Võ Tây Sơn

Qua Sự Nhận Xét Của Một Giáo Sư Kinh Tế Học
Người Hoa Kỳ Gốc Miến Điện.

Cửu Long

DaiViet.org

Trong những năm đầu của thập niên 1970, sinh viên Việt Nam qua du học tại Hoa Kỳ thường hay cho con cái vào đại học Ohio University at Athens vì trường này có thiết lập một văn phòng thường trực tại Saigon mà người cầm đầu là giáo sư Stephenson. Đại học Ohio ở Athens có một giáo sư dạy về môn kinh tế học, tên là Aung Gyi, người Hoa Kỳ gốc Miến Điện. Ông này là con của một chính khách Miến Điện thuộc giới thân cận thủ tướng Miến Điện U NU trong thập niên 40 và 50. Ngoài công việc dạy học về môn kinh tế học, giáo sư Aung Gyi còn mở thêm một võ đường dạy võ Miến Điện cho sinh viên, do ông làm chưởng môn. Ngoài môn quyền cước, giáo sư Aung Gyi còn dạy thêm cho môn sinh xử dụng một số binh khí như kiếm, côn, song đao Miến Điện, và đoản đao, v.v... Sinh viên Việt Nam ghi tên vào học võ đường này khá đông vì thấy ông Aung Gyi đoạt được nhiều giải vô địch quốc tế. Môn sinh Hoa Kỳ thì sinh viên da màu nhiều hơn sinh viên da trắng và rất chịu khó tập dượt. Cứ mỗi một tháng thì chưởng môn chia từng cặp môn sinh tùy theo trình độ rồi cho họ đấu với nhau để cho chưởng môn tiện bề theo dõi trình độ tiến bộ của từng người một. Trong hàng ngũ môn sinh Việt Nam thì có anh Đ.V.H. người dong dõng cao, đô con, cao khoảng 1m70, thích học về cách xử dụng các binh khí, nhất là song đao Miến Điện; còn về môn quyền cước thì thỉnh thoảng anh lại hay vắng mặt, nhất là vào những buổi giao đấu để theo dõi sự tiến bộ của từng môn sinh.

Có một năm, gần nghỉ hè, giáo sư Aung Gyi cho triệu tập toàn thể môn sinh về tụ họp tại võ đường để làm lễ bế mạc khóa huấn luyện. Vì vậy bắt buộc môn sinh nào cũng phải có mặt, nên hôm ấy anh em thấy có mặt anh Đ.V.H. thì ai cũng nhìn anh ta vừa vẫy tay chào vừa cười. Tất cả môn sinh có mặt hôm đó đều tưởng rằng sẽ có tiệc trà bế mạc năm học, không ngờ giáo sư Aung Gyi cho anh em biết hôm nay, trước khi bế mạc, ông ta muốn biết trình độ môn sinh tiến bộ như thế nào nên ông ra lệnh sẽ có cuộc đấu thử sức giữa từng cặp một, do ông chỉ định, và vì thời gian có hạn nên chỉ đấu quyền thôi chứ không đấu binh khí và yêu cầu các môn sinh vào thay võ phục trước khi bắt đầu. Thế rồi từng cặp một bắt đầu giao đấu với nhau để cho chưởng môn cho điểm. Khi khoảng mười cặp đấu với nhau xong thì chưởng môn cho nghỉ giải lao trước khi tiếp tục lại việc khảo nghiệm. Lúc các môn sinh tề tựu đông đủ xong thì giáo sư Aung Gyi đưa tay vẫy một anh sinh viên da đen - một đệ tử "gạo cội" của ông ta ra đứng giữa võ đường - đoạn ông ta đảo mắt nhìn quanh một vòng như có ý tìm tòi và khi ông ta tìm thấy anh Đ.V.H. thì ông vẫy tay gọi anh ấy ra song đấu với anh sinh viên da đen. Trong hàng ngũ môn sinh Việt Nam có tiếng xầm xì với nhau chuyến này anh bạn H. chắc sẽ mềm xương với ông bạn Mỹ kia, có anh bảo là giáo sư Aung Gyi - thấy anh H. hay vắng mặt - trong các buổi luyện quyền - nên ông muốn mượn tay anh sinh viên da đen này để cảnh cáo anh H. đấy thôi.

