Ải NAM QUAN là của Việt-Nam

Prof Dr. Nguyễn Phúc Liên

22, Rue du Prieuré, CH-1202 GENEVA, SWITZERLAND
Fax/Tel: 0041 22 738 28 08.Fax/Tel:0041 22 731 43 94

Theo dõi những bài viết liên quan đến những chứng cớ về Biên giới Việt-Trung, tôi rất vui mừng và khâm phục những đóng góp tận tụy vừa tốn công vừa tốn của mà quý vị đã dành cho vấn đề này. Vấn đề biên giới đang làm cho mọi người Việt đau lòng. Riêng về Ải Nam Quan, có người đã biện luận cho rằng đó là thuộc Trung quốc. Một trong những lý chứng để nói như vậy là dựa trên lời thuật lại của người thứ ba như là người đã thăm Nam Quan. Về điểm này, tôi cũng xin đóng góp một số những ý kiến bởi vì chính tôi đã đến tận nơi thăm ẢI NAM QUAN.

  1. Mùa nghỉ Phục Sinh năm 1995, tôi có dịp thăm tận Ải Nam Quan. Tôi đại diện cho một Công ty Tài chánh Hoa-kỳ, được Công ty Kinh Doanh Nhà thuộc Sở Xây Dựng Lạng Sơn mời về quan sát Dự án xây Nhà tại Lạng Sơn, Ðồng Ðăng và Kho Hàng tại Biên Giới Tân Thanh (Biên giới Thương mại). Ðây là Dự án có ý bán Ðường và phân đạm Urea cho Miền Nam Trung quốc. Phía bắc Ðồng Ðăng, có hai Biên giới: Biên giới thương mại là Tân Thanh và Biên giới chính trị, ngoại giao là ải Nam Quan. Giám đốc Công ty Kinh Doanh Nhà thuộc sở Xây Dựng Lạng Sơn là Kỹ sư NGUYỄN VĂN DĨNH, cựu sinh viên du học tại Cuba. Trụ sở của Công ty là ở Số 2, đường Trần Ðăng Ninh, Thị xã Lạng Sơn. Họ liên lạc với tôi qua trung gian của Ông NGUYỄN NGỌC LƯƠNG, cựu Tổng Lãnh sự tại Geneva, rồi Prague và hiện nay đang làm ở Bộ Ngoại Giao, Phòng Lãnh sự, và qua trung gian của Ông LÝ KIẾN NAM, Tổng giám đốc Công ty CHƯƠNG DƯƠNG, có trụ sở tại Bạch Mai Hà nội. Ông Lý Kiến Nam là cựu sinh viên tại Bắc Kinh, có vợ người Hoa. Sáng hôm nay, 07.03.2002, tôi vừa điện thoại về Ông Lý Kiến Nam ở Hà Nội.
     
  2. Về Lạng Sơn với tư cách Ðại diện Tập đoàn Tài chánh, tôi làm việc với Hội Ðồng Nhân Dân Tỉnh Lạng Sơn và Kỹ sư Nguyễn Văn Dĩnh có nhiệm vụ dùng xe công vụ chở tôi đi quan sát vùng Ðồng Ðăng và Biên giới Thương mại Tân Thanh. Cùng đi với tôi có Ông Nguyễn Ngọc Lương và Ong Lý Kiến Nam. Chúng tôi đã chụp hình để giữ lại và để tôi làm Báo cáo với Tập đoàn Tài chánh. Trên đường đi Biên giới, chúng tôi ngừng lại quan sát trước tiên là Ðồng Ðăng. Tôi có vào Chùa LINH THỊ tại Ðồng Ðăng. Khi viết bài, tôi đang xem những hình chụp tại vùng này. Những hình này đã được Ông Nguyễn Ngọc Lương rửa tại Hà Nội và gửi cho tôi từ Bưu Ðiện Hà nội ngày 03.05.95. Tôi còn giữ cả phong thư có dấu đỏ Bưu Chính Việt Nam, giá gửi là 23'000 đồng VN.
     
