ÐỊA LÝ BIỂN ÐÔNG VỚI
HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA

Vũ-Hữu-San


1 - BIỂN ÐÔNG CỦA BÁU NUỚC TA.

Nước Việt-Nam nằm cạnh Biển Ðông. Lãnh-thổ và hải-phận Biển Ðông là tài-sản tiền-nhân để lại cho dân-tộc ta.
 

1.1 - Của báu của một nước.

"Của báu của một nước, không gì quý bằng đất đai: nhân-dân và của cải đều do đấy mà sinh ra". Ðó là câu sử-gia Phan-Huy-Chú dùng mở đầu cho "Quyển 1 - Ðịa-dư-Chí". Toàn tập sách có nhiều quyển, được hoàn-thành năm 1820 mang tên là "Lịch-Triều Hiến-chương Loại-chí". Ngày nay, danh-từ được nói một cách tổng-quát là "đất đai" như vậy cần kể thêm cả vùng trời và nhất là vùng biển bao la rộng lớn vây quanh nữa.
 

Hoàng-Sa mất, Trường-Sa đang bị xâm-lăng

  • Năm 1974, quần-đảo Hoàng-Sa lọt hoàn-toàn vào tay Trung-Cộng. Năm 1988, tức là sau đó 14 năm, nhiều vùng của Trường-Sa đã bị ngoại-lai xua quân xâm-lấn trắng trợn, đánh chìm tàu Việt-Nam, chiếm cứ hàng loạt hải-đảo của ta.
     
  • Năm 1994, Trung-Cộng ngang ngược ngăn-chặn cả việc khai-thác dầu khí ngay trên thềm lục-địa Việt-Nam, chền ép phái-đoàn Việt-Nam vào những thoả-ước song-phương có lợi cho chúng.
     
  • Năm nay 1995, cơ-nguy hoàn-toàn mất tất cả các đảo ngoài Biển Ðông cũng có thể không còn xa!
Vì nước nào có địa-phận nước ấy, người dân có bổn-phận giữ gìn lãnh-thổ cho được nguyên văn. Bờ cõi nước ta xưa nay bao gồm hai quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa. Chính-quyền nào của Việt-Nam cũng phải dồn nỗ-lực cho công-tác bảo-vệ di-sản của tiền-nhân. Ngoài việc phòng-thủ những đảo còn lại, quốc-sách cần bao gồm các kế-hoạch tái-lập chủ-quyền quốc-gia trên các đảo đã mất. Phần chính kế-hoạch này được bảo-mật nhưng phần chuẩn-bị cho kế-hoạch như huấn-luyện, điều-hành, tiếp-vận, tâm-lý-chiến, tình-báo, vận-động ngoại-giao v.v... phải phổ-biến đến mọi lực-lượng quân-sự, dân-sự, các cơ-sở ngoại-giao, hành-chánh... liên-hệ để tất cả sẵn sàng phối-hợp thi-hành ngay khi có cơ-hội thuận-tiện.

Dù sao chăng nữa, đi trước tất cả những kế-sách đó, mọi người Việt-Nam chúng ta cần được "trang-bị" ngay những kiến-thức địa-dư căn-bản về hai quần-đảo trên. Ý-nghĩ sắp-xếp công việc ưu-tiên như vậy cũng là ý của người xưa. Sử-gia Phan-huy-Chú đã quyết-định ấn-hành chương "Dư-địa-chí" trước 9 chương khác là Nhân-vật-chí, Quan-chức-chí, Lứ-nghi-chí, Khoa-mục-chí, Quốc-dụng-chí, Hình-luật-chí, Binh-chế-chí, Văn-tịch-chí và Bang-giao-chí. Ông viết một câu xác-đáng như sau: "... Vậy trước hết phải khảo-cứu những điều cốt yếu về bờ cõi lúc chia lúc hợp, núi sông chỗ hiểm, chỗ bằng, làm ra Dư-địa-chí chép lên đầu".

Cùng trong nhận-thức như vậy, nhiều học-giả Việt-Nam trước đây đã từng nói là "chính-quyền nên đem ngay vấn-đề Hoàng-Sa Trường-Sa vào trong chương-trình giáo-dục học-đường, hành-chánh và quân-sự" (Nguyễn-Nhã, Ðặc-san Sử-Ðịa số 29, 1975: 9.) Ðiều đề-nghị hợp-lý này đã được đưa ra từ hơn 20 năm về trước, xem ra chính-quyền lúc đó và cả chính-quyền ngày nay nữa cũng không mấy lưu-tâm.

Hình 1- Biển Ðông với Hoàng-Sa, Trường-Sa và một số địa-danh quan-trọng.
 

Người Việt-Nam không muốn bị ngoại-bang bắt nạt, xâm-lấn. Dân ta chỉ tiến-bộ và nước ta chỉ phú-cường với một nền giáo-dục khai-phóng. Có lẽ vì thiếu tài-liệu để đọc, không mấy người dân trong nước nắm vững được những diễn-biến quân-sự ngoài Hoàng-Sa Trường-Sa. Tình-trạng còn mất, hiểm-nguy ngoài Biển Ðông nếu bị bưng bít, chỉ có hại cho tiền-đồ Tổ-Quốc mà thôi.

Khi viết sách này, không những chúng tôi đã đi ra ngoài khuôn-khổ giáo-khoa mà còn muốn lạm-bàn thêm nhiều chuyện diễn-biến cận-đại. Lại nhằm lúc không-khí chiến-tranh đang đe dọa bao trùm Biển-Ðông, nên dù bài viết mang nhan-đề "Ðịa-lý Biển Ðông với Hoàng-Sa và Trường-Sa" nhưng nhân cơ-hội, chúng tôi đã ghi thêm vào vài nét "chấm-phá" về địa-lý quân-sư Sách viết cũng không nhằm việc tranh-cãi chủ-quyền lãnh-thổ trên trường quốc-tế nhưng vì sự tranh-chấp lãnh-hải hiện đang trong hồi quyết-liệt, chúng tôi cũng ước-lượng một số đường ranh giới về hải-phận theo với luật-pháp quốc-tế hiện-hành.

Trong vài trường-hợp ý-kiến chúng tôi đi hơi quá xa. Có thể những quan-niệm riêng rẽ của cá-nhân như vậy sẽ không được dùng khi mang ra tranh-tụng trên bàn thương-thảo quốc-tế. Tuy vậy các bản-đồ về ranh-giới hải-phận không phải hoàn-toàn giả-tưởng, ít nhiều chi-tiết sẽ là những mấu chốt suy-luận trợ giúp cho việc giải-đáp một số câu hỏi rắc rối về pháp-lý sau này.
 

1.2 - Tài-Liệu địa-dư, những yếu-tố chính-xác.

Tài-liệu địa-lý cũng như các tài-liệu khoa-học khác, cần chính-xác.
 

1.2.1 - Sự chính-xác trong tài-liệu địa-lý.

Những tài-liệu về địa-lý kể cả hoạt-động quân-sự dùng nơi bài viết này đã được chúng tôi lấy từ các thư-viện công-cộng vùng Bắc California, ai muốn đọc đều được. Dù sao chúng tôi cũng rất tự-chế mà không bàn đến các yếu-tố chiến-lược, chiến-thuật nếu xét rằng các yếu-tố này có thể nguy-hại đến an-ninh lãnh-thổ, nhân-mạng Việt-Nam...

Cho dù đã cố gắng sưu-tầm tài-liệu, chúng tôi không tránh khỏi khuyết-điểm và nhầm lẫn khi trình-bày những kiến-thức tương-đối mới lạ này, xin quý-vị lượng-thứ. Và nhân-tiện đây cũng xin kêu gọi tất cả người Việt chúng ta cùng giúp nhau cẩn-trọng trong vài vấn-đề như sau:

  • Ðịa-danh. Về phương-diện này, học-giả Võ-Long-Tê đã đặt vấn-đề từ hai thập-niên trước đây (Phương-diện Ðịa-danh-học của hai quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa, Sử-Ðịa số 29, năm 1975: 215-220.) Những địa-danh như Tây-Sa, Nam-Sa, Vĩnh-Lạc v.v... của Trung-Hoa nên được sử-dụng một cách thận-trọng khi đề-cập đến chủ-quyền Việt-Nam. Như lời ao-ước của ông Võ-long-Tê, chúng tôi cũng mong mỏi một ngày nào, sẽ được đọc tất cả địa-danh trong Biển Ðông theo "đặc-danh thuần Việt". Nếu giới hữu-quyền Việt-Nam lại tôn-trọng Luật Biển quốc-tế và quy-ước hải-hành mà xác-định được đảo ra Ðảo, đá ra Ðá, bãi nông, bãi ngầm v.v... thì thật hay!

Những bản-đồ hay hải-đồ Biển Ðông đầy đủ địa-danh Việt-Nam như vậy, đi kềm với những chi-tiết cần-thiết cũng làm chúng ta hãnh-diện với người nước ngoài và nhiều ít đóng góp thêm tài-liệu pháp-lý trong sự tuyên-bố chủ-quyền của dân ta trên biển.

Qua các tài-liệu trước đây, vì chúng tôi nhận ra những con số sai-lạc nên đã tự-ý dùng các hải-đồ khả-dụng ngày nay để ước-lượng cùng sửa chữa lại cho gần với thực-tế hơn. Tuy vậy, vài con số mà chúng tôi đưa ra trong tài-liệu này chỉ là những ước-lượng (một cách phỏng-định) do cá-nhân chúng tôi đơn-độc làm lấy nên có thể còn lầm-lẫn. Mong rằng các cơ-quan thẩm-quyền về đo đạc đưa ra những con số chính-xác làm tiêu-chuẩn sau nàỵ Chỉ bằng cách công-bố những dữ-kiện, yếu-tố thật đúng đắn; những tập tài-liệu của chúng ta mới tạo được uy-tín cho Viêt-Nam trên bàn tranh cãi quốc-tế.

Ðơn-cử sau đây là những "con số" điển-hình mà chúng tôi đã ước-lượng:

  • Khoảng cách gần nhất từ quần-đảo Hoàng-Sa và đất liền Việt-Nam:

a- Ðến Cù-lao Ré 123 hải-lý (hl.)
b- Ðến đất liền Quảng-Ngãi 135 hải-lý.