Thế rồi cuộc song đấu giữa anh sinh viên da đen và anh H. bắt đầu và nhìn lại giáo sư Aung Gyi thì thấy ông có vẻ hể hả lắm, chắc trong thâm tâm ông ta nghĩ rằng thế nào anh H. cũng sẽ bị một trận đòn mềm xương. Toàn võ đường im phăng phắc vì ai cũng để hết tâm trí để theo dõi cuộc đấu. Anh sinh viên da đen thì tấn công tới tấp, còn anh H. thì không chịu trả đòn mà chỉ đỡ đòn hoặc tránh né rất tài tình mà thôi. Cuộc đấu kéo dài đã hơn mười lăm phút rồi mà anh sinh viên da đen cũng vẫn không chiếm được thế thượng phong. Giáo sư Aung Gyi nổi cáu, gọi to tên anh sinh viên da đen, rồi bảo với anh ấy là cứ đánh thực sự chứ đừng nể nang gì cả. Nghe ông Aung Gyi nhắc cho "gà nòi" của ông ta như vậy, anh H. đâm ra nổi cáu, bèn nói với anh sinh viên da đen: "Anh hãy cẩn thận, tôi sắp tấn công đây". Thế rồi anh ta múa quyền loang loáng, xáp lại gần anh sinh viên da đen và đánh cận chiến chứ không giữ khoảng cách như trước nữa. Cuộc đấu trở nên sôi nổi, và nghe anh sinh viên da đen la oai oái liên hồi. Thì ra anh H. đã đánh vào người của anh ta như đánh vào một cái bị cát mà anh ta thì vô phương chống đỡ. Toàn thể võ đường ai cũng ngạc nhiên vô cùng vì anh H. không dùng các thế võ Miến Điện do ông Aung Gyi đã dạy, mà lại biểu diễn một loại võ công riêng biệt của anh ta. Trong lúc ai nấy đều hoang mang, nhất là giáo sư Aung Gyi, thì anh sinh viên da đen vừa cố gắng tháo lui và miệng anh ta vẫn la không ngớt, nhưng anh ta bị anh H. bám riết như hình với bóng, không tách rời ra được. Thấy tình trạng anh sinh viên da đen bí quá, giáo sư Aung Gyi bèn quát to lệnh ngưng đấu. Anh H. nhẹ nhàng nhảy ra giữa đấu trường, cung tay bái tổ, rồi trở về chỗ cũ, nét mặt rất thản nhiên, chả thấy có dấu hiệu gì là mệt nhọc cả. Trong khi đó thì thấy giáo sư Aung Gyi cởi áo choàng ngoài ra, thủng thỉnh bước ra giữa đấu trường, đưa tay vẫy anh H. và bảo anh ta hãy ra dượt với ông vài hiệp. Tuy chưởng môn bảo vậy, nhưng anh H. vẫn cứ thủ lễ, chỉ tránh né và chạy quanh đấu trường làm cho giáo sư Aung Gyi vừa đấu vừa quát to là cho phép anh H. đừng nể nang gì cả. Khi nghe chưởng môn nhắc đi nhắc lại mấy lần như vậy, anh H. mới bắt đầu đấu thực sự. Lần này anh không nhập nội, xáp lại gần và đánh cận chiến như khi anh đấu với anh sinh viên da đen ban nãy mà dùng đôi chân đá vào người giáo sư Aung Gyi nhiều hơn là dùng hai tay; tuy nhiên ai cũng thấy rõ là anh chỉ đá phớt thôi chứ nếu anh đá không nhân nhượng thì ông chưởng môn chắc cũng lâm vào thế "kẹt" không khác gì anh sinh viên da đen. Đấu được một chốc thì anh H. đổi thế đánh, xáp lại gần ông Aung Gyi và dùng cẩm nã đánh vào người ông ta nhanh hết sức nhanh, khiến ông này muốn tránh đòn đành phải lui dần. Khi ông thầy bị dồn gần tới chân tường thì anh H. bổng nhảy ra khỏi cuộc đấu, đoạn cung tay bái tổ, xong cúi đầu chào sư phụ, và rút lui về đứng trong đám môn sinh Việt Nam. Toàn thể môn sinh có mặt tại võ đường hôm ấy, đều nhận thấy - nếu anh H. đấu thật sự, không nể nang sư phụ - thì ông này cũng chung số phận của anh chàng sinh viên da đen rồi.

