Xung quanh hai hiệp định Việt-Trung

Bùi Tín

Việt Luận (Úc), 8/2/02

 

Dưới đây là một số tư liệu và tin tức liên quan đến hai hiệp định Việt-Trung, chúng tôi đang sưu tầm và lần lượt trình bày với bà con ta trong và ngoài nước.

Ðồng bào ta cần được thông tin chính xác và kịp thời, nắm chắc tình hình, trên cơ sở đó mà có nhận định đúng và có chủ trương phù hợp.
 

I. Tên của hai hiệp định:

  1. "Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc", ký tại Hà Nội ngày 30-12-1999, do bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Ðường Gia Truyền (Tang Jia-xuan) và bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm ký.

    Bắc Kinh đưa tin hiệp ước này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội của Trung Quốc thông qua ngày 29-4-2000 và Hà Nội đưa tin Quốc hội Việt Nam đã thông qua ngày 9-6-2000, do đó hiệp ước bắt đầu có giá trị từ ngày 9-6-2000.

    Thực hiện hiệp ước này, việc cắm mốc biên giới đã bắt đầu từ ngày 27-12-2001, ở Móng Cái (phía Việt Nam) và Ðông Hưng (phía Trung Quốc), có thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) và thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Lê Công Phụng chứng kiến. Việc cắm mốc sẽ kéo dài chừng ba năm, với 1.400 cột mốc, trên đường biên giới dài 1.350 km. Cột ở Móng Cái mang số 1.369.
     
  2. "Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc", ký tại Bắc Kinh ngày 25-12-2000, do bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Ðường Gia Truyền và bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Nguyễn Dy Niên ký, có chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và chủ tịch nước Việt Nam Trần Ðức Lương chứng kiến.

    Hiệp định này được ký cùng một lúc với "Hiệp định hợp tác nghề đánh cá giữa Việt Nam và Trung Quốc".
     

II. Nội dung hai hiệp định

  1. Nội dung của "Hiệp ước biên giới trên đất liền" cho tới nay vẫn được giữ bí mật hầu như tuyệt đối.

    Ở trong nước, có đại biểu quốc hội khi được hỏi đã tỏ ra không được biết gì về nội dung của hiệp ước. Có ủy viên trung ương đảng cũng mù mờ như vậy! Do đó tin Quốc hội thông qua có thể là tin "vịt", được đưa ra một cách mù mờ, để "làm phép", qua mắt dư luận trong và ngoài nước. Tin ấy lại không có "hồn", không có nội dung. Thông qua như thế nào? Ai thay mặt Bộ chính trị và chính phủ trình bày vấn đề này? Có đại biểu nào chất vấn không? Quốc hội có thảo luận không? Tiểu ban đối ngoại của Quốc hội có ý kiến gì không? Thông qua bằng cách nào? Vỗ tay ào ào để tỏ nhất trí? Hay dơ tay? Kết quả thuận bao nhiêủ Không thuận bao nhiêu?

    Có ý kiến từ trong nước cho rằng Quốc hội và Ban chấp hành trung ương đảng đã được dụ dỗ rằng: "Ban thường trực Quốc hội đã thay mặt Quốc hội", "Bộ chính trị đã thay mặt cho trung ương thông qua rồi" thì cũng như là Quốc hội và Ban chấp hành trung ương đảng đã thông qua; "hãy tin ở Bộ chính trị", "lúc này đưa ra công khai bản hiệp ước chưa thuận tiện, khi nào thuận sẽ công bố"... Phía Trung Quốc hình như cũng thỏa thuận với Việt Nam giữ kín nội dung bản hiệp ước. Tin tức từ phía Trung Quốc tiết lộ rằng hiệp ước có phụ lục dài hơn 300 trang, với nhiều xấp bản đồ tỷ lệ 1/20.000; rằng có 300 điểm tranh chấp; rằng Trung Quốc đã giành được nhiều điểm cao có lợi về quân sự, một số vùng canh tác có dân cư; rằng vùng tỉnh Lạng Sơn phía Việt Nam bị mất nhiều nhất; rằng Cổng Nam Quan, một địa điểm có ý nghĩa lịch sử và văn hóa sâu đậm của ta, vốn ở sát đường biên nay đã ở sâu gần 4 km trong nội địa phía Trung Quốc; rằng một phần phía bắc sông Kỳ Cùng và phía bắc sông Bằng Giang đã bị cắt nhượng cho Trung Quốc...
     
  2. Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa được thông qua, nhưng nội dung đã được phổ biến trên những nét lớn, trong khi nội dung cụ thể vẫn còn được giữ kín.

Ðáng chú ý là bài viết của thứ trưởng ngoại giao Lê Công Phụng trên tạp chí Cộng Sản, số tháng 2-2001; và bài tư liệu, tóm tắt sự kiện liên quan đến hai hiệp định ấy trên tạp chí Cộng Sản, số tháng 3-2001.