Các tài-liệu Việt-ngữ đều cho những khoảng cách này xa hơn nhiềụ Thường khoảng cách quần-đảo / đất liền hay được tính từ Hoàng-Sa tới Ðà-Nẵng: là trên 200 hải-lý.

  • Chiều dài bờ biển Việt-Nam thường được ghi là 2500km, hay có khi giản-tiện là 2 ngàn cây-số. Những độ dài này quá ngắn so với sự thực. Chúng tôi ước-lượng lại bằng cách lấy thước đo kéo dài theo duyên-hải và thấy con số đạt tới hơn 5,000km. Luật-gia Mark J. Valencia của East-West Center, Honolulu, khi tham-khảo tài-liệu, đã đưa ra một con số còn lớn hơn nữa: 2,828 hải-lý tức 5,237km đường ven biển. (Vietnam's National Interests and the Law of the Sea, báo Ocean Development and International Law, Vol 23, April/June 1994, pp 217-250.)
     
  • Vị-trí biển Trường-Sa thường chỉ kể tới vĩ-độ 8.00 Bắc, chúng tôi đề-nghị ghi theo một số các tài-liệu quốc-tế cho rộng xuống phía Nam ít nhất 240 hải-lý nữa, tới vĩ-độ 4.00' Bắc. Trung-Cộng đã vẽ bản-đồ với vùng biển mà họ tự cho là có chủ-quyền xuống đến vĩ độ 3.20' Bắc. Tin tức năm 1993 cũng loan-tin họ thăm-dò dầu-hỏa trên bãi cạn James Shoal (vĩ-độ 3.58' Bắc, kinh-độ 112.15' Ðông.)
     
  • Diện-tích và chiều cao của các đảo. Sự sai biệt có lẽ quá lớn ở những trị-số này. Các đảo thuộc Hoàng-Sa / Trường-Sa thường được ghi diện-tích tới nhiều cây số vuông. Sự thực, các đảo ngoài khơi Biển Ðông rất nhỏ và riêng ở vùng Trường-Sa không có đảo nào lớn tới nửa cây số vuông. Về cao-độ, các đảo cũng hay được ghi quá cao như đảo Nam-Yết tới 20m (hay 61 ft) chẳng hạn. Tuy Nam-Yết đúng là đảo cao nhất trong quần đảo Trường-Sa nhưng đỉnh của đảo cũng chỉ vượt lên khỏi mặt biển chừng 5m mà thôi! Có thể một vài cây nhàu, cây bàng biển vươn lên trên mặt đảo khoảng 5, 7 thước nữa, nhưng thật ra không thể làm cao-độ của đảo tăng lên nhiều quá đến như vậy. Tàu bề phải tới thật gần mới nhận ra được những hòn đảo ngoài biển Ðông.
     
  • Tổng-số các đảo. Tổng-số các đảo (island), đụn (dune), cồn (cay), đá (rock), bãi cạn, bãi ngầm (bank, shoal, reef.).. thuộc Hoàng-Sa, nếu không đúng hệt như sách cổ Việt-Nam đã ghi là 130 thì cũng phải kể đến con số hàng trăm. Không thể vì lý-do không liệt-kê được hết các địa-danh mà người ta ghi một số lượng quá nhỏ. Chẳng hạn như nói "Tây-Sa 7 đảo, 9 đảo", kiểu như danh-từ "Thất-châu", "Cửu-châu" của Tàu dùng để gọi quần-đảo Hoàng-Sa trước đây. Trường-hợp ở quần-đảo Trường-Sa, số lượng đơn-vị đất đá như vậy còn lớn hơn nhiều. Những tài-liệu địa-chất viết: "quần-đảo Trường-Sa gồm có 9 đảo" (Ðặc-san Sử-Ðịa số 29, trang 31) đã đưa ra một con số quá khiêm-tốn.

Chúng tôi xin nghiêng về sự ước-lượng "một cách tỉ-mỉ" với những con số lớn lao hợp-lý hơn, thay cho các số nhỏ bé vẫn dùng trong các tài-liệu địa-lý Việt-ngữ, Hoa-ngữ xưa nay.

Ðơn-vị đất (land masses) đã được một số học-giả như Michael Bennett sử-dụng. Con số ước-lượng có tới 500 "đất" cho hai quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa (Stanford Journal of International Law, No 28, Spring 1992, p 423.) Trong số đó, khoảng 100 đơn-vị đã được đặt tên.

 

1.2.2 - Yếu-tố chính-xác dùng trong Luật biển.

Tổng-số đảo hay đá, diện-tích và chiều cao của đảo hay đá cũng như chu-vi đảo, diện-tích lãnh-thổ, chiều dài bờ biển, tỷ-lệ bờ biển/ đất liền v.v... là những con số dùng để tính-toán trong việc quy-định các loại hải-phận theo Luật Biển LHQ ngày nay.

Trong tương-lai cận kề, mọi quốc-gia dù chống đối hay đồng-ý việc thi-hành Luật Biển Liên-hiệp-Quốc cũng đều sẽ chịu ảnh-hưởng chi-phối trực-tiếp hay gián-tiếp của những điều-luật này. Trong các sách viết về Luật Biển, thường là rất dầy, có những điều khoản ấn-định ranh giới hải-phận dựa trên vị-trí và tình-trạng các đảo, cồn, đụn, đá ...; nghĩa là những đơn-vị đất đá "land masse" phù-hợp theo một số điều-kiện quy-định.

Số lượng nhiều ít "land masses" là một chuyện, quốc-gia chủ-quyền sẽ phải xác-định những đơn-vị nào đủ điều-kiện như một "hòn đảo" và "hòn đá", nghĩa là "thường-trực nổi lên mặt biển (permanently above sea level) ngay cả khi thủy-triều dâng lên tối đa. Ðảo được kể theo pháp-lý như đất liền, kể cả hải-phận kinh-tế 200hl.

Ðá chỉ có lãnh-hải 12hl mà thôi. Ðá giống đảo là nổi lên mặt biển thường-trực nhưng nhỏ bé và cằn cỗi, con người không thể sinh sống được. Ðiều-kiện này rất khó xác-định nên đã gây ra nhiều tranh-luận.

Tổng-số đảo hay đá, vị-trí, diện-tích và chiều cao của đảo hay đá cũng như chu-vi đảo, diện-tích lãnh-thổ, chiều dài bờ biển, tỷ-lệ đất/ biển v.v... là những con số dùng để tính-toán trong việc quy-định các loại hải-phận theo Luật Biển LHQ ngày nay.

Tại vùng quần-đảo Trường-Sa, các "đơn-vị đất" được ước-lượng trong khoảng từ 300 đến 400. Dựa vào những tài-liệu địa-lý hiện-hữu, Viện Nghiên-Cứu Ðông-Tây ở Hawaii cho rằng chỉ có 33 đơn-vị thường-trực nổi lên mặt biển, gồm có 26 đảo và 7 đá.

Bản-đồ Hoàng-Sa Trường-Sa với địa-danh cùng một số chi-tiết khác nữa xin được trình-bày trong những phần sau.

Hình 2 - Bảng liệt-kê các đảo và đá thuộc quần-đảo Trường-Sa

 

2 - BIỂN ÐÔNG XƯA, MAI VÀ NAY.

Biển Ðông đã thay hình đổi dạng nhiều lần trong quá-khứ.

 

2.1 - Biển Ðông Quá Khứ, Cái Nôi Văn-Hóa, Trung-Tâm Phát-Nguyên Hành-Hải.

Ngày nay nhìn vào bản-đồ Ðông-Nam-Á, chúng ta thấy Biển Ðông là một vùng biển gần như nội-địa, diện-tích bằng 4 phần 5 Ðịa-trung-Hải. Trong quá-khứ cách nay vài chục ngàn năm cho tới vài trăm ngàn năm là thời-gian mà khoa-học có nhiều dữ-kiện tương-đối chính-xác, hình-dạng Biển Ðông hoàn-toàn khác hẳn và thông thường nó nhỏ bé hơn bây giờ khá nhiều. Một số nhà nghiên-cứu cho rằng sự thay đổi về địa-lý Biển Ðông không những chỉ làm thay đổi môi-trường sinh-sống của sinh, thực-vật trên đất, dưới biển trong vùng mà còn tạo-dựng lên cả một cuộc biến-đổi lớn làm phát-sinh những nền văn-minh quan-trọng về nông-ngư-nghiệp cùng hàng-hải có thể gọi là tiền-tiến vào bậc nhất của nhân-loại.

Ðã có nhiều nhà khoa-học cố gắng giải-thích sự hình-thành nền văn-hóa hàng-hải của dân Việt nói riêng và của dân Ðông-Nam-Á nói chung. Những sắc-thái đặc-thù này khác-biệt hẳn với sắc-thái văn-hóa hoàn-toàn lục-địa của Trung-Hoa. Một số lý-thuyết được tóm tắt như sau:

  • Trong lịch-sử trái đất, mực nước biển đã dâng lên hạ xuống nhiều lần, sự sai-biệt có tới 150m. Cách nay chừng 18,000 năm, diện-tích Biển Ðông chỉ bằng phân nửa hiện nay. Khi băng đá hai cực địa-cầu tan rã thì nước biển dâng lên nhanh. Dân-cư vùng duyên-hải vốn sống bằng cách thu-lượm tôm cá, sò ốc phải dồn về những vùng cao hơn. Cho đến khoảng 4,000 năm trước Tây-lịch (TTL), hàng trăm ngàn dậm vuông lục-địa đã bị ngập dưới Biển Ðông. Vì diện-tích đất đai bị suy-giảm nên mật-độ dân-số gia-tăng. Nhiều sự tiếp-xúc, trao đổi, va chạm giữa những giống người khác nhau đã xảy ra. Lúc xưa dân-cư sống rải rác khắp nơi trong vùng đất thấp rộng lớn Sunda, nay cùng gặp nhau trong một môi-trường sinh-hoạt mới vùng đồi núi. Tiến-bộ khởi-sự từ đó.

