TRĂN TRỞ XÓT ÐAU CÙNG
BIÊN CƯƠNG TỔ QUỐC

T.S. Nguyễn Thanh Giang

Hà Nội 19 tháng 5 năm 2002


Tưởng rồi có thể nguôi ngoai, tưởng chẳng còn nên góp lời, thêm tiếng vào cái vấn đề có bàn luận nữa cũng chẳng được gì mà chỉ thêm mua sầu, chuốc oán, nhưng hôm qua, trên đường thăm lại mấy hành trình xa về phía bắc, bỗng nghe da diết một gịong trẻ ê a từ bên xóm núi: "Ðất nước ta liền một dải. Từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mâu". Hồi ức thuở nào dường như đã xa biền biệt, câu thơ từng vang lên như lời nguyền, như định mệnh, như bùa hóa giải nỗi u hoài mỗi khi tưởng niệm về những "đống xương vô định đã cao bằng đầu" chất đầy các cuộc binh đao được dấy lên bằng lời thúc giục: quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, xả thân mà bảo vệ lấy mỗi căn nhà, khúc sông, mỏm núi.

Trăn trở mãi không ngủ được. Trăn trở với chính sự vô cảm của mình. Không lẽ đã cầu an, chai lỳ để chỉ còn lăn lóc như một chiếc bình vôi. Không lẽ chỉ còn biết ngậm ngùi tự tiết chế: "Tuổi già giọt lệ như sương. Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!".

Chợt nhớ đến cụ Ðỗ Việt Sơn, gần 60 tuổi Ðảng, ngót 80 tuổi đời rồi mà vì mang nặng trách nhiệm công dân, vẫn dõng dạc "Ðề nghị không thông qua hiệp định biên giới Việt-Trung", đề rồi phải dằn lòng trước bao nhiêu sách nhiễu, răn đe hỗn xược của công an. (Xin gửi đính kèm một bức thư của cụ để tham khảo). Mến phục bao nhiêu, thương cảm bao nhiêu Lê Chí Quang đang chịu giam cầm đầy ải chỉ vì dũng cảm tung ra những bài viết kiểu như "Hãy cảnh giác với Bắc triều"; chỉ vì dám hiên ngang thách thức: "... nếu cần thì mời ông Lê Khả Phiêu ra đây đối chất xem! Ông ta nhân danh gì mà dám ký Hiệp định Biên giới làm cho nước ta mất hàng trăm kilômét vuông đất đai của tổ quốc! Cả hiệp định về vịnh Bắc Bộ nữa, trước kia Pháp thay mặt ta ký với Nhà Thanh theo tỷ lệ 62/38 bây giờ mình ký lại theo tỷ lệ 54/46 ! Tổ quốc bị thiệt hại bao nhiêu chỉ vì một người nhân danh Ðảng! Biết bao xương máu, nước mắt, mồ hôi của cha ông, của nhân dân từ ngàn đời đổ xuống để giành từng tấc đất cho tổ quốc các anh có biết không?". Cử nhân luật trẻ tuổi Lê Chí Quang thật xứng đáng với lời ngợi ca của một Việt kiều từ Canada: "Dù chưa một lần gặp, và sống xa anh cả nửa quả địa cầu tôi vẫn thấy anh thật rõ. Ðêm nay ở phía Tây bán cầu tôi đã sung sướng và thương cảm đến rơi nước mắt khi nghĩ về anh. Trên bầu trời của tổ quốc, Trái tim Ðankô đang rực cháy như ngọn đuốc soi đường".

Và, bi phẫn biết bao cùng Bùi Minh Quốc. Hôm qua anh quằn quại thống thiết ở chiến trường bên thi hài vợ:

Ôi mũi lê này hôm nay sao sáng quắc
Anh mất em như mất nửa cuộc đời
Nỗi đau anh không thể nói bằng lời
Một ngọn lửa thâm trầm âm ỷ cháy
Những viên đạn quân thù bắn em trong lòng anh sâu xoáy
Bên những vết đạn xa chúng giết bao người
Anh bàng hoàng như ngỡ trái tim rơi...

