|
Nguyên Nhân và Hậu Quả của Vấn Ðề
Nhường Ðất và Lãnh Hải cho Trung Quốc
Ðoàn Hùng
(VNN) Với bản chất lệ thuộc Trung Quốc, trong cuộc điều đình về biên giới và lãnh hải, sự nhượng bộ của đảng CSVN là điều dĩ nhiên. Nhưng những lý do thầm kín nào đã đưa đến việc giới lãnh đạo Hà Nội có những sự nhượng bộ đáng kể, dẫn đến những hậu quả tai hại lâu dài cho đất nước và dân tộc? Ngày 19 tháng 6 năm 2000, Quốc Hội Cộng Sản Việt Nam đã công bố nghị quyết về
"Hiệp Ước Biên Giới Trên Ðất Liền Giữa Việt Nam và Trung Quốc" được thông qua tại kỳ họp thứ 7, quốc hội khóa X họp từ ngày 9 tháng 5 năm đến ngày 9 tháng 6. Bốn tháng sau, ngày 25 tháng 10 năm 2000, tại Bắc Kinh đại diện của hai nhà nước CS Việt Nam và Trung Quốc đã ký
"Hiệp Ðịnh Phân Ðịnh Vịnh Bắc Bộ và Hiệp Ðịnh Hợp Tác Nghề Cá Giữa Hai Nước Trong Vịnh Bắc Bộ". Nội dung của hai văn kiện này cho đến nay chưa được CSVN phổ biến công khai nhưng lại chỉ thị cho các cơ quan liên hệ tiến hành việc thiết lập những nghị định thư phân giới, cắm mốc và xác định bản đồ chi tiết. Trong tiến trình thực thi
Hiệp Ước Biên Giới và
Hiệp Ðịnh Phân Chia Vùng Vịnh Bắc Bộ, những nhà đối kháng tại VN đã phát giác ra nhiều điểm phi lý trong nội dung đã ký, đặc biệt là nhiều phần đất trước đây nằm bên phía Việt Nam nay lại thuộc về phía Trung Quốc. Nhiều nhà đối kháng và cả một số đảng viên đảng CSVN cho đây là hành động "bán nước" của tập đoàn lãnh đạo Hà Nội.
Ngay sau khi ký các
Hiệp Ước Biên Giới và
Hiệp Ðịnh Phân Chia Vùng Vịnh Bắc Bộ, Hà Nội đã tung ra một loạt các văn kiện giải thích và trình bày tiến trình đàm phán để đi đến việc ký kết nói trên. Tuy nhiên qua nội dung các bài viết của Thứ Trưởng Ngoại Giao CSVN Lê Công Phụng đăng trên Tạp Chí Cộng Sản số tháng 1 năm 2001 hoặc bài giải thích đăng trên tạp chí Tư Tưởng Văn Hóa của đảng Cộng sản Việt Nam chỉ nói lý do ký kết là để đáp ứng "nhu cầu củng cố hòa bình và ổn định khu vực", hoàn toàn
không đá động gì đến chủ quyền và quyền lợi của Việt Nam.
Ðiều thấy rõ nhất là qua
Hiệp Ðịnh Pháp - Thanh ký vào ngày 26 tháng 6 năm 1987 khi nước ta bị mất chủ quyền vào tay người Pháp, lằn ranh phân định Vịnh Bắc Bộ vào lúc đó được chia là 60% cho Việt Nam và 40% cho nhà Thanh. Theo sử liệu, Vịnh Bắc Bộ có diện tích 126.250 km2, chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 310 cây số và nơi hẹp nhất khoảng 20 cây số. Dưới thời Pháp thuộc, chính quyền Pháp và nhà Thanh bên Trung Hoa đã thỏa thuận lấy đường kinh tuyến Paris 105o43 - Ðông (kinh tuyến
Greenwich 108o03-13" Ðông) để quy định chủ quyền của các đảo ở khu vực sát cửa sông Bắc Luân. Vậy mà nay, theo
Hiệp Ðịnh Phân Ðịnh Vịnh Bắc Việt thì Việt Nam chỉ được 53,23% diện tích trong khi Trung Quốc được 46,77% vùng Vịnh. Ðiều này cho thấy là Việt Nam đã mất cỡ 7% diện tích Vịnh Bắc Bộ theo sự phân định mới.