Hình 3- Hình-thể Biển Ðông cuối thời Băng-đá (hay Băng-giá.) Theo ý-kiến của một số nhà khảo-cổ, dân-cư từ vùng Sunda (kể cả Hoàng-Sa, Trường-Sa) chạy lên các vùng cao. (The Southeast Asian World, Keith Buchanan, New York, 1967, trang 45)
 

  • Chester Norman cho rằng nền Văn-minh Hòa-Bình được tạo-dựng trong thời-gian thềm lục-địa Sunda bị ngập nước. Khi đó vịnh Bắc-phần và vịnh Thái-Lan mà lúc trước là hai vùng đồng-bằng trũng, nay cũng thành-hình.

    Từ nhiều ngàn năm trước, người dân thuộc nền văn-hóa Hòa-Bình ở miền Tây Biển Ðông chỉ sống bằng cách săn-bắn, hái-lượm và trồng trọt ruộng khô trong những vùng thung-lũng. Bỗng nhiên mật-độ dân-cư tăng lên nhanh, con người phải có phương-pháp mới để sản-xuất thêm thực-phẩm. Loài trâu, loài heo được gia-súc-hóa.

    Người ta di-chuyển từ thung-lũng xuống khai-phá đồng-bằng. Yếu-tố quan-trọng nhất của đà phát-triển là sự ra đời của các giống cây cho hạt. Những loại ngũ-cốc thuần-hóa sau này thích-hợp cho ruộng nước. Khoảng 5,500 năm trước, cây lúa đã được trồng trọt. (The Hoabinhian and After: Subsistence Patterns in Southeast Asia during the Late Pleistocene and Early Periods, báo World Archaeology 2, Nọ 3, 1971: 300-320)

    Lý-thuyết Norman cho rằng một số lớn dân Ðông-Nam-Á khởi-sự trước hết bằng cuộc sống ở duyên-hải, sau này hội-nhập với dân-cư vùng cao-nguyên nhưng rồi trở về lại vùng đồng-bằng gần biển, sau nữa phát-triển về hàng-hải.
     
  • Wilheim G. Solheim cho rằng 6,000 năm trước, dân Ðông-Nam-Á đã mạo-hiểm ra khơi vì nhu-cầu di-chuyển. Gió bão và hải-lưu của Biển Ðông và Thái-bình-Dương đã cuốn trôi một số người tới Nhật-Bản, trong khi các nhóm khác bị quét sang Phi-luật-Tân, Nam-Dương và Melanesia. Tiếp theo, những toán dân-chúng di-chuyển tới các đảo ngoài khơi Thái-bình-Dương và sang Madagascar.

    Bàn rộng hơn thế nữa, cũng theo Solheim, Biển Ðông của Ðông-Nam-Á thời cổ còn là nơi phát-sinh những đường hàng-hải giao-tiếp với các nơi ở dọc biển Á-châu, Âu-châu, Phi-châu, Ðại-dương-châu và cả Mỹ-châu. Solheim lý-luận rằng chỉ có sự kiện Ðông-Nam-Á giữ vai-trò trung-tâm phân-tán như trục một cái bánh xe tỏa nan-hoa ra khắp nơi mới giải-thích được hiện-tượng lịch-sử là tại sao các chủng-tộc khác-biệt của loài người sống xa cách nhau trên khắp thế-giới lại có nhiều sự tương-đồng về sinh-hoạt văn-hóa như vậy! ("World Ethnographic Samplẹ" A Possible Historical Explanation, báo American Anthropologist 70, 1968: 569.)
     
  • Cùng nhận-định như Solheim nhưng đi trước ông tới 40 năm, nhà ngữ-học Pháp Paul Rivet đã làm nhiều cuộc nghiên-cứu và kết-luận rằng: "Từ vùng Ðông-Nam Á-châu, một thứ ngôn-ngữ đã được truyền-bá đi bằng đường hàng-hải đến Nhật-Bản, Tasmania, Ðịa-trung-hải, Phi-châu và Mỹ-châu". (Sumerien et Océanien, Collection Linguistique, Paris, 1929.)

Hình 4 - Quan-niệm truyền-bá ngôn-ngữ ÐNÁ đi khắp thế-giới theo đường hàng-hải, khởi-sự từ Biển Ðông (Paul Rivet, 1929.)
 

  • William Meacham khi nghiên-cứu bản-đồ địa-hình đáy biển, cho biết lúc xưa bờ Biển Ðông tương-đối bằng phẳng. Khoảng 14,000 năm trước đây, bề tre đã xuất-hiện. Rồi nước biển cứ cao dần. Khi mực nước biển gần đạt đến mức-độ như hiện nay, chừng -25m, bờ biển đã lùi sâu vào lục-địa, gặp đúng chỗ địa-thế lởm chởm, lồi lõm. Nhiều nhóm người sống trên các hải-đảo. Sự liên lạc, di-chuyển bằng thuyền bề trở nên càng ngày càng cần-thiết hơn. Các trở ngại, khó khăn trên biển đã thúc-đẩy con người phải phát-minh ra những cánh buồm, những bánh lái, những loại thuyền nhiều thân và những cơ-phận điều-khiển khác để việc hải-hành được an-toàn hơn, tránh bị thổi ra ngoài khơi. (Origins and Development of the Yueh Coastal Neolithic trong The Origins of Chinese Civilisation, University of California Press, 1983: 147-175.)

    Meacham tin rằng 6,000 - 4,000 năm trước Tây-lịch, những nền văn-minh vùng châu-thổ sông Hồng bắt đầu nảy nở. Ðồ gốm đã được nặn trên bàn xoay ở Ðậu-Dương. Khoa khảo-cổ cũng tìm thấy dây câu, lưới bắt cá và thuyền độc-mộc. Nhiều dân-cư sống bằng ngư-nghiệp. (4,000 năm TTL..)

Hình 5 - Bờ biển lúc xưa phẳng-phiu, nay lởm chởm lồi lõm.
 

  • Carl Sauer duyệt-xét những biến-chuyển về địa-lý Biển Ðông trong thời-khoảng mười mấy ngàn năm trước đây, đưa ra kết-luận về tinh-thần tiến-bộ của cư-dân người Việt (Yueh) thời cổ như sau: "Mực nước Biển Ðông dâng cao làm tăng thêm nhịp bồi-đắp phù-sa lên những khu thung-lũng duyên-hà trong khi các vùng đất thấp tiếp-tục bị lụt. Dân-cư khi xưa sống rải rác thì lúc này thu lại thành các vùng cư-trú dọc theo nguồn nước... Một thế-giới mới đã thành-hình, sự thay đổi môi-trường vật-lý địa-dư đã trở thành cơ-hội thuận-tiện tối đa cho những dân thích phiêu-lưu và mong tiến-bộ. Người dân bỏ sự nhàn rỗi và nhờ trí-óc tò-mò để tìm thử-nghiệm, một cộng-đồng như vậy chỉ cần một thời-gian ngắn để chuyển-tiếp từ ngư-nghiệp sang thẳng nông-nghiệp." (Environnent and Culture During the Last Deglaciation, trong Proceedings of the American Philosophical Society 92.1: 65-77.)

    Cùng với Meacham, Sauer ý-thức tầm quan-trọng của ngư-nghiệp và hàng-hải trong tiến-trình văn-minh Ðông-Á thời cổ. Khác biệt hẳn với các nơi khác trên thế giới, Biển Ðông và vùng đất chung-quanh có tới hai vụ gió mùa trong một năm, nên hoàn-cảnh rất thuận-lợi cho sự phát-triển các ngành nông-nghiệp, ngư-nghiệp và hàng-hải. (Agricultural Origins and Dispersals, Series Two, New York 1952: 24-25.)
     

Vì Biển Ðông có hai vụ gió mùa nên việc hải-hành viễn-duyên khi đi cũng như khi về rất tiện-lợi. Hàng-hải phát-triển kéo theo sự bành-trướng thương-mại. Sự trao đổi hàng-hóa nâng cao kỹ-thuật chế-tạo phẩm-vật.

  • Charles F. Keyes viết trong sách "The Golden Peninsula" (New York, 1977) rằng Việt-Nam là nơi phát-khởi nền văn-minh Hoà-Bình trải rộng khắp Ðông-Nam-Á. Keyes đã xác-định hai điểm sau:
     
    • Quá-trình văn-hóa thời tiền-sử của toàn vùng Ðông-Nam-Á thường được chia ra làm những giai-đoạn mà chỉ-danh từng giai-đoạn lấy từ địa-danh các vị-trí khảo-cổ tiêu-biểu nhất như Hòa-Bình, Bắc-Sơn, Ðông-Sơn; tất cả đều nằm trong Bắc-phần Việt-Nam (trang 182.)
       
    • Thời-đại Ðồ Ðồng xuất hiện vào khoảng 3,000 đến 2,500 năm TTL. ở Ðông-Nam-Á, nghĩa là khởi-sự sớm hơn Trung-Hoa và Ấn-Ðô Biểu-tượng chính của nền văn-minh này là những Trống Ðồng tìm thấy ở nhiều nơi xa xăm như Sulawesi thuộc Nam-Dương quần-đảo. Những trống đồng như vậy đều được đúc tại vùng đất Ðông-Sơn nhỏ hăp của Việt-Nam, từ đó trống được phân-phối đi khắp Ðông-Nam-Á theo đường hải-thương (trang 16.)

Hình 6 - Trống Ðồng ghi-dấu khắp nơi ở Ðông-Nam-Á (Trống Ðông-Sơn, Viện Khảo Cổ Học, Hà Nội 1987, trang 131.) (Lưu-ý vị-trí Ðông-Sơn với Hoàng-Sa và Trường-Sa trong hai vòng tròn.)

 

2.2 - Biển Ðông Tương-Lai, Lãnh-Hải Thành Lãnh-Thổ.

Xem xét qua các lý-thuyết như vậy, những nhận xét sau đây đáng được nêu ra:

  • Biển Ðông và Việt-Nam không những chỉ có liên-hệ trong thời hữu-sử mà sự liên-hệ mật-thiết còn phải kể từ thuở xa xưa hơn vào thời tiền-sử.
     
