NỀN TẢNG VĂN HÓA VIỆT NAM

Phạm Hy Sơn


Người Việt chúng ta dạt dào tình cảm, từ tình yêu nước thương nòi, yêu quê hương, thương yêu cha mẹ anh chị em đến bạn bè, làng xóm. Tình cảm làm con người mơ mộng, dễ xúc động trước cảnh, trước người.

Thêm nữa tiếng Việt âm thanh trầm bổng tự nhiên nên khi chúng ta nói giọng cao, giọng thấp của các âm mang dấu sắc, dấu huyền, dấu hỏi, dấu ngã, dấu nặng nghe tựa như một bản nhạc hay một bài thơ rồi.

Sách cổ Tàu ghi người Việt nói líu lo như chim hót. Mới đây khi tôi vào mua đồ sửa chữa xe (part), người bán hàng cho biết ông ta đã sống ở Việt Nam mấy năm và nhận xét khi chúng ta nói chuyện âm điệu lên lên, xuống xuống nghe như nghe một bản nhạc.

Vì thế tổ tiên chúng ta đã để lại một kho tàng văn chương đồ sộ là tục ngữ, ca dao ghi lại mọi khía cạnh của đời sống từ tình yêu man - nữ đến tôn giáo, trời đất, phong tục tập quán, quan niệm về sự sống, sự chết, cách trồng tỉa, thời vụ....

Hai tập Tục Ngữ Phong Giao của Ông Nguyễn văn Ngọc được sưu tập vào năm 1928 gồm hơn 6.500 câu tục ngữ, hơn 850 bài ca dao và 366 bài thơ đố.

Sau này Ông Trọng Toàn trong hai tập Hương Hoa Đất Nước do nhà Xuất bản Bốn Phương in năm 1956 thu tìm được 2.077 bài gồm từ hai đến mười câu thơ. Không biết những câu phương ngôn của các địa phương xa xôi đã được ghi nhận hết chưa. Trong hơn hai ngàn bài ca dao Ông Trọng Toàn ghi nhận, tính trung bình mỗi bài có 5 câu thơ thì chúng ta có hơn mười ngàn câu (2.077 x 5 =10.385).

Điều đó chứng tỏ chúng ta có một nền văn học rất phong phú, rất sớm, cách đây nhiều ngàn năm, không thua người Trung Hoa về thời điểm và có thể cả về số lượng vì khi Khổng Tử soạn kinh Thi đã chỉ chọn được hơn ba trăm trong số những bài ca dao từ thời thượng cổ đến đời vua Bình Vương nhà Chu để dạy người Trung Hoa.

Ông Phan Khôi trong bài khảo luận về Tục ngữ Phong giao đăng trên báo Tao Đàn ngày 1-08-1939 cho rằng: "Trong hạng phong giao tả tình Việt Nam, những câu nói về trai gái hay vợ chồng chiếm một phần lớn chẳng khác trong Quốc Phong của Kinh Thi bên Tàu.... Chưa nói đến cái hay chỉ nói đến cái nhiều cũng đủ thấy chỗ đặc sắc của phong giao xứ ta.... Sau một hồi nghiên cứu về Tục Ngữ Phong Giao, tôi thấy ra nó có cái địa vị trong văn học vững vàng mà rực rỡ lắm."

Tại sao dân tộc chúng ta sáng tác nhiều thơ văn đến thế?

Trước hết phải nói người Việt là một dân tộc chuộng thơ văn. Câu nói "mỗi người Việt Nam là một thi sĩ" không có gì quá đáng vì người Việt sống bằng tình cảm, dạt dào tình cảm, tâm hồn dễ rung động lại sống trong một đất nước xinh đẹp, núi cao, sông rộng, biển cả mênh mông, cỏ cây bốn mùa xanh tốt, con người hiền hòa dễ mến.

Trước cảnh ấy, người ấy, tất tức cảnh thành thơ:

Trúc xinh trúc mọc đầu đình,
Em xinh em đứng một mình  cũng xinh.
Trúc xinh trúc mọc bờ ao,
Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh.

Đây là cảnh đẹp trên đường vào xứ Nghệ:

Đường vô xứ Nghệ quanh quanh,
Non xanh, nước biếc như tranh họa đồ.
Ai vô xứ Nghệ thì vô!

Đứng trước cảnh núi cao, sông dài,  biển rộng,  con người bâng khuâng tự hỏi:

Núi kia ai đắp mà cao,
Sông kia, biển nọ ai đào mà sâu!

