Phải chăng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa Phùng Ngọc Sa Trong thời gian vừa qua, nhà cầm quyền Trung Cộng đã đơn phương ra lệnh cấm các thuyền tàu bè đánh cá tất cả các nước, đặc biệt là những nước trong khu vực Ðông Nam Á không được bén mảng đến gần vùng biển xung quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để đánh cá. Trước thái độ ngang ngược của các chú con trời ở Trung Nam Hải, nhà cầm quyền Hà Nội, qua lời phát biểu của phát ngôn viên bộ Ngoại giao Phan Thanh Thúy, phải bóp bụng và cay đắng la hoảng lên rằng: "Việt Nam có đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa." Người phát viên còn nói thêm: "Bất cứ mọi hành động liên quan đến hai quần đảo nói trên mà chưa có sự đồng ý của Việt Nam là một vi phạm đến chủ quyền của Việt Nam trong khu vực." Không phải đây là lần đầu tiên Trung Cộng áp dụng chủ nghĩa sô vanh nước lớn để chèn ép Việt Nam. Trước đó, vào tháng 6 năm l994, Trung Cộng đã chuẩn bị dư luận bằng cách phái một số cán bộ được gọi là học giả đến Ðài Loan họp với một số học giả địa phương để cùng nhau đưa ra lời tuyên bố xác nhận: "Trung Quốc có chủ quyền lịch sử trên các vùng tranh chấp ở Tây Sa và Nam Sa (tức là Hoàng Sa và Trường Sa). Lời công bố trên quả là một âm mưu bất chánh của cái được gọi là giới trí thức của cả hai phía cộng sản cũng như quốc gia Trung Quốc. Ðây là một hành động chứa đầy âm mưu quỷ kế và tính toán, nặng trĩu đầu óc bá quyền và tư tưởng Ðại Hán của kẻ thù phương Bắc. Việc làm của họ mỗi ngày mỗi thể hiện rõ mục đích là gây ngộ nhận ở hiện tại và tương lai đối với chủ quyền thực sự trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Cộng gọi là Tây Sa và Nam Sa. Phản ứng của nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội vừa qua, mới nghe xem có vẻ quyết liệt, song thực chất bên trong tràn đầy âu lo và sợ hãi trước thái độ lấn lướt ngày càng thô bạo của bọn Tàu đỏ. Ngoài ra, CSVN lại còn bị thế mở miệng mắc quai. Trước đây, do sự phản bội quốc gia dân tộc, và để lấy lòng quan thầy Trung Cộng, nhà cầm quyền Hà Nội đã tán tận lương tâm công khai xác nhận chủ quyền và lãnh thổ hai quần đảo nói trên là của Tàu Cộng. Bằng cớ, trong một công hàm ngày 14 tháng 9 năm 1958 gởi cho Tổng Lý Quốc Vụ Viện Trung cộng là Chu Ân Lai, được đăng trong báo Nhân Dân số 1653 ngày 22 tháng 9 năm 1958, Phạm Văn Ðồng Thủ Tướng của cái được gọi là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã công khai nhìn nhận và tán thành bản công bố của Trung Cộng ngày 4 tháng 9 năm 1958 khẳng định: "Lãnh thổ và lãnh hải của Trung Quốc rộng 12 hải lý bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà nước này đã ấn dịnh trên bản đồ thế giới của họ được ghi là Tây Sa và Nam Sa." Về phần nhà cầm quyền Hà Nội cũng đã muối mặt từ chối dùng hai chữ Hoàng Sa và Trường Sa mà lại chỉ ghi trên bản đồ của Việt Nam là Tây Sa và Nam Sa như Tàu đỏ vẫn gọi. (Ghi chú: từ thế kỷ 15 