  • Nước Biển Ðông khi lên khi xuống, tuy đôi lúc làm giông-bão cuồng-loạn thổi trôi người vật, nhà cửa ra biển nhưng luôn luôn là cái nôi hiền dịu, thai-nghén và ấp-ủ văn-minh nông-nghiệp và hàng-hải của dân Việt.

Hình 7 - Mực nước biển lên xuống trong quá-khứ. Nếu không có gì thay đổi, nước Biển Ðông sắp bắt đầu khô cạn trở lại.
 

  • Nước Biển Ðông đã lên đến mức tối-đa. Khoảng chừng ngàn năm trở lại đây, nhiều nơi tại vùng châu-thổ sông Hồng-Hà và Cửu-Long-giang từng bị ngập nước. Ðôi khi nước biển có thể đã dâng cao hơn hiện thời.

    Trong một vài thế-kỷ tới, mực nước có thể tăng giảm, nhưng có tăng lên cũng một vài thước là cùng. Các vùng đất thấp đông dân-cư đáng lo ngại bị ngập lụt nhiều nhất là khu châu-thổ các cửa sông Mae Nam và thủ-đô Vọng-Các của Thái-Lan. Sau đó, nước sẽ phải rút xuống.

    Trong vòng dăm ba ngàn năm tới, cả vịnh Bắc-Việt và Thái-Lan sẽ trở thành khô-cạn, người Việt chúng ta không còn có dịp theo Mẹ lên núi nữa mà lại khởi-sự theo Cha tiếp-tục tiến xuống Biển Ðông.
     
  • Thềm lục-địa chúng ta bảo-vệ hôm nay sẽ là lãnh-thổ để lại cho con cháu chúng ta sau này. Thời-gian tuy có thể nói là xa, nhưng cũng cần tiên-liệu bây giờ.
     
  • Trong vòng dăm ba ngàn năm tới, khi nước rút xuống 20m, eo biển Malacca trở thành khô cạn. Biển Ðông thực sự biến thành một cái biển nội-địa. Sự phồn-thịnh của các thương-cảng tại Tân-gia-Ba và Mã-lai-Á chìm vào quá-khứ. Nước biển sẽ không còn thoát ra Ấn-độ-Dương. Biển Ðông chỉ còn thông được với Thái-bình-Dương qua eo biển Ðài-Loan và có lẽ mấy rãnh nhỏ xuyên qua ngả Phi-luật-Tân mà thôi.

    Tại vịnh Thái-Lan, hải-cảng Vọng-Các lùi dần vào đất liền, trở nên một giang-cảng. Khmer giống như Ai-Lao sẽ biến thành một quốc-gia nội-địa. Thái-Lan chỉ còn khu phía Tây thông ra được biển Andaman và Ấn-độ-Dương. Các hải-cảng Hải-phòng, Sài-Gòn mất dần tầm-mức quan-trọng. Tuy vậy nhờ nằm cạnh vùng biển sâu, Cam-Ranh và các cảng miền Trung-Việt sẽ còn tiếp-tục hoạt-động và phát-triển mạnh. Tất cả khu-vực nội-địa rộng lớn từ Vân-Nam và Thái-Lan sang Ai-Lao, qua Khmer, tới Việt-Nam chỉ còn trông cậy vào sự thông-thương ra biển qua các cửa ngõ này mà thôi.

Hình 8 - Hình-thể Biển Ðông nếu nước rút xuống chừng 70m, lãnh-thổ sẽ rộng ra, nhiều hải-cảng ngày nay biến mất. (trích bản-đồ của National Geographic March 1971.)
 

Chỉ cần mực nước biển rút xuống 50, 60m; vịnh Bắc-Việt thành khô cạn, vịnh Thái-Lan thâu lại như một cái hồ nội-địa, và diện-tích lãnh-thổ Việt-Nam tăng lên gấp hai lần. Phần đất mới do thiên-nhiên sắp ban-phát này rất phẳng-phiu, không núi non rừng rậm. Với sự cần-cù nhẫn-nại cố-hữu của dân ta, hầu hết đất nước Việt-Nam với vùng đồng-bằng bao la sẽ phì-nhiêu xanh tốt kéo dài suốt dọc từ Bắc xuống Nam qua nhiều ngàn cây số.

Tuy vậy, khi diện-tích đất đai gia-tăng, dân-số toàn-thể nhân-loại cũng gia-tăng. Trong lúc diện-tích mặt biển suy-giảm, số lượng hải-sản cũng suy-giảm theo; nhiều đổi thay về môi-trường sinh-sống sẽ xảy ra và nhịp-độ tranh-chấp lãnh-thổ cùng hải-phận cũng tăng theo cùng với mực nước rút... Những luật-lệ đặt ra hôm nay không còn phù-hợp trong lúc đó. Vì thềm lục-địa thoai-thoải của mình, người Việt-Nam cũng nên tiên-liệu những gì xem ra lợi-ích hay tệ- hại cho các thế-hệ mai sau.

Sức người không tát cạn Biển Ðông nhưng thuận vợ thuận chồng hòa anh em, thương đồng-bào, dân Việt hy-vọng vẫn trường-tồn và ngự-trị Biển Ðông. Nếu khoa khảo-cổ đúng, tiền-nhân Việt ta đã tiền-tiến trong nhiều lãnh-vực, từng vẫy vùng trên mặt biển mênh mông thì hậu-nhân Việt sẽ vẫn tiếp-tục vững chắc tiến bước trên con đường đó cho dù Biển Ðông có ngày khô-cạn.

 

2.3 - Biển Ðông, Ngã Tư Thế-Giới.

Biển Ðông hay Ðông-Hải là một bán-nội-hải (semi-enclosed sea) nằm về phía Ðông của Việt-Nam. Cũng có người gọi là Nam-Hải với ý-nghiã rằng "biển của người (Việt) Nam". Vì biển này cũng ở phía Nam của Trung-Hoa nên bản-đồ quốc-tế thường ghi là South China Sea. Nói khác đi, danh-từ Anh-ngữ này (Biển Nam Nước Trung-Hoa) còn gợi ý cho những nhà hàng-hải hiểu rằng vị-trí nước Tàu nằm ở phiá Bắc của "Biển Ðông" này.

Biển Ðông được bao quanh tới 90% bởi biển các nước Việt-Nam, Kampuchea, Thái-Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei, Philippines, Taiwan và Trung-Hoa; trong đó phần bờ biển dài nhất là của Việt-Nam (2,828 hải-lý.) Chỉ có 10% chu-vi của biển này (perimeter= 8192 nautical miles) thông-thương được ra các biển Thái-bình-Dương và Ấn-độ-Dương.

Theo tài-liệu của văn-phòng International Hydrographic Bureau, diện-tích Biển Ðông vào khoảng 1,091,642 hải-lý vuông, bao gồm cả hai vịnh biển khá lớn là vịnh Bắc-Việt (46,961 hải-lý vuông) và vịnh Thái-Lan (85,521 hải-lý vuông.) Chiều dài nhất tới 1,901 hải-lý.

Hình 9 - Một vài con số về kích-thước của Biển Ðông. Theo tài-liệu này, bờ biển Việt-Nam chiếm tới 35% chu-vi Biển Ðông.

Không có một vùng biển nào trên thế-giới với diện-tích tương-đương mà lại có tầm-mức quan-trọng về phương-diện giao-thông như Biển Ðông. Muốn từ Thái-bình-Dương sang Ấn-độ-Dương, tàu thuyền phải chạy qua đây. Biển Ðông nằm ngay trên ngã tư đường hàng-hải, từ phía Bắc (Trung-Hoa, Ðài-Loan, Ðại-Hàn, Nhật-Bản) xuống Nam (Mã-Lai, Nam-Dương, Úc-Châu) và từ Tây (Âu-Châu, Phi-Châu, Trung-Ðông, Ấn-Ðộ) sang Ðông (Nam-Dương, Phi-luật-Tân, Ðại-dương-Châu, Mỹ-châu.)

Thời xưa cũng như ngày nay, bao quanh Biển Ðông là nhiều thương-cảng quốc-tế quan-trọng. Trước khi Trung-Hoa phát-triển hàng-hải vào thế-kỷ thứ 5, hải-cảng sầm-uất nhất của Biển Ðông nằm trong vịnh Bắc-Việt vùng Hòn-gay Hải-phòng mà các nhà hàng-hải quốc-tế thường gọi là Cattigara (phiên-âm của các tên thời cổ như Kẽ Chợ- Kesho hay Cửa Gay.)

Hơn một thế-kỷ sau Tây-lịch, Ptolemy vẽ bản-đồ thế-giới có ghi hình-ảnh "bán-đảo Vàng" Mã-lai/ Ðông-Dương và Biển Ðông. Hải-cảng tận cùng về phía Ðông có đường hàng-hải giao-thương là thuộc Giao-Chỉ, được ghi rõ rệt là Kattigara (tọa-độ 177 độ Ðông kinh-tuyến, 8 độ 30' Nam vĩ-tuyến với kinh-tuyến gốc qua quần-đảo Canary.) (Sách Researches on Ptolemýs Geography of Eastern Asia, Colonel G.E. Gerini, M.R.A.S., London 1909.)

Hình 10- Biển Ðông với hải cảng chính Kattigara theo bản-đồ Ptolemy.
 

Ngay trong thời-kỳ bị Tàu đô-hộ, người Việt vẫn tiếp-tục nắm giữ độc-quyền đường biển vùng Hoa-Nam và Biển Ðông như đã từng nắm giữ từ hàng ngàn năm trước đó. Hàng-hóa xuất nhập Ðông-Á đều qua cửa khẩu Giao-chỉ, bên chính-quốc Trung-Hoa lúc đó không có một hải-cảng nào quan-trọng. Các đoàn thương-nhân và ngoại-giao phương Tây sang Á-Ðông đều ngừng lại bến cuối cùng là "Cattigara" ở xứ ta.