Ngày nay chúng ta thường hiểu Ca Dao là một thể thơ bình dân, nhưng nguyên thủy ca có nghĩa là hát dao bài hát ngắn. Vậy từ ngàn xưa trải dài qua cuộc sống dân tộc chúng ta mặc nhiên là ca sĩ trước khi trở thành thi sĩ mà không ai để ý.

Điều đó dễ hiểu vì ngôn ngữ của chúng ta quá dồi dào âm điệu, nói ra tiếng là đã thành như ca hát. Tiếng Việt rất phong phú về âm, chúng ta có khoảng 15.000 âm do sự biến hóa của các dấu kể trên với 12 nguyên âm i, o, a... và các nguyên âm kép như oa, oe, iu.... So với Trung Hoa, tiếng Bắc Kinh (Quan Thoại) chỉ có khoảng 1.300 âm - chưa bằng 1/10 Việt Nam; với Nhật số âm còn ít hơn, khoảng 120 âm (Tài liệu lấy từ Tiếng Việt Mến Yêu của Ông Đỗ thông Minh đăng trong Tập San Lê Hoa số Xuân 2006, trang 116).

So số vần trong 8 câu thơ Lục bát của ta với 8 câu thơ luật Đường của Trung Hoa thì số vần gấp hơn 2 lần (11 đối với 5):

    (Chữ Vần)

Làm trai nết đủ trăm đường
Trước tiên điều hiếu, đạo thường xưa nay.
Công cha, đức mẹ cao dày,
Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ.
Nuôi con khó nhọc đến giờ,
Trưởng thành, con phải biết thờ hai thân.
Thức khuya, dậy sớm chuyên cần,
Quạt nồng ấp lạnh giữ phần đạo con.

: đường
: thường, nay
: dày
: ngày, thơ
: giờ
: thờ, thân
: cần
: phần

Ca Dao                         Cộng.  

: 11 vần

 

Đưa Cho Vợ

  (Chữ Vần)

Quanh năm buôn bán  ở ven sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lăn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên, hai nợ âu đành phận,
Năm nắng, mười mưa chẳng quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không.

: sông
: chồng

: đông

: công

: không

Trần Tế Xương                    Cộng.  

: 5 vần

Có lẽ vì số âm ít nên Trung Hoa và nhiều nước khác không có thể thơ có vần ở giữa (yêu vận) như loại thơ Tám Sáu (Lục Bát) của ta.

Nhờ âm, điệu dồi dào nói không đã thành thơ, thành nhạc thì việc làm một vài câu thơ tả tình, tả cảnh hay nói về phong tục tập quán (tục ngữ) hoặc những lời khuyên dạy con cháu (châm ngôn) không khó nên từ xa xưa, trước khi có học hành chữ nghĩa, người Việt đã sáng tác rất nhiều câu thơ chúng ta gọi là ca dao. Vì là những bài "thơ" ngắn có vần, điệu êm tai, dễ nhớ nên được phổ biến rộng rãi  và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Bất cứ người Việt Nam nào, dù là người nông dân không bao giờ cắp sách tới trường, cũng thuộc ít nhiều những câu tục ngữ, ca dao liên quan tới cuộc sống hàng ngày về phong tục tập quán, cách cày cấy, thời tiết...  như:

- Cơn (mưa) đàng đông vừa trông vừa chạy.

- Tháng Chạp thì mắc trồng khoai,
  Tháng Giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà....

- Lạy trời mưa xuống,
  Lấy nước tôi uống,
  Lấy ruộng tôi cày,
  Lấy bát cơm đầy,
  Lấy rơm đun bếp.

- Ai ơi chớ lấy học trò,
  Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm.

Người bình dân từ thuộc ca dao đi đến việc dễ dàng sáng tác những câu ca dao.

Vì vậy phần lớn ý của ca dao đơn giản, bình dị; cách gieo vần cũng thế nên có người nói ca dao giống vè nhiều hơn thơ:

- Tin bợm mất bò,
  Tin bạn mất vợ, nằm co một mình.

- Tay mang túi bạc kè kè,
  Nói quấy nói quá cũng nghe ầm ầm.

Tuy nhiên có những bài ca dao rất hay cả về ý lẫn lời như bài dưới đây :

- Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà, hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em đã có chồng anh tiếc lắm thay!

- Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh không hỏi những ngày còn không!
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra!

Đó là tâm tình của đôi trai gái ở sát nhà nhau, biết nhau từ nhỏ, lớn lên "tình trong như đã mặt ngoài còn e". Rồi chàng phải lên đường tòng chinh hay vì nhà nghèo phải đi xa làm thuê làm mướn, khi trở về thì:

Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
(Nguyễn Du)

Ôm mối thất tình  chàng buồn rười rượi. Thế rồi một hôm nàng được phép chồng về thăm cha mẹ. Nghe giọng ai quen mà nhìn không thấy mặt vì hai nhà cách nhau bờ giậu. Lòng chàng bồn chồn đứng ngồi không yên hết leo lên cây bưởi ngó sang, lại xuống vườn cà sát bờ rào giả hái nụ tầm xuân (hoa hồng dại) để mong thấy mặt nói lời than thở. Hai câu chót  dùng vần trắc (biếc, tiếc) diễn tả nỗi lòng đau khổ:

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em đã có chồng anh tiếc lắm thay!

Và nàng cũng vậy, sau khi trách chàng sao không dạm hỏi trước khi ra đi, đã tỏ rõ nỗi lòng nuối tiếc không cùng vì ván đã đóng thuyền mất rồi! Còn nền luân lý khắt khe, còn danh phận phải giữ gìn, không thể làm gì hơn. Nàng cũng dùng vần trắc (gỡ, thuở) ở hai câu cuối để bày tỏ lòng mình:

Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra!

Mấy câu ca dao sau đây nói lên nỗi buồn cô quạnh, mênh mang của con người:

Đêm qua ra đứng bờ ao,
Trông cá, cá lặn trông sao, sao mờ,
Buồn trông con nhện giăng tơ,
Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối ai!

Thiết tưởng những thi sĩ tài danh như Nguyễn Du, Tản Đà, Nguyễn Bính, Bàng Bá Lân... chưa chắc đã làm được nhưng câu thơ hay hơn.

Chúng ta so sánh mấy giòng thơ sau đây với bài thơ Thề Non Nước của thi sĩ Tản Đà. Cả hai đều nói lên lòng chung thủy đợi chờ xem bài nào cô đọng hơn, xúc động hơn:

Đêm đêm tưởng giải Ngân Hà,
Bóng sao Tinh Đẩu đã ba năm tròn.
Đá mòn nhưng dạ không mòn,
Tào khê nước chảy, lòng còn trơ trơ.
Ca Dao

 

Thề Non Nước

Nước non nặng một lời thề,
Nước đi đi mãi không về cùng non .
Nhớ lời nguyện nước thề non,
Nước đi chưa lại non còn đứng không.
Non cao những ngóng cùng trông,
Suối khô giòng lệ chờ mong tháng ngày.
Xương mai một nắm hao gầy,
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương....
Tản Đà

Lối hát Quan Họ Bắc Ninh, hát Ví hay hát Đối của đồng bào dân quê miền Bắc, Hát Trống Quân vào đêm Trung Thu, Hò kéo gỗ, Hò giã gạo, Hò miền Nam, Hát Ru v.v. hầu hết dùng thể thơ  Sáu Tám cả.

Nhưng nói đến thơ bình dân mà không nói đến vè là một thiếu xót. Vè là loại bình dân nhất, dễ làm nhất  thường dùng để chế nhạo, trêu cợt:

Nghe vẻ nghe ve,
Nghe vè xóm Cả,
Họp hành cãi vã,
Như đám mổ bò,
Việc làng không lo,
Khấu đầu nộp vạ....

Về sau, người ta dùng hai câu thơ bảy chữ  có vần trắc cộng với thể thơ Sáu Tám thành thơ Song Thất Lục Bát sở trường diễn tả sự  buồn phiền, ai oán trong Bần Nữ Thán, Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc (có người cho rằng 2 câu thơ 7 chữ do biến thể từ thơ Đường luật, sau khi đọc kỹ ca dao tôi thấy không đúng. Lối gieo vần trắc ở giữa đã có rất nhiều trong ca dao, thí dụ vắn tắt như bài Trèo Lên Cây Bưởi Hái Hoa ở trên).             

