Ði Tìm Con Cháu Thuyền Nhân 849 Năm Trước: Yên-tử cư-sĩ Trần Ðại Sỹ
Ngày 17 tháng 9 năm 1957, Tổng-thống miền Nam là Ngô-đình Diệm công du Đại-hàn (1). Năm sau, ngày 6 tháng 11 năm 1958, Tổng thống Đại-hàn dân quốc là Lý Thừa Vãn, viếng thăm Việt-Nam. Trong dịp này ông đã tuyên bố rằng tổ tiên ông là người Việt. Báo hồi ấy có tường thuật sơ sài. Còn chính quyền thì gần như không để ý đến chi tiết lịch sử này. Bấy giờ, đệ nhất Cộng-hòa thành lập chưa quá hai năm, mới chỉ có viện Khảo-cổ, không có cơ quan nghiên cứu lịch sử. Cho nên không ai nghĩ đến việc sang Đại-hàn tìm hiểu xem họ Lý từ Việt Nam, đã di sang đây từ bao giờ? Ai là nguyên tổ của họ? Thời gian này tôi mới 18 tuổi, vừa bước chân vào đại học. Nhưng nhờ thấm nhuần Nho-giáo, nên đã chững chạc lắm rồi. Tôi viết thư cho sứ quán Đại-hàn tại Việt-Nam để hỏi về chi tiết này. Dĩ nhiên tôi viết bằng chữ Nho. Hơn tháng sau tôi được thư trả lời của tộc Lý tại Nam-hàn. Trong thư, họ cho tôi biết rằng: "Tổng-thống Lý Thừa Vãn là hậu duệ đời thứ 25 của Kiến-bình vương Lý Long Tường. Kiến Bình vương là con thứ 6 của vua Lý Anh-tông. Người cùng tông tộc sang Cao-ly vào đầu thế kỷ thứ 13 vì quốc nạn". Ánh sáng đã mở ra trước mắt tôi. Nhưng tôi tra trong Đại-Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), trong Việt-sử lược (VSL), trong Khâm-định Việt-sử thông giám cương mục (KĐVSTGCM), không bộ nào nói đến Kiến Bình vương Lý Long Tường cả. Tò mò chưa được thỏa mãn, nhưng tôi đành bỏ qua, vì bấy giờ tôi phải dồn hết tâm tư vào việc học. Năm 1959, trong khi lục lọi tại thư viện Paris, vô tình tôi đọc được Tập-san sử địa của Nhật-bản, số 2 năm 1941, trong đó nói vắn tắt rằng:
Tôi tự hẹn, sau này có tiền sẽ sang Đại-hàn tìm hiểu chi tiết này. Thế nhưng, sau khi ra trường, 1964, tuy đã có chỗ đứng vững chắc về phương diện tài chánh. Ngặt vì nghề sinh nhai lối dọc đường ngang, tôi vẫn không thực hiện được cái ước vọng sang Hàn quốc, tìm hiểu về nguồn gốc họ Lý tại đây. Mãi tới năm 1980, tháng 8, tôi đi trong phái đoàn Pháp, sang dự đại hội y khoa tại Hàng-châu Trung-quốc. Ở đại hội, tôi được tiếp xúc với phái đoàn Bắc-hàn. Phái đoàn này cóù bác sĩ Lý Chiếu Minh ở Hùng-xuyên (Hunchon) và bác sĩ Lý Diệp Oanh ở Thuận-xuyên (Sunchon). Bấy giờ tôi đã 41 tuổi, còn Diệp Oanh mới 30 tuổi. Tuy là bác sĩ, thế nhưng cô tươi như hoa lan, phơi phới như hoa thủy tiên ban mai. Thấy mỗi bữa ăn cô lẩm nhẩm đọc kinh mà không làm dấu thánh giá, tôi cho là cô đọc kinh Phật. Trêu cô tôi cũng đọc kinh Bát-nhã bằng tiếng Việt. Cô hỏi tôi:
Nghe cô nói, tôi hơi ngạc nhiên, nhưng tôi biết đó là niềm tin của cô, tôi không dám đùa, không thắc mắc. Song thấy cô xinh đẹp, tôi tỏ một cái gì cho có vẻ nịnh đầm, theo thói thông thường của y giới Pháp: "Ở nước tôi, vào thế kỷ thứ 12, dưới triều vua Lý Anh-tông, tổ tiên tôi là Trần Thủ Huy được gả công chúa Đoan Nghi...". (3) Diệp Oanh cắt lời: "Sang đầu thế kỷ thứ 13, cũng tổ tiên anh là Trần Liễu được gả công chúa Thuận Thiên, Trần Cảnh được vua Chiêu Hoàng tuyển làm chồng. Rồi tổ tiên anh xua đuổi, nên tổ tiên tôi thành thuyền nhân, ngày nay Hàn quốc mới có họ Lý". À! Vạn lý tha hương ngộ tri kỷ đây. Biết rất rõ Diệp Oanh là con cháu của Kiến Bình vương Lý Long Tường, tôi đùa thêm: "Biết đâu cô không là công chúa Đoan Nghi, tôi không là Trần Thủ Huy tái đầu thai? Có lẽ chúng mình nên đi tiếp con đường tổ tiên mình đã đi". Diệp Oanh vã tôi một cái vào má trái, tỏ cử chỉ thân thiện. Song chúng tôi bắt con tim ngừng phiêu lưu ở đây, vì bấy giờ bà vợ tôi còn sống, còn quá trẻ; vợ chồng lại rất tương đắc ngoài đời, nồng thắm trong phòng the. Thế rồi chúng tôi nhận họ. Đặc biệt là trong lúc đối thoại, Chiếu Minh với Diệp Oanh cứ tự hào cái gốc Việt của mình. Suốt đại hội, tôi với Chiếu Minh, Diệp Oanh gần nhau như bóng với hình. Tôi kể cho hai người nghe về những trang sử rực hào quang dưới thời Lý, nhất là huyền sử về Linh Nhân hoàng thái hậu (Ỷ Lan). Sau đại hội, Chiếu Minh, Diệp Oanh rủ tôi du lịch Bắc-Hàn. Bấy giờ là thịnh thời của chủ tịch Kim Nhật Thành, Bắc-Hàn khép kín cánh cửa với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên nhờ mang thông hành Pháp, nên tòa đại sứ Bắc-Hàn ở Bắc-kinh cho tôi cái chiếu khán được du lịch nghiên cứu về nhân sâm trong 8 ngày. Tới Bắc-Hàn, ông đại sứ Pháp tưởng tôi đi nghiên cứu nhân sâm thực. Ông lệnh cho văn phòng tùy viên văn hóa giúp đỡ tôi. Tôi tự biết mình có địa vị, có danh dự, không muốn nói dối ông đại sứ. Tôi thú thật là đi tìm một số tài liệu lịch sử của tổ tiên tôi về thế kỷ thứ 12. Dù biết tôi mượn danh đi nghiên cứu y khoa, mà Uûy-ban y học Pháp-Hoa (Commité Médical Franco-Chinois viết tắt là CMFC) dư thừa tài chánh đài thọ tất cả phí tổn cho tôi. Thế nhưng sứ quán Pháp vẫn giúp đỡ tôi tận tình. Nào cung cấp xe, cung cấp tài xế, gửi thư giới thiệu.v.v. Kể ra làm công việc nghiên cứu của Pháp cũng sướng thực. Xin cảm ơn tinh thần yêu văn hóa của nước Pháp. Tại
Hùng-xuyên, cũng như Thuận-xuyên, các chi họ Lý tiếp đón tôi rất niềm nở. Buồn
là các cuộc đàm thoại bị giới hạn khá nhiều, tôi phải uốn cong lưỡi dùng tiếng
Quan-thoại nói với Chiếu Minh và Diệp Oanh. Hai vị này dịch sang tiếng Đại-hàn.
Các chi họ Lý xin phép chính quyền, rồi tổ chức những buổi hội, để nghe tôi nói
chuyện về thời đại Tiêu-sơn tức thời Lý. Khi nghe kể đến đoạn công chúa Bảo Hòa
tu tiên, cho đến tuổi 90 vẫn trẻ như hồi 17 tuổi, cử toạ suýt xoa sung sướng.
Lại khi nghe tôi thuật giai thoại vua Lý Thánh-tông, đang đêm trốn khỏi hoàng
cung, gặp cô thôn nữ Yến Loan, rồi sau đưa về cung phong làm Ỷ Lan phu nhân; cử
tọa vỗ tay hết tràng này đến tràng khác. Khi nghe tôi kể đến các công chúa Bình
Dương, Kim Thành, Trường Ninh trấn ngự biên cương khiến các quan Tống ở Nam-biên
nghe đến tên đều kinh hồn vỡ mật. Các cô ngửa mặt lên nhìn trần nhà cười đầy vẻ
hãnh diện. Lúc mà tôi thuật đến đoạn Quách Quỳ, Triệu Tiết đem đại quân phá vỡ
phòng tuyến Như-nguyệt (1076), tiến đến rừng tre, cách Thăng-long có 25 cây
số... Trong phòng có đến hơn 700 người, mà không một tiếng động. Rồi tôi kể
tiếp: Công chúa Thiên Ninh đánh bật quân Tống trở về Như-nguyệt, thì phòng hội
hoan hô đến muốn rung động thành phố. Tôi thuật tiếp đến đoạn công chúa tuẫn
quốc, thì cả phòng hội đều khóc nức nở. Những người khóc nhiều nhất lại là những
thiếu niên.