Hôm nay, anh uất ức thét lên "Tiếng máu biên cương":

Tổ quốc còn đau món nợ Tân Trào
Con nghe buốt dọc biên cương tiếng máu
Tiếng người xưa truyền muôn đời con cháu:
Một tấc giang sơn không được để hao mòn!

Cái thiên chức cao cả của nhà văn-chiến sỹ, cái "trái tim lớn mang niềm đau khổ lớn" thôi thúc anh không thể bàng quan, không thể nín lặng. Thế nhưng rồi, đến lượt cả trời xanh cũng phải rơi nước mắt, sau chuyến kinh lý dọc biên giới phía Bắc, anh đột nhiên bị bắt, bị giam cầm tù hãm tại gia!

Rồi nhà xã hội học Trần Khuê nữa. Vì lá đơn xin thành lập hội nhân dân ủng hộ nhà nước chống tham nhũng, hay vì chuyến đi khảo sát Mục Nam quan mà ngay sau đó, anh cũng bị chung số phận như Bùi Minh Quốc?!

Ôi biên giới Việt-Trung, cái vệt ngoằn ngoèo giằng co tự biết bao đời, cái nỗi xót xa đau đớn cho biết bao người!
 

Biên giới Việt - Trung là đâu?

Ngày 30 tháng 12 năm 1999, chính phủ CHXHCN Việt Nam và chính phủ CHND Trung Hoa đã ký Hiệp định Biên giới. Hiệp định này được quy định có hiệu lực từ mồng 6 tháng 7 năm 2000. Ngày 27 tháng 12 năm 2001 chiếc cột mốc đầu tiên đã được cắm tại cửa khẩu Móng Cái - Ðông Hưng. Trong vòng 3 năm sau đó việc phân giới cắm mốc sẽ hoàn tất.

Nhưng, biên giới Việt-Trung đã từng ở đâu? Biên giới Việt-Trung sẽ phải ở đâu?

Biên giới Việt-Trung sẽ phải ở đâu để đừng phụ công cha ông từng kiến lập giang sơn, khai mở bờ cõi, đừng làm tủi vong linh hàng triệu người đã từng ngã xuống vì quê hương, đất nước.... Biên giới Việt-Trung sẽ phải ở đâu như nó từng ở đó để không ai phải xót xa, trăn trở vì đã mất 789 kilomet vuông hay 720 kilomet vuông. Hay... chỉ mất 1 kilomet vuông như thông báo chính thức của Ban Bí thư cho toàn thể đảng viên?

(Mà kể cũng lạ, sao thông báo về việc đàm phán và ký kết Hiệp ước Biên giới lại chỉ được phổ biến cho đảng viên? Vậy nhân dân là cái gì? Chẳng nhẽ đất nước này chỉ của đảng viên Cộng sản Việt Nam? Chẳng nhẽ mấy vạn chiến sỹ đồng bào ngã xuống trong trận chiến Việt Nam - Trung Quốc hồi 1979 chỉ toàn đảng viên Cộng sản Việt Nam?)

Thông báo giảng giải rằng, không mất nhiều đâu: "... toàn bộ diện tích các khu vực hai bên có nhận thức khác nhau khoảng 227 km2. Qua đàm phán đã thỏa thuận khoảng 113 km2 thuộc Việt Nam và khoảng 114km2 thuộc Trung Quốc. Như vậy diện tích được giải quyết cho mỗi bên xấp xỉ ngang nhau, hoàn toàn không có việc ta để mất một diện tích lón như bọn phản động và cơ hội chính trị bịa đặt ".

Vậy là, trong cái xấp xỉ ngang nhau ta có chịu để mất thật. Bị mất theo nguyên tắc nào? Vì sao một anh chỉ có 32 vạn kilomet vuông lại phải xẻ cho anh khổng lồ đã có 3 triệu 70 vạn dặm vuông để anh ta có thêm 1 kilomet vuông nữa? Lại nữa, dẫu Trung Quốc có hơn 1 tỷ dân nhưng đâu phải Trung Quốc thiếu đất. Ngược lại, chính dân ta "đói đất" hơn họ rất nhiều. Tỷ lệ diện tích đất đai trên dân số của Việt Nam chỉ bằng một nửa của Trung Quốc. Bình quân đất/đầu dân hiện nay ở Trung Quốc là khoảng 0,008 km2, trong khi ở Việt Nam chỉ có 0,0042 km2.