Có thể nói nền văn hoá Việt Nam không bị biến hoá hay đứt đoạn nhờ những bài hát hay những vần thơ bình dân. Tổ tiên chúng ta khởi công xây dựng văn hoá bằng những câu nói đơn sơ nhưng có vần có điệu như: "Cầu được, ước thấy.",  "Ăn trông nồi, ngồi trông hướng.",  "Mất bò, mới lo làm chuồng."

Từ  đó tiến tới loại thơ gần với thơ Sáu Tám. Chúng ta lần lượt đọc những câu sau đây để hiểu rõ hơn sự tiến triển của ca dao Việt Nam:

- Đãi cứt sáo lấy hạt đa,
  Đãi cứt gà lấy tấm.                      

Hay:

-Nắng sớm thì đi trồng cà,
Mưa sớm ở nhà phơi thóc.

- Cố đấm ăn xôi,
Đấm thì vô hồi, xôi chẳng được ăn.

- Mặt nạc đóm dày,
Mo nang trôi sấp biết ngày nào khôn.

- Ba vợ, bảy nàng hầu,
Đêm nằm chuồng trâu, gối đầu bằng chổi!

Tới thể Sáu Tám là thể thơ hoàn chỉnh nhất, không những được giới bình dân sử dụng mà cả những người có học nơi cửa Khổng Sân Trình không những dùng để sáng tác tiểu thuyết dài bằng thơ mà còn dùng để viết sử nữa như Nguyễn huy Tự, Nguyễn Thiện với truyện Hoa Tiên, Nguyễn Du với Truyện Kiều, Nguyễn đình Chiểu với Lục Vân Tiên, Phạm đình Toái và Lê Ngô Cát  với Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca  v.v..

Ngày xưa nhà Nho thi cử phải thông thạo Phú Lục, Văn sách là những loại văn thơ của Tàu, không học văn thơ Việt Nam nên loại thơ chính thức các cụ hay làm là thơ Đường (loại thơ bảy chữ tám câu).

Nhưng nếu tổng cộng tất cả thơ được các cụ sáng tác bằng chữ Nho chưa chắc bằng số thơ các cụ sáng tác bằng chữ ta (nôm) qua thể  Sáu Tám.

Điều đó giải thích tại sao chúng ta không bị Tàu hóa và nêu rõ địa vị quan trọng của tục ngữ ca dao trong nền Văn Hóa Việt Nam.

Đó mới chỉ là xét qua theo hình thức, xét phần nội dung tức những tư tưởng, tình cảm, phong tục, tập quán chứa đựng trong những câu nói, câu thơ bình dân kể trên mới là phần quan trọng. Sau đây là những điểm chính:

- Tín ngưỡng: Tín ngưỡng tức niềm tin tôn giáo. Người Việt Nam xưa đã có tôn giáo, đó là Đạo Trời trước khi các đạo Phật, Lão, Khổng, Thiên Chúa tới truyền bá.

Người Việt tin Ông Trời là đấng tối cao tạo dựng vạn vật, có toàn quyền năng mà mỗi khi cần xin điều gì, người ta vái lạy:

Lạy Trời mưa xuống,
Lấy nước tôi uống,
Lấy ruộng tôi cày,
Lấy bát cơm đầy,
Lấy rơm đun bếp.

Đối với những kẻ độc ác, bất nhân người ta tin sẽ khó lòng thoát khỏi bị Trời trừng phạt với câu:  "Lưới Trời lồng lộng.",  "Trời có mắt." hoặc "Không có Trời ai ở được với ai." hay:

- Đừng cậy khoẻ, chớ cậy giàu,
Trời kia còn ở trên đầu, còn kinh.

- Của Trời, Trời lại lấy đi,
Giương hai mắt ếch làm chi được Trời!

Nên người ta phải ăn ở hiền lành, có nhân, có nghĩa:

- Làm ơn ắt hẳn nên ơn,
Trời nào phụ kẻ có nhơn bao giờ .

Do đó người ta tin tưởng vào Đạo Trời:

- Dù ai nói ngược, nói xuôi,
Ta đây vẫn giữ Đạo Trời khăng khăng.

Đạo Trời là đạo tự nhiên như ăn ngay ở lành, hoà thuận, thương yêu. Ông Trời đối với người Việt rất gần gũi và thân yêu, không cầu kỳ cao xa như Ngọc Hoàng Thượng Đế của người Trung Hoa, Thiên Chúa đáng sợ đáng kính của người Do Thái trong Kinh Cựu Ước.