Ngày nay, Trung-Cộng thường tuyên-bố người Tàu là giống dân đầu tiên khám-phá Biển Ðông, khám-phá Hoàng-Sa. Sự kiện này chỉ có những người nào thiếu kém hiểu-biết mới tin-tưởng mà thôi. Trước khi người Tàu lập-quốc (chỉ chừng 3 thiên-kỷ trước Tây-lịch) nhiều ngàn năm, thổ-dân vùng Ðông-Nam-Á đã đi đi, lại lại thường-xuyên trên Biển Ðông, di-chuyển qua Ðài-Loan, Nhật-Bản và đi ra cả các đảo ngoài Thái-bình-Dương.

Ðường biển thời cổ nhộn-nhịp đến độ các dân-tộc cả một vùng rộng lớn có nhiều sinh-hoạt, kiến-thức, văn-hóa tương-tự. Qua đường hàng-hải, ngôn-ngữ các dân-tộc ảnh-hưởng lẫn nhau. Ngày nay bao quanh Biển Ðông, người ta thấy các ngôn-ngữ hỗn-hợp giữa hai họ Nam-Á và Nam-Ðảo mà nhà ngữ-học Wilhelm Schmidt đề-nghị góp chung lại và gọi là các tiếng Nam-phương (Austric.)

Hình 11- Ðịa-bàn các ngôn-ngữ Nam-đảo hay Mã-lai Ða-đảo.
 

Trường-hợp tiếng Việt-Nam là một thí-dụ về sự pha trộn đó. Ngôn-ngữ ta được một số học-giả xếp vào gia-đình Việt-Mường, tức một chi của tiểu-họ Môn-Khmer, một số khác xếp vào chi Nam-Thái. Dù Môn-Khmer hay Nam-Thái, Việt-ngữ đứng về vị-trí địa-dư, thuộc họ Nam-Á. Tuy vậy lại có rất nhiều bằng-chứng hiển-nhiên về sự liên-hệ chặt chẽ giữa tiếng Việt và các thứ tiếng Nam-Ðảo. Ðịa bàn các tiếng Nam-Ðảo này trải dài hơn nửa vòng trái đất, từ đảo Madagascar, gần Phi-châu đến đảo Easter, gần Nam-Mỹ.

Ðặc-điểm của họ ngôn-ngữ này là sự phân-tán tiếng nói nhờ vào đường biển mà trung-tâm khởi đi từ khu-vực chung quanh Biển Ðông, khác hẳn các họ ngôn-ngữ khác truyền đi bằng đường bộ.

Hình 12 - Ảnh-hưởng văn-hóa hàng-hải của người Việt (Yueh) thời cổ ở Ðông-Á. Ðường biển đi Nhật-Bản, buộc họ đi ngang Ðài-Loan và đường đi Nam-Dương buộc họ qua Hoàng-Sa Trường-Sa. (Theo tài-liệu: A History of China, Wolfram Eberhard, 1977: 6-7.)
 

Trong khi nước Trung-Hoa thành-hình ở bình-nguyên sông Hoàng-Hà và còn xa lạ với biển, dân Việt đã sinh sống tại vùng duyên-hải phía Ðông và Ðông-Nam châu Á. Ðặc-biệt dân-cư nền văn-minh Hòa-Bình (Bắc-Việt) rất giỏi hàng-hải, đã mang văn-minh đi reo rắc khắp vùng Biển Ðông, xuống tận Nam-Dương và các quần-đảo phía Nam. Sử Tàu cũng ghi chép những chi-tiết xa gần liên-hệ đến những đường hàng-hải như vậy. Còn riêng người Tàu, họ chỉ mới bành-trướng xuống Hoa-Nam vài thế-kỷ trước Tây-lịch mà thôi.

Hiện nay, nhờ nằm trong vùng địa-thế đặc-biệt phát-triển hàng-hải như vậy, các quốc-gia láng giềng với ta như Mã-Lai, Tân-gia-Ba đang trở nên những nước giàu có nhất nhì thế-giới. Việt-Nam tuy chậm hơn họ nhưng vẫn có cơ-hội tiến lên.

Nếu lấy giữa Biển Ðông làm trung-tâm nhìn ra thế-giới:

  • Trong vòng bán-kính 1500 hải-lý, ta thấy các thành-phố hải-cảng quan-trọng như Bangkok, Rangoon, Calcutta, Singapore, Djakarta, Manila, Taipei, Hongkong, Shanghai, Nagasaki.
     
  • Trong vòng bán-kính 2500 hải-lý, ta thấy các thành-phố hải-cảng Madras, Colombo, Bombay, Bali, Darwin, Guam, Tokyo, Yokohama, Seoul, Beijing...

Nhìn kỹ vòng tròn 2500 hải-lý này, ta thấy nó bao trùm hầu hết lãnh-thổ các nước lớn có dân-cư vào hàng đông nhất trên thế-giới như Trung-Hoa, Ấn-Ðộ, Nam-Dương, Nhật-Bản. Sự cận kề của Biển Ðông với gần nửa phần nhân-loại trong vòng tròn tương-đối hẹp 2500 hải-lý là ưu-điểm hàng đầu mà người ta không thể tìm thấy ở bất cứ một vùng biển nào khác trên thế-giới.

Trong các thế-kỷ vừa qua, những hải-cảng Việt-Nam như Cam-Ranh, Sài-Gòn, Hải-Phòng..., vì hoạt-động suy-giảm nên thường được xếp vào hạng những hải-cảng kém quan-trọng; đứng sau các cảng San Francisco, New York, Yokohama, Hongkong, Sidney, Singapore. Bước sang thế-kỷ tới, khi những vùng hậu-cảng nước ta giàu có thêm, kỹ-nghệ phát-triển và tầm khai-thác tài-nguyên của Biển Ðông đạt đến đúng mức, thứ hạng quan-trọng của Cam-Ranh cũng như của các cảng Việt-Nam khác sẽ thay đổi hẳn.

Hình 13 - Vị-trí Biển Ðông và thế-giớị Vòng tròn có tâm ở Biển Ðông và bán kính 2500 hl bao trùm gần nửa phần nhân-loại.

 

3 - HẢI-SINH-VẬT BIỂN ÐÔNG

Ðộng-vật chính ngoài Biển Ðông là các loài chim, rùa, tôm cá.

 

3.1 - Chim chóc.

Ðối với người đi biển, hải-âu là loài chim mà họ thường gặp nhất khi hải-hành.

Các đảo là những nơi ẩn-trú của các loài chim biển, nhất là chim hải-âu. Chim bay ra biển kiếm ăn rồi trở về đảo, chúng đẽ ngay trên đất, không cần làm tổ. Trứng của chúng to hơn trứng gà, vỏ mỏng mầu trắng điểm nhiều đốm đen. Hải-âu trên Biển Ðông (họ Laridea) không lớn lắm, ít con nào sải cánh (wing-span) tới 80cm. Người Việt chúng ta thường gọi chung các chim biển đủ mọi loại là "hải-âu". Thật ra, theo khoa-học, hải-âu có nhiều loại khác nhau.

Những chim Biển Ðông không phải cùng họ với loài hải-âu to lớn Albatros (họ Diomedeidae.) Vì chúng có đôi phần tương-cận, nên nhân-tiện đây chúng tôi xin kể vài tính-chất của loài hải-âu Albatros như sau:

  • Là loài chim có cánh sải ra rất dài. Wandering Albatros đo được 12 feet (3.65 m) từ đầu cánh này tới đầu cánh kia. Chúng là loài chim lớn nhất khi bay. Dạng bay lượn của chim rất nhẹ nhàng đẹp mắt, chim bay xa nhiều ngàn hải-lý và sống lâu hơn hầu hết các loài chim khác. Một hải-âu được đánh dấu năm 1860, đã sống qua nhiều thập-niên cho đến khi bị ngẫu-nhiên giết chết vào năm 1894 tại đảo Faero Island (bắc Tô-cách-Lan.)

Hình 14 - Bề sải cánh của Hải-Âu Albatros, so sánh với người cao 6ft và chim hummingbird loại nhỏ.
 

  • Nhờ cánh dài và hăp bề ngang, chim rất giỏi liệng qua liệng lại nhưng vì đập cánh một cách khó khăn nên albatros thích sinh sống trong những vùng biển có gió mạnh.
     
  • Là loài chim di-điểu sinh sống trên đại-dương vùng Nam-bán-cầu, bay theo gió mùa vòng quanh thế-giới. Chim Albatros không có nhiều lắm ở Bắc-bán-cầu và người Âu-châu chỉ mới biết loài hải-âu này vào những thế-kỷ gần đây khi họ khởi sự dương buồm về Nam, đi thám-hiểm.
     
  • Là bạn thân-thiết của người đi biển, hải-âu đôi khi liệng cánh bay theo tàu nhiều ngày liên-tiếp. Thủy-thủ kiêng-cữ việc giết hải-âu, tác-phẩm văn-học nổi-tiếng nhất đã bi-hùng-hóa niềm mê-tín này là "The Rime of the Ancient Mariner" của thi-hào Anh-cát-Lợi, ông Samuel Taylor Coleridge (1772-1834.)

Về các loại chim Biển Ðông, chúng được chia làm ba họ: Laridés, Stéganopodés và Zosterops. Theo Jean de Lacour và Jabouillé, người Việt-Nam thường gọi chim thuộc họ Zosterops là "Chim Sâu Nghệ". Hai ông thấy chúng trên đảo Phú-Lâm. (Oiseaux des Iles Paracels trong Mémoire No.3 du Service Océanographique de l'Indochine, Saigon, 1930.)

Hình 15- Một loài chim thuộc họ Zosterops.
 

Chim Laridea sinh sống suốt đời ngoài biển, chúng chỉ dành một phần nhỏ cuộc đời trên hải-đảo. Theo sự tiến-hóa chân chim biến-đổi, có màng để bơi lặn trong nước. Ðường thực-quản của chim có cơ-phận đặc-biệt để loại bớt chất muối hiện-hữu quá nhiều trong nước biển. Chim rất nhanh nhăn ngoài biển cả, trên không lẫn dưới nước; nhưng di-chuyển chậm chạp trên bờ. Chúng không biết leo cây, thường đậu trên bãi, đẽ trứng trên cát và không làm tổ. Ðời các hải-âu khá dài, chúng có thể sống tới 36 tuổi hay lâu hơn nữa.

