Một sự bội phản nghìn năm bia miệng

Lâm Lễ Trinh

VB, 8/2/02
 

Sau nhiều năm che lấp sự thật bằng những lời chạy tội quanh co, bộ máy tuyên truyền khoác lác của chính phủ Hànội rồi cũng phải gục mặt xác nhận tin nhượng đất cho Trung quốc bằng một hiệp ước ký lén ngày 30.12.1999 và được Ban thường vụ Quốc hội âm thầm phê chuẩn tháng sáu năm 2000. Tin này làm dư luận phẩn nộ, ở hải ngoại cũng như trong nước, vì quần chúng bị đặt trước một việc đã rồi.

Trung tuần tháng chạp vừa qua, nhựt báo Nhân Dân, cái loa của Ðảng CS, thông báo vắn tắc rằng ngày 27.12.2001, trụ biên giới đầu tiên sẽ được cắm tại Móng Cái ở phía đông bắc Hànội. Biên giới Việt-Hoa, dài 2 363 cây số, sẽ được chính thức phân ranh bằng 1 500 trụ khác trong ba năm tới.

Về lãnh hải, nhà cầm quyền VN đến nay vẫn im lặng thận trọng. Mặc cho quần chúng tắt tiếng kêu gào Nhà nước công khai hóa nội dung của Hiệp định ký ngày 25.12.200 giữa Giang Trạch Dân và Trần Ðức Lương. Ðảng dửng dưng xem đây là một "bí mật quốc gia."
 

1 - Biên giới trên đất liền.

Có một sự kiện, tuy nhiên, không thể chối cãi: Các hiệp ước Pháp-Hoa, ký trong thập niên 80 và 90 - đặc biệt Hiệp ước Thiên Tân (1886) và Hiệp ước Bắc kinh (1895) - ấn định biên thùy Hoa- Việt, đã được CSVN cho điều chỉnh để thỏa mãn chính sách bành trướng của người anh cả phương Bắc. Sau ngày thống nhứt đất nước vào tháng 4.1975 và bình thường hóa ngoại giao với Bắc kinh năm 1991, Hànội không ngưng nhân nhượng Trung quốc trên phương diện chính trị, kinh tế và lãnh thổ. Việc cắt đất dâng cho địch được nhóm lãnh tụ đầu xỏ Hànội mưu tính từ lâu. Trong nhiều năm, thật vậy, các Tổng bí thơ Nguyễn Văn Linh, Ðổ Mười, Lê Khã Phiêu và Nông Ðức Mạnh cùng với Chủ tịch Nhà nước Lê Ðức Anh và thủ tướng Phạm Văn Ðồng đã tiếp nối triều yết thậm thọt Bắc Kinh để thỉnh thị và van xin ân huệ Phiêu, được bộ ba Mười-Anh-Kiệt trợ giúp, là người lập công đầu với các ông chủ Tàu phù.

Vì Chính trị Bộ bưng bít tin tức để giảm thiểu tối đa xì-căn-đan biên giới nên hiện thời, công luận tại VN và trên thế giới chỉ có thể phỏng đoán diện tích đất Bắc kinh thâu hoạch được trong việc thương thảo với Hànội. Bùi Tín, nguyên Phó biên tập báo Nhân Dân, đào thoát qua Paris năm 1991, cho rằng tại Lạng Sơn, VN nhượng 900 cây số vuông gồm có địa danh lịch sử Ải Nam Quan (còn mang tên Hữu nghị quan) và thác Bản Dốc. Theo Phạm Anh Dũng, chủ tịch Hội bảo vệ Nhân quyền tại VN, thì phần đất có thể rộng hơn hàng chục lần. Tạp chí Pháp L'Express đưa ra con số 15 000 kí-lô-mét vuông.