Câu truyện cổ kể ngày xưa Trời ở sát với người nhưng anh chàng kia được vợ dặn ở nhà trông cái váy phơi  trên cây sào. Anh chàng quên không để ý, đến lúc nhớ ra thì cái váy đã bị gió thổi bay mất. Chàng ta không biết thế lại nghi là trời ăn cắp nên lấy cây sào đâm trời, trời giận mới bay lên cao như bây giờ.

Hình ảnh Ông Trời đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt Nam nên hơi một tí là người ta kêu Trời. Vui cũng kêu Trời, buồn cũng kêu Trời: "Trời ơi vui quá!", "Trời ơi sao tôi khổ quá!"

Đạo Phật đã hiện diện ở Việt Nam hơn 2 ngàn năm nhưng không xóa được hình ảnh Ông Trời trong đầu óc họ, trái lại người ta vẫn thường nói: "Nhờ Trời, nhờ Phật". Được như vậy là vì Ông Trời trong Đạo Trời của Việt Nam là đấng thiêng liêng, có toàn quyền năng, đấng tạo dựng vạn vật mà đạo Công Giáo gọi là Thiên Chúa, Đạo Hồi gọi là đấng A-Lát, người Trung Hoa gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế. Tất cả, dù cách diễn tả có đôi chút khác, nhưng đều thờ một đấng tối cao mà thôi (Trong kinh sách xưa của đạo Công Giáo, những nhà truyền giáo Âu Châu cũng kêu Thiên Chúa là Đức Chúa Trời).

- Nhân sinh quan: Cũng như tư tưởng của Lão Trang du nhập về sau, người Việt Nam đã sớm nhận ra cuộc đời ngắn ngủi như hoa sớm nở, tối tàn:

- Người đời khác nữa là hoa,
Sớm còn, tối mất, nở  ra lại tàn.

Tuy cuộc đời ngắn ngủi, phi lý nhưng người Việt chúng ta quan niệm đã sống thì sống cho có ý nghĩa, đừng phí phạm tháng ngày:

- Đời người được mấy gang tay,
Ai hay ngủ ngày, chỉ được nửa gang .

Và đã sống thì phải sống sao cho hào hùng, sống sao có ích cho đời :

- Làm trai cho đáng nên trai,
Xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài tan.

Ngoài ra tục ngữ, ca dao còn đề cập đến nhiều vấn đề như giáo dục, tâm lý người đời, phong tục, tập quán, thời tiết, nông vụ...:

Giáo dục:

- Cá không ăn muối cá ươn,
Con không nghe lời cha mẹ trăm đường con hư.

- Dạy con, con chẳng nghe lời,
Con nghe ông hểnh đi đời nhà con.

- Ăn trông nồi, ngồi trông hướng.  

Lòng hiếu thảo:

- Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

- Công cha đức mẹ cao dày,
Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ.
Nuôi con khó nhọc đến giờ,
Trưởng thành con phải biết thờ hai thân. 

Thời tiết:

- Ngày tháng 10 chưa cười đã tối.

- Mồng chín tháng Chín không mưa,
Mẹ con bán cả cày bừa mà ăn.
Mồng chín tháng Chín có mưa,
Mẹ con đi sớm về trưa mặc lòng.

Thời vụ:

- Tháng Chạp là tiết trồng khoai,
Tháng Giêng trồng đậu, tháng Hai trồng cà.
Tháng Ba cày bở ruộng ra,
Tháng Tư gieo mạ thuận hoà nơi nơi....

- Tháng Giêng là tháng ăn chơi,
Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà....

Phong tục, tập quán:

- Tháng Giêng ăn tết ở nhà,
Tháng hai cờ bạc, tháng Ba hội hè.
Tháng Tư đong đậu nấu chè,
Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng năm....

- Phép vua thua lệ làng.

- Chồng cô, vợ cậu, chồng dì,
Trong ba người ấy chết thì  không tang.

- Lạy cha ba lạy, một quì,
Lạy mẹ bốn lạy con đi lấy chồng.

Tâm lý:

- Yêu nên tốt, ghét nên xấu.

- Khó khăn ở chợ leo teo,
Ông cô, bà cậu chẳng điều hỏi sao.
Giàu sang ở tận nước Lào,
Hùm tha, rắn cắn tìm vào cho mau.