  3. Rời Ðồng Ðăng đi về hướng Bắc, rẽ tay trái là đi Biên giới Thương mại TÂN THANH. Biên giới này là khoảng đất trống bằng phẳng. Phía Trung quốc có một ngôi nhà 4 tầng do Singapore xây cất cho Trung quốc. Còn phía Việt Nam thì chỉ có một số nhà lụp xụp lợp bằng tôn hoặc lá, hoặc che bằng vải tăng. Trên khoảng đất trống về phía Việt-Nam, có những xe đến từ Miền Nam, chở hoa quả hoặc đồ biển lên bán, có những xe viết bên hông bằng chữ Tầu, đến từ Trung quốc để mua hàng. Tôi còn giữ tất cả những hình ảnh này chụp tại Biên giới, có hình của tôi, của Ông Lý Kiến Nam, Ông Nguyễn Ngọc Lương, Kỹ sư Nguyễn Văn Dĩnh. Những người này còn sống. Bây giờ chỉ cần hỏi họ xem Biên giới Thương mại này có thuộc Việt-Nam hay không. Nếu hồi ấy Biên giới này thuộc Trung quốc, thì chúng tôi không thể tới được để chụp hình, vì chúng tôi không có Visa đi Trung quốc. Nếu bây giờ Biên giới này thuộc Trung quốc, thì đó là những người lãnh đạo Ðảng CSVN đã bán cho Tầu. Chỉ cần hỏi Nhà Nước VN xem Biên giới TÂN THANH bây giờ thuộc nước nào. Nếu nói bây giờ là của Tầu, thì tôi còn toàn bộ hình ảnh biên giới để chứng minh năm 1995 biên giới này thuộc Việt-Nam. Trong một tấm hình, tôi còn thấy cả một người đang gánh hàng, đi chân không, đầu đội mũ cối xanh. Ðó là Việt-Nam. Nếu là đời xưa thì dễ phân biệt vì có câu:

    Cái thúng mà thủng hai đầu
    Bên ta thì có, bên Tầu thì không.


    Ðó là cái váy (jupe). Ðàn bà Việt-Nam xưa măc váy, trong khi đó đàn bà bên Tầu mặc quần.
     
  4. Theo chương trình quan sát vùng này, thì không đi thăm Biên giới Chính trị, Ngoại giao Nam Quan. Nhưng tôi nhất định yêu cầu Kỹ sư Nguyễn Văn Dĩnh chở tôi và cả phái đoàn đi thăm Ải Nam Quan. Tôi nói rằng từ bé học Ðịa lý và Sử Việt Nam, tôi đều học rằng nước ta dài từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mâu. Tôi nhất định phải thăm cho bằng được cái cửa Ải này. Từ Ðồng Ðăng lên, rẽ tay phải là đi Ảii Nam Quan. Phái đoàn chúng tôi đã đến tận Ải Nam Quan, có đồn canh của Việt-Nam đàng hoàng. Tôi đã chụp hình chính cửa Ải Nam Quan này. Nếu Ải Nam Quan thuộc về Trung quốc, tại sao lại có lính Việt-Nam canh giữ. Tất nhiên nếu cửa Ải Nam Quan thuộc Trung quốc, thì không bao giờ tôi đến được và chụp hình vì tôi không có Visa vào đất Trung quốc. Bây giờ chỉ cần hỏi Nhà Nước xem cái cửa Ải Nam Quan ấy mà tôi đã thăm và chụp hình còn thuộc Việt-Nam nữa hay không. Nếu Nhà Nước nói rằng nó thuộc về Tầu, thì có nghĩa là Nhà Nước mới bán nó cho Trung quốc. Tôi đã chụp hình nhà canh của Ải, có hình của tôi. Ðàng trước là đường xe chạy để giao thương giữa hai bên. Năm 1995, cửa Ải này đã được đổi tên là Hữu Nghị Quan. Tôi đã nói với Phái đoàn, trong đó có Ông Nguyễn Ngọc Lương, rằng tôi phản đối việc đổi tên Lịch sử này. Không có Hữu nghị Hữu ngoét gì cả. Ải Nam Quan là tên Lich sử. Tôi đã đứng và chụp hình ở Ải Nam Quan, nếu bây giờ nói là của Tầu, thì đúng là Nhà Nước mới bán cái Ải lịch sử này mà thôi.
     