Trong khi đó, qua hiệp ước về biên giới, Cộng Sản Việt Nam đã phải nhượng bộ để cắm các trụ biên giới sâu vào lãnh thổ Việt Nam vì "nhu cầu thiết lập" các cửa khẩu giữa hai nước. Nói cách khác, Trung Quốc đã lấy lý cớ quản lý những cư dân của họ sống bất hợp pháp trên những vùng đất của Việt Nam mà họ đã tự động thiết lập các chợ trời "biên giới" để buộc Hà Nội phải công nhận đó là những phân giới của các cửa khẩu. Hiện nay ta chưa biết rõ là có bao
nhiêu diện tích vùng biên giới bị Hà Nội dâng nạp cho Bắc Kinh; nhưng với gần 15 cửa khẩu đang giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc, thì số diện tích mà nước ta bị mất qua hiệp ước biên giới không phải là con số nhỏ. Theo Luật sư Lê Chí Quang trong bài viết
"Hãy cảnh giác Bắc Triều" thì hiệp ước biên giới đã làm thiệt hại nước ta cỡ 720 km2. Cộng Sản Việt Nam lại dâng nạp lãnh thổ nước ta cho Trung Quốc để làm gì và hậu quả của nó sẽ ra sao?
Những Nguyên Nhân Cần Tìm Hiểu
Nhìn trên vị trí địa dư, Việt Nam ví như cuốn phễu của Trung Quốc và cũng là địa bàn cho Trung Quốc tỏa xuống phía Nam Thái Bình Dương. Do vị trí địa dư như vậy, Việt Nam đã liên tục bị nhiều triều đại của Trung Quốc xâm lăng và bản đồ biên giới đã nhiều lần bị xóa hay vẽ đi vẽ lại. Mãi cho đến năm 1885 và 1887, ranh giới giữa Việt Nam và Trung Quốc mới được phân định rõ ràng hơn qua một công ước có tên là
"Công Ước Về Hoạch Ðịnh Biên Giới Giữa Việt Nam và Trung
Quốc" ký giữa Pháp và Nhà Thanh của Trung Hoa. Suốt một thế kỷ qua, Việt Nam vì chìm đắm trong chiến tranh và nhất là kể từ năm 1945, khi Hồ Chí Minh thiết lập chính quyền cộng sản ở miền Bắc và lệ thuộc vào Trung Cộng cho đến năm 1975 thì vấn đề biên giới không hề đặt ra. Mặc dù Trung Quốc đã ngang nhiên xâm nhập nhiều vùng đất ở biên giới hoặc chiếm cứ nhiều đảo tại Vịnh Bắc Bộ như Bắc Kinh từng xua quân chiếm đảo Trường Sa của Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1974, Hà
Nội vẫn im lặng không dám lên tiếng. Lý do đơn giản là Cộng Sản Việt Nam đã lệ thuộc vào Nga và Trung Quốc để tìm sự hậu thuẫn cho chủ trương cộng sản hóa miền Nam Việt Nam.