Tình trạng sở dĩ khá mơ hồ là vì năm 1941, để bảo đảm sự an toàn của chiến khu chống Pháp nơi biên giới Hoa-Việt, Hồ Chí Minh chấp nhận cho đồng minh Trung cộng đột nhập vào VN có nơi 500 thước, nhiều nơi đến cả cây số, hầu lập căn cứ huấn luyện cán bộ, dưởng quân và cất dấu võ khí. Tháng 2.1979, để cho CSVN một "bài học" bởi chúng trở mặt và xâm lược Cam bốt, Ðặng Tiểu Bình xua 220 000 quân vào làm cỏ sáu tỉnh biên giới Bắc Việt: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Kai, Lai Châu. Hà Giang, và chiếm 23 thị trấn. Ngày 16 tháng 3 năm đó, sau 17 hôm kịch chiến, Tàu cộng rút lui nhưng vẫn còn giữ lại một vài ngọn đồi và điểm chiến lược để đặt máy ra-đa và đài kiểm thính. Mặt khác, cũng nên lưu ý: năm 1954, lợi dụng việc đưa chuyên viên qua giúp VN mở con đường hỏa xa Hànội-Youyiguan, Bắc kinh cho lén dời một số mốc biên giới lối 300 thước sâu vào nội địa của nước đàn em. Sau hết, vào tháng bảy 1992, nhân một vụ tranh chấp gần Hữu nghị Quan, Trung hoa nuốt thêm 8000 mẫu tây đất VN theo thủ thuật "tầm ăn dâu".
 

2 - Về lãnh hải,

Sự co rút của chủ quyền VN trong Vịnh Bắc Việt hay Vịnh Bắc bộ (mà Bắc kinh gọi là Nam hải) cũng là một vấn đề không kém chua xót. Vùng này có một vị trí quân sự quan trọng vì có nhiều tài nguyên khí đốt. hải sản, du lịch và kiểm soát một con đường thông thương chiến lược hàng đầu. Lúc sinh thời, bằng một công hàm gởi ngày 14.9.1958 cho Tổng lý Quốc vụ Viện Chu Ân Lai, Thủ tướng Phạm Văn Ðồng, tuân lệnh Hồ Chí Minh, đã chính thức công nhận hải phận của Trung quốc là 12 hải lý đúng theo bản tuyên cáo 4.9.1958 được Bắc kinh thông báo với bản đồ. Ðiều này thất lợi cho VN vì năm 1885, chiếu theo Hiệp ước Patenôtre ký giữa Pháp và Triều đình Mãn Thanh, VN làm chủ 62% lãnh hải trong khi phần của Trung hoa là 38%. Nay Bắc kinh bướng bỉnh dành đến 47% và lấn qua hải phận Việt Nam ít nữa 10 000 cây số vuông hay rộng gắp đôi, như giới phân tích gia quốc tế nhận xét. Quyết định đơn phương của Trung cộng mở rộng bờ cõi trên biển nằm trong kế hoạch lớn hơn của nước này nắm quyền kiểm soát Ấn độ dương và Nam Thái Bình Dương.

Tháng giêng 1974, chiến hạm Trung cộng đánh bại hải quân VN Cộng hòa và chiếm quần đảo Hoàng Sa hay Paracels (Tàu gọi là Tây sa), Hànội lẫn Hoa kỳ không can thiệp mà cũng không phản đối. Về Trường Sa, hay Spratley (tức Nam Sa trên bản đồ của Bắc kinh) ngoài khơi Vũng Tàu, hiện Trung quốc, VN, Mã lai, Phi Luật Tân và Brunei đang tranh chấp lằng nhằng. Thời Ðệ nhứt Cộng hòa, sắc lệnh 174/NV ngày 13.7.1961 của Tổng thống Diệm đặt Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam. Dưới Ðệ nhị Cộng hòa, Nghị định 420/BNV/HCDP/26 ngày 6.9.1973 của Bộ Nội vụ sáp nhập Trường Sa vào tỉnh Phước Tuy.