  5. Tôi còn một chứng cớ bằng Bản đồ nữa. Trung tá Hải quân BÙI ÐỨC TRỌNG, đi họp về Luật biển với Bộ trưởng Ngoại giao VƯƠNG VĂN BẮC. Năm 1975, bị kẹt bên này và xin tị nạn tại Geneva. Trung tá trở thành bạn thân với tôi và cho tôi một cái Bản đồ Hình thể và Ðường Sá do Sở Ðịa Dư Quốc Gia năm 1956, dựa theo tài liệu Ðịa dư trước 1954. Trên Bản đồ, tôi thấy rõ cái tên ẢI NAM QUAN nằm ở Biên giới Việt-Nam. Chữ ẢI là chữ Việt-Nam chứ không phải là phiên âm từ chữ Tầu. Về phía Trung quốc, nếu in bằng mẫu tự la-tinh, thì tên những địa danh là phiên âm ra. Chữ Ải không phải là phiên âm. Ðịa danh của Biên giới ấy gọi là ẢI Nam Quan, nghĩa là chữ Việt Nam chứ không phải phiên âm. Như vậy Bản đồ theo tài liệu trước 1954, có địa danh biên giới ẢI Nam Quan thuộc Việt-Nam.
     
  6. Có người muốn nói rằng Nam Quan thuộc Tầu, chỉ có miền đất phía nam của Nam Quan là của ta. Nói như vậy có nghĩa là khoảng đất phía Bắc Ðồng Ðăng không có Việt-Nam canh gác hay sao. Việt-Nam chỉ có đồn canh ở Ðồng Ðăng, nghĩa là ngồi ở cuối miếng đất để canh gác cho miếng đất mầu mỡ ở phía trên hướng về Tầu. Nghĩa là phía đầu miếng đất về phía Tầu không có Việt-Nam canh giữ. Biên phòng có nghĩa là canh chừng đất đai ngay ở đầu miếng đất để ngăn chặn phía ngoài xâm nhập. Theo lời quả quyết của Vị nào đó, thì việc Biên phòng của Việt-Nam là ngồi ở cuối miếng đất tại Ðồng Ðăng để coi chùng miếng đất phía trên mình liền với Nam Quan. Biên phòng như vậy thì làm sao bảo đảm được an toàn cho miếng đất này. Nói như vậy, có nghĩa là miếng đất này bỏ ngỏ cho Trung quốc mà thôi. Nếu Ải Nam Quan, có mục đích canh chừng miếng đất này, mà thuộc về Tầu, thì miếng đất coi như bỏ ngỏ. Phải có đồn canh ở đầu miếng đất, nếu không phải là Ải Nam Quan, thì đồn canh ấy tên là gì? Bây giờ cái đồn canh ấy thuộc về ai?
     
  7. Lý do cuối cùng tại sao Nhà Nước cứ ấm ớ hội tề như bị bệnh á khẩu, không giám nói thẳng ra cho Dân. Nhà Nước, nếu đàng hoàng, phải cắt nghĩa minh bạch cho Dân chúng về vấn đế quan trọng này. Dân chúng phải cực nhọc, tìm kiếm Bản đồ, Hiệp Ước để tìm hiểu sự thật, trong khi ấy, cái sự thật về Biên giới Nhà Nước đang giữ và lại bị Nhà Nước dấu lẹm đi, hoặc nói lòng vòng. Chúng ta, Dân một nước, phải có quyền đòi hỏi Nhà Nước cắt nghĩa rành mạch về việc trọng đại này. Chúng ta hãy đồng thanh yêu cầu Nhà Nước:
  1. Phải công bố hai bản Hiệp Ðịnh về Biên giới cho Dân biết;
     
  2. Phải công bố Bản đồ, cột mốc kèm theo hai Hiệp Ðịnh Nếu Nhà Nước thành thực, thì có gì mà sợ sệt, lén lút. Ðây là nhiệm vụ của Nhà Nước phải công bố cho Dân biết. Còn nếu cứ ấm ớ, lòng vòng, lẩn trốn trách nhiệm, thì đó là chứng cớ việc làm gian giảo, bán đất đai của Tổ tiên cho giặc Tầu.

Chúng ta hãy lên tiếng đòi hỏi Nhà Nước phãi làm việc này để Dân đỡ mệt công đi tìm hiểu, cãi vã nhau. Nhà Nước hãy công bố mọi tài liệu ra cho rõ rệt. Dân có quyền đòi hỏi và quyết tâm đòi hỏi chuyện chính đáng này. Nếu đã làm bậy, đã phản bội Tổ Tiên, thì yêu cầu Nhà Nước cút đi cho khuất mắt để Dân nhờ. Xin đừng chàng chớ, ú ớ giả câm giả điếc, cứ chai mặt ngồi lì đấy mà lợi dụng. Thái độ này của Nhà Nước hèn mạt và đê tiện lắm.

Prof Dr. Nguyễn Phúc Liên

Trân trọng/ Best Regards/ Mes sentiments les meilleurs