Thành Thăng Long không nằm
trong thành Hà Nội

VNExpress.net
27/12/2002

Xưa nay có nhiều giả thuyết cho rằng thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê đều nằm trên phạm vi thành Hà Nội thời Nguyễn, có khác chăng chỉ là quy mô nhỏ hơn mà thôi. Nhưng một ý kiến mới đây đã chỉ ra rằng núi Nùng ở chính giữa Thăng Long lại không nằm trong thành Hà Nội.

Thành Hà Nội thời Nguyễn là tòa thành xưa được bao bọc bởi bốn đường phố Hùng Vương, Phan Đình Phùng, Lý Nam Đế, Trần Phú hiện nay, tạo thành một hình vuông có cạnh dài hơn 1km.

Theo Đại Nam thực lục thì thành Hà Nội được xây vào thời Gia Long thứ 4 (1805) theo lối kiến trúc Vôbăng của Pháp. Thành cao 4,4 m, dày 16m, có 5 cửa Đông, Tây, Bắc, Tây Nam và Đông Nam. Đường vào cửa xuyên qua tường thành, xây vòm cuốn, trên nóc cổng có lầu canh gọi là Thú lâu. Mỗi Thú lâu có một cơ binh thay phiên nhau canh gác ngày đêm.


Bản đồ thành Hà Nội vẽ năm 1873. 1- Cột cờ;
2- Đoan Môn; 3-Điện Kính Thiên; 4-Hậu Lâu; 5- Cửa Bắc.

Trong thành, khu trung tâm hình chữ nhật dài 350m, rộng 120m nằm chính giữa. Đó là khu vực Hành Cung, giữa có điện Kính Thiên. Phía trước điện Kính Thiên là Đoan Môn, phía trước Đoan Môn là Cột Cờ. Phía sau khu Hành Cung là Hậu Lâu, sau nữa là cửa Bắc. Như vậy, Cột Cờ - Đoan Môn - Điện Kính Thiên - Hậu Lâu - Cửa Bắc là hệ thống công trình làm thành hệ Nam - Bắc, tạo nên trục chính toà thành. Phía Đông trục chính là dinh của các quan tổng đốc, tuần phủ, án sát, chánh lãnh binh. Khu phía Tây có đền Sông Núi, Võ Miếu, ruộng Tịch điền, dinh phó lãnh binh... Trong gần 100 năm tồn tại, thành đã chịu nhiều biến thiên lịch sử.

  • 1835: Tường thành bị bớt chiều cao 0,7m, chỉ còn 3,7m, (để thấp hơn tường thành Huế). Hai cửa Tây và Tây Nam bị xây bịt lại.
     
  • 1848: Tự Đức hạ lệnh tháo dỡ công trình điêu khắc, chạm trổ đẹp, đưa về để dùng cho kinh thành Huế.
     
  • 1873: Thực dân Pháp tấn công Hà Thành lần thứ nhất. Hà Thành thất thủ, Nguyễn Tri Phương nhịn ăn đến chết theo thành.
     
  • 1882: Thực dân Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ 2. Hoàng Diệu treo cổ ở vườn Võ Miếu, tuẫn tiết theo thành.
     
  • Từ tháng 2/1894 đến 1897: Thành Hà Nội bị phá huỷ.

Di tích thành cổ còn sót lại đến ngày nay chỉ còn một số ít nằm trên trục chính tâm, tính từ Nam lên Bắc gồm: Cột Cờ - Đoan Môn - nền điện Kính Thiên - Hậu Lâu - Bắc Môn. Hiện nay, trừ nền điện Kính Thiên còn nằm trong sự quản lý của Bộ Quốc phòng (sẽ bàn giao sau), các di tích còn lại đã được bàn giao cho UBND thành phố Hà Nội và được trùng tu, tôn tạo để mở cửa đón khách tham quan.
 

Có nhiều quan điểm cho rằng thành Thăng Long xưa nằm trên phạm vi thành Hà Nội.

Những người chủ trương theo quan điểm này dựa trên hai bằng chứng sau:

Thứ nhất là ghi chép của các sách sử thời Nguyễn như Đại Nam nhất thống chí, Hoàng Việt dư địa chí, Long Biên bách nhi vịnh... Các ghi chép đó đều có chung một ý, đó là: Núi Nùng nằm chính giữa thành Thăng Long, triều Lý lấy làm chính điện, ở triều Lê là điện Kính Thiên, nay (triều Nguyễn) làm Hành Cung. Một căn cứ để khẳng định nữa là cửa Đoan Môn, với hai chữ Đoan Môn khắc bằng đá trên cửa.

Bằng chứng thứ hai là năm 1998-1999, các cuộc khai quật khảo cổ thành Hà Nội ở khu vực Hậu Lâu và Đoan Môn đã tìm thấy nhiều hiện vật, có đủ các niên đại Lý - Trần - Lê. Một số người đã căn cứ vào kết quả khảo cổ này càng khẳng định rằng, thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê đều nằm trên phạm vi thành Hà Nội thời Nguyễn.

Tuy nhiên, theo nhận định mới đây của các nhà nghiên cứu, thành Thăng Long không thuộc phạm vi thành Hà Nội. Thực ra, điện Kính Thiên hiện nay không hề có núi Nùng, tức là điện Kính Thiên ngày nay không phải là điện Kính Thiên thời Lê. Còn cửa Đoan Môn là một kiến trúc thời Nguyễn, tên Đoan Môn đóng vai trò như một danh từ chung để chỉ cửa chính của Cung Thành. Thời Lý, Trần, Lê, đều có cửa mang tên là Đoan Môn, nhưng không nhất thiết các cửa đó phải trùng nhau (vì còn phụ thuộc vị trí của Cung Thành). Ngay như một thành nhỏ ở Sơn Tây, khi mới xây dựng xong người ta cũng định đặt tên điện chính là điện Kính Thiên, tên cửa chính là Đoan Môn. Nhưng do thành Sơn Tây chưa hề là Cung Thành nên nhà vua không chuẩn y. Điều đó chứng tỏ rằng tên điện Kính Thiên, cửa Đoan Môn chẳng qua do nhà Nguyễn đặt cho những công trình mới xây sau này mà thôi (để chứng tỏ sự tiếp nối chính thống của triều đại).

Mặt khác, việc tìm thấy hiện vật thời Lý - Trần - Lê trong thành Hà Nội cũng không thể coi là bằng chứng cho thấy thành Thăng Long nằm trong thành Hà Nội. Vì một kinh đô trải qua hàng ngàn năm tuổi, với nhiều triều đại kế tiếp nhau như thế, thì dưới lòng đất của nó, không chỉ trong Cấm thành mà bất kỳ nơi đâu, cũng sẽ đậm đặc di vật lịch sử của các triều đại.  

(Theo KH&ĐS)