Kháng Thư của Người Việt Hải Ngoại
Tố Cáo Ðảng Cộng Sản Nhượng Ðất
Cho Ngoại Bang

Soạn giả: L.S. Nguyễn Hữu Thống

 


KHÁNG THƯ CỦA NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI
TỐ CÁO ÐẢNG CỘNG SẢN NHƯỢNG ÐẤT
BÁN NƯỚC CHO NGOẠI BANG


Nam Quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
(Lý Thường Kiệt)


Nước Việt ta
Vốn xưng văn hiến từ lâu
Sơn hà cương vực đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
(Nguyễn Trãi)

Lãnh thổ Việt Nam bất khả phân nhượng
(Hiến Pháp Việt Nam 1967)
 

Những câu trên khẳng định rằng Việt Nam là một quốc gia độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Biên thùy nước ta đã được xác định về địa phận (định phận), và cương vực (khu vực biên cương). Dân tộc Việt Nam đã công bố chủ quyền lãnh thổ không thể phân chia (bất khả phân) và không thể chuyển nhượng (bất khả nhượng).

Vậy mà trong những năm 1999 và 2000, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã phản bội quyền lợi của dân tộc, không bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của quốc gia và đã ký kết 2 hiệp ước để Nhượng Ðất và Bán Nước cho ngoại bang.

Ðó là Hiệp Ước Biên Giới Việt Trung ký ngày 30-12-1999, phê chuẩn ngày 9-6-2000, và Hiệp Ước Vịnh Bắc Bộ ký ngày 25-12-2000 hiện chưa được phê chuẩn. Cứ theo đà này thì trong một thời gian không xa, Ðảng và Nhà Nước Cộng Sản sẽ lại ký các Hiệp Ước Biển Ðông để bán cho Trung Quốc các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại hải phận Trung và Nam Việt.

Chia sẻ nguyện vọng của đồng bào trong nước, đồng bào hải ngoại phản kháng và tố cáo hành vi Nhượng Ðất và Bán Nước cho ngoại bang của Ðảng và Nhà Nước Cộng Sản.

Sự phản kháng này là để nói thay cho đồng bào trong nước không còn quyền được nói, đồng thời phủ nhận những hiệp ước bất công và bất nhân mà cũng là để giành cho các chính phủ dân cử tương lai quyền phủ nhận và tiêu hủy các hiệp ước nhượng đất bán nước nói trên.
 

Các Hiệp Ước Song Phương và Công Ước Quốc Tế về Luật Biển.

Về mặt pháp lý sau khi thiết lập chế độ bảo hộ, chính phủ Pháp đã ký với chính phủ Mãn Thanh Hiệp Ước Thiên Tân (1885), theo đó Trung Hoa thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp tại Việt Nam. Từ đó Việt Nam không còn thần phục Trung Hoa nữa, các ấn sắc phong của vua nhà Thanh cho vua Việt Nam bị tiêu hủy. Việt Nam và Trung Hoa phân định chủ quyền lãnh thổ và chính phủ bảo hộ đã vẽ bản đồ và cắm ranh mốc tại biên giới Việt Hoa.

Về chủ quyền hải phận, chính phủ Pháp đã ký với chính phủ Trung Hoa Hiệp Ước Brévié (1887) để phân ranh vùng biển Bắc Việt theo Ðường Brévié chạy từ Trà Cổ (Móng Cáy) dọc theo kinh tuyến 108 Ðông. Phía tây Ðường Brévié là đảo Bạch Long Vĩ thuộc Việt Nam, và phía đông là đảo Hải Nam thuộc Trung Hoa.

Như vậy vấn đề phân ranh lãnh thổ và hải phận tại Bắc Việt đã được giải quyết từ cuối thế kỷ 19 chiếu công pháp quốc tế.

Về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mọi tranh chấp chủ quyền được quy định bởi Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (1982) (Law of the Sea Convention hay LOS Convention).

Tháng 11-1993, Công Ước được phê chuẩn. Một năm sau, tháng 11-1994 Công Ước có hiệu lực chấp hành. Tới nay hơn 170 quốc gia đã ký kết và gia nhập Công Ước trong đó có Việt Nam và Trung Quốc.