Chim biển có thức ăn thường ngày là hải-sản nên phân chứa nhiều acid phosphoric. Chất này tác-dụng lên chất vôi là biến-chất của xác thân san-hô sau khi chết, tạo thành phosphate, song-hành với sự bay hơi của khí CO2. Chất phosphate này là một thứ phân-bón giúp cây cối có cơ-hội phát-triển nhanh chóng.

Hình 16 - Chim hải-âu thuộc họ Laridés.

 

3.2 - Rùa và sinh-vật trên đảo Ngoài biển đông.

Bên cạnh chim biển, động-vật đáng kể đến là rùa biển.

Rùa biển sinh sản trong vùng nhiệt-đới. Rùa đẽ trứng vùi trong cát. Trứng rùa cần nhiệt-độ cao mới nở được. Ðối với người Trung-Hoa thời cổ sống nơi vùng ôn-đới thì những con rùa to lớn xuất-xứ từ vùng Biển Ðông xem ra rất lạ lùng với kho Sử Tàu ghi-nhận chứng-cớ đó.

  • Câu truyện "cống rùa thần" được chép trong sách Cương-Mục Tiền-Biên của Kim-Lý-Tường và sách Thông-Chí của Trịnh-Tiều, theo đó đời vua Ðường-Nghiêu bên Tàu (2357-2258 tr T.C.), họ Việt-Thường có đến chầu và cống con rùa thần, sống tới cả ngàn năm, lưng có mang chữ viết ghi việc từ khi trời đất mới mở mang. Vua Nghiêu sai người chép lại gọi là lịch rùa." (Lịch-sử dân-tộc Việt-Nam, quyển 1, Phạm-cao-Dương, 1987, trang 40.)

Một loại rùa biển có giá-trị thương-mại đáng kể là đồi-mồi. Nhiều sản-phẩm rất mỹ-thuật làm bằng mai đồi-mồi bán được giá cao trong cả hai thị-trường quốc-nội và quốc-ngoại. Khi để lớn hết cỡ, mỗi con có thể cho tới 3.6Kg đồi-mồi.

Người dân duyên-hải, kể cả ngoại-nhân xâm-nhập bất hợp-pháp, đã khai-thác bừa bãi khiến cho giống đồi mồi đang suy-giảm rõ rệt và có cơ tuyệt-chủng.

Hình 17- Mai đồi-mồi rất đăp, có giá-trị thương-mại.
 

Rùa biển khác với rùa sống trên cạn ở vài điểm như 4 chân biến thành vây để bơi. Rùa biển bơi lă làng và vì sự tiến-hóa, vây dài thêm không còn thu gọn lại được trong mai như rùa đất. Rùa biển có thể lớn tối-đa tới 6 feet (1.85m), sống lâu hàng trăm năm. Ðồi-mồi nhỏ hơn, mai rộng chừng 80 cm gồm nhiều miếng vẩy xếp như mái ngói. Vẩy đồi-mồi có vân mầu nâu óng ánh rất đăp, dùng làm quạt, gương, lược, bìa sách... thật đăp mắt. Ðồi-mồi sống nhiều trong vịnh Thái-Lan, nhất là vùng Phú-Quốc.

Rùa biển nằm trong danh-sách các loài sinh-vật cần được bảo-tồn của tổ-chức Liên-hiệp-quốc.

Hình 18 - Vít cũng như các loại rùa biển khác đẽ trứng trên bãi cát. Ðẽ trứng xong, con rùa này đang trở ra biển.
 

Ngoài đồi mồi còn một loài rùa biển mà người ta gọi là con Vít. Ban đêm vít từ biển bò lên bãi đẻ trứng. Trứng vít lớn như trứng vịt, có thể ăn được. Muốn bắt Vít hay lấy trứng, người ta cứ đi theo những vết chân của nó như hai vệt bánh xe tăng kéo dài trên cát. Vít bị lật ngửa thường không tự lật lại được. Thịt vít cũng ăn được, lại có thể sẽ ra làm khô. Chúng đẻ trứng vùi dưới cát. Nhờ cát nóng, trứng nở ra vít con chạy tứ tán ra biển. Trên đường chạy ra biển như vậy, vô-số vít sơ-sanh bị chim ăn thịt nhưng vẫn còn nhiều con sống sót nhảy được xuống nước.

Cũng có chuột trên các đảo, loại to bằng chuột cống. Người đi biển cho biết ở đảo nào cũng có muỗi.

Theo các nhà Ðịa-chất-học như Linh-mục La Fontaine mà nhiều tài-liệu của ông được tra-cứu và trích-dẫn trong sách này, thì thú-vật sống trên các đảo của Biển Ðông đều là các loài đã gặp trên đất liền. Ông R. Bournet (1937) đã tìm thấy rắn mối Emoia Atrocostatum tại Hoàng-Sa, loài này sống ở khắp nơi từ bán-đảo Mã-Lai qua Phi-luật-Tân và Ðại-dương-Châu.

 

3.3 - Hải-sinh-vật ngoài biển.

Một số lớn các thủy-tộc thông-thường mà ta thấy ở bờ biển Việt-Nam cũng sinh-sống ngoài Hoàng-Sa và Trường-Sa như cá thu, cá nhám, cá hồng, cá mú, lươn bể, cá đuối, cá mực, đồn đột, tôm cua, sò ốc...

Biển Ðông có nhiều loại cá đáng kể là những mối lợi lớn về kinh-tế. Chúng tôi xin trình bày về các loài cá của ngư-nghiệp trong phần tài-nguyên hải-sản, ở đây chúng tôi xin nói vài điều về những hải-sinh-vật lớn như cá voi, cá heo.

  • Chúng ta thường hay gọi cá voi, cá kình, cá heo nhưng trong sinh-vật-học, chúng không phải loài "Cá" mà được xếp hạng cùng với con người trong loài "hữu-nhũ" (Mammalia) máu nóng, thở bằng phổi, đẽ con nhỏ (không đẽ ra trứng.) Cá voi thực-sự (true whale) không có răng cứng mà chỉ có những màng lưới bằng sụn mềm xếp kín như cái lược. Chúng sống bằng các phiêu-sinh-vật (plankton) là những sinh-vật nhỏ li-ti sống trôi nổi trong nước.
     
  • Viện Nghiên-cứu Ðông-Tây tại Hawaii cho biết ở Ðông-Nam-Á có tới 11 loài cá voi được xếp thứ-tự nhìn thấy sinh-sống nhiều ít như sau: Brydés whale, Sperm whale, Sei whale, Fin whale, Blue whale, Minke whale, Goosebeaked whale, Humpback whale, Beaked whale, Black right whale, Pygmy sperm whale.
     
  • Riêng ở khu trung-ương của biển Ðông, những cá voi mà người ta thường thấy nhất là loại cá voi có vi (fin whale), tên khoa-học là Balaenoptera Physalus. Cá voi này có thể dài tới 70 hay 80ft, mầu xám trên lưng trắng ở bụng, mang thai trong 10 tháng. Cá voi lưng gù (humpback) Megaptera Novaeangliae là loại cá voi thường thấy sau loại trên. Cá này dài đến 50 ft, tương đối ngắn nhưng to ngang.
     
  • Người Việt lúc xưa cũng săn cá voi như mọi giống dân Á-Ðông khác. Dân duyên-hải nước ta chỉ mới thờ cá voi cách nay không lâu khi Nam-tiến, tiếp-xúc nhiều với người Chiêm-Thành.

Hình 19 - Cá voi lưng gù, một loài có thể sắp bị tuyệt-chủng.
 

Những loài cá lớn nhất như cá voi xanh (dài tới 100ft) chỉ thỉnh-thoảng mới xuất-hiện ở vùng biển phía Nam gần Nam-Dương. Hàng năm, một vài con bị săn và bị bắn chết khi chúng di-chuyển từng đàn theo mùa. Một loài cá voi khác cũng xuất hiện quanh vùng đáy biển nông Sunda như Sperm whale (Physeter catadon), Sei whale (Balaenoptera borealis.)

  • Ngoài cá voi, Biển Ðông cũng là nơi sinh sống của loại cá heo (Delphinadae.) Trong sinh-vật-học, người ta cho rằng cá voi và cá heo có nhiều điểm tương-tự; trừ ra cá heo có hàm răng, chúng sinh sống bằng các loại cá và cá mực. Cá heo vùng biển nước ta có vài điểm hơi khác biệt nên thường được gọi là cá heo South China Sea hay Malacca Dolphin. Chúng đi từng bày, thân dài trong khoảng từ 1.5m tới 2m, bơi rất nhanh và thích đùa dỡn khi chạy qua chạy lại trước mũi tàu những khi đăp trời.

Hình 20 - Cá heo của Biển Ðông cũng cần được bảo-vệ.
 

Ở Việt-Nam không thấy người ta nuôi dậy cá heo nhưng ở Thái-Lan, Mã-lai-Á và vịnh Bengal, cá heo rất hữu-ích vì giúp ngư-dân lùa cá vào lưới.

 

3.4 - Biển Ðông và Môi-trường sinh-vật-Học Việt-Nam.

Như đã trình-bày ở trên về môi-trường thực-vật, Biển Ðông hoàn-toàn có tính-chất Việt-Nam. Những cuộc khảo-cứu về phương-diện sinh-vật-học lại còn cho biết thêm rằng Biển Ðông cũng có môi-trường sinh-sống gần với Việt-Nam hơn là gần Trung-Hoa hay Phi-Luật-Tân.

 

3.4.1 - Vùng môi-sinh Á-Ðông.

Theo khoa Sinh-vật Ðịa-lý-học, thế-giới được chia làm 6 vùng môi-sinh (biogeographical zones); Bắc-Mỹ, Nam-Mỹ, Bắc Á Âu, Phi-Châu, Ðông-Phương và Úc-châu.

Hình 21 - Sáu vùng môi-sinh trong khoa Sinh-vật Ðịa-lý-học. Biển Ðông và Việt-Nam cùng nằm trong vùng Oriental Region.
 

