Nào còn ai nhớ hát Dô?

Đỗ Quốc Bảo

Saigonnet
 

"Nếu tôi chết đi thì liệu còn ai có thể hiểu tường tận hát Dô được nữa!?". Đó là nỗi lo của ông Nguyễn Tiến Kiên. Ông chính là người con của quê hương hội hát Dô (xã Liệp Tuyết, Quốc Oai, Hà Tây). Hát Dô thuộc loại dân ca tế thần nhưng lời ca, diễn xướng được phát triển, không khô cứng và bó hẹp trong một nội dung. Hát Dô đề cập cuộc sống muôn màu, đến thiên nhiên, sinh hoạt của cộng đồng dân cư... Lời ca của hát Dô thì được ghi bằng văn bản nhưng làn điệu thì được truyền miệng qua nhiều đời. Đó cũng là nét độc đáo của hát Dô. Hội hát Dô diễn ra từ ngày 10 đến ngày 15 tháng Giêng. Người tham gia hội hát phải là trai chưa vợ gái chưa chồng đang độ tuổi 16-17.

Phía Nam (gọi là cái hát) gồm 2 hoặc 4 người, vận áo the, quần lụa, đội khăn xếp. Vào cuộc, cái hát cầm sênh (nhạc cụ đẽo từ gỗ lim, tiếng kêu to, chắc) để gõ nhịp, tương tự như lĩnh xướng trong loại hình ca hát hiện đại.

Phía nữ (gọi là con hát hay bạn nàng) thì không hạn chế, càng đông người càng vui, tuổi nhỏ cũng có thể tham gia nếu biết hát. Con hát mặc áo mớ ba, vận váy thâm, đi dép cong, tay cầm quạt, vai kia đeo túi màu đỏ thêu hình múi cam. Các thành viên, đặc biệt là con hát phải mặc đẹp nhất, tốt nhất cho ngày hội. Phương ngôn xứ Đoài có câu "Bán ruộng để may quần áo" nghĩa là như thế, chứ không phải là để ăn chơi lạc điệu như một số người từng hiểu.

Vào cuộc hát, tất cả hội hát đi theo hình chữ chi tiến vào khu vực tổ chức hội hát. Cái hát gõ sênh, bạn hàng bỏ dép bước vào chiếu, xoè quạt múa hoạ cho lời cái hát.

Bước chân vào đàm văn xưa
Tứ bề lẳng lặng tôi thưa nhời này
Bạn nàng tôi hát vào đây
Long vân tế hội, nước mây tình cờ.
Chuồn chuồn mắc phải nhện tơ
Buồm xuôi chiều gió, qua đưa buồm về

Hay là:

Thánh về dự đám Tản câu
Thánh vâng đồng chạ sống lâu sang giàu
Thánh về hiến tửu hiến giàu
Thánh vâng đồng chạ bạc đầu như tơ.

Năm 1968-1969, ông Nguyễn Tiến Kiên học nhạc ở khoa Nghệ thuật quần chúng Trường Nghệ thuật Quân đội Mai Dịch. Những năm từ 1970 đến 1974, là nhạc công Đội Tuyên truyền văn hóa, Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu cần. Từ 1974 đến 1978 là nhạc công Đoàn Văn công Tổng cục Hậu cần. Từ 1978 đến 1990 là cán bộ phụ trách nghệ thuật quần chúng, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quốc Oai. Sau đó, ông về nghỉ hưu tại quê nhà.

Ông Kiên học hát Dô từ cụ Thông (đã mất 1996) ở xã Tuyết Nghĩa, sau chính ông trở thành người dạy hát Dô cho lớp trẻ và hiện nay là người duy nhất. Nhờ được đào tạo bài bản, Nguyễn Tiến Kiên không chỉ tiếp thu vốn nghề từ các nghệ nhân cao tuổi mà còn áp dụng những gì học được ở nhà trường vào việc dạy hát Dô cho lớp trẻ và lưu giữ, bảo tồn vốn quý về văn nghệ dân gian. Ông tâm niệm dù thế nào cũng phải giữ lấy nghệ thuật hát Dô, chỉ mong các cấp, các ngành và địa phương ủng hộ, có kế hoạch cụ thể để bảo tồn và phát huy vốn cổ dân tộc.

Ông Kiên hy vọng rằng hát Dô sẽ được lưu truyền nhờ sự say mê ca hát của các nghệ sĩ dân gian và những nông dân yêu văn nghệ. Các nghệ sĩ cao niên vẫn còn nguyên cái khát khao truyền nghề cho con cháu. Một thế hệ mới các trai thanh gái lịch đã nhận lấy trọng trách do lớp trước để lại. Nguyễn Thị Thu (Bái Nội), Nguyễn Tiến Nhật (Đại Phu), Phí Thị Sáng (Bái Nội)... đều đang ở tuổi 20 là những gương mặt nghệ sĩ trẻ đầy triển vọng.

Đỗ Quốc Bảo (ĐTNVN)