đến thời Pháp thuộc, tiền nhân Việt Nam vẫn gọi các hải đảo ngoài khơi là Bãi Cát Vàng Hoàng Sa và Bãi Cát Dài hay Trường Sa). Ðể chứng minh và cụ thể lòng trung thành của mình đối với quan thầy Trung Cộng, bọn CSVN đã hành động tỏ ra một cách vô liêm sỉ; trong thời gian Trung Cộng gây hấn cưỡng chiếm hai quần đảo bằng 2 trận hải chiến với Hải Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vào ngày 19 và 20 tháng 1 năm 1974, bọn cộng sản Hà Nội đã không có một thái độ, hay một lời phản đối nào về hành động xâm lăng nầy. Trái lại, bọn chúng còn thản nhiên và hoan hỷ đón tiếp phái đoàn bóng bàn Trung Cộng đến viếng thăm Hà Nội một cách long trọng. Trước sự mất mát quá lớn lao nầy, giáo sư Hoàng Xuân Hãn trong bài "Ðúng ba trăm năm về trước" đã viết: "Hoàng Sa bị cưỡng chiếm là triệu chứng cụ thể của những sự thiệt hại gây nên bởi những sự bất hòa giữa nhân dân ta. Hoàng Sa là đất của Việt Nam, là đất của một Việt Nam thống nhất. Khi đất nước còn tạm chia đôi thì khó lòng điều đình để Hoàng Sa trở lại với đất nước. Tuy rằng nhiều chứng cớ xưa nay, trong cũng như ngoài đều xác định các quần đảo đó thuộc về chủ quyền của Việt Nam." Vậy những chứng tích lịch sử mà giáo sư Hoàng Xuân Hãn muốn nói và các bằng chứng pháp lý mà cộng sản Hà Nội dự định đưa ra là những điều gì? Những điều nêu trên, nếu không muốn nói đó chính là điều mà những người cộng sản Việt Nam trước đây vì không muốn làm mất lòng quan thầy nên đã cam tâm từ chối chủ quyền của mình. Song, sau khi đã thống nhất được hai miền Bắc Nam, bọn này đã thấy quá đắc tội với tiền nhân và thấy hổ thẹn với đồng bào; hơn nữa bọn chúng đã một phần nào mở mắt thấy rõ được vị trí chiến lược vô cùng quan trọng cùng với tài nguyên vô cùng phong phú tại các vùng lãnh hải nói trên, nên buộc chúng phải sử dụng các luận cứ vững chắc, các tài liệu và bằng chứng mà chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trước kia để đòi lại chủ quyền của hai quần đảo nầy. Dưới đây là những tài liệu và các chứng tích lịch sử mà trước đây chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã sử dụng: Dựa theo Hồng Ðức Bản Ðồ dưới thời vua Lê Thánh Tôn (1460 1479), ông Ðỗ Bá tự Ðào Phủ đã biên soạn trong sách Toàn Tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Ðồ được phổ biến vào năm 1630, mô tả về "một bãi cát vàng" dài ước chừng 400 dặm, ngang 20 dặm, chạy dài từ cửa Ðại Chiêm đến cửa Sa Vinh (Sa Huỳnh?) thuộc tỉnh Quảng Ngãi và cách bờ biển khoảng 135 hải lý. Bãi cát vàng đây được xác định là quần đảo Hoàng Sa. Ngoài những ghi nhận trên, trong quyển Hoàng Việt Ðịa Dư Chí của ông Phan Huy Chú, quyển 6 của bộ Ðại Nam Nhất Thống Chí, quyển Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu, Ðại Nam Thực Lục Chính Biên, Ðại Nam Hội Ðiều Sự Lệ của Quốc Sử Quán nhà Nguyễn, Phủ Biên Tạp Lục của ông Lê Quý Ðôn, tất cả các tài liệu này có ghi đầy đủ tất cả dữ kiện liên quan đến Hoàng Sa. Dưới triều