Sau khi khoát chiếc áo choàng, chưởng môn Aung Gyi tiến về phía đám môn sinh Việt Nam, đoạn đến trước mặt anh H. và tươi cười hỏi anh ta là anh đã xử dụng môn võ gì để đấu với ông, rồi ông thú thật là ông chả nhận ra được nguồn gốc của môn võ đó, vì thế ông ta bứt rứt trong lòng vô cùng, nhất là môn võ đó lại tinh diệu quá cỡ. Đoạn ông yêu cầu anh H. cho ông ta biết xuất xứ của môn võ ấy. Anh H. cung kính trả lời giáo sư Aung Gyi rằng đó là môn võ Tây Sơn của Việt Nam, do vua Quang Trung Nguyễn Huệ dùng để huấn luyện quân đội Việt Nam chống lại quân xâm lược Trung Hoa dưới triều đại Mãn Thanh. Giáo sư Aung Gyi liền hỏi anh H. tại sao anh đã biết võ rồi mà còn ghi tên vào võ đường của tôi làm gì cho mất thời giờ? Anh H. cho biết là vì anh chưa hề bao giờ thấy được con dao Miến Điện nên anh mới ghi tên để học vì con dao Miến Điện không có sống dao mà có hai lưỡi, nên theo anh thì chắc sẽ vô cùng nguy hiểm cho đối thủ khi lâm trận. Giáo sư Aung Gyi làm thinh không nói gì, nhưng nét mặt của ông ta có vẻ rất đăm chiêu, đoạn ông ra lệnh giải tán.

o0o

Mùa hè năm ấy giáo sư Aung Gyi không mở lớp hè dạy môn kinh tế học như thường lệ. Một vài sinh viên hay lui tới nhà ông cho hay là cửa nhà ông đóng kín và hình như ông đã đi nghỉ hè xa. Rồi ba tháng trôi qua, ngày tựu trường ở đại học Ohio ở Athens trở nên rộn rịp và môn sinh võ đường của giáo sư Aung Gyi vô cùng phấn khởi khi thấy ông ta xuất hiện trở lại. Rồi giáo sư Aung Gyi ra lệnh triệu tập các môn sinh đến họp tại nhà ông ngay tối hôm đầu ngày tựu trường. Ông cho anh em biết là ông vừa du hành qua Việt Nam trong ba tháng hè qua, và chuyến đi này vô cùng lý thú đối với ông, nhất là ông đã có dịp tìm hiểu và học hỏi ngay tại chỗ một môn võ học mà ông cho là một trong những môn võ thuật hay nhất hoàn cầu, nhưng rất đáng tiếc là đã bị thất truyền từ lâu. Rồi ông bắt đầu kể cho đám môn sinh Mỹ Việt nghe chuyến đi về thăm Việt Nam của ông ta.