Nhưng, có đúng là ta chỉ mất 1 kilomet vuông lãnh thổ không? Hồi còn trai trẻ, những năm đi khảo sát địa vật lý tôi đã có lần lạc sang lãnh địa Trung Quốc nhưng khi khảo sát ở các vùng Bản Giốc và Pắc Bó thì không ai phải nhắc nhở nhau vần đề này vì biên giới lúc đó ở rất xa. Cách Pắc Bó hàng chục km, cách Bản Giốc hình như không thể dưới 1 km. Vậy mà nay có người bảo đứng ở Pắc Bó có thể nhìn thấy Trung Quốc, còn thác Bản Giốc - một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất đã từng có trong tất cả các tập bưu ảnh giới thiệu đất nước Việt Nam trước đây - nay đã bị cắt cho Trung Quốc mất hai phần ba!

Ðau xót nhất và nhục nhã nhất là mất Mục Nam Quan. Ba chữ Mục Nam Quan trong câu thơ em nhỏ ê a đêm nào đã từng in sâu trong tiềm thức các thế hệ chúng ta không lẽ rồi đây phải biến mất trong tất cả các trang văn, các sách giáo khoa và thậm chí sẽ còn là húy kỵ đối với sử sách, ít nhất là ở triều đại này? Ghê sợ đến mức bây giờ giở tấm bản đồ tổ quốc ra, nhìn vào những Mục Nam Quan, Bản Giốc... tôi thấy như các mảng da đầu của tổ quốc mình bị bóc đi lởm chởm.

Mất Mục Nam Quan cùng Suối Phi Khanh là cực kỳ phi lý. Dứt khoát không thể nào đồng ý với lời giải trình trong Thông báo của Ban Bí thư: "Trong biên bản hoạch định biên giới thời Pháp-Thanh năm 1886 và Bản đồ cắm mốc năm 1894 hướng đi của đường biên giới đều không đi qua Hữu Nghị Quan mà là lùi xuống phía nam Hữu Nghi Quan". Thế nào là "hướng đi của đường biên giới"? Nếu lấy vạch nối thẳng tắp giữa các cọc mốc làm hướng đi của đường biên giới thì hoặc là ngụy biện, hoặc ngô nghê không tha thứ được. Cọc mốc chỉ cắm đến mức cách nhau hơn 4 km tức là chỉ tương ứng với loại bản đồ tỷ lệ nhỏ, có sai số lớn. Một điểm nằm ngoài đường "hướng đi" hoàn toàn có thể thừa nhận trong phạm vi sai số.

Huống chi đây còn có vấn đề lịch sử. Ngay chữ dùng "Hữu Nghị Quan" trong bản Thông báo cũng xác định rằng đây là cái cổng nằm giữa hai bên. Nơi đây nước mắt cha con Nguyễn Trãi đã chảy thành dòng suối Phi Khanh. Tiễn đưa thì chỉ được đứng trên đất mình chứ sao dòng nước mắt phu tử Việt Nam ấy bây giờ lại chảy trên đất Trung Quốc được? Nơi đây, không chỉ triều đình nhà Thanh đã xác nhận với chính phủ Pháp mà chính ông Mao Trạch Ðông trong một lần mạn đàm với chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Cái tên ải Nam Quan nhắc nhở đến cuộc chiến do bọn phong kiến Hoa-Việt làm xấu tình hữu nghị nhân dân. Tôi xin đổi thành Mục Nam Quan. Mục là mắt, coi như nhân dân Trung Quốc luôn hướng mắt nhìn về nhân dân Việt ở phương Nam. Ngược lại coi như mắt của nhân dân Việt Nam luôn nhìn về Bắc với tình hữu nghị".