Chiếu Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển các quốc gia duyên hải có hải phận như sau:

  • 1. Lãnh Hải 12 hải lý (Territorial Sea), kể từ bờ biển hay đường căn bản chạy ra khơi.
     
  • 2. Tiếp nối lãnh hải 12 hải lý là vùng 200 hải lý để đánh cá mệnh danh là Vùng Ðặc Quyền Kinh Tế (Exclusive Economic Zone).
     
  • 3. Cũng tiếp nối lãnh hải 12 hải lý (và trùng với Vùng Ðặc Quyền Kinh Tế đánh cá) là 200 hải lý Thềm Lục Ðịa (Continental Self) để khai thác dầu khí. Ngoài Thềm Lục Ðịa pháp lý (200 hải lý), quốc gia có thể đòi thêm Thềm Lục Ðịa địa lý hay Nền Lục Ðịa (Continental Margin) dài tới 350 hải lý nếu về mặt địa hình, đáy biển là sự tiếp nối tự nhiên của thềm lục địa từ đất liền ra ngoài biển (đó là trường hợp của Việt Nam).
     
    • a) Tại Hoàng Sa, về mặt địa hình đáy biển phía đông Trị Thiên Nam Ngãi, thềm lục địa chạy thoai thoải từ dẫy Trường Sơn ra quần đảo Hoàng Sa. Ðây là những bình nguyên của thềm lục địa Việt Nam trên mặt biển. Từ 1925 Viện Hải Học Ðông Dương, sau 2 năm nghiên cứu và đo đạc đã đi đến kết luận: "Về mặt địa hình, những đảo Hoàng Sa là thành phần của Việt Nam". (Géologiquement les Paracels font partie du Vietnam).

      Về mặt địa chất, các thủy tra thạch kết tụ các chất hữu cơ do nước phù sa sông Hồng Hà chảy ra Biển Ðông từ cả triệu năm nay. Ðây là vùng có dầu khí. Không có con sông lớn nào từ đảo Hải Nam hay lục địa Trung Hoa chảy ra Biển Ðông cho phép Trung Hoa khai thác các túi dầu khí tại vùng này.

      Về mặt khí hậu và sinh thực học, các đảo san hô cũng như cây cỏ và sinh vật tiêu biểu cho vùng nhiệt đới Việt Nam, chứ không thấy ở vùng ôn đới Trung Hoa.

      Về mặt địa lý, các đảo Hoàng Sa thuộc thềm lục địa Việt Nam vì nằm trong phạm vi 200 hải lý từ lãnh hải. Cù Lao Ré (Quảng Ngãi) cách đảo Trí Tôn (thuộc Hoàng Sa) chỉ có 123 hải lý.

      Các tài liệu lịch sử cho biết, ít nhất từ 1816 dưới đời vua Gia Long, Việt Nam đã chiếm cứ công khai, liên tục và hòa bình các hải đảo Hoàng Sa. Lịch sử Trung Hoa không mang lại bằng chứng nào cho biết họ đã liên tục chiếm cứ Hoàng Sa từ thời nhà Hán hay ít nhất từ thời Mãn Thanh.
       
    • b) Tại Trường Sa cũng vậy. Về mặt địa chất, địa lý, địa hình đáy biển, khí hậu và sinh thực học, các đảo Trường Sa là sự tiếp nối tự nhiên của thềm lục địa Việt Nam. Tại Bãi Tứ Chính, nơi khai thác dầu khí, biển sâu không tới 400 mét. Bãi Tứ Chính cách bờ biển Việt Nam 160 hải lý nên nằm trên thềm lục địa Việt Nam. Trong khi đó quần đảo Trường Sa cách bờ biển Trung Hoa từ 500 đến 1000 hải lý, nên không thuộc thềm lục địa Trung Hoa.

      Về mặt địa hình đáy biển, Trường Sa cách bờ biển Trung Hoa bằng rãnh biển sâu tới 3, 4 ngàn mét, chỗ sâu nhất đo được 4683m.