Từ khi tài nguyên của lục địa (chiếm 29% diện tích trái đất) cạn dần vì bị khai thác quá nhiều, thế giới - đặc biệt là các đại cường - hướng mọi chú ý đến kho tài nguyên vô tận và còn trinh nguyên của biển cả (bao phủ 71% mặt địa cầu). Bởi thế, nhiều quốc gia tranh luận gay gắt về bề rộng của thềm lục địa và quyền sở hữu đối với các quần đảo kế cận. Liên Hiệp Quốc phải can thiệp để canh tân luật biển năm 1982 để bảo đảm quyền lợi và an ninh cho giới khai thác tài nguyên dưới đáy đại dương. CSVN hiện ở trong thế yếu nên bị nhiều phía chèn ép. Thay vì tân trang quốc phòng để chống đở, chúng lại còn tìm cách củng cố quyền lực riêng tư của Ðảng bằng cách ký với Bắc kinh những hiệp ước bất bình đằng, hiến nạp tài sản quốc gia.
 

3 - Âm mưu của cánh thủ cựu.

Trong Ðại hội 9 nhóm mùa xuân vừa qua, CSVN tránh tuyệt đối đề cập đến các vụ thương thảo thất nhân tâm về biên giới. Nhiều gương mặt đối kháng trong giới cựu đảng viên CS như Trần Ðộ, Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Ngọc Diệp, Phạm Quế Dương, Bùi Minh Quốc, Ðổ Việt Sơn... cùng với lối 30 nhân vật Bắc và Nam, đã gởi kiến nghị yêu cầu Quốc Hội bác bỏ các hiệp ước đã ký kết. Tiếc thay, quá chậm!

Vì không còn được quần chúng trong nước hậu thuẩn và cần sự hổ trợ của các quan thầy Bắc kinh để giữ ghế và giữ quyền, cánh bảo thủ trong Bộ Chính trị (do Lê Khã Phiêu cầm chịch) của Ủy ban Trung ương Ðảng đã âm thầm bắt tay với các đồng lỏa cùng chung khuynh hướng trong Ban thường vụ Quốc hội (do Nông Ðức Mạnh làm chủ tịch) để ký kết và thông qua hiệp ước chuyển nhượng đất đai. Không kèn không trống, thủ tục hoàn tất tháng sáu năm 2000. Một ngày Tổ quốc để tang. Ðại hội Ðảng và toàn thể Quốc hội đã bị hai nhóm nhỏ nói trên lạm quyền qua mặt. Mặt khác, quần chúng không hề được hỏi ý kiến hay thông báo các giai đoạn đàm phán. Quần chúng bị lợi dụng danh nghĩa một cách bỉ ổi.

CSVN quy lụy kẻ mạnh nhưng dở trò bá đạo với hai lân bang cô thế. Thua me gở bài cào, và noi gương Bắc Triều, chúng lấn đất Miên và Lào từ nhiều năm nay, bất chấp Hiệp ước năm 1895 của thời Pháp thuộc ấn định ranh giới các xứ trong Liên bang Ðông dương. Những than oán của hai nhược tiểu Miên- Lào rơi vào bãi sa mạc.
 

4 - Biện pháp đối phó sự phản bội của Cộng sản.

Bức tường yên lặng mà Hànội dày công xây đấp quanh vấn đề biên giới Hoa-Việt nay bắt đầu rạn nứt. Quần chúng VN ngày càng thêm thấm thía cái quốc nhục do Cộng sản đem bao phủ trên công trình dựng nước gian khổ của tiền nhân.