Mục Nam Quan, theo lời ông Mao Trạch Ðông, phía này từng là mắt Việt Nam, phía kia là mắt Trung Quốc, giõi vào nhau; nay tụt hẳn vào Trung Quốc tức là mắt Trung Quốc đã bị mấy cây số đất lấn chiếm che mù rồi, còn mắt của Việt Nam thì bị chúng khoét bỏ mất!

Lẽ nào sẽ không ai còn được nhắc câu thơ "Ðất nước ta liền một dải. Từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mâu" nữa. Vào website của bộ Ngoại giao Việt Nam bây giờ người ta chỉ còn đưọc thấy: "Lãnh thổ Việt Nam ở phía bắc tính từ cây số không". Có người bảo cây số không hiện nay là cây số 5 ngày xưa nằm trên quốc lộ 1A trong lãnh thổ nước ta. Có người bảo không đến 5 kilomet đâu, chỉ khoảng 500 mét thôi. Tạm lấy trung bình một cách nhường nhịn là 2 kilomet vậy. Thử dùng hình học sơ yếu để tính gần đúng xem chỉ riêng tại điểm này ta đã mất bao nhiêu đất cho Trung Quốc?

Trên tuyến biên giới dài 1350 km, sau Công ước Pháp - Thanh 1887 và 1895 có 300 cọc mốc đã được cắm để phân giới. Như vậy trung bình mỗi cọc cách nhau khoảng 4,5 km. Nếu lấy đường nối từ Mục Nam Quan đến cây số "không" làm cạnh đáy tam giác vuông thì riêng diện tích hai tam giác vuông có đỉnh nối từ hai cột mốc kế cận đã cho thấy một diện tích đất bị mất là vào khoảng: 2x ( 4,5 x2/2 ) = 9 km2.
 

Bắc triều là người láng giềng tử tế hay kẻ thù ta phải khiếp sợ?

Việt Nam - Trung Hoa, núi liền núi sông liền sông, nhân dân hai nước sớm sớm cùng chung nghe tiếng gà gáy dồn, khi tắt lửa tối đèn cùng sống trong thân bằng, qua cơn ấm lạnh; nhưng Bắc triều chưa bao giờ là người láng giềng tử tế, không chỉ đối với chúng ta mà với tất cả các lân bang. Nào phải khi xưa mới có cảnh:

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ trong tro than bạo ngược

Hãy đọc lại một đoạn trong bài "Thần chiến thắng" của nhà thơ Chế Lan Viên đăng trên báo Ðảng mới năm 1979 đây thôi:

Ta đã bao đời sống đối diện - song đôi cùng với chiến tranh
Thuộc các cỡ bom; quen kích tấc mọi nòng đại bác
Nhưng cha có quân thù nào như chúng mày tàn ác
Dao quắm, dao phay, mày mổ ruột, băm mình...
Những xác trâu vô tội mày giết kia, ta nhìn cũng không đành
Nhưng trên những thi thể bà mẹ địu con thơ, mày tìm khoái lạc
Tơi mãi máu những cô gái Hòa An, những nhi đồng Bát Xát
Chói lên mây các thế kỷ về sau, lửa mày thiêu thôn bản, thị thành
Như cha ông xâm lược mày xa, mày đã hiện nguyên hình

Oái oăm thay là đến khi đã cùng chung trận tuyến ý thức hệ, khi ta đã dem hàng triệu sinh linh ra xây nên thành lũy phía nam để che chắn cho cái chính quyền Cộng sản của họ, thì họ vẫn tiếp tục thèm thuồng, dòm ngó lãnh thổ của ta. Họ gian tham và xảo quyệt tinh vi hơn cha ông xa của họ rất nhiều. Nhằm lúc ta đang bận bịu với cuộc chiến ở Miền Nam, họ cho người thậm thụt di dời các cột mốc biên giới vào bên trong lãnh thổ của ta. Cột mốc số không cũng bị di dời khi họ mượn cớ xây dựng một nhà ga ở Nam Quan để tiếp viện cho cuộc chiến tranh mà ta phải đương đầu một phần thay cho họ. Lợi dụng lòng tin ngây thơ vào lời tụng ca "Bốn phương vô sản đều là anh em", ngày 4 tháng 9 năm 1958, họ ra tuyên cáo về lãnh hải 12 hải lý kể từ đất liền của ho Quốc tế không ai công nhận, ngoại trừ chỉ có Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Triều Tiên. Ðáng tiếc thay, trớ trêu sao, chỉ mười ngày sau đó - ngày 14 tháng 9 năm 1958 - được lệnh, thủ tướng Phạm Văn Ðồng đã ký văn bản thừa nhận một cách quá chừng mau mắn!

