu Hương, thường ngồi bệt xuống bãi cỏ cùng dân chúng, đã sớm nói lên nỗi lòng cụ thể của người dân đau xót khi cảm thấy cột mốc Ải Nam Quan xưa (sau đổi là Hữu Nghị Quan) đã không còn ở chỗ cũ, nó đã bị  đặt lui lại sâu trong đất Việt ta vài ki-lô-mét!

Tháng 2-2001, cụ Đỗ Việt Sơn, 78 tuổi đời, 54 tuổi đảng, sống ở Hải Phòng, nổ pháo hiệu đầu, chính thức đo đạc chất vấn những người lãnh đạo cao nhất của đảng và nhà nước nhân đại hội IX của Đảng Cộng sản, và yêu cầu quốc hội, dứt khoát từ chối, không thông qua hai bản hiệp định này. Cụ nêu lên những con số đau lòng: phải chăng ta đã nhượng cho Trung Quốc 720 ki-lô-mét vuông đất trên bộ và 10% Vịnh Bắc Bộ, nơi giàu tài nguyên hải sản, khí đốt và dầu mỏ, chưa kể về du lịch?

Tiếp đó nhà luật học Lê Chí Quang, 33 tuổi, đánh động dư luận trong và ngoài nước, truyền tin trên mạng internet về những vấn đề khuất tất, mờ ám quanh hai bản hiệp định. Thái độ của Lê Chí Quang dấn thân cho toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc sau khi ủng hộ hết mình các chiến sĩ dân chủ Trần Độ, Nguyễn Thanh Giang, Vũ Cao Quận... cho thấy yêu nước và dân chủ hiện tại là đông nhất; những kẻ bị lên án lộng quyền, nhượng đất, bán đất cho nước ngoài, cũng là những kẻ độc đoán, chống dân chủ, đàn áp nhân dân trong nước.

Gần đây, bất chấp sự hăm dọa của công an, Lê Chí Quang viết một bài luận văn xác đáng: Hãy cảnh giác với Bắc triều.

Nhân phiên họp cuối năm của quốc hội khóa X, ngày 28-11- 2001, 26 nhân vật tiêu biểu công khai gửi thư "tha thiết yêu cầu quốc hội không thông qua hiệp định Việt-Trung vì đó là một hiệp định bất bình đẳng, cắt đất, cắt biển cho Trung Quốc, phạm trọng tội đối với tổ tiên." Trong số người ký tên, có trung tướng Trần Độ, nguyên phó chủ tịch quốc hội,  ông Hoàng Minh Chính, thiếu tướng Nguyễn Ngọc Diệp, đại tá Quốc Lập, đại tá Phạm Quế Dương, tiến sỹ vật lý Nguyễn Thanh Giang, nhá văn Hoàng Tiến, đại tá Trần Nhật Độ, cựu chiến binh Trần Dũng Tiến, nhà báo Nguyễn Vũ Bình...

Ngày 22-12-2001, 11 nhân vật tiêu biểu khi được tin việc cắm mốc biên giới sắp thực hiện, lại khẩn cấp gửi quốc hội, trung ương Đảng Cộng sản và chính phủ, yêu cầu quốc hội tổ chức phiên họp đặc biệt nghe lãnh đạo đảng và nhà nước giải trình vấn đề cực kỳ hệ trọng là Hiệp định Biên giới và Lãnh hải Việt-Trung.
 

* Hàng rào câm lặng

Trước sự bàn tán xôn xao của dư luận trong và ngoài nước, trước hàng loạt thư công khai yêu cầu, đề nghị, chất vấn... các cơ quan lãnh đạo đảng và nhà nước vẫn im lìm! Họ coi như không có gì xảy ra cả. Mặc dầu chính họ đã đẻ ra luật về tra? lời những chất vấn, khiếu nại của công dân!

Hàng trăm lá thư của công dân gửi chủ tịch nước Trần Đức Lương, ông Lương ngậm tăm. Hàng trăm lá thư của đảng viên gửi tổng bí thư Nông Đức Mạnh, ông Mạnh im như thóc! Hàng chục đại biểu quốc hội và hàng nghìn cử tri gửi thư cho chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An, ông An giả điếc!

Họ coi thường người dân, coi dân như cỏ rác? Hay là hồ sơ mở miệng mắc quai? Chắc đã có nhiều chuyện mờ ám, nhiều sư. thật tội lỗi họ sợ bị đưa ra ánh sáng.