Khu-vực phía nam dẫy núi Hi-mã-lạp-Sơn bao gồm Ấn-Ðộ và Ðông-Nam-Á được đặt tên là Vùng Ðông-Phương (Oriental Region.) Vùng này không lớn lắm nhưng là khu-vực mà môi-trường sinh-vật phong-phú nhất trên trái đất, trong đó có Việt-Nam cũng như Biển Ðông.

Trong khi đó, hầu hết lãnh thổ Trung-Hoa nằm trong khu-vực mà khoa sinh-vật-học gọi là Palearctic. Vùng này tuy rộng lớn nhất, bao-trùm hết cả Bắc-Á, toàn-thể Âu-châu và Tây-Bắc Phi-châu nhưng lại ít có những loài sinh-vật đặc-thù.

Căn-cứ theo giới-tuyến Himalaya - Ðông-Nam-Á, Biển Ðông không có nhiều liên-hệ về sinh-vật với Trung-Hoa.

 

3.4.2 - Ðường Wallace - Huxley.

Môi-sinh Biển Ðông cũng xa lạ với Phi-luật-Tân, miền đông Nam-Dương và Úc-Châu. Ranh-giới chia cắt môi-sinh này thường được gọi là đường Wallace-Huxley.

Nước Việt-Nam nằm trong khu-vực mà các nhà sinh-vật gọi là Wallacea, đặt theo tên của Alfred Russel Wallacẹ Wallacea là vùng đất sinh-sống của các động-vật Á-đông. Không những Trung-Hoa nằm ngoài vùng môi-sinh Á-đông như đã nói ở trên, Phi-luật-Tân cũng không ở trong vùng này.

Nhà thiên-nhiên-học người Anh này nhận ra rằng ở đảo Bali có tới 94% loài bò-sát và 87% loài chim nguồn gốc Á-Ðông, nhưng ở Lombok là đảo kế cận hướng đông của Bali, thì các tỷ-lệ trên sụt giảm xuống còn 85% và 72.5%. Nhiều loài hữu-nhũ từ Á-Ðông sang sinh-sống ở Java, chúng tới được Bali nhưng không thấy tồn-tại xa hơn về hướng Ðông như Lombok, Celebe.

Tiếp theo Wallace, một nhà sinh-vật-học người Anh nữa là Huxley nghiên-cứu thêm và thấy rằng tình-trạng sinh-vật ở Phi-luật-Tân (trừ đảo Palawan) cũng giống như ở Lombok và Celebe, nghĩa là khác-biệt với Việt-Nam. Bên bờ phía Tây của đường này sinh-vật mang đậm những nét Á-Ðông đáng kể (overwhelmingly Oriental fauna.) Càng đi xa về phía Ðông của đường Wallace-Huxley, ảnh hưởng môi-trường sinh-vật Úc-châu (Australian fauna) càng nhiều hơn; cho tới đường Weber thì bách-phân sinh-vật Á-đông chỉ còn lại là 50%.

Hình 22- Về môi-sinh, Biển Ðông thuộc về Việt-Nam: Ðường Wallace/Huxley cắt Phi-luật-Tân ra khỏi Biển Ðông.
 

Tóm lại, các lý-lẽ trên chứng-minh rõ ràng Biển Ðông thuộc Việt-Nam về phương-diện Sinh-vật Ðịa-lý-học.

 

3.5 - Bảo-vệ môi-trường thiên-nhiên.

Con người càng ngày càng chiếm đóng thêm nhiều hải-đảo. Những nơi xưa kia chim chóc, rùa vít... thường làm tổ một cách tự-do thì nay không còn nữa. Chẳng những người đã chiếm đất của vật, con người lại còn tàn-sát các sinh-vật khác không tiếc tay. Trên Biển Ðông số lượng sinh-vật đang suy-giảm nhiều, đặc-biệt là những loài rùa biển, như vít, đồi mồi, như cá voi, cá heo... Nếu không được bảo-tồn, chúng có thể bị tuyệt-chủng. Những cơ-quan bảo-vệ thiên-nhiên đã kêu gọi các quốc-gia duyên-hải lưu-tâm tham-gia những chương-trình của họ.

Theo đà tiến-bộ chung của nhân-loại, các nước Ðông-Nam-Á cũng bắt đầu khởi-sự những chương-trình bảo-vệ môi-sinh quan-trọng từ hơn một thập-niên qua. Dẫn đầu những công-tác ngoài Biển Ðông là Nam-Dương. Nhờ nền kinh-tế phát-triển mạnh, tiền bạc dồi dào, các chính-phủ Mã-lai-Á và Tân-gia-Ba cũng đang hăng-hái tham-gia và đã chi-phí những khoản tiền lớn về chống ô-nhiễm, bảo-vệ môi-sinh.

Những hải-sinh-vật như rùa biển, cá heo, cá voị được ghi trong danh-sách những sinh-vật cần bảo-vệ. Cơ-quan International Whaling Commission (IWC) thuộc Liên-hiệp-quốc, đặc-trách việc này đã thông-báo nguy-cơ tuyệt-chủng của các loài cá voi, cấm săn-bắn cá voi lưng gù (Humpback whale, Megaptera novaeangliae) vào năm 1966, cá voi xanh (Blue Whale, Balaenoptera musculus) năm 1967 và cá voi có vi (Fin whale, Balaenoptera physalus) vào năm 1975.

Hình 23- Cá voi xanh, dài tới 100ft, là loài động-vật lớn nhất của địa-cầu. Một số di-chuyển theo mùa trong vùng biển ÐNA. Số lượng đang suy-giảm rõ rệt.
 

Trong khi đẩy mạnh sản-lượng ngư-nghiệp, hầu hết các quốc-gia duyên-hải đã có kế-hoạch khuyến-cáo những ngư-dân tránh sát-hại các loài hải-vật nào cần-thiết được bảo-tồn để chúng tiếp-tục sinh-sản.

Trường-hợp Việt-Nam, ý-thức về việc bảo-vệ môi-sinh rất thấp, đặc-biệt về môi-sinh ngoài biển có lẽ còn xa lạ với phần đông dân ta. Chính-quyền nào cũng cần lưu-tâm đến công-tác này, sự giáo-dục phải khởi-sự ngay từ học-đường ra đến đại-chúng.

Trong số lượng lớn quân-nhân trú-phòng trên các hải-đảo, không chắc có bao nhiêu cá-nhân ý-thức đến môi-trường sinh-sống chung quanh. Một khi nước biển bị ô-nhiễm, ánh-sáng không còn chiếu xuống được sâu, nước biển đục ngầu thì san-hô chết và sự tồn-tại của hải-đảo lệ-thuộc vào đó. Người quân-nhân cũng như thường-dân phải ý-thức được sự sinh-tồn của con người liên-hệ ra sao với san-hô, với biển, với hải-sinh-vật... Ðời sống vốn là sự cộng-sinh giữa muôn loài, sẽ thay đổi theo chiều-hướng tốt đẹp hơn.

 

4 - KHÍ-TƯỢNG BIỂN ÐÔNG.

Khí-tượng Biển Ðông khác với khí-tượng trong lục-địa.
 

4.1 - Tình-Trạng Khí-Tượng Tổng-Quát.

Nói chung Hoàng-Sa Trường-Sa nhờ nằm giữa Biển Ðông nên khí-hậu điều-hòa, không lạnh quá về mùa Ðông, không nóng quá về mùa hề nếu so với những vùng đất cùng vĩ-độ trong lục-địa. Không-khí Biển Ðông ít bị ô-nhiễm. Bầu trời thường trong trẽo, tuy đôi khi u-ám và có mưa lớn trong giông bão nhưng thời-gian này tương-đối qua đi khá nhanh. Mưa ngoài biển qua nhanh, ở Hoàng-Sa không có mùa nào ảm-đạm kéo dài như kiểu mưa dầm gió bắc ở Bắc-phần hay mù-mịt như trong mùa mưa ở Huế. Buổi sáng cũng ít khi có sương mù.

  • Nhiệt-độ. Nhiệt-độ ở Hoàng-Sa không chênh lệch lắm giữa mùa Hạ (28-29 độ bách-phân) và mùa Ðông (24-25 đô). Tuy xa cách Hoàng-Sa tới 6, 7 độ vĩ-tuyến, gần hơn về phía Xích-đạo nhưng Trường-Sa cũng chỉ nóng hơn Hoàng-Sa chừng vài độ. Có thể nói hai quần-đảo Hoàng-Sa Trường-Sa không có mùa lạnh, khí-hậu dịu mát nhờ ảnh-hưởng đại-dương.
     
  • Vũ-lượng. Ở Hoàng-Sa mưa trung-bình trong năm lối 1,170mm, tuy được kể là mưa nhiều nhưng không quá đáng như ở Huế (3,000mm.) Mưa nhiều nhất trong tháng 10 (17 ngày - 228mm.) Trường-Sa là vùng rộng lớn gấp 10 lần hơn Hoàng-Sa, hiện không đủ dữ-kiện nhưng chúng ta có thể ước-đoán rằng vũ-lượng tổng-quát thấp hơn Hoàng-Sa một chút.
     
  • Ẩm-độ. Không-khí Biển Ðông tương-đối ẩm-thấp hơn những vùng biển khác trên thế-giới. Ở cả Hoàng-Sa lẫn Trường-Sa, ẩm-độ đều cao, ít khi nào bách-phân ẩm-độ xuống dưới 80%. Trung-bình vào tháng 6, ẩm-độ ở Hoàng-Sa suýt soát 85%.

Hình 24 - Nhiệt-độ, ẩm-độ, vũ-lượng ở Hoàng-Sa.

 

4.2 - Mùa Gió.

Có hai mùa gió Ðông-Bắc và Tây-Nam rất rõ rệt:

  • Mùa gió Ðông-Bắc thổi mạnh trên biển Ðông, từ tháng 11 đến tháng 1, gió 20-25 gút, biển động mạnh, tới cấp 4 cấp 5. Người đi biển hay dân đánh cá rất khổ cực. Vịnh Thái-Lan trong mùa này tương-đối êm-dịu.
     
  • Mùa gió Tây-Nam thổi trong những tháng 3, 4, 5. Gió mùa này thường yếu hơn gió mùa Ðông-Bắc và biển cũng ít động. Trong mùa gió Tây-Nam, biển Hoàng-Sa khá êm dịu trong khi Trường-Sa và vịnh Thái-Lan bị ảnh-hưởng sóng gió nhiều hơn.