đại các vua nhà Nguyễn Gia Long, Minh Mạng triều đình đều cử các quan trông coi, đo đạc cũng như đã dựng miếu trên đảo. Dưới thời Pháp thuộc đã có nhiều cơ quan hành chánh cũng như khí tượng được thành lập. Nha Thương chánh đã được thành lập từ năm 1920 (Service des Douanes) thường tổ chức những cuộc tuần thám xung quanh đảo để đề phòng nạn buôn lậu. Năm 1925, Hải Học Viện Nha Trang cũng đã cử một nhóm bác học và chuyên viên ra đảo để nghiên cứu. Người Pháp đã có nhiều công trình khí tượng trên đảo. Ðến năm 1932 thì họ đã thiết lập cơ sở Ðại Lý Hành Chánh (Délégation Administrative des Paracels). Do Dụ số 10 ngày 20 tháng 3 năm 1933, Bảo Ðại năm thứ 13, quần đảo được đặt trực thuộc tỉnh Thừa Thiên. Một đơn vị QLVNCH cũng được chỉ định thường trú cho đến khi bị Trung Cộng cưỡng chiếm năm 1973. Không những chỉ có chứng tích lịch sử trong nước, mà ngay cả các tài liệu và chứng minh của ngoại quốc cũng đã xác nhận là Hoàng Sa thuộc Việt Nam. Tài liệu hàng hải của Hòa Lan đã ghi rõ, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), một đoàn tàu của Hòa Lan gồm có 3 chiếc là Veehulzen, Schagen, và Grootebroek (Journal de Batavia ấn hành năm 1631 1634 1636) của công ty Ðông Ấn thuộc Hòa Lan đã hải hành từ Batavia đến Tourane (Ðà Nẵng hiện nay) rồi nhổ neo tiến về hướng Formosa (Ðài Loan). Trên hải trình vào ngày 21 7, 1634 thì gặp bão. Hai chiếc kia chạy thoát được đến Formosa. Riêng chiếc Brootebroek lại bị bão đánh chìm gần đảo Paracels (Hoàng Sa) ngay tại Vĩ tuyến thứ 17 Việt Nam. Thuyền trưởng Huijch Jansen và một số thủy thủ phải dùng thuyền nhỏ đến duyên hải thuộc xứ Ðàng Trong của Chúa Nguyễn với hy vọng mua được thuyền lớn để cứu vớt những thủy thủ còn bị kẹt trên đảo Hoàng Sa. Họ có mang theo 5 thùng bạc và 3570 réaux chứa đựng trong 17 thùng. Nhưng chẳng may khi đến đất liền, họ không những không được giúp đỡ như mong muốn, trái lại còn bị viên chức đặc trách hải môn tịch thu tất cả tiền bạc mà bọn họ mang theo. Sau khi bình an trở về Batavia, thuyền trưởng Huijch của chiếc Brootehoek đã báo cáo tất cả tự sự với chính quyền của ông. Hai năm sau, vào ngày 16 tháng 3 năm 1636, thương gia Hòa Lan tên Abraham Dutjeker tìm đến Faifoo tức là Hội An ngày nay, rồi từ đó ra Thuận An Huế xin yết kiến Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (lên nối ngôi cha là Nguyễn Phúc Nguyên) để xin giao thương, đặt thương điếm và đồng thời xin Chúa Nguyễn trả lại số tiền mà trước đây đã bị tịch thu. Chúa Thượng đã tiếp kiến Dutjeker rất trọng hậu, nhưng cho rằng sự việc đã xảy ra từ đời vua cha, hơn nữa viên chức hành chánh xử vụ tịch thu về sau bị mang tội tham nhũng 34.000 lượng bạc đã bị xử trảm nên chẳng còn chứng tích. Ðể đền bù thiệt thòi của người Hòa Lan, Chúa đã chấp thuận cho giao thương buôn bán và chính Abraham Dutjeker về sau làm trưởng điếm. Tài liệu của người Pháp lại còn đầy đủ chi tiết hơn. Trong quyển Mémoire sur la