Trước bức tường câm lặng của đảng độc quyền, dư luận càng thêm xôn xao, rầm rì loan truyền nhiều tin đồn mà thực hư chưa hề được sáng tỏ. Bà con ta loan truyền rộng rằng:

  • Theo Hiệp định Biên giới, phía Việt Nam bị thiệt lớn; có đến 720 ki-lô-mét vuông bị mất đứt cho Bắc triều; rằng cột mốc số không không còn ở sát chân cổng Ải Nam Quan mà đã bị rơi vào phía trong một ki-lô-mét, có người nói hai ki-lô-mét! Rằng suối Phi Khanh nơi tương truyền cha của Nguyễn Trãi là Phi Khanh, tiễn con trở về tổ quốc rửa nhục cho nước, hai cha con đều khóc, nước mắt rơi thành một dải suối con, ở ngay trước Ải Nam Quan trên đất Việt Nam, nay cũng "biến" sang đất Trung Hoa; rằng thác Bản Dốc, một thắng cảnh đặc sắc của tỉnh Cao Bằng nay đã thuộc về Trung Quốc! Rằng hàng loạt cao điểm thuộc sáu tỉnh biên giới cũng đã bị lấn chiếm không cần một tiếng súng!
     
  • Theo Hiệp định Lãnh hải, tin tức tiết lộ từ trong đảng cho biết Vịnh Bắc Bộ đã được chia lại theo tỷ lệ 53% cho Việt Nam, 47% cho Trung Quốc; có tin cụ thể hơn nói là 53,23% cho Việt Nam, 46,77% cho Trung Quốc. Trước đó, theo Hiệp ước Patenôtre ký giữa Pháp và Trung Quốc năm 1885, thì tỷ lệ chia ở Vịnh Bắc Bộ là 62% lãnh hải là của Việt Nam và 38% là của Trung Quốc. Như vậy, Việt Nam vừa mất đứt hàng nghìn ki-lô-mét vuông lãnh hải, mất 9% diện tích Vịnh Bắc Bộ, nơi có nhiều tài nguyên về hải sản, khí đốt, dầu hỏa và thắng cảnh...
     
  • Dư luận còn bàn tán rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc sỏ mũi, bị ép phải cúi đầu chấp nhận việc tách hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ra, không bàn đến trong hiệp định về lãnh hải giữa hai nước, nghiễm nhiên khẳng định rằng hai quần đảo ấy trên thực tế đã thuộc về Trung Quốc, không cần phải bàn cãi gì nữa cả! Vậy là những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đã mặc nhiên công nhận việc Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và quần đảo Trường Sa năm 1988 là chính đáng, mặc dầu chúng ta có nhiều chứng cứ về hành chánh, sử học, nhân chủng học, pháp lý, khảo cổ về chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo ấy. Giáo sư Monique Chemillier- Gendreau của trường Đại học Paris VII đã viết cuốn sách Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do L'Harmattan xuất bản tháng 3-1996 để khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo này. Bắc Kinh am hiểu thế ngồi trên lửa của Hà Nội, đồng tình không công bố văn bản hiệp định trên báo chí, trên công báo, theo nếp của một đảng toàn trị: bí mật của đảng cao hơn cả bí mật quốc gia.
     

* Sức ép ở cấp cao nhất

Từ những tiết lộ của một số cán bộ cao cấp trong ban biên giới của chính phủ và trong phái đoàn Việt Nam đàm phán với Trung Quốc, các đại biểu Việt Nam trong phái đoàn chịu sức ép "khủng khiếp" từ nhiều phía. Trước hết là sức ép của đối phương, của phía Trung Quốc. Cuộc đàm phán kéo dài hơn năm năm thì đầu năm 1999, tổng bí thư Giang Trạch Dân đề ra yêu cầu với tổng bí thư Lê Khả Phiêu rằng hai bên cam kết đi đến ký kết Hiệp định về Lãnh thổ trước cuối năm 1999 và Hiệp định về Lãnh hải trong Vịnh Bắc Bộ trước cuối năm 2000. Tổng bí thư Phiêu chỉ còn biết dạ "hảo! hảo!" Phía Trung Quốc luôn nhắc phải đi đến thỏa thuận đúng hạn, không thể dây dưa, như hai nhân vật cao cấp nhất đã cùng nhau cam kết. Phía Hà Nội cũng ép phái đoàn của mình phải tôn trọng cam kết của cấp cao nhất, đi đến ký kết cuối năm 1999 và 2000. Phía Trung Quốc, nắm đằng chuôi, không chịu nhượng bộ hay chỉ nhượng bộ vài chỗ thứ yếu, không đáng kể, thế là phía Việt Nam đành ngậm bồ hòn làm ngọt, nhượng bộ toi so. Thỉnh thoảng phía Trung Quốc thò ra viện trợ kinh tế, giúp đỡ theo tình đồng chí, môi hở răng lạnh, mỗi lần vài chục triệu đô-la, coi như chất nhờn cho bộ máy đàm phán chạy trơn tru.

Đó là điều giải thích tại sao các hiệp định đều được ký vào tháng cuối năm, thậm chí vào ngày gần cuối năm: 30-12.