Sau năm 1975, Cộng Sản Việt Nam đi theo Liên Xô nên bắt đầu gây hấn với Trung Quốc và hai bên đã có những hục hặt về biên giới; nhưng Cộng Sản Việt Nam hầu như không ngó ngàng gì đến những vùng đất tranh chấp này. Lý do là Cộng Sản Việt Nam đang bận tâm giải quyết vấn đề Cam Bốt và những khó khăn nội bộ. Hơn thế nữa, từ năm 1975 đến năm 1990, tuy dựa vào Liên Xô cũ để giữ quyền nhưng Hà Nội vẫn sợ các ảnh hưởng của Trung Quốc. Hậu quả là nhiều vùng đất biên giới của
Việt Nam vào thời kỳ này đã nằm trong sự "quản lý" của Bắc Kinh. Sau khi khối Liên Xô tan rã, tháng 11 năm 1991, Nguyễn Văn Linh, Ðỗ Mười, Phạm Văn Ðồng đã đi Nam Ninh gặp Giang Trạch Dân và Lý Bằng để nối lại quan hệ răng môi giữa hai bên đã bị gián đoạn từ năm 1975. Kể từ đó, hai bên đã có những trao đổi thân thiện hơn vì nhu cầu bảo vệ thành trì chủ nghĩa xã hội trong cơn lốc tan rã khối cộng sản. Xuyên qua những quan hệ này, Hà Nội đã coi Bắc Kinh là mẫu mực áp
dụng cho những cải tổ kinh tế, xã hội để có thể kéo dài sự tồn tại.
Trong bối cảnh này, Trung Quốc một mặt giúp đỡ Cộng Sản Việt Nam duy trì quyền lực qua một số những cố vấn về cải cách kinh tế, mặt khác o ép Hà Nội phải chấp nhận những lằn ranh biên giới mà Trung Quốc đã "quản lý" từ nhiều năm qua. Tháng 2 năm 1999, khi Lê Khả Phiêu sang viếng thăm Bắc Kinh, Giang Trạch Dân đã đưa ra chủ trương "hai bên phải là láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" để khuyến dụ Hà Nội xúc tiến việc ký các
hiệp định về biên giới. Thay vào đó, Bắc Kinh sẽ giúp cho Lê Khả Phiêu giữ vững quyền lực và chống chọi với Hoa Kỳ trong những quan hệ mới sau khi thương ước Mỹ - Việt được ký kết. Lê Khả Phiêu nghiễm nhiên đồng ý và ra chỉ thị cho phái đoàn Cộng Sản Việt Nam sẵn sàng nhượng bộ để xúc tiến việc ký các hiệp ước biên giới.
Ðể gia tăng sự tin tưởng cho phía Hà Nội, cuối năm 1999, Giang Trạch Dân đã viếng thăm Việt Nam trong 5 ngày và yêu cầu Lê Khả Phiêu cho xúc tiến ký kết các hiệp ước biên giới. Thay vào đó, phía Bắc Kinh đã hứa giúp cho Cộng Sản Việt Nam rất nhiều điều như phát triển khoa học kỹ thuật, hợp tác mạnh mẽ trong lãnh vực tài chánh, tiền tệ, giúp huấn luyện chuyên viên nông nghiệp, hiện đại hóa về bưu chính, viễn thông. Nhất là Bắc Kinh hứa sẵn sàng giúp đỡ việc huấn
luyện cán bộ tư tưởng lý luận về xã hội chủ nghĩa mới cho cán bộ đảng Cộng sản Việt Nam. Trước sự "bảo đảm" mạnh mẽ của Trung Quốc, Lê Khả Phiêu và lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam đã phải đẩy nhanh đà "bán nước" bằng việc xúc tiến ký kết những văn kiện như đã đề cập bên trên trong năm 2000. Sau khi
Hiệp Ước Biên Giới và
Hiệp Ðịnh Phân Ðịnh Vịnh Bắc Bộ được ký kết, Bắc Kinh và Hà Nội còn ra một bản tuyên bố chung để xác định lại những thỏa thuận của hai bên.