Đền thờ Linh-Nhân hoàng thái hậu (Ỷ-Lan) ở xã Dương-xá, huyện Gia-lâm,
Tôi phải moi trí nhớ, để đọc cho họ chép lại tiểu sử 18 danh tướng vào thời vua Lý Nhân-tông, kháng Tống tuẫn quốc. Tôi lại phải thuật cho họ nghe về công chúa Thiên Ninh (Bà chúa kho) có 3 nghìn nữ binh. Khi Quách Quỳ, Triệu Tiết mang quân sang Đại-Việt, phá vỡ phòng tuyến Như-nguyệt tiến về Thăng-long. Quân Tống nhập vào phòng đai phòng thủ chỉ cách Thăng-long có 25 cây số, bị công chúa đánh bật trở về Bắc sông Như-nguyệt. Sau đó công chúa cùng 3 nghìn nữ kiệt đều tuẫn quốc. (4) Hầu hết
các chi, khi nghe tôi nói rằng: Triều Trần kế tục triều Lý. Nhưng các vua triều
Trần đều dành ra một số ruộng đất lớn, cho tá điền cầy cấy, thu tô để làm phương
tiện hương khói, thờ cúng, tu bổ lăng tẩm 9 đời vua triều Lý (Ghi
chú: Triều Lý có 8 vị vua, nhưng tôi vẫn coi Lý Chiêu-Hoàng là vị vua
thứ 9, chứ không dám coi thường Ngài.)... đều hài lòng.
Các triều đại kế tiếp như Lê, Nguyễn vẫn giữ nguyên truyền thống này. Mãi đến
năm 1956, trong cuộc cải cách ruộng đất, những ruộng đất này mới bị lấy lại lập
hợp tác xã. Tuy nhiên đây là những di tích lịch sử, nên kể từ năm 1962, bộ
Văn-hóa của nước Việt-Nam dân chủ cộng hòa (Bắc Việt-Nam) đã ban nghị định công
nhận là di tích văn hóa, lịch sử, và cử cán bộ bảo quản rất kỹ.
Cổng trong đền thờ Bà chúa kho (Công chúa
Thiên-Ninh)
Sau cổng trong tới tiền đình đền thờ Bà chúa kho Bác-sĩ Diệp Oanh dẫn tôi thăm những vùng đất linh của giòng họ Lý. Thực là kỳ điệu, dưới chế độ Bắc-Hàn chủ trương hủy diệt tất cả những gì là văn minh của tổ tiên, để chỉ còn biết đến cha già dân tộc Kim Nhật Thành. Thế nhưng giòng họ Lý vẫn giữ gìn được những di tích của tổ tiên. Nào cửa biển Phú-lương giang nơi hạm đội của Kiến-bình vương cập bến Cao-ly, nào Ung-tân, nơi đầu tiên họ Lý làm nhà ở, nào ngọn đồi Julhang thuộc xã Đỗ-môn (Tô-mơ-ki) nơi có lăng của Kiến Bình vương Lý Long Tường. Tôi cũng được lên Quảng-đại sơn thăm Vọng-quốc đài, là nơi vương lên nhìn về quê hương. Sau đó,
với quyết tâm tìm lại dấu vết người xưa, năm 1983, tôi lên đường đi Nam-hàn để
tìm hiểu thêm về giòng họ Lý. Tiếc rằng hạm đội của Lý Long Tường tới Hàn-quốc
táp vào miền Bắc, vì vậy dường như tại Nam-hàn không có một chút di tích nào của
ông. Giòng họ Lý sống tại Nam-hàn rất ít, tổng số chưa quá nghìn hộ, nhưng họ
đều là những người kiệt hiệt trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, thương mại, kỹ
nghệ. Về tình cảm, họ cũng giống như người Bắc hồi 1954 di cư vào Nam, mang theo
rất ít di vật, gia phả về tổ tiên mình. Không nhà nào mang được gia phả cổ. Gia
phả mà họ cho tôi xem, hầu hết là mới chép gần đây. Nội dung lại
quá nhiều sai lạc. Như chép về việc ra đi của Kiến Bình vương, gia phả nói rằng
họ Lý bị Trần Thủ Độ cướp ngôi, Lý Long Tường cầm quân chống lại, bị thua. Về Lý
Chiêu Hoàng, họ chép là hoàng hậu của vua Lý Huệ-tông! (5) Dòng thứ nhất: Hậu duệ Kiến Hải vương, hay họ Lý Tinh-thiện Thế nhưng, tại Nam-hàn tôi gặp ông Lý Gia Trung. Ông cho biết, tổ tiên ông là người Việt, nhưng không thuộc giòng dõi Kiến Bình vương. Tổ tiên ông là Kiến Hải vương Lý Dương Côn, đã đến Cao-ly hồi đầu thế kỷ thứ mười một. Quý độc giả có biết tâm trạng tôi bấy giờ ra sao không? Kinh ngạc, bàng hoàng, đờ đẫn cả người ra, trong khi chân tay run run. Vì trong khi nghiên cứu về triều Lý, tôi biết một huyền sử vắn tắt như sau:
Bây giờ, sau 831 năm, tôi gặp lại hậu duệ của