Cochinchine của Jean Baptist Chaigneau (1769-1852) và trong quyển Univers, Histoire et Description de tous les peuples, xuất bản vào năm 1833, đoạn nói về đảo Paracels mà người Việt gọi là Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa) gồm nhiều đảo san hô chằng chịt thuộc xứ Ðàng Trong cai quản, Hoàng Ðế Gia Long đã thân chinh vượt biển tiếp thu quần đảo vào năm 1816, chính ngài đã long trọng thượng cờ tại đó. Về quần đảo Trường Sa mà Trung Cộng gọi là Nam Sa (Namsha), họ chỉ mập mờ nói đến một số 33 hòn đảo nhỏ nằm cách xa Hoàng Sa khoảng 350 hải lý về phía Nam và cách bờ biển Phước Tuy Bà Rịa 500 kilomét. Những đảo này do san hô tạo thành và có vị thế chiến lược vô cùng quan trọng trên đường hải hành từ Trung Quốc đến Nam Dương và bán Ðảo Mã Lai. Trong quyển Thiên Nam Tứ Chí Lộ Ðồ cũng đã ghi rõ, dưới thời Chúa Nguyễn, ngoài đội Hoàng Sa chuyên đi thám sát còn có đội thu nhặt hải sản như ba ba, đồi mồi, hải sâm, dồn ngư (cá heo) trong quần đảo Trường Sa cho chính quyền. Những công nhân nầy được miễn đóng thuế thân và các thứ thuế khác. Năm 1927, tàu De Lanessan của Pháp đã tới khảo sát Hoàng Sa và Trường Sa. Ðến năm 1930, chính quyền Pháp tại Ðông Dương đã chính thức cắm cờ trên đảo và đến năm 1933 Pháp lại phái 3 chiếc tàu mang tên Alert, Astrobal, và De Lanessan đến từng đảo một trong quần đảo Spratley tức là Trường Sa để cắm cờ. Việc thu nhận các đảo Amboya Cay tức An Bang, Spratly (Trường Sa), Itu Aba (Ba Bình), Thị Tứ, Loại Ta thì đã có thông cáo chính thức được đăng trên công báo Ðông Dương tức là Journal Officiel de L'Indochine ngày 25 tháng 9 năm 1933 ở trang 7784. Do Nghị Ðịnh của Phủ Toàn Quyền Ðông Dương ký vào ngày 21-7-1933, quần đảo Trường Sa được sát nhập vào tỉnh Bà Rịa (Thời Ðệ I và Ðệ II Cộng Hòa được đổi tên là tỉnh Phước Tuy) Trước thế chiến thứ II bùng nổ, vào ngày 30-3-1939, chính phủ Nhật Bản đơn phương tuyên bố quần đảo Trường Sa được đặt dưới quyền kiểm soát của Ðế quốc Nhật Bản và được đổi tên là Shinnan Guto. Chính quyền thuộc địa Pháp qua đại sứ Pháp ở Tokyo đã chính thức phản đối hành động của Nhật. Tuy nhiên, sau khi Nhật đầu hàng đồng minh thì chủ quyền mà họ xác nhận phải mất. Các chính quyền Việt Nam liên tiếp đã có nhiều quyết định liên quan đến quần đảo Trường Sa. Vào năm 1973, một đơn vị thuộc QLVN Cộng Hòa đã đến trú đóng và kiểm soát trên các đảo Nam Yết (Namyít), Sinh Tồn (Sincow), Loại Ta và Trường Sa (Spratley), Song Tử Tây (Soutwest Cay) và An Bang (Amboya Cay). Chính người viết bài nầy đã có dịp tháp tùng phái đoàn Bộ Tổng Tham Mưu QLVN CH đến viếng thăm các đơn vị đồn trú ngoài hải đảo nói trên và được tận mắt trông thấy những công sự của quân đội Nhật bỏ lại; những hàng dừa và hàng đàn chim biển đông đúc với các bãi trứng ngút ngàn trên các đảo. Về vấn đề chủ quyền, tục dao La Mã đã có câu: Res nullius, res vilis (của vô chủ, ai thủ đắc trước nhất sẽ được làm chủ.) Việt Nam đã nhìn nhận