Trong bản tuyên bố chung ký vào ngày 25 tháng 12 năm 2000 giữa Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Ðường Gia Triền và Bộ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam Nguyễn Dy Niên, có một điểm sau đây đáng lưu ý: "Hai bên nhất trí cho rằng, việc hai nước ký kết
Hiệp Ước Biên Giới Trên Ðất Liền,
Hiệp Ðịnh Phân Ðịnh Lãnh Hải, Vùng Ðặc Quyền Kinh Tế và Thềm Lục Ðịa Trong Vịnh Bắc Bộ,
Hiệp Ðịnh Hợp Tác Nghề Cá Ở Vịnh Bắc Bộ có ý nghĩa lịch sử sâu rộng, sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ láng giềng
hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước phát triển mạnh mẽ hơn trong thế kỷ 21. Hai bên cam kết sẽ nghiêm chỉnh thực hiện các thỏa thuận liên quan đã ký kết giữa hai nước, tích cực hợp tác xây dựng biên giới hai nước thành biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài".
Trong khi đó những xung đột về vấn đề lãnh hải tại hai đảo Trường Sa và Hoàng Sa, thì tuyên bố chung chỉ nói một cách chung chung. Ðó là "hai bên khẳng định, tiếp tục duy trì cơ chế đàm phán hiện có về vấn đề trên biển, kiên trì thông qua đàm phán hòa bình để tìm ra một giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được". Ðiều này cho thấy là Hà Nội đã không dám đặt thẳng vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên lãnh hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Không một
người Việt Nam nào mà không biết rõ hai quần đảo này đã bị quân Trung Quốc chiếm vào năm 1974, vậy mà Hà Nội lại chấp nhận đàm phán mà không có một thái độ nào mạnh mẽ để đòi lại. Rõ ràng là qua bản tuyên bố này cho chúng ta thấy là Hà Nội luôn luôn ở thế yếu, ở thế khấu tấu Bắc Kinh. Ðó là nguyên nhân sâu xa đưa đến việc "bán nước" của tập đoàn lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam.
Những Hậu Quả Của Các Hiệp Ước Biên Giới và Hiệp Ðịnh Vịnh Bắc Bộ: Trong bài viết
"Hiệp Ðịnh Phân Ðịnh Vịnh Bắc Bộ và Hiệp Ðịnh Hợp Tác Nghề Cá giữa Việt Nam và Trung Quốc" của Thứ Trưởng Ngoại Giao Lê Công Phụng đăng trên Tạp Chí Cộng Sản số tháng 1 năm 2001, có đoạn như sau: "Trong quá trình đàm phán, hai bên đã vận dụng các nguyên tắc như sau để giải quyết:
một là, căn cứ vào các quy định của
Công Ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc cũng như các nguyên tắc luật pháp quốc tế và tập quán được công nhận rộng rãi;
hai là, hai
bên tính đến các đặc thù của Vịnh Bắc Bộ như sự hiện diện các đảo, chiều dài bờ biển v,v...;
ba là, việc giải quyết vấn đề phân định phải xuất phát từ thực trạng cũng như nhu cầu phát triển quan hệ giữa hai nước;
bốn là, bảo đảm nguyên tắc công bằng và chiếu cố có lợi ích của nhau". Ðọc qua những nguyên tắc dùng làm nền tảng đàm phán, tại sao Hà Nội không đòi hỏi phải dựa trên
Công Ước Pháp - Thanh ký vào năm 1887 về biên giới mà chỉ dựa vào
Công Ước Luật Biển năm
1982 của Liên Hiệp Quốc.
Chính vì không dựa vào
Công Ước Pháp - Thanh năm 1887, Lê Công Phụng mới khoe là qua đàm phán về Vịnh Bắc Bộ, Cộng Sản Việt Nam được 53,23% diện tích vùng Vịnh, trong khi Trung Quốc chỉ đạt 46,77% vùng Vịnh, tức là phía Việt Nam hơn Trung Quốc khoảng 6,46% là khoảng 8205 cây số vuông. Thật ra, nếu theo Công Ước 1887, Việt Nam được 60% trong khi Trung Quốc chỉ được 40% và như vậy, diện tích vùng Vịnh của Việt Nam phải hơn con số 8 ngàn cây số vuông. Qua kết quả này
Việt Nam đã hiến cho Trung Quốc thêm 7% diện tích của mình. Như vậy, hậu quả đầu tiên qua
Hiệp Ðịnh Phân Ðịnh Vịnh Bắc Bộ, Việt Nam đã mất đất vào tay Trung Quốc cỡ 9 ngàn cây số vuông.