Ba hôm sau ngày tập họp tại võ đường ở Ohio (Athens) thì ông ta mua vé máy bay đi thẳng về Saigon. Tại đây, ông đến tòa đại sứ Hoa Kỳ và ngỏ ý muốn đi tham quan tỉnh Bình Định với mục đích tìm hiểu nguồn gốc môn võ Tây Sơn. Tòa đại sứ Hoa Kỳ gọi điện thọai cho văn phòng Cố vấn tỉnh tại thị xã Qui Nhơn, và yêu cầu tòa cố vấn ráng giúp ông ta trong công việc sưu tầm này. Thế rồi ông mua một chiếc xe môtô kiểu lớn dùng làm phương tiện di chuyển, rồi lên đường ra Qui Nhơn theo quốc lộ số 1. Tại nơi đây, văn phòng cố vấn Hoa Kỳ - nhờ có liên lạc trước với tòa tỉnh trưởng Bình Định - nên giáo sư Aung Gyi được giới thiệu với một thông ngôn người địa phương khá rành tiếng Mỹ, tháp tùng ông ta theo quốc lộ số 19, ngược về hướng Tây, lên quận lỵ Bình Khê. Đến quận đường Bình Khê, giáo sư Aung Gyi và viên thông ngôn được ông thiếu tá quận trưởng tiếp đãi rất nồng hậu và sắp đặt phòng ốc cho hai người ở ngay trong khuôn viên quận đường, vì vấn đề an ninh địa phương. Qua ngày hôm sau, thiếu tá quận trưởng đi xe jeep chạy trước dẫn đường, còn giáo sư Aung Gyi và viên thông ngôn ngồi xe môtô chạy theo sau, để cùng đến nhà của một cụ già khoảng 80 tuổi mà ông quận trưởng giới thiệu là một trong những vị võ sư giỏi võ Tây Sơn nhất trong vùng. Ông cụ tuy niên kỷ đã tám mươi nhưng trông còn khang kiện và quắc thước lắm, và ông tiếp đãi tôi rất là niềm nở, nhất là ông thấy tôi tự giới thiệu con của một nhà cách mạng Miến Điện từng chống thực dân Anh trong những thập niên đầu thế kỷ 20 và cũng đã từng nhiều lần vào tù ra khám khi Miến Điện còn là thuộc địa của Anh quốc - nên ông rất có cảm tình với tôi - và hứa sẽ giúp tôi sưu tầm và học hỏi về võ Tây Sơn trong phạm vi hiểu biết của ông. Ông cụ hứa với tôi vào tối ngày rằm sắp tới, ông ta sẽ tổ chức tại sân nhà của ông một buổi biểu diễn võ Tây Sơn của những võ sinh trong vùng để đánh dấu sự có mặt của một người khách quý từ phương xa đến viếng thăm linh địa Bình Khê, nơi sinh trưởng của vua Quang Trung Nguyễn Huệ.