Thế là, do bị đánh lừa, ta đã vô tình thừa nhận hầu hết các đảo của Việt Nam trên biển Ðông, toàn bộ lảnh hải Việt Nam cách các đảo đó 12 hải lý đều thuộc Trung Quốc! Chính vì thế, năm 1973, thình lình Trung Quốc đem quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Quân đội Việt Nam Cộng hoà của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu chống trả quyết liệt, gây cho địch quân những tổn thất về người cũng như chiến hạm nặng nề gấp mấy lần mình. Nhưng, vì lực lượng hải quân quá mỏng so với Trung Quốc, các chiến sỹ Việt Nam Cộng hòa đành rút bỏ!

Dẫu thế nào đi nữa, tôi đề nghị phải xây một đài kỷ niệm để vinh danh những chiến sỹ đã hy sinh trong trận chiến đó.

Cho đến sau này, tại vùng quần đảo Trường Sa, hiện diện hải quân nhiều nước: Philipine, Ðài Loan, Việt Nam, Malaysia... nhưng Trung Quốc thường chỉ nổ súng tấn công quân đội Việt Nam mà hầu như không dám động đến các nước khác. Họ bảo Việt Nam đã chấp nhận đây là lãnh hải Trung Quốc nên cứ xâm phạm là họ đánh. Ðề nghị mở hội nghị đa phương để bàn bạc, giải quyết vấn đề Trường Sa họ không chịu mà chỉ chịu đàm phán song phương với từng nước, không có Việt Nam.

Vịnh Bắc Bộ cũng vậy. Riêng cái tên "Bắc Bộ" đã chứng tỏ vịnh này là của Việt Nam. Nếu nó từng là của Trung Quốc thì họ đã phải đặt tên là vịnh Nam Quảng Ðông hay Tây Hải Nam gì đó từ xa rồi chứ? Hiệp ước Thiên Tân ký năm 1887 giữa chính phủ Pháp với triều đình Thanh xác định tỷ lệ 62/38 coi như đã biếu không 38% lãnh hải vịnh Bắc Bộ cho Trung Quốc rồi. Trước đó, người Trung Hoa coi vịnh Bắc Bộ là của Việt Nam. Sau hòa ước Thiên Tân, nhiều đảo có người Việt sinh sống đã lâu đời, bị cắt sang Trung Quốc. Cho đến bây giờ, thăm các đảo này ta vẫn gặp các cộng đồng Việt nói tiếng Việt, trang bị y phục Việt, ẩm thực Việt. Tại đây còn có cảng Bắc Hải kế cận thị xã Hợp Phố. Bắc ở đây chỉ có thể là bắc của Việt Nam, vì nếu của Trung Quốc thì nó phải Nam hay Ðông gì gì chứ?

Thế nhưng, tại sao Hiệp định 25 tháng 12 năm 2000 lại phân định 47% vịnh Bắc Bộ của ta là thuộc Trung Quốc? Trước đây đã mất 38%, nay lại mất thêm 9% nữa. Vịnh Bắc Bộ rộng khoảng 126. 250 km2. Vậy là, so với Hiệp ước Pháp - Thanh, ta để mất thêm 11. 362 km2 lãnh hải cho anh bạn láng giềng rất không tử tế! Lưu ý rằng đây là phần thềm lục địa ẩn tàng nhiều tiềm năng dầu khí và phong phú các loại hải sản.