Các đầu óc Đại Hán không thiếu những sáng kiến những mưu cao, mẹo sâu để ép các chư hầu, khi họ hiểu rõ các chư hầu ấy đã chịu thuần phục. Họ thừa hiểu các tổng bí thư từ Đỗ Mười qua Lê Khả Phiêu đến Nông Đức Mạnh, hiện nay đều là đệ tử của đường lối đối ngoại "kiên định," coi thiên triều Bắc Kinh là chỗ dựa chính trị, kinh tế, quốc phòng và an ninh vững chắc nhất, là mối liên minh đáng tin cậy nhất do chung chế độ xã hội chủ nghĩa, chung học thuyết Mác-Lênin, chung nền chuyên chính độc đảng; họ chỉ hội nhập với thế giới hiện đại một cách dò dẫm, đầy e ngại và hoài nghi, một mực cho rằng Hoa Kỳ và phương Tây đã thực hiện "diễn biến hòa bình" làm tan rã Liên Xô và nay cũng đang thực hiện "diễn biến hòa bình" hướng vào Trung Quốc và Việt Nam... Những đầu óc bảo thủ, giáo điều, lão hóa vẫn còn bị quá khứ cầm tù, không sao nhìn ra được con đường sáng sủa ở tương lai khi thực lòng hòa nhập với thế giới dân chủ hiện đạị Họ là nguyên nhân tệ hại làm cho đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam vẫn lỡ chuyến tàu tốc hành chung của loài người tiến bộ đang lao đến hòa bình, hữu nghị, phát triển và thịnh vượng.
 

* Sức chấn động của một sự kiện

Những câu hỏi quanh hai hiệp định Việt-Trung đang sôi sục, vang dội từ trong nước ra ngoài nước. Cả một trào lưu yêu nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc đang trỗi dậy. Bất kể quá khứ chính trị, mỗi người Việt Nam đều cảm thấy bị xúc phạm, khi được tin đất nước đã bị cắt mất hàng trăm, hàng ngàn cây số vuông đất liền và lãnh hảị Đất nước lâm nguy! Lâm nguy thật sự khi nằm trong tay những kẻ mù quáng đặt sự tồn tại của một phe đảng cao hơn toàn vẹn lãnh thổ, cao hơn lợi ích của dân tộc.

Đây là dịp để lòng yêu nước bật dậy! Với lòng yêu nước, các đại biểu quốc hội sao lại không chất vấn chính phủ, đòi phải tường trình về quá trình đàm phán, về văn bản hai bản hiệp định kèm theo bản đồ phụ lục. Với lòng yêu nước, các đảng viên cộng sản, các ủy viên trung ương sao không chất vấn bộ chính trị, tổng bí thư về vấn đề trong đại này. Không thể chấp nhận lối trấn an dễ dãi: hãy tin ở bộ chính trị; bộ chính trị đã đồng ý thông qua hai bản hiệp định, hiện nay công bố không có lợi, hãy bình tĩnh và chờ đợi! Trong tình hình hệ trọng này, buông xuôi, làm ngơ, có thể bị coi là đồng lõa.

Những nhân vật trực tiếp chịu trách nhiệm lớn nhất về hai hiệp định nói trên là: các tổng bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; chủ tịch nước Trần Đức Lương; thủ tướng Phan Văn Khải; chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An; phó thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm... họ sẽ phải mở mồm trả lời về phần trách nhiệm của họ.

Sẽ không phải là có quá nhiều tưởng tượng để đoán trước rằng rồi sẽ có những phiên tòa của đất nước đổi mới thật sự, để xét xử những tội phạm đã nhượng đất, bán đất cho nước láng giềng, chà đạp lên hiến pháp và luật pháp hiện hành, những tội luôn được coi là nghiêm trọng nhất, mang tính chất phản quốc rõ rệt.

Vụ án hiệp định Việt-Trung đã bắt đầu trong dư luận, đang lan rộng, không có cách nào bưng bít và dập tắt được. Trước mắt, mong rằng mọi người Việt Nam ở trong nước hay ở ngoài nước, đặc biệt là bà con ta ở hải ngoại sắp về thăm quê hương vào dịp Tết Nhâm Ngọ, các bạn bè của Việt Nam ở khắp nơi, có dịp hãy chất vấn nhà cầm quyền độc đảng về sự kiện hệ trọng này, buộc họ phải mở mồm. Họ im thì đã có 1500 cột mốc biết nói, đã có bà con các xã, huyện, tỉnh biên giới, cán bộ cơ sở ngành hành chính, ruộng đất, đo đạc, lâm nghiệp, địa chí bản đồ, giao thông, vận tải, đường bộ và đường biển... biết nói. Thùng không úp nổi voi. Mọi người Việt Nam hãy theo dõi vụ án này cho đến khi kết thúc. Nó có thể là vụ án chính trị dẫn đến sự cáo chung của một chế độ chính trị độc đoán, cổ hủ, chồng chất quá nhiều ảo tưởng, lầm lẫn và tội lỗi.

Bùi Tín

RFA, 10-12/2/02