Thời gian trôi qua rất nhanh; thấm thoát mà đã đến ngày rằm, ngày hẹn đến tư gia của vị lão trượng để xem biểu diễn võ Tây Sơn. Trời vừa sẩm tối, vừng trăng vừa ló dạng ở chân trời, tôi đã hối ông thông ngôn lên xe đến điểm hẹn. Tới nơi thì đã có một số môn sinh của một số võ sư trong vùng tề tựu tại đó rồi, vì theo vị lão trượng - những môn sinh này, già có, trẻ có cũng đều nao nức muốn nhìn mặt tôi, một công dân Hoa Kỳ gốc Miến Điện từ Mỹ sang Việt Nam, để rồi băng đồng chỉ sá lên tận Bình Khê - quê hương của vua Quang Trung - để tìm tòi học hỏi một môn võ thuật do vua Quang Trung truyền cho binh sĩ của ngài để đánh tan 20 vạn quân Thanh trong trận Đống Đa và đuổi chúng chạy về Trung Quốc, không còn manh giáp. Khi trăng lên tới đầu ngọn cây thì vị lão trượng ra lệnh tập họp và các võ sinh đứng bao quanh cái sân dùng để phơi lúa của nhà cụ. Võ sinh nào cũng có mang theo binh khí sở trường của họ, phần lớn là loại võ khí dùng trong trận mạc như gươm, dáo, đao, côn, kiếm, thương. Rồi lão trượng gọi từng người một ra giữa sân biểu diễn hoặc quyền cước hoặc binh khí mà họ mang theo; thỉnh thoảng lại chỉ định từng cặp một ra song đấu để thay đổi không khí. Có hai thứ binh khí mà tôi lưu ý nhất và cũng được vị lão trượng giảng giải tường tận trong khi biểu diễn là "Tề mi côn" và "Song đao" là hai loại khí giới được quân Tây Sơn dùng để phá tan kỵ binh của quân Nhà Thanh, Trung Quốc. "Tề mi côn" là một cái gậy tròn, dài ngắn tùy theo tầm vóc người xử dụng, và khi chống xuống đất, đầu côn phải ngang chân mày của người xử dụng côn. Khi lâm trận mà gặp kỵ binh địch xung phong thì người bộ binh dùng côn của mình để đánh và gạt quân địch ngồi trên mình ngựa rớt xuống đất, đồng thời bảo vệ luôn cho đội quân cầm song đao - đang nằm lăn dưới đất để chặt đứt chân ngựa - khỏi bị kỵ binh địch ngồi trên mình ngựa dùng dáo tấn công. Phải thấy được các võ sinh Bình Khê biểu diễn song đao trong khi họ nằm lăn dưới đất để chặt chân ngựa của địch, mới hiểu được tại sao quân Tây Sơn đại thắng quân Nhà Thanh trong trận Đống Đa, vì họ đã triệt hạ được tiềm lực xung kích mạnh như thế chẻ tre của đoàn kỵ binh Trung Quốc. Và sau khi đánh tan lực lượng kỵ binh địch rồi, thì đội binh cầm song đao đứng lên và dùng võ khí của mình đánh cận chiến xáp la cà như vũ bão để tiêu diệt địch quân. Khi trời đã về khuya và vừng trăng đã lên quá đỉnh đầu, thì vị lão trượng bước thủng thẳng ra giữa sân một mình và dõng dạc bảo các võ sinh cầm võ khí, hãy cùng đồng loạt xông vào tấn công cụ; và trong khi cụ ra lệnh như vậy thì cụ gở chiếc khăn đầu rìu mà cụ thường hay vấn trên đầu xuống làm binh khí. Các võ sinh vâng lệnh cụ, nhất tề xông vào tấn công. Riêng cụ thì như con bươm bướm thoăn thoắt lượn qua lượn lại trong rừng binh khí, dùng chiếc khăn đầu rìu - chỉ trong chốc lát - đã thâu ráo trọi tất cả các võ khí của các võ sinh, đồng thời cụ được anh em hoan hô vang dậy, trong đó có cả ông thông ngôn và tôi nữa.