Trung Quốc là người láng giềng rất không tử tế. Là láng giềng tử tế và không cần cảnh giác sao được khi ngay cả đối với đồng chủng, đồng tộc Ðài Loan mà muốn thôn tính họ không xem trọng hóa giải, hòa hợp nhưng lăm lăm hết bắn đại bác lại chĩa tên lửa, thậm chí đe dọa dùng bom nguyên tử! Mỹ đánh bom nguyên tử ở Nhật Bản đã bị thế giới lên án kịch liệt, bây giờ Trung Hoa cộng sản ném bom nguyên tử cho hàng vạn người Trung Quốc phơi thây ngổn ngang khắp đảo Ðài Loan thì ghê sợ biết chừng nào, đáng nguyền rủa biết chừng nào. (Thế mà tôi từng nghe một cán bộ Tư tưởng - Văn hóa cấp cao của ta nói đến chủ trương này một cách đồng tình và đắc ý!). Cho đến nay, sở dĩ họ chưa dám hành động vì lực lượng họ chỉ đông mà chưa đủ tinh nhuệ so với Ðài Loan. Lấy ví dụ: Trung Quốc hiện có 4300 máy bay chiến thuật, 1000 máy bay ném bom và máy bay yểm trợ cự ly gần, 650 máy bay vận tải nhưng phần lớn máy bay chiến đấu đã lỗi thời, trong đó khoảng 2900 chiếc thuộc thế hệ những năm 50. Trong khi ba phần tư trong số hơn 400 máy bay chiến đấu của Ðài Loan là những máy bay thuộc thế hệ thứ tư thì máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Trung Quốc chỉ là SU-27/FLANKERR. Nếu Trung Quốc đem sử dụng tên lửa CSS-6, CSS-7 thì Ðài Loan có thể có các tên lửa ứng dụng công nghệ điều khiển từ vệ tinh của Mỹ...

Dẫu sao, ta không nên xem Trung Quốc là kẻ thù; càng không bao giờ được chủ động đẩy họ thành thù địch. Cuộc chiến Việt Nam - Trung Quốc vừa qua là hệ quả của chính sách đối ngoại sai lầm không thể tha thứ của tập đoàn Lê Duẩn - Lê Ðức Thọ.

Dứt khoát không chủ động đẩy họ thành thù địch nhưng nếu họ lộng hành ức hiếp thì nhất định không xem họ là những vương quyền mà ta phải khuất phục. Những Luy Lâu, Bạch Ðằng, Ðống Ða... còn đó. Năm 1979, dù đã càn phá tan hoang hàng loạt bản làng, phố xá ở các tỉnh biên giới nhưng chúng vẫn không dám vượt ải Chi Lăng. Ở đấy hàng loạt tướng tài Trung Hoa bị bêu đầu trên núi Ðầu Quỷ mắt còn trừng trừng nhìn họ, ở đấy hồn ma của 73 vạn quân Tống, Nguyên, Minh, Thanh còn vuốt lạnh sống lưng họ.
 

Làm thế nào bây giờ ?

Thế nào cũng phải làm, phải làm một cách sáng suốt và kiên quyết để không phụ lòng ông cha, không tủi hổ cùng con cháu:

  1. Quốc hội mới dứt khoát không thông qua và Chủ tịch nước nhất định không phê chuẩn Hiệp định Phân định vịnh Bắc Bộ đã ký kết ngày 25 tháng 12 năm 2000.

    Hiệp định này không chỉ làm mất thêm của ta hơn vạn kilomet vuông lãnh hải cùng nhiều nguồn khoáng sản, thủy hải sản dồi dào mà còn tạo nên hiểm họa đe dọa chủ quyền quốc gia. Một khi gây hấn, nếu tiến công bằng đường bộ, Trung Quốc sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Ðịa hình hiểm trở dọc suốt chiến tuyến phía bắc ngăn trở họ, đưa họ làm mồi cho các ổ phục kích của ta. Có thể họ sẽ còn vấp phải rất nhiều ải Chi Lăng khác nữa. Cho nên họ sẽ chú tâm vào việc sử dụng không quân. Nếu họ xây dựng được một vài sân bay trên các đảo mà họ có thể sắp có trong vịnh Bắc Bộ thì nguy hiểm cho ta biết chừng nào!
     