Cũng qua
Hiệp Ðịnh Phân Ðịnh Vịnh Bắc Bộ, Cộng Sản Việt Nam đã ký hiệp định đánh cá trên vùng này mà sự thiệt hại không phải là chỉ cho Trung Quốc mở rộng vùng đánh cá trong vùng vịnh mà còn giúp Trung Quốc có điều kiện pháp lý để tiến xuống vùng biển phía Nam của Việt Nam. Trong bài báo nói trên, Lê Công Phụng viết rằng: "Trong quá trình đám phán về phân định Vịnh Bắc Bộ, phía Trung Quốc kiên trì đề nghị lập vùng đánh cá chung đồng thời với việc phân định Vịnh Bắc
Bộ và nhấn mạnh nếu không thỏa thuận được vấn đề này thì khó có thể giải quyết được vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ. Việt Nam không chủ trương đàm phán về nghề cá mang tính kinh tế, kỹ thuật với vấn đề phân định quốc giới mang tính chiến lược lâu dài. Nhưng ta cũng nhận thức rõ là việc không giải quyết được vấn đề nghề cá có thể dẫn đến hậu quả là khó giải quyết vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ trong năm 2000... Cho đến tháng 4 năm 2000, ta mới tán thành đàm phán nghề cá.
Qua 6 vòng đàm phán cấp chuyên viên về nghề cá, hai bên nhất trí lập vùng đánh cá chung ở trong vùng Vịnh Bắc Bộ từ vĩ độ 20o xuống đường đóng cửa Vịnh".
Qua giải thích của Lê Công Phụng cho thấy là lúc đầu Cộng Sản Việt Nam không muốn ký hiệp định về nghề cá nhưng do "sức ép" của Bắc Kinh nên Hà Nội đã phải xúc tiến đàm phán và ký hiệp định nghề cá cùng với hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ. Chỉ qua sự "giải bày" của Lê Công Phụng đủ thấy là Cộng sản Việt Nam đã ở thế yếu và hiệp định nghề cá mang đến hai hậu quả tai hại cho Việt Nam trong lâu dài:
-
Tai hại thứ nhất là nghiễm nhiên, Cộng Sản Việt Nam phải để cho Trung Quốc vào đánh cá vùng lãnh hải của mình và qua đó có thể bành trướng xuống những vùng biển lân cận của Việt Nam mà Hà Nội khó ngăn cản.
-
Tai hại thứ hai là Cộng Sản Việt Nam biết trước về khả năng kỹ thuật đánh cá của mình nên không chịu đàm phán lúc đầu. Nay đã ký thì với những kỹ thuật hiện đại của Trung Quốc, bao nhiêu cá và hải sản vùng Vịnh Bắc Bộ sẽ tuôn vào lưới của Bắc Kinh.
Từ những yếu kém trong đàm phán này, chúng ta thấy ngay kết quả là Trung Quốc sẽ vĩnh viễn chiếm cứ hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà Cộng Sản Việt Nam khó thương thảo để lấy lại nguyên vẹn như dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Hơn thế nữa, khi Trung Quốc đã giành thêm diện tích ở vùng Vịnh Bắc Bộ, họ sẽ nới rộng tầm kiểm soát các lãnh hải từ đảo Hải Nam chạy dài xuống các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Và điều quan trọng là Việt Nam sẽ lần lượt mất thêm một số hòn
đảo trên các vùng lãnh hải này khi Bắc Kinh vẽ lại đường cơ sở phân định ranh giới mới. Nhìn như vậy, chúng ta mới thấy là Lê Công Phụng và Cộng Sản Việt Nam đã không dám trình bày sự thật về những hậu quả phía Việt Nam khi ký Hiệp Ðịnh Phân Ðịnh Vịnh Bắc Bộ. Sự kiện Lê Công Phụng khoe Việt Nam hơn Trung Quốc 8 ngàn cây số qua việc ký hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ là lối nói lấp liếm, che đậy tội "bán nước" tày trời của chế độ hiện nay.