Tôi lưu lại trong quận lỵ Bình Khê đã gần một tháng và đã dùng chiếc môtô đi thăm rất nhiều danh lam thắng cảnh trong vùng, nhưng chưa có dịp nào thuận tiện để được đấu thử quyền thuật với một vài võ sư thuộc môn phái Tây Sơn. Tôi có ngỏ ý này với vị lão trượng nhưng ông ta chỉ mỉm cười rồi bảo: "Xin ông chớ vội nôn nóng, để rồi tôi sẽ thu xếp sau". Nhưng hình như ông cụ không muốn cho tôi đấu quyền với bất cứ võ sư nào trong quận Bình Khê vì sợ lỡ tôi bị thương trong khi giao đấu, thì sẽ gây phiền phức cho ông thiếu tá quận trưởng. Thấy tôi băn khoăn suốt ngày, ông thông ngôn bèn nghĩ ra một kế là đánh máy một số "Lời Cam Kết" dưới có mang chữ ký của tôi và xác nhận là nếu trong khi đấu võ mà tôi có bị thương thì tôi ráng chịu chớ không đi thưa kiện người đứng ra tỷ võ với tôi. Tôi cất giấy cam kết vào trong bao hành lý mang sau lưng, rồi chở ông thông ngôn lên đường du ngoạn. Chạy trên quốc lộ 19 hướng về thị xã Kontum độ chừng 20 cây số, chúng tôi dừng xe gần bên cái lô cốt của anh em dân vệ trong làng, phụ trách gìn giữ an ninh cho đoạn đường này. Tình cờ lại gặp được một anh dân vệ có tham dự buổi họp mặt tại nhà vị lão trượng đêm rằm vừa qua, nên anh này mừng quá bèn mời hai chúng tôi vào trong lô cốt, và giới thiệu chúng tôi với hai người cùng gác lô cốt với anh ta: một người trẻ khoảng 30 tuổi và một người trung niên khoảng ngoài năm mươi. Họ hỏi tôi từ Hoa Kỳ qua Việt Nam có mục đích gì? Tôi trả lời họ là qua đây có hai mục đích: một là ngắm xem phong cảnh Việt Nam thường được du khách ngoại quốc đề cao và hai là tìm hiểu về nguồn gốc nền võ thuật Tây Sơn - tuy đã bị thất truyền từ khi thực dân Pháp đô hộ xứ này - nhưng vẫn còn âm thầm hoạt động trong quần chúng cho đến ngày nay. Tôi cũng cho họ biết là điều mong ước của riêng tôi trước khi rời Việt Nam để trở lại Hoa Kỳ là muốn được giao đấu về quyền thuật với một vài võ sư thuộc môn phái Tây Sơn để có dịp so sánh trình độ võ thuật Miến Điện đối với võ thuật Tây Sơn mà tôi vừa được thấy biểu diễn trong đêm rằm vừa qua tại sân nhà của vị lão trượng, gần quận đường Bình Khê. Nghe tôi nói như vậy, anh bạn trẻ - người mời chúng tôi vào chơi trong lô cốt - bèn hướng mặt về phía người trung niên và nói là nếu ông muốn tìm một người biết võ Tây Sơn để ấn chứng võ thuật Miến Điện thì tôi xin giới thiệu với ông người bạn đang ngồi trước mặt chúng ta đây. Tiếp lời anh bạn trẻ, ông thông ngôn cho biết là vị giáo sư Hoa Kỳ - mà tôi tháp tùng trong cuộc du hành này - đã có làm sẵn giấy cam kết bảo đảm cho người tỷ đấu với ông ta khỏi gặp khó khăn khi ông ta không may mà bị thương. Anh vừa nói vừa đút tay vào túi hành trang của tôi lấy ra xấp giấy cam kết và rút một tờ trao cho anh bạn trẻ. Ba người trong lô cốt xúm nhau lại đọc tờ cam kết; khi đọc xong thì họ có vẻ yên chí, đoạn xếp tờ cam kết làm tư rồi bỏ vào túi áo. Anh bạn trẻ cũng cho biết là về đêm thì trong lô cốt có 7 người, nhưng ban ngày thì có 4 người xin về làm ruộng, nên hôm nay chỉ có ba người trong lô cốt là vậy đó; đồng thời anh ta để lại một người để giữ lô cốt, còn anh ta và người trung niên thì đi theo hai chúng tôi xuống thung lũng dưới chân lô cốt để tỷ võ. Thung lũng này có một con rạch chảy lượn theo sườn núi và có một cây cầu gỗ bắc ngang qua, dài độ hơn mười thước. Tôi bèn chọn cây cầu này làm nơi tỷ võ và người trung niên cũng đồng ý. Thế