Gần bảy thập niên cầm quyền, chúng không bảo vệ đúng mức sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia, một trách vụ thiêng liêng đáng lý phải được minh thị ghi hàng đầu vào bản Hiến pháp 1992. Chẳng những thế, chúng còn thông đồng với cộng sản ngoại bang. Hai đảng cộng sản Việt và Hoa chỉ là thiểu số trong lòng dân tộc của họ, không đại diện đại chúng vì không được dân bầu hợp lê Các hiệp định biên giới, do họ ký riêng với nhau trong thời bình, dựa vào một sự cấu kết bất lương, ngoài sự hay biết và chấp thuận của dân tộc Việt Nam, hoàn toàn vô hiệu và vô giá trị. Về công pháp quốc tế, về thủ tục thông thường trong xứ và vể đạo lý chính trị. Nói cách khác, không thể trói buộc các chính quyền việt nam hậu cộng sản. Ðể đối phó, có những biện pháp ngắn hạn và dài hạn. Ðiểm chính là cần doàn kết, hành động thực tế và trường kỳ, trong và ngoài nước, cho đến khi thắng lợi. Nên cố gắng phối hợp bằng cách lập ra ở hải ngoại, nơi có đông đảo Việt kiều, những ban Ðiều Nghiên và Phối hợp để tổ chức biểu tình liên tục, hội thảo sâu rộng, thu thập tài liệu chính xác, phổ biến mau lẹ tin tức bằng mọi phương tiện và trong nhiều sinh ngữ, phát hành một tuyển tập đúc kết sử liệu về các vùng tranh chấp, thảo kháng thư gởi khắp nơi tố cáo mạnh mẽ sự thông đồng của Cộng sản Việt-Trung; nếu cần, tổ chức những phái đoàn tiếp xúc với Liên Hiệp Quốc, các Quốc hội để vạch rõ hành động bất hợp pháp của chính phủ Hànội; khởi tố họ trước Tòa án quốc tế hữu quyền..vv.. Cấp thời, giúp triệt để đồng bào trong nước phát động quyết liệt và ráo riết một chiến dịch đòi nhà cầm quyền CS - trong một thời hạn nhứt định - phải công khai điều trần vì sao ký các Hiệp ước bị dị nghị, ai chịu trách nhiệm, diện tích lãnh thổ bị mất... Buộc Nhà nước phải phổ biến toàn văn những Hiệp ước này. Kêu gọi Quốc hội nhóm Ðại hội biểu quyết phủ nhận Hiệp ước vi hiến và bất bình đẳng, Áp lực Trung ương Ðảng trừng phạt các nhân vật chủ mưu bán nước và từ đó, đấu tranh hủy bỏ điều 4 của Hiến pháp dành độc quyền lãnh đạo của CS.

oOo

Trong sử sách thế gian, người dân mọi nơi thường xem trách vụ hy sinh cứu Nước là điều danh dự và đương nhiên Riêng ở Việt Nam, Cộng sản dụng Nước để vinh thân phì gia và rước giặc vào nhà. Việt Nam hãnh diện sản xuất nhiều anh tài tuấn kiệt nhưng bạc phước đã có những đứa con bất xứng như Mạc Ðăng Dung, Lê Chiêu Thống, Hồ Chí Minh và Công ty.

Những ai còn ngây thơ tin nơi thiện chí và tiềm năng canh tân của chế độ Hànội nay mới sáng mắt trong sự thất vọng ê chề. Ðúng vậy, con người CSVN - bẩm sinh lừa đảo và phản phúc - không bao giờ thay đổi. Chỉ khi nào thế trận xoay chiều, đẩy chúng ra khỏi quỹ đạo quyền lực, mọi tai ương cho Ðất Nước mới chấm dứt. Bình minh của Dân chủ mới có cơ ló dạng trên giải đất Việt Nam đau khổ triền miên. Tổ quốc mới hồi sinh sau cơn mê sảng.

Nhà thức giả Jean Francois Revel nhận xét rất đúng: "Giải pháp hay nhứt để canh tân xã hội chủ nghĩa là xóa bỏ nó đi!" Cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin, xuất thân từ Cộng sản, cũng đã quả quyết: "Cộng sản không thể sửa đổi, chúng chỉ có thể bị thay thế!"

Cộng sản Việt Nam đang đào hố để tự chôn trong nghĩa trang Lịch sử. Cuối cùng, họ đã đánh rơi cái mặt nạ xã hội chủ nghĩa để hiện nguyên hình: một mafia vong bổn, một tập đoàn bán nước hại dân, một nhóm tội đồ lưu xú vạn niên.

Lâm Lễ Trinh

3.2.2002, Thủy Hoa Trang, Calif.