Tóm lại, chỉ nhận xét riêng về phần Ca dao chúng ta thấy nước Việt từ ngàn xưa đã có một nền văn hoá riêng, phong tục tập quán riêng, tín ngưỡng riêng (thờ Trời, thờ Ông Bà Tổ Tiên), bờ cõi riêng được xác tín qua bài thơ sau đây của danh tướng Lý thường Kiệt:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Tạm dịch:

Vua Nam ở đất nước Nam,
Sách trời phân định biên cương rõ ràng.
Giặc nào dám tới hoành hành,
Tất nhiên đại bại tàn tành như tro.

Sự phân định bờ cõi cũng như xác định nền văn hoá Việt được Cụ Nguyễn Trãi hùng hồn nhắc lại trong bài Bình Ngô Đại Cáo sau khi dân tộc ta đánh đuổi quân Minh về nước:

Như nước Việt ta từ trước
Vốn xưng Văn Hiến đã lâu,
Sơn hà cương vực đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.

Ngoài ca dao, chúng ta còn có một kho tàng văn hoá cổ khác là các truyện cổ tích lưu truyền trong dân gian mà mãi về sau  một số được ghi lại thành sách vở vào khoảng thế kỷ 13, 14 bởi các Ông Lý Tế Xuyên với Việt Điện U Linh tập và Trần Thế Pháp với Lĩnh Nam Trích Quái. Sau này còn các Ông Nguyễn Dữ viết Truyền Kỳ Mạn Lục, Phạm Đình Hổ  và Nguyễn Án viết Tang Thương Ngẫu Lục  sưu tập những truyện cổ trong dân gian. Những truyện loại này được truyền từ đầu môi của  cha mẹ, ông bà hay các bậc gìa cả kể lại cho con cháu, từ đời này đến đời khác về truyền thuyết của dân tộc, các vị vua Hùng dựng nước, các vị anh hùng cứu nước như  Đức  thánh Gióng, Hai Bà Trưng, các vị thần linh như Thần núi Tản Viên, Chử Đồng Tử.... Qua những câu chuyện ấy, người ta biết được nguồn gốc của mình, biết được tổ tiên mình dựng nước và giữ nước ra sao, đất nước mình có những vị thần minh bảo trợ và các vị anh hùng hào kiệt từng chiến thắng kẻ xâm lược, những thuần phong mỹ tục phải duy trì (tục cưới hỏi trong truyện Sơn Tinh Thủy Tinh, tình nghĩa vợ chồng, anh em trong truyện Trầu Cau...).

Cũng như ca dao, truyện cổ tích len lỏi vào tâm hồn người Việt như những mạch suối ngầm nên trải qua bao nhiêu cơn quốc biến với chính sách đồng hoá gắt gao từ đời Hán đến đời Minh, đời Thanh với chỉ thị thấy bất cứ dấu vết văn hóa nào như sách vở, bia đá, ca lý dân gian của người Việt thì một mảnh, một chữ, một câu cũng phải đốt, phải đục hết (Chỉ dụ của Minh thành Tổ ngày 21-8-1406). Sách vở, bia đá thì người Tàu tha hồ thu, tha hồ đục. Cái gì của Tàu  trả cho Tàu. Cái gì của Việt một mảy may không hề sứt mẻ.

Nhìn qua sách vở viết bằng chữ Nho (Hán), hoặc nghiên cứu về các luật lệ, cách thức tổ chức triều đình xưa một số người Việt và người ngoại quốc vội cho rằng người Việt chịu ảnh hưởng nặng nề văn hóa Trung hoa. Đó là một điều sai lầm vì người Việt xưa kia chưa có chữ thì viết bằng chữ Nho, các triều đại xưa thấy đạo Nho của Khổng Mạnh có lợi cho vương quyền nên cũng bắt trước Trung Hoa trong tổ chức triều nghi, đặt ra các luật lệ theo chiều hướng ấy hoặc như vua Gia Long nhà Nguyễn đem gần nguyên bộ luật của Nãm Thanh ra áp dụng. Đó chỉ là bộ mặt của các vương triều, các bộ luật không ảnh hưởng  đến hầu hết dân chúng vì "Phép vua thua lệ làng". Ngay cả các nhà Nho nổi tiếng về Hán học như các cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến... sau khi đỗ đạt thành danh thì lại qui ẩn nơi thôn dã sau lũy tre xanh, sống hòa mình với bà con của mình, ăn măng, ăn rau gía, uống rượu nếp, lấy cần câu tiêu khiển chứ không uống rượu bồ đào, lụa là, xe ngựa như người Trung Hoa:

- Thu ăn măng trức, đông ăn giá,
  Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
  Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp,
  Nhìn xem phú qúi tựa chiêm bao.
           Nguyễn bỉnh Khiêm

Hay:

Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
            Nguyễn Khuyến

Một học giả người Pháp khi đã nghiên cứu kỹ văn hóa Việt Nam thấy rằng nền tảng văn hóa Việt Nam không hề thay đổi dù trải qua hai lần bị ngoại bang đô hộ (Trung hoa và Pháp) với mưu toan đồng hoá. Ông ví Văn hóa Việt như một cây tre, nếu cạo những lớp sơn (văn hóa ngoại lai) bên ngoài thì bên trong cây tre vẫn là cây tre.

Văn hóa Việt không ghi trong sách vở, văn bia, không viết bằng ngòi bút mà "viết" bằng lời nói, bằng một thứ ngôn từ rất huyền diệu được phổ biến và lưu truyền nhanh chóng. Trong bất cứ thời kỳ đen tối nào của dân tộc Việt, những câu ca dao hô hào lòng yêu nước hay phỉ báng quân thù không những không hủy được mà còn phát triển mạnh hơn như thời quân Thanh sang xâm lăng ra lệnh cho người Việt phải kết tóc thành bím thả ra phía sau như một cái đuôi. Việc này họ đã thành công ở bên Tàu nhưng thất bại ở Việt Nam:

Trèo lên trên núi mà coi,
Kìa kìa Ngô khách mọc đuôi đàng đầu!

(Chỉ có loài thú vật như trâu, bò, lừa, ngựa...
mới có cái đuôi mọc ở chỗ xấu và dơ nhất.
Đây là lời nhạo báng rất nặng nề dành cho kẻ xâm lăng).

Sự kiểm soát tư tưởng không thời nào khắt khe, tàn bạo và tinh vi như thời cộng sản vì ở khắp mọi nơi, mọi chỗ  đều có đảng viên làm tai mắt. Những người dùng ngòi bút để chống đối như những nhà văn, nhà thơ trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm hay Ông Nguyễn chí Thiện thì bị tù tội, văn sách bị tịch thu, bị cấm nhưng ca dao vẫn nảy nở và được lưu truyền rộng rãi:

- Một người làm việc gấp hai,
  Để cho cán bộ mua đài (radio), sắm xe.
  Một người làm việc gấp ba,
  Để cho cán bộ xây nhà xây sân. 

- Đôi giép râu xéo nát đời son trẻ,
  Mũ tai bèo che lấp cả tương lai.

Ngay cả những câu ca dao kỳ tai hại, cực kỳ nguy hiểm đối với chính quyền  mà họ cũng không tài nào ngăn cấm được vì người ta không viết thành truyền đơn hay biểu ngữ nhưng lại ghé sát vào tai nói cho nhau nghe:

- Bao giờ hồ cạn, đồng khô,
(ám chỉ Ông HCMinh và PV Đồng)
Búa liềm thì cũng là đồ bỏ đi.....

Thời nay dù sách vở thuận tiện  nhưng tục ngữ, ca dao vẫn đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành nếp sống của người Việt từ nông thôn tới thành thị  và ngay cả cộng đồng người Việt ở nước ngoài mỗi khi muốn nói đến một cách cư xử hay một tập quán nào (như nghi lễ cưới xin)  người ta vẫn dùng tục ngữ, ca dao để chứng dẫn.

Có người cho rằng trước sức bành trướng ào ạt của văn minh phương Tây, văn hóa Việt Nam sẽ bị trốc gốc. Chúng tôi thiết nghĩ đó là một ý tưởng bi quan, chúng ta đã qua thử thách của lịch sử trong qúa khứ. Một thử thách khác đang thể hiện nơi người Việt tị nạn sống khắp thế giới. Tuy là thiểu số nhưng nơi nào chúng ta cũng có khuynh hướng hội tụ thành quần thể với các sinh hoạt văn hóa riêng của mình như  sách báo, đài phát thanh, đài truyền hình, ca nhạc, trường học, chùa, nhà thờ, các đoàn thể, hội đoàn.... Điều đó chứng tỏ nền Văn Hóa của chúng ta có thể tồn tại trong bất cứ hoàn cảnh nào.

(Người Việt Chúng Ta)

PHẠM HY SƠN