là cuộc tỷ thí bắt đầu. Giáo sư Aung Gyi cũng cho chúng tôi biết là ông không thể đi vào chi tiết của trận đấu vì sợ mất thời giờ, và ông chỉ nhấn mạnh ở điểm là anh dân vệ trung niên - trong cuộc đấu gần nửa tiếng đồng hồ - thực ra chỉ muốn ấn chứng trình độ võ thuật của ông ta mà thôi, nhưng khi anh ta bắt đầu tấn công thật sự ông ta, thì chỉ trong vài phút là đã đá bay ông Aung Gyi xuống dưới rạch rồi. May mà gặp mùa hè, rạch này nước cạn còn độ nửa thước nên ông ta chỉ bị ướt sủng quần áo mà thôi. Rồi giáo sư Aung Gyi nói tiếp: "Trong cuộc đời võ nghiệp của tôi, đây là lần đầu tiên tôi bị hạ một cách nặng nề như vậy, nhưng tôi không lấy đó làm buồn vì võ Miến Điện của tôi làm sao có thể so sánh được với võ thuật Tây Sơn! Cũng may là đi đâu tôi cũng mang theo cái túi đựng quần áo, nhờ vậy mới có áo quần khô để thay trước khi trở về quận đường, nên ông quận trưởng không hay biết gì về việc tôi tỷ võ với anh dân vệ trung niên trong lô cốt và đã bị anh ta đá văng xuống dưới rạch. Sau vụ tỷ võ này, ngày ngày tôi thường hay đến nhà vị lão trượng để nhờ ông cụ chỉ vẽ thêm về võ công và nghe cụ kể chuyện về võ thuật Tây Sơn. Trước khi rời Việt Nam để trở lại Hoa Kỳ, và theo lời yêu cầu của tôi nhờ cụ giới thiệu cho tôi được tỷ đấu với một môn sinh của cụ hầu giúp tôi biết được trình độ võ thuật của tôi tới mức nào, cụ lão trượng vì nể tôi quá nên mới giới thiệu tôi với một vị võ sư có tiếng tăm trong quận Bình Khê, và cuộc tỷ võ được thu xếp vào một đêm trăng tròn như lần trước tại sau vườn nhà của ông cụ để tránh những con mắt tò mò của hàng xóm nếu cuộc tỷ võ được tổ chức ngay ở sân dùng để phơi lúa trước nhà. Trong đêm tỷ võ, trước khi vị võ sư được vị lão trượng chỉ định đến, thì ông cụ có kêu riêng tôi ra dặn là ông bạn sắp tỷ võ với tôi rất lợi hại về cú đá liên hoàn và cụ ân cần căn dặn tôi là phải cẩn thận lưu tâm. Khi vừng trăng vừa lên khỏi đỉnh đầu thì vị võ sư được chỉ định đến và cuộc giao đấu bắt đầu ngay sau đó. Hai chúng tôi đều đi chân đất và cao bằng nhau, nhưng tôi có vẻ đô con hơn vị võ sư kia, nhưng về nhanh nhẹn thì tôi kém hơn ông ta. Sau khi quần thảo độ nửa cây nhang như để xem trình độ võ thuật Miến Điện của tôi như thế nào, rồi bổng nhiên ông ta thay đổi lối đánh, loan quyền thật nhanh làm cho tôi hoa mắt, rồi phóng cước đá qua đầu tôi, tôi tránh được cước đầu thì cước thứ hai đến ngay giữa trán, ngọn cước tuy nhẹ nhưng cũng làm cho tôi bị thương và ngay trong lúc đó vị lão trượng nhảy ngay vào giữa hai chúng tôi và cụ quát to như thế là đủ rồi. Ông bạn võ sư chạy đến ôm tôi, xin lỗi rối rít; còn tôi thì khoát tay và khen ông ta có cú đá tuyệt vời, ít người sánh kịp. Rồi chúng tôi kéo nhau vào nhà ông cụ để trò chuyện, còn ông cụ thì lật đật đi lấy thuốc gia truyền để rịt vết thương trên trán tôi - rồi giáo sư Aung Gyi lấy tay chỉ cho các môn sinh thấy vết thương nơi trán của ông - mà hiện nay vẫn còn vết đỏ. Ba tháng hè qua Việt Nam cho tôi có dịp được thăm viếng nơi chôn nhau cắt rốn của Vua Quang Trung, học hỏi được nhiều cái hay cái lạ của võ thuật Tây Sơn do đức Vua truyền lại, được dịp tỷ võ hai lần với môn sinh võ này và đều bị thua cả hai lần nhưng tuy thua mà tôi vẫn hãnh diện vì võ Tây Sơn là một môn võ thuật huyền diệu nhất đời nay, ít có môn võ nào sánh kịp ". Và sau đó, giáo sư Aung Gyi ra hiệu cho các môn sinh giải tán.