Chiếu Ðiều 76 Luật Biển 1982, các hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa vì nằm trong Thềm Lục Ðịa Việt Nam nên thuộc chủ quyền hải phận của Việt Nam. Thềm Lục Ðịa thuộc quyền tuyệt đối của các quốc gia duyên hải trong việc khai thác dầu khí. Quyền này không tùy thuộc vào sự chiếm cứ (occupation) hay công bố (declaration). Do đó việc Trung Quốc chiếm đóng các đảo Hoàng Sa và Trường Sa không có hiệu lực tước đoạt chủ quyền của Việt Nam tại Thềm Lục Ðịa.

Chúng ta phải viện dẫn các quan điểm pháp lý để cảnh giác Ðảng và Nhà Nước Cộng Sản về chủ quyền hải phận của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
 

Hành Vi Nhượng Ðất Bán Nước của Ðảng và Nhà Nước Cộng Sản.

Ðảng Cộng Sản đã không làm tròn nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và hải phận. Họ đã nhượng đất tại biên giới Hoa Việt và đã bán nước tại Vịnh Bắc Việt. Trong tương lai họ không thể táng tận lương tâm để bán nước thêm một lần nữa tại hải phận Trung và Nam Việt bằng cách nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Muốn hình thành một hiệp ước quốc tế phải trải qua 4 giai đoạn: thương thuyết, ký kết, phê chuẩn và công bố ban hành. Trong vụ này, Ðảng Cộng Sản đã giấu giếm, dối trá và không chịu công khai hóa hiệp ước. Họ đã cùng đối phương tham dự 20 phiên họp kín (mật đàm), bí mật ký kết (mật ước), quốc hội âm thầm phê chuẩn (lén lút thông qua) và chính phủ không dám công bố bản văn hiệp ước trước quốc dân qua công báo, báo chí, các đài truyền thanh, truyền hình v...v...

Vì họ cũng biết rằng đây là một hiệp ước sai lầm về pháp lý (legally wrong) và vi phạm đạo lý (immoral). Nó đi trái với những hiệp ước quốc tế hiện hành được ký kết từ thế kỷ 19, và trái với những nguyên tắc ghi trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền như bình đẳng, hợp tác, hữu nghị, hòa bình, công lý, tự do kết ước, không áp bức, không lấn chiếm.

Theo nhận định của giới am hiểu thì thời điểm lấn đất đã thực sự phát khởi từ đầu thập niên 1950 thời Chiến Tranh Ðông Dương Thứ Nhất, khi Bắc Kinh tiếp tế quân trang, quân dụng, cung cấp cố vấn và cán bộ huấn luyện cho Bắc Việt. Các xe vận tải và xe lửa Trung Quốc đã chạy sâu nhiều cây số vào lãnh thổ Việt Nam để lập các cơ quan chỉ huy, trung tâm huấn luyện, điều quân, tiếp tế và chôn giấu võ khí. Trong Chiến Tranh Ðông Dương Thứ Hai hàng trăm ngàn binh sĩ Trung Quốc đã đồn trú tại Bắc Việt để giữ an ninh lãnh thổ khi các sư đoàn chính quy Bắc Việt kéo vào xâm chiếm Miền Nam trong các chiến dịch Tổng Công Kích (Tết Mậu Thân) và Tổng Tấn Công Xuân Hạ (1972) (Mùa Hè Ðỏ Lửa). Và trong Chiến Tranh Việt Trung (1979) Quân Ðội Trung Quốc đã kéo sang tàn phá 6 tỉnh miền biên giới và khi rút lui đã đem công binh gài mìn nhiều cây số trong nội địa Việt Nam.

Trong những cuộc tấn công và tiếp viện này họ đã kéo theo từng đoàn sắc dân thiểu số Trung Hoa từ Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Ðông sang chiếm đất và định cư tại miền biên giới, sâu trong lãnh địa Việt Nam. Nay Bắc Kinh tạo áp lực buộc Hà Nội phải theo chính sách hợp thức hóa tình trạng đã rồi (politique du fait accompli). Họ bắt Ðảng CS Việt Nam phải vẽ lại ranh giới theo thỉnh nguyện của các sắc dân thiểu số Trung Hoa trú ngụ tại miền biên giới.