 

4.3 - Thủy-Triều.

Thủy-triều là một hiện-tượng nước biển lên xuống, nguyên-do vì hấp-lực của các tinh-tú mà chính-yếu là mặt trăng và mặt trờị Hiện-tượng này tuy phức-tạp nhưng lại đi theo chu-kỳ. Sau nhiều nghiên-cứu, chiêm-nghiệm; ngày nay người ta có thể tiên-đoán khá chính-xác cao-độ thủy-triều tại bất cứ một hải cảng trong bất cứ một thời-điểm nào.

Hoàng-Sa và Trường-Sa nằm ngoài khơi Việt-Nam nhưng thủy-triều lên xuống tại đây lại không theo đúng nhịp điệu, chu-kỳ hay biên-độ của những con nước lớn và nước ròng ở các bến quy-chiếu chính của Việt-Nam là Ðồ-Sơn và Vũng-Tàu.

Nói chung, biên-độ thủy-triều không lớn lắm, khoảng 4 - 5ft (1.2m - 1.5m.) Chu-kỳ thủy-triều Hoàng-Sa thuộc loại hỗn-hợp giữa bán-nhật và toàn-nhật; vói đặc-tính toàn-nhật vượt trội hơn (chiefly diurnal.) Thông-thường, mỗi ngày một con nước lớn, một con nước ròng, chuyển qua hai con nước một ít ngày, rồi trở lại một con.

Hình 25 - Một đường biểu-diễn cao-độ tiêu-biểu cho thủy-triều loại hỗn-hợp.
 

Người đi biển thường dùng những Bảng Thủy-triều (Tide Table) để tính-toán thời-gian và cao-độ mực nước lên xuống.

Hình 26 - Tài-liệu trích trong "Bảng thủy-triều". Thủy-triều các cảng Việt-Nam có bến quy-chiếu tại Manila, Phi-luật-Tân.

Hình 27 - Bản-đồ nhiệt-độ nước biển, biên-độ thủy-triều, năng-lực sóng Biển Ðông.
 

Sự tiên-đoán thủy-triều ngày nay khá chính-xác, Tide Table trợ giúp rất đắc-lực cho những nhà hải-hành khi đi qua các vùng nước cạn, đưa Tàu chui dưới những cây cầu thấp, ra vô hải-cảng, tính toán giờ giấc vận-chuyển v.v...

Bảng Thủy-triều do Bộ Thương-mại Hoa-Kỳ biên-soạn, chỉ-dẫn việc dùng bến quy-chiếu ở Manila, Phi-luật-Tân cho thủy-triều Hoàng-Sa và các bến vùng Ðà-Nẵng, cộng trừ thêm những sai-biệt đã được cơ-sở Thủy-Ðạo tính toán sẵn. Chúng tôi xin trích-dẫn một vài dòng trong sách trên làm tài-liệu.

Trong khi đó ở Vũng-Tàu, Kê Gà, Côn-Sơn, Hòn Khoai, Vịnh Phú-Quốc, Sài-Gòn; thủy-triều là loại bán-nhật (semi-diurnal) với con nước dâng lên hạ xuống mỗi ngày hai lần. Bến quy-chiếu tại Mũi Vũng-Tàu.

Ðồ-Sơn là một bến quy-chiếu khác trong bảng Tide Table dùng tính toán thủy-triều các bến dọc theo Vịnh Bắc Việt, trải dài từ đảo Cái Bầu, Hải-Phòng, Hòn Me đến cửa Nhật-Lệ và ra ngoài xa đến đảo Bạch-long-Vĩ. Thủy-triều này là loại toàn-nhật (diurnal.)

 

4.4 - Vùng Nước Xoáy.

Nước thủy-triều di-chuyển lên xuống theo đường thẳng đứng, Nước cũng di-chuyển ngang, tạo nên những dòng nước chảy qua chảy lại trên biển. Vì nhiều yếu-tố ngoại-lai như địa-thế bờ đất, hải-đảo, đáy biển, luồng gió ảnh-hưởng đến, những dòng nước thủy-triều có thể chạy ngược lại với nhau trong một vùng nào đó làm nước xoáy tròn.

Hiện-tượng nước xoáy này làm những khối lượng nước bị cuốn xuống đáy biển theo vòng trôn ốc như tại khu-vực ngoài khơi những ghềnh đá Na-Uy. Trong những trường-hợp đặc-biệt, vùng nước xoáy mạnh đến nỗi có thể hút cả ghe thuyền, đáng sợ nhất là ở khu-vực nằm giữa hai vùng biển Phi-luật-Tân và Nhật-Bản.

Tại Biển Ðông, biên-độ thủy-triều thường nhỏ nên những dòng nước gây nên bởi thủy-triều không mạnh lắm. Dân đánh cá thường biết rõ những vùng nước xoáy gần bờ để lái ghe thuyền nhỏ bé của họ tránh ra xa. Ngoài biển khơi, tuy nước có xoáy ở vài nơi nhưng không gây nguy-hại hiểm-nghèo cho các tàu thuyền đi biển lớn hơn mức trung-bình.

Hình 28 - Cách giải-thích hiện-tượng những con nước xoáy. Hình vẽ có hơi phóng-đại cơ-nguy trên Biển Ðông.

 

4.5 - Nước Biển, Nồng-Ðộ Muối.

Nước biển các vùng Hoàng-Sa và Trường-Sa lúc nào cũng ấm-áp. Nhiệt-độ cả năm thường cao hơn 20 độ bách-phân. Nước biển chứa nhiều oxy, rất trong vì không bị ô-nhiễm và cũng vì xa các cửa sông nước đục. Ðộ mặn của muối dưới mức trung-bình, thường không cao quá 35 phần ngàn (%o.) Bầu trời Hoàng-Sa và Trường-Sa thường quang đãng ít mây, mặt trời nhiệt-đới quanh năm chiếu ánh-sáng thật sâu xuống dưới nước. Những điều-kiện này tạo môi-trường lý-tưởng cho san-hô sinh-tồn và phát-triển ở độ sâu hàng trăm thước.
 

4.6 - Hải-Lưu.

Hải-lưu là dòng nước chảy ở giữa biển mà nguyên-nhân chính phát-sinh là gió, sau đó là sự khác-biệt về tỷ-trọng, nhiệt-độ nước biển, sự quay của trái đất, thủy-triều ...

Hải-lưu trong Biển Ðông không chảy thường-trực cố-định suốt năm một chiều như các đại-hải-lưu của Thái-bình-Dương. Gió mùa địa-phương tạo nên những dòng hải-lưu chuyển-vận nước theo chiều gió thổi, khi gió mùa đổi ngược chiều thì hải-lưu chảy ngược lại.

  • Trong mùa gió Ðông-Bắc, hải-lưu Biển Ðông chảy ngược theo chiều kim đồng-hồ. Dòng nước biển chảy mạnh từ Ðài-Loan ngang qua Hoàng-Sa vận-tốc chừng 1 gút. Khi xuống ngang bờ biển Trung-phần, vận-tốc dòng nước tăng thêm, có khi tối-đa tới 3, 4 gút trên mặt nước. Các nhân-viên khí-tượng Việt-Nam ở Hoàng-Sa (sau vụ Nhật đảo-chính Pháp tháng 3/45) và quân-nhân Hải-Quân VNCH (sau khi Trung-Cộng tấn-chiếm đảo tháng 1/ 1974) đã nhờ dòng nước này thả bề trôi về được tới Quy-Nhơn và ngoài khơi Cù-lao Ré để được cứu vớt. Ồ phía Tây vùng Trường-Sa, nước chảy ngược lại như một đối-lưu hướng về phía Ðông-Bắc. Vận-tốc đối-lưu thường thấp. Vùng gần Palawan nước chảy theo chiều Tây-Nam.
     
  • Trong mùa gió Tây-Nam, hải-lưu chảy theo chiều kim đồng-hồ, từ phía Mã-Lai đi dọc bờ biển Trung-phần ra Hoàng-Sa với vận-tốc chừng .5 gút. Ðối-lưu từ phía Ðông của quần-đảo Hoàng-Sa chảy về Trường-Sa rất yếu.
     
  • Hải-lưu Biển Ðông không hoàn-toàn là một vòng kín. Trong những khi gió mùa thổi mạnh, những khối lượng nước biển lớn lao được đẩy ra ngoài qua các eo biển. Vào mùa gió Ðông-Bắc, nước biển Ðông thoát ra Ấn-độ-Dương. Vào mùa gió Tây-Nam, nước biển thoát ra Thái-bình-Dương.

Theo tài-liệu trong sách Regional Oceanography, tác-giả Matthias Tomczak & J. Stuart Godfrey (Great Britain, 1994) thì dòng nước chảy qua chảy lại như một máy điều hòa làm nồng-độ muối ở Hoàng-Sa và Trường-Sa trong suốt năm giữ nguyên trong mức độ 33.5% và 33%. Chiều nước chảy của các hải-lưu biển Ðông được trình-bày như trong hai hình dưới đây.

Như vậy quanh năm, hải-lưu vùng Hoàng-Sa và Trường-Sa thay đổi chiều hai lần. Dòng nước vùng Trường-Sa không mạnh như dòng nước vùng Hoàng-Sa.

Sau trận hải-chiến năm 1988 khi chiến-hạm bị chìm, các thủy-thủ Việt-Nam Cộng-sản sống sót trên các bề nổi không trôi đi đâu xa. Vì nước chỉ chảy chừng 1/4 đến 1/2 gút, sự cấp-cứu đã được thi-hành trong "khu-vực cánh quạt" sát gần nơi hải-chiến.

Hình 29- Hải-lưu và nồng-độ muối Biển Ðông.
 

Sự vận-hành của hải-lưu liên-hệ đến những thay đổi về thời-tiết, khí-tượng trong vùng, gây ảnh-hưởng đến môi-trường sinh-sống của người và sinh-vật dưới biển cũng như trên bờ.

Vũ-Hữu-San

(Xem tiếp phần II)