các đảo nầy vào thế kỷ thứ XV. Công Pháp Quốc Tế về lãnh hải ấn định: các đảo nào gần quốc gia nào nhất, thì thuộc quyền sở hữu của quốc gia đó (Hai quần đảo nầy quá gần Việt Nam. Trường Sa ở phía Ðông Phan Thiết chỉ có 280 hải lý, trong khi đó lại cách Hải Nam của Trung Cộng đến 580 hải lý và Ðài Loan tới 900 hải lý). Riêng về thềm lục địa, hội nghị quốc tế Stocklom đã định nghĩa một cách rõ rệt như sau: "Thềm lục địa là phần nằm dưới mặt nước biển, nối từ bờ biển của một quốc gia và trải dài cho lúc có độ sâu 200 fathom" (mỗi đơn vị fathom = 1mét820). Về địa chất học, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có thềm lục địa nối liền bờ biển Việt Nam mà không một điểm nào có độ sâu quá mức theo quốc tế công pháp quy định. Ngoài những chứng tích nói trên, trong hội nghị quốc tế nhóm tại San Francisco năm 1951, toàn thể các nước tham dự đề xác nhận Hoàng Sa và Trường Sa hoàn toàn thuộc về chủ quyền Việt Nam.Trưởng phái đoàn Việt Nam lúc bấy giờ là Thủ Tướng Trần văn Hữu đã phát biểu: "Và cũng vì thành thật muốn lợi dụng mọi cơ hội ngõ hầu dập tắt những mầm mống tranh chấp về sau, chúng tôi tuyên bố xác nhận chủ quyền của chúng tôi trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tự lâu đời những nơi đó vốn thuộc lãnh thổ Việt Nam chúng tôi." (Nguyên văn tiếng Pháp: Et comme il faut franchement profiter de toutes occasions pour étouffer les germes de discorde, nous affirmons nos droits sur les iles Spratley et Paracels qui de tout temps ont fait partie du Vietnam.) Hội nghị quốc tế Genève để chấm dứt chiến tranh Ðông Dương ngày 21 tháng 7 năm 1954 cũng đã có một tuyên cáo, trong đó nhấn mạnh: "Trong việc liên hệ giữa các nước Việt Nam, Lào và Cao Mên, những quốc gia hội viên tham dự hội nghị nầy cam kết tôn trọng chủ quyền, nền độc lập, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước kể trên, và không can thiệp vào nội bộ của các nước đó". (In their relations with Cambodia, Laos, and Việt Nam each member of the Geneva Conference undertakes to respect the sovereignty, independence, unity and territorial integrity of the above mentioned States and to refrain from interference in their internal affairs.) Tuyên cáo chung là vậy, thế nhưng Trung Cộng -không những chính là một thành viên, mà còn đóng một vai trò quan trọng lại có tính cách quyết định trong hội nghị quốc tế nầy- ngày nay lại trắng trợn vi phạm vào một hiệp ước quốc tế mà họ đã ký và cam kết thi hành. Qua tin tức tổng hợp, mọi người đều rõ việc tranh chấp để giành chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ mấy thập niên qua mỗi ngày một trở nên trầm trọng và quyết liệt, không những bằng lời lẽ ngoại giao, tại bàn hội nghị, mà ngay cả đến việc áp dụng biện pháp quân sự như Phi Luật Tân đã cho Không Lực đánh trả việc chiếm đóng của Trung Cộng vào tháng 3 năm 1995. Trường hợp Việt Nam, một nước ở vị trí tuyến đầu, mức độ tranh chấp lại càng ác liệt