  2. Trong tiến trình ba năm cắm cột mốc trên biên giới đất liền cần tập hợp những cán bộ giỏi để đấu tranh bằng luận cứ khoa học, bằng những lý lẽ lịch sử và xã hội học đủ sức thuyết phục. Nếu căng thẳng quá thì cứ trì hoãn lại, để các thế hệ sau tiếp tục giải quyết. Noi gương các vua nhà Lý. Sau những rắc rối biên cương do Nùng Chí Cao gây nên, ta đã để mất vào tay Bắc triều hàng loạt các vùng lãnh thổ. Ðầu năm 1078, vua Lý sai Ðào Tông Nguyên đem biếu vua Tống 5 con voi để được xin trả các châu Quảng Nguyên, Tô Mậu. Ðể tiếp tục giành lại các vùng đất chưa đòi được, năm 1083 một mặt nhà Lý tiếp tục cống nạp 2 con voi, 100 sừng tê, ngà voi, một mặt giàn quân thị uy dọc biên thùy. Năm 1084, vua Lý sai thị lang bộ binh Lê Văn Thịnh - người đỗ đầu khoa minh kinh bác học đầu tiên - tới trại Vĩnh Bình đàm phán. Vua Tống đành trả lại thêm cho Ðại Việt "6 huyện, 3 động ".
     
  3. Trung Quốc một mặt cậy thế nước lớn để uy hiếp, cưỡng bức ta, một mặt nham hiểm xúi bẩy ta thù địch với thế giới tiên tiến, tự chăng rào sắt cô lập mình để chỉ còn một lối chui vào ống tay áo của họ Cần sáng suốt, tỉnh táo, thận trọng nhanh chóng hòa nhập vào thế giới tiên tiến. Noi gương tổng thống Putin, chủ động đưa Việt Nam trở thành bộ phận khăng khít và bình đẳng của thế giới tiên tiến. Tận dụng sức mạnh hỗ trợ của thế giới tiên tiến để hoàn toàn đủ sức đương đầu với Trung Quốc, nếu cần. Bỏ bớt những chủ trương lạc lõng trong mối quan hệ với các chế độ đang đầy đọa nhân dân họ của những Sadam Hussen, Kim Chang Yl, Fidel Castro, Than Xuề.
     
  4. Ðừng nhục mạ, quy tội, sách nhiễu, hành hạ những người vì xót đau mối hận biên cương mà giãi bầy tâm tư nữa. Công bố công khai nội dung chi tiết của các Hiệp ước Biên giới, khuyến khích mọi người quan tâm tìm hiểu và lên tiếng để tạo căn cứ dư luận cho lãnh đạo dựa vào mà ép Trung Quốc phải sửa đổi, phải từ bỏ những gì họ đã kiếm được một cách xảo trá trong quá trình đàm phán về biên giới Việt -Trung vừa qua. Ðộng viên mọi người hiến kế để đấu tranh giành giật lại những gì ta vốn có từ thời ông cha trên mọi vùng biên cương, hải đảo.

Cần nhớ Trung Quốc chưa hề là người láng giềng tử tế, không chỉ đối với nhân dân ta, đất nước ta mà, ngay cả với chính quyền ta. Sự gian ngoan cực kỳ hiểm hóc có thể làm ai đó mắc hợm, lú lẫn trông mong ở họ một sự bảo trợ cá nhân. Nhưng tin tưởng và hy vọng rằng tập thể sẽ sáng suốt. Hãy biết đặt quyền lợi đất nước, dân tộc lên trên hết thì từ đấy may ra mới giữ được quyền lợi của Ðảng, của chính quyền.

* * *

Tác giả chân thành biết ơn nếu độc giả, bằng mọi cách, giúp đưa bài viết này đến tận tay các vị lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và từng vị đại biểu Quốc hội khóa mới mà các vị đang đi bầu hôm nay.

Hà Nội 19 tháng 5 năm 2002

Nguyễn Thanh Giang

Nhà A13 P9 - Tập thể phòng không Hòa Mục
Phường Trung Hòa - Quận Cầu Giấy