-
Sau cùng, hiệp ước về biên giới ký vào tháng 6 năm 1999 giữa Trung Quốc và Cộng Sản Việt Nam là một sự triều cống phương Bắc của triều đại Lê Khả Phiêu. Lê Khả Phiêu đảo chánh Ðỗ Mười lên làm Tổng Bí Thư vào tháng 12 năm 1997. Phiêu không có bề dày cách mạng bằng Ðỗ Mười và Lê Ðức Anh nên đã phải "khấu tấu" Bắc Kinh để nhờ che chở. Hồ Cẩm Ðào, Phó Chủ Tịch nước Trung Quốc là người đã che chở cho sự nghiệp Tổng Bí Thư của Lê Khả Phiêu. Vì thế suốt trong thời kỳ Phiêu
làm tổng bí thư, mọi chính sách lớn của Việt Nam đều thông qua hay hỏi ý kiến Bắc Kinh, trong đó có
Thương Ước Mỹ - Việt. Chính thái độ khấu tấu của Phiêu và sự hèn kém của tập đoàn lãnh đạo Hà Nội, Trung Quốc đã ép vẽ lại các cột mốc biên giới, khiến cho Việt Nam mất đi 720 cây số vuông. Một khi Trung Quốc đã chiếm được số diện tích nói trên và với một chế độ thần phục phương Bắc như hiện nay thì đất đai Việt Nam sẽ dần dần thu hẹp ở phía Bắc. Ðây là hậu quả tai
hại trong lâu dài nếu người Việt Nam không nhìn ra nguy cơ để đấu tranh.
Kết Luận: Nhiều nhà trí thức đối kháng ở trong nước đã can đảm gióng lên tiếng nói phê phán về hành động "bán nước" của tập đoàn lãnh đạo Hà Nội, nhất là Luật Sư Lê Chí Quang đã cảnh giác chúng ta về họa Bắc Triều. Sự cảnh giác này rất đúng vì Hà Nội đang nhìn về phương Bắc như mẫu mực sống còn trong cơn dẫy chết của chủ nghĩa xã hội. Tập đoàn Hà Nội đang cần Bắc Kinh và coi Bắc Kinh là chỗ dựa về mặt tinh thần lẫn vật chất, mặc dù đã ký thương ước với Mỹ. Lý do đơn giản là
Hà Nội rất sợ Mỹ qua cái mà họ thường hai rêu rao là "diễn biến hòa bình". Trong khi đi với Bắc Kinh, dù sao cũng là những "đồng chí" của khối cộng sản còn sót lại và nếu chế độ có tan rã vẫn còn là chỗ chạy để thoát thân. Với bản chất của một tập đoàn tay sai và đang cần Bắc Kinh che chở, Hà Nội đã chuyển nhượng từng phần đất cho Trung Quốc qua những hiệp ước và hiệp định vừa ký kết.
Vì sợ dư luận chống đối, Cộng Sản Việt Nam đã không dám công bố nội dung
Hiệp Ước Biên Giới và
Hiệp Ðịnh Phân Ðịnh Vịnh Bắc Bộ mà chỉ tiết lộ và diễn dịch từng phần để trấn an dư luận. Nhưng các nhà trí thức ở trong nước đã can đảm vạch tội chế độ, chúng ta tại hải ngoại không thể không tiếp tay làm cho phong trào tố giác tội bán nước của Cộng Sản Việt Nam lớn mạnh. Ðây là nhiệm vụ của chúng ta để giành lại những phần đất thân yêu của Tổ Quốc đang bị phương Bắc xâm
chiếm.
Ðoàn Hùng
| |