hơn. Dầu đã có bằng chứng pháp lý rõ ràng là các đảo đó thuộc chủ quyền Việt Nam, song Trung Cộng cứ nhận bừa là của họ. Ðã biết bao lần, đôi bên trực tiếp đụng độ và bấy nhiêu lần cả hai đều bị thương vong rất nặng. Tình hình tuy có căng thẳng, song còn giữ thái độ hòa hoãn, vừa đánh lại vừa đàm. Nay, bỗng nhiên họ lại giở giọng trịch thượng, ngang ngược đơn phương cấm chỉ các nước trong khu vực Ðông Nam Á không được phép bén mảng xung quanh vùng để đánh cá. Câu hòi được đặt ra. Tại sao trong thời điểm này bỗng dưng người Tàu lại có thái độ thô bạo như vậy? Ðể chúng ta có thể cùng chung một đáp số, kính mời quý độc giả hãy cùng chúng tôi lần lượt duyệt qua tình hình thế giới, đặc biệt là các nước Ðông Nam Á, để rồi từ đó chúng ta một phần nào sẽ đoán được nguyên nhân cho phần kết luận. Kể từ đầu năm 1999 đến nay, chính quyền Phi đã tổ chức những cuộc tập trận chung với Mỹ, đồng thời họ vận động cái ô dù nguyên tử của Mỹ để bảo vệ lãnh thổ mình. Xa hơn nữa, Phi còn tìm cách tiến tới thành lập một thế liên minh quân sự với Nam Triều Tiên. Trong khi chờ đợi hình thành kế hoạch thì đương kim tổng thống Phi, ông Joseph Estrada, đã cứng rắn khẳng định là dù yếu hơn Trung Cộng, nhưng cương quyết chống lại những yêu sách ngang ngược của họ trên phần quần đảo Trường Sa thuộc Phi, và sẽ triệt để áp dụng biện pháp quân sự chống trả. Cụ thể, Phi đã ra lệnh đánh đắm một tàu đánh cá trá hình của Trung Cộng bén mảng đến vùng này. Cùng trong thời điểm nổ ra vụ này, Hiệp Ước An Ninh Hỗ Tương giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản lại được tái xét và tăng cường. Theo những điều khoản trong hiệp ước mới, ngoài việc giao cho Hải Quân Nhật chịu trách nhiệm tuần phòng hải phận 1,000 hải lý, Lục quân Nhật dự tính có thể được sử dụng ngoài lãnh thổ của họ, điều mà Hiến Pháp của Nhật không cho phép. Vì lý do đó, Cục Phòng Vệ Nhật Bản trước đây, bây giờ theo tình hình và nhiệm vụ mới, đã được nâng lên thành một cơ quan tương đương với Bộ Quốc Phòng. Trước sự kiện này, Trung Cộng buộc lòng phải thăm dò thái độ Nhật, thử xem là trong các điều khoản mới, Nhựt liệu có quyết định cam kết với Mỹ để ngăn cản những bước tiến của họ đối với Ðài Loan không? Tình hình Việt Nam trong khi đó lại vô cùng phức tạp. Thượng tầng cơ sở lại bị chi phối và ảnh hưởng bởi nhiều phía. Phe thân Liên Xô trước đây kể như đã đi vào quá khứ, song còn cố cấu kết nhau để phá đám. Nhóm thân Pháp mà Bùi Tín là đại diện thì sau khi hội nghị Các Nước Nói Tiếng Pháp tổ chức tại Hà Nội vào mùa Ðông năm 1998 thất bại, bọn nầy chỉ còn là một bóng mờ. Riêng giới lãnh đạo từng dựa vào Bắc Kinh lại thêm phần khốn đốn, bọn chúng không những bị đàn anh chèn ép mà còn tạo cho bọn nầy khó khăn không phải ít. Trước đây, vì áp lực của Bắc Kinh mà bọn chóp bu Hà Nội buộc lòng phải loại Mai Chí Thọ và Nguyễn Cơ Thạch ra khỏi Bộ Chính Trị để đổi lấy việc tái bang giao. Trước hiểm họa của kẻ thù