Theo sự ước tính của các giới am hiểu thì Việt Nam đã nhượng cho Trung Quốc một giải đất từ 2 cây số đến 12 cây số dọc theo lằn biên giới dài khoảng 1.300 cây số. Như vậy tổng số diện tích đất bị mất có thể là từ 2.600 cây số vuông tới 15.600 cây số vuông.

Và với lằn trung tuyến mới áp dụng tại Vịnh Bắc Việt thay thế cho Ðường Brévié thì vùng biển bị mất có thể được ước tính là từ 10% đến 16%, nghĩa là từ 12.000 cây số vuông đến 20.000 cây số vuông (diện tích vùng Vịnh Bắc Việt là 126.250 cây số vuông).

Hiệp Ước Biên Giới không được công bố nên không ai biết rõ những vùng đất nào Ðảng CS Việt Nam đã nhượng cho Trung Quốc. Nhiều người tiết lộ rằng Việt Nam đã mất những địa danh như Ải Nam Quan Thị Trấn Ðồng Ðăng tại Lạng Sơn, Thác Bản Giốc tại Cao Bằng.

Và ngày nay có người Việt nào không ngậm ngùi đau xót:

  • Còn đâu Ải Nam Quan, nơi Cực Bắc địa đầu giới tuyến, điểm xuất phát cuộc hành trình lịch sử từ mấy ngàn năm của cha ông chúng ta đã băng ngàn vượt suối, dìu dắt nhau tới miền Cực Nam giới tuyến là Mũi Cà Mâu!
     
  • Còn đâu Ải Nam Quan, nơi Nguyễn Trãi tiễn Phi Khanh đi lưu đầy biệt xứ, khóc thương cha, nước mắt đầm đìa tuôn thành suối, dân gian đặt tên là Suối Phi Khanh!
     
  • Còn đâu Ðồng Ðăng với Phố Kỳ Lừa
    Với Nàng Tô Thị với Chùa Tam Thanh!
     
  • Còn đâu Thác Bản Giốc nổi danh là thắng cảnh hùng vĩ của Cao Bằng!
     
  • Còn không Dẫy Hoàng Liên Sơn cao ngất,
    hiên ngang đứng chắn một cõi biên thùy Lao Kay?
     
  • Còn không Ải Chi Lăng anh dũng, nơi Lê Ðại Hành phá quân nhà Tống, Trần Hưng Ðạo chặn quân nhà Nguyên và Lê Lợi chém tướng nhà Minh?...

*
**

Về mặt pháp lý, Chiếu Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (1982) Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc hải phận của Trung Quốc vì tọa lạc xa bờ biển Hoa lục từ 250 đến 1000 hải lý. Biết rõ nhược điểm này, năm 1983, Bắc Kinh tập hợp 400 học giả Trung Quốc ngày đêm nghiên cứu thảo luận ròng rã trong suốt 10 năm, để đi đến kết luận "Biển Nam Hải là Biển Lịch Sử của Trung Quốc từ thời nhà Hán, cách đây 2000 năm". Họ đưa ra thuyết "Lưỡi Rồng Trung Quốc" mệnh danh là "Ðặc Khu Hành Chánh Hải Nam". Lưỡi Rồng Trung Quốc nằm cách bờ biển Quảng Ngãi 40 hải lý, cách đảo Natuna (Nam Dương) 30 hải lý, và cách Palawan (Phi Luật Tân) 25 hải lý. Nó chiếm trọn 3 túi dầu khí Tứ Chính (Vanguard) của Việt Nam, Natuna của Nam Dương và Cỏ Rong (Reed Bank) của Phi Luật Tân.

Tuy nhiên chiếu Ðiều 8 Công Ước về Luật Biển thì Biển Lịch Sử phải tọa lạc tại đất liền, phía bên trong bờ biển hay Ðường Căn Bản. Nó không thể là Biển Ðông hay Biển Nam Hải vì đây là một ngoại hải cách xa bờ biển Trung Hoa tới 2.000 cây số.