Tại sao báo Nhân Dân và tất cả các nhật báo và tuần báo lại không nói đến các bản hiệp định, mà chỉ riêng có tạp chí Cộng Sản đề cập? Báo này ra hàng tháng, rất ít độc giả bình thường biết đến. Lại một kiểu úp úp, mở mở.

Sơ bộ nghiên cứu hai bài báo trên, có thể nhận xét như sau:

  • Tháng 2-1999, khi tổng bí thư Lê Khả Phiêu sang thăm Bắc Kinh, Giang Trạch Dân đã ép Lê Khả Phiêu "nên khẩn trương thúc đẩy cuộc đàm phán Việt-Trung để đi đến ký hiệp ước trên bộ trước năm 2000 và ký hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ trong năm 2000". Lê Khả Phiêu buộc phải đồng ý, thỏa thuận theo ý định ấy. "Sức ép ghê gớm" mà đoàn đàm phán Việt Nam phải chịu để đạt ký kết trong kỳ hạn ấn định bởi lãnh tụ cao nhất, do đó buộc phải nhượng bộ trong cả bản hiệp ước và hiệp định chính là ở đó. Hai chữ "khẩn trương" từ mồm Giang đã được coi là mệnh lệnh, là nghiêm lệnh....
     
  • Nếu theo nội dung của "Thỏa ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển" (United Nations Convention on the Law of Sea, viết tắt là UNCLDS) được thông qua ngày 10-12-1982 thì Việt Nam có rất nhiều lợi thế so với Trung Quốc khi phân chia chủ quyền trong Vịnh Bắc Bô Những lợi thế ấy là:
  1. Về dân số sống quanh Vịnh: Dân cư Việt Nam sống tiếp cận Vịnh Bắc Bộ trong vành đai cách biển 60 hải lý lên đến 40 triệu. Dân Trung Quốc sống ở phía tây bán đảo Liêu Châu rất thưa, dân ở toàn đảo Hải Nam là 7 triệu, do đó số dân Trung Quốc tiếp cận Vịnh Bắc Bộ chỉ chừng 4 triệu, bằng 1/10 của phía Việt Nam.

    Quanh Vịnh Bắc Bộ, Việt Nam có hàng loạt đô thị khá đông dân, từ thành phố Hải Phòng, Móng Cái, Vinh, Ðồng Hới, trong khi không có một đô thị đáng kể nào của Trung Quốc trên bờ vịnh từ bán đảo Liêu Châu đến mũi Oanh Ca, ở đông-nam đảo Hải Nam, nằm tại cửa Vịnh Bắc Bộ.
     
  2. Về số đảo: Phía Việt Nam có 1.300 hòn đảo ở Vịnh Bắc Bộ, trong khi phía Trung Quốc chỉ có đảo Hải Nam và 6 đảo khác. Ðặc biệt đảo Bạch Long Vĩ, một huyện đảo với một ngàn dân có vị trí quan trọng.

    Về chiều dài bờ biển lục địa, phía Việt Nam dài gần gấp đôi bờ biển đối diện của đảo Hải Nam và bán đảo Liêu Châu, Trung Quốc.
     
  3. Về đóng góp cho hình thành Vịnh Bắc Bộ: rõ ràng là sông Hồng và một loạt sông khác ở Việt Nam đã tải đất bồi, đất phù sa, từ vùng núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ để tạo nên vùng đất thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ, tạo nên vùng cá và hải sản phong phú, đa dạng. Còn phía Trung Quốc, sự đóng góp vào việc hình thành vịnh và hải sản là không đáng kể.
     
  4. Tác dụng đối với cuộc sống cộng đồng: Rõ ràng theo tiêu chuẩn này, Vịnh Bắc Bộ có tác dụng lớn đối với nhân dân Việt Nam hơn nhiều lần so với nhân dân Trung Quốc. Ðó là vựa cá nuôi sống nhân dân miền Bắc và miền Trung nước ta. Theo tiêu chuẩn, mỗi người dân Việt Nam cần 35 kg cá một năm. Ðó là thềm lục địa chứa dầu, khoáng sản mà nhân dân ta có quyền sở hữu phần lớn. Ðó cũng là cửa ngõ thông thương, bảo đảm an ninh quốc phòng của cả nước.
     

III. Những nhượng bộ quá đáng của phía Việt Nam

  1. Sự phân chia theo hiệp định vừa ký là:
     
    • 53,23% diện tích Vịnh Bắc Bộ thuộc Việt Nam
       
    • 46,77% thuộc Trung Quốc.

      Tổng diện tích toàn Vịnh Bắc Bộ là: 126.250 km2.

      So với sự phân chia cũ, theo hiệp ước Patenôtre (1885) là 62/38. Ðáng lẽ ta có đủ lý lẽ để đòi thêm, dựa trên công pháp quốc tế về luật biển, thì ta đã bị Trung Quốc ép một cách vô lý để họ lấn tới. Diện tích bị mất thêm là gần 10.000 km2.
       
  2. Ðường ranh giới mới phân chia Vịnh, Trung Quốc đã "nhả" ra một vùng nhỏ ở cửa Bắc Luân để "ngoặm" một miếng lớn gấp hơn ba lần ở ngoài khơi ngang với từ Thanh Hóa đến Ðèo Ngang của ta.
     
  3. Ðiều nghiêm trọng nữa là phía Trung Quốc đã buộc Việt Nam phải đồng thời ký "Hiệp định về hợp tác đánh cá", được thương lượng vội vã từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2000. Kết quả là theo ý đồ của Trung Quốc, Việt Nam đã thỏa thuận lập "vùng đánh cá chung" ở trong Vịnh Bắc Bộ, có tổng diện tích là 33.500 km2 (bằng 27,9% diện tích Vịnh), từ vĩ độ 20 (ngang cửa sông Hồng) xuống đến Cửa Vinh (ngang đảo Cồn Cỏ, Vĩnh Linh, Quảng Trị). Như vậy vùng trung tâm Vịnh Bắc Bộ, vùng nhiều cá nhất, cũng là vùng bào ngư nổi tiếng, vùng có nhiều trữ lượng dầu, khí đốt nhất, sẽ là vùng đánh cá chung Việt Nam - Trung Quốc?

    Có thể nói vùng biển giàu có, màu mở, lợi hại về kinh tế, môi sinh, quốc phòng nay đã thuộc "chung" hai nước trên th ực tế; mà trong khí Trung Quốc có số tàu thuyền đánh cá đông đảo gấp vài chục lần Việt Nam, có phương tiện khai thác hải sản, dầu, khí đốt, chế biến cả, nghiên cứu biển đều gấp bội Việt Nam thì cái "chung" ấy đối với Việt Nam còn có ý nghĩa gì!

    Hiệp định hợp tác đánh cá kéo dài đến 15 năm (12 năm có giá trị, sau đó được gia hạn thêm 3 năm), một cái thòng lọng cho thế hệ sau!


IV. Ta nên làm gì?

Trước hết, mọi người Việt Nam trong và ngoài nước, quan tâm đến tổ quốc mình, xin hãy tìm hiểu chu đáo tình hình.

Tại sao những người lãnh đạo của đảng cộng sản lại ký hai hiệp định, có thể nói là bất bình đẳng nói trên? Tại sao họ giữ bí mật kỹ bản hiệp ước về biên giới trên bộ? Ta nên chất vấn họ ở điểm này; hiện nay người phát ngôn của bộ ngoại giao chỉ đáp lại một cách yếu ớt rằng: hiệp ước ấy công bằng, có lợi cho cả hai bên! Trong khi AFP (Pháp) và Reuters (Anh) đều đưa tin: một số nhà ngoại giao ở Hà Nội cũng cho rằng Việt Nam đã nhượng bộ khá nhiều.

Ta nên chất vấn rằng nói Quốc hội thông qua, vậy thông qua cụ thể ra sao? Trong phiên họp toàn thể nào? Ai trình bày? Có ai chất vấn không? Có thảo luận không? Bỏ phiếu ra sao?

Ta nên chất vấn khi có dịp các đại sứ, nhà ngoại giao, đoàn cán bộ nhà nước ở trong nước cũng như khi họ ra nước ngoài, để xem họ trả lời ra saỏ Ta cũng nên tỏ thái độ là do có những điều mờ ám, khuất tất, không bình thường nên nhân danh công luận, nhân dân, phê bình nhà cầm quyền Trung Quốc đã tỏ ra tham lam, cậy thế ép phía Việt Nam ký những văn kiện bất bình đẳng, và do đó vô giá tri Ðó không phải là việc làm phù hợp với tình hữu nghị, quan hệ láng giềng tốt giữa hai nước, như nhân dân ta mong muốn.

Có dịp ta nên tiếp cận các sĩ quan quân đội nhân dân, các cựu chiến binh trong nước, từ các tướng Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Thảo để xem ý kiến họ ra sao sau khi biết bao quân nhân Việt Nam đã bỏ mình để bảo vệ lãnh thổ của Tổ Quốc.

Ta cũng nên tạo dư luận rộng rãi kêu gọi dứt khoát không thông qua Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và cả Hiệp định hợp tác nghề cá, vì nó đụng đến sự sống còn, tồn tại và phát triển trước mắt cũng như lâu dài của đất nước.

Rất nên làm cho thanh niên, sinh viên, học sinh, du học sinh cũng như giới sử học, luật học, địa lý, môi trường... và dư luận quốc tế quan tâm đến vấn đề này.

Bùi Tín