phương Bắc mỗi ngày một gia tăng -vì thế mà trước đây một Ủy viên Bộ Chính trị kiêm lý thuyết gia của đảng là Ðào Duy Tùng đã từng chủ trương rằng, chỉ có Mỹ mới có thể cứu vãn được Việt Nam- họ Ðào phái em ruột mình là Ðào Xuân Chữ qua Mỹ tìm cách móc nối nhờ Mỹ che chở. Vì có sự liên hệ nầy, nên khi Tùng bị nạn phải điều trị tại Singapore thì Mỹ đã cử hai bác sĩ nổi tiếng đến nơi chữa trị cho y. Hiện nay, một phái đoàn của CSVN đang có mặt tại Mỹ để thương thảo tìm cách ký kết cho xong Hiệp Ước Thương Mãi. Nếu may mắn giải quyết được thì chính đó là cơ hội tốt để Hà Nội có cơ hội tách dần ra khỏi quỹ đạo của Bắc Kinh. Nội tình Trung Cộng nay chẳng sáng sủa. Bên trong, các phong trào đòi hỏi dân chủ, nhân quyền mà đặc biệt là tổ chức Pháp Luân Công mỗi ngày một phát triển và thanh thế rất mạnh. Trong khi đó thì kinh tế bị đình trệ, Nhà Nước phải bỏ vốn sản xuất quá nhiều, lại chẳng bán được bao nhiêu. Bên ngoài, họ lại bị các nước phi liên kết chỉ trích là Người Tàu Chỉ Biết Bám Theo Ðuôi Mỹ. Trong hoàn cảnh đó, kèm theo tự ái dân tộc và tư tưởng Ðại Hán, Bắc Kinh quyết phá cho được cái thế đơn cực và độc quyền hiện tại của Mỹ. Họ tìm mọi cách vùng vẫy cố ngoi lên để lãnh đạo cho được Thế Giới Thứ Ba, cố tạo cho được một thế Lưỡng Cực. Với tính toán này, Bắc kinh không ngờ lại bị rơi vào dự tính và ý đồ của Mỹ. Theo tư bản, có được thế Lưỡng Cực mới có thể cạnh tranh, và nhờ có cạnh tranh kinh tế mới được phát triển. Áp dụng nguyên lý này, Mỹ không những tìm cách chống trả, mà lại còn khéo léo sắp xếp để đưa Ấn Ðộ xáp gần đến Mỹ, đồng thời tìm cách đẩy những nước Hồi giáo có khuynh hướng cực đoan như Pakistan, Iran, Irak, Afganistan, v.v. ngã lần về phía Trung Cộng, tạo cho Trung Cộng thành một con ngáo ộp như trước đây Mỹ đã làm với Liên Xô. Qua những sự kiện nầy, đối chiếu lại vụ gián điệp Trung Cộng đánh cắp tài liệu bí mật về nguyên tử của Mỹ đã xảy ra từ 1984 mà mãi cho đến nay sau mười mấy năm Mỹ mới la hoảng và báo động quả thật là một chuyện quá ư là phi lý. Hành động nầy phải chăng là hình thức chuyển nhượng bí mật kỹ thuật hạch tâm cho Trung quốc để rồi từ đó Mỹ dần dần đẩy Tàu thay thế vai trò Liên Xô trước đây để cùng chạy đua vũ trang với Mỹ. Và nên nhớ rằng: càng thi đua, tăng cường vũ khí hạch tâm bao nhiêu, nền kinh tế quốc dân vì thế sẽ mau chóng lụn bại bấy nhiêu. Các chú con trời thật ra cũng đã biết, tuy nhiên đang ở vị thế phải leo lên lưng cọp, họ chưa có cách an toàn để trụt xuống. Và trong khi chờ đợi tìm cách nghĩ kế, Bắc Kinh đành tỏ ra cho thế giới biết đến cái oai của mình, ngoài ra đó là cũng là cơ hội để họ trắc nghiệm thái độ Mỹ đồng thời kiểm soát lại phản ứng các nước trong khu vực Ðông Nam Á. Xem ai là kẻ sẽ tuân phục mình trước. Phải chăng, hành động ngang ngược ra lệnh cấm đánh cá chung quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vừa qua là nằm trong ý đồ kể trên của Bắc Kinh? Phùng Ngọc Sa
|