o0o

Dưới thời Pháp thuộc, võ thuật Tây Sơn bị chính quyền thực dân tuyệt đối cấm chỉ rất ngặt nghèo và bất cứ ai, nếu còn lén lút truyền dạy môn võ này sẽ bị bỏ tù, không có ngày về. Tuy nhiên vẫn có một số võ sư có đầu óc cách mạng chống thực dân, vẫn lén lút thâu nhận môn sinh và mở võ đường lưu động trong các khu vườn vô chủ rộng lớn hoặc ở tại những khu đất hoang có cây cối um tùm, ngay dưới rìa các chân núi. Cũng nhờ vậy mà trong dân gian môn võ này mới còn được lưu truyền cho đến ngày nay, dưới tên "võ Bình Định" thay vì giữ tên cũ là "võ Tây Sơn".

Trong những bộ môn bị thất truyền của võ Tây Sơn, có môn đánh trống do chính vua Quang Trung truyền dạy đầu tiên cho đám thị vệ đi theo hầu cận Ngài. Đánh trống đây không phải như ta đánh trống thường như ở các đình chùa lúc tế lễ hay cúng quảy; mà là đánh trống để luyện nội công cho cơ thể dẻo dai và không phải chỉ đánh một cái trống mà phải tập đánh cho được mười hai cái trống để vòng tròn xung quanh mình và đường kính của vòng tròn dài hay ngắn tùy theo trình độ võ thuật của người đánh trống. Điều đặc biệt là khi đánh trống không cần cầm dùi như mọi người thường mà chỉ dùng đầu, bàn tay, cùi chỏ, bàn chân, gót chân, đầu gối cả bên mặt lẫn bên trái trong khi đó người đánh trống chạy quanh trong vòng tròn này như con vụ và tiếng trống gióng lên liên hồi, nhịp nhàng như một khúc nhạc hòa tấu; - và theo các bô lão ngày xưa kể lại - tiếng trống nghe xa hàng dặm đường như thúc giục những người trai của đất nước hãy cùng nhau lên đường, hiệp lực chống xâm lăng. Môn võ thuật đánh trống để luyện công sau này thất truyền vì phần bị thực dân Pháp cấm ngặt, phần thì đòi hỏi phải có trình độ võ thuật thật cao mới luyện được, nên không còn ai nối được nghiệp của cha ông. Theo các cụ già kể lại, thì nghe trong dân gian đồn rằng chỉ có hoà thượng chùa Từ Vân trong tỉnh Bình Định là còn đánh được trống luyện công của vua Quang Trung, nhưng chỉ đánh được mười chiếc trống thôi chứ không đánh được mười hai cái trống như khi Ngài truyền dạy cho đội thị vệ của Ngài cách đây hơn hai trăm năm. Nhưng ngài Hòa Thượng chùa Từ Vân cũng đã qua đời từ lâu rồi và rất có thể ngài là người cuối cùng xử dụng được môn võ luyện công huyền diệu này!

Cửu Long