Vả lại các bãi dầu khí Tứ Chính, Natuna và Cỏ Rong đều tọa lạc trong thềm lục địa của Việt Nam, Nam Dương và Phi Luật Tân. Quyền khai thác dầu khí tại Thềm Lục Ðịa là một quyền tuyệt đối của các quốc gia duyên hải, không tùy thuộc vào sự chiếm cứ hay công bố.

Tuy nhiên với đà hiện nay chúng ta lo ngại rằng Ðảng Cộng Sản Việt Nam rồi đây sẽ lại nhượng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc. Nhiều kinh nghiệm lịch sử minh chứng cho sự lo ngại này:

  • Năm 1956, Ung Văn Khiêm (ngoại trưởng) đã minh thị tuyên bố: "Hà Nội nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa".
     
  • Năm 1958 Phạm Văn Ðồng đã gởi văn thư tán thành bản tuyên bố của Chu Ân Lai xác định chủ quyền hải phận của Trung Quốc tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
     
  • Tháng 5-1976, báo Saigon Giải Phóng trong bài bình luận về việc Trung Quốc chiếm đóng Hoàng Sa năm 1974 đã viết "Trung Quốc là người thầy đã cưu mang Việt Nam cho đến ngày hôm nay, thì chủ quyền Hoàng Sa thuộc Trung Quốc hay thuộc Việt Nam cũng vậy thôi. Khi nào Việt Nam muốn nhận lại, Trung Quốc sẽ sẵn sàng trao lại quần đảo này".
     
  • Và sau khi Trung Quốc tiến chiếm Trường Sa tháng 3 năm 1988, Báo Nhân Dân ngày 26-4-1988 đã viết: "Trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược thì Việt Nam phải tranh thủ sự gắn bó của Trung Quốc, và ngăn chặn Hoa Kỳ sử dụng 2 quần đảo nói trên. Do đó những lời tuyên bố (của Phạm Văn Ðồng năm 1958) phải được hiểu trên tinh thần và trong bối cảnh lịch sử đó".

*
* *

Trong quá trình đấu tranh cướp chính quyền, Ðảng Cộng Sản đã thủ tiêu cá nhân và tàn sát tập thể các giới trí thức văn nghệ sĩ và nông dân tiểu tư sản, các tín đồ các tôn giáo và các đảng phái quốc gia theo chủ nghĩa dân tộc. Mục đích để giành độc quyền kháng chiến, độc quyền yêu nước và độc quyền lãnh đạo quốc gia.

Ngày nay Ðảng Cộng Sản đã thiết lập một bộ máy nhà nước công an hà khắc với chính phủ tay sai, tòa án công cụ và quốc hội bù nhìn. Theo lời thú nhận của chính họ "Trung Quốc vĩ đại đối với chúng ta không chỉ là người đồng chí mà còn là người thầy tin cẩn, đã cưu mang chúng ta nhiệt tình để chúng ta có ngày hôm nay." Do đó họ đã táng tận lương tâm để nhượng đất bán nước cho kẻ thù truyền kiếp của dân tộc. Hành động này đi ngược lại chủ quyền của quốc gia, trái với quyền lợi của dân tộc và phản bội công lao dựng nước giữ đất của tiền nhân.

Vì không có sự kiểm soát và chế tài của quốc dân, Ðảng Cộng Sản đã lợi dụng sự độc quyền lãnh đạo để độc quyền bán nước. Do đó quốc dân ta không còn con đường nào khác là phải đồng loạt đứng lên đấu tranh đòi Dân Tộc Tự Quyết, giành lại quyền làm chủ quốc gia, làm chủ xã hội. Có như vậy chúng ta mới cứu được nước, cứu được dân và rửa được mối nhục này.

Ðồng bào hải ngoại chúng tôi nguyện sát cánh với đồng bào trong nước trong cuộc đấu tranh lịch sử này.

Làm tại hải ngoại những ngày cuối năm Tân Tỵ
Tháng 1/2002

(Soạn giả: L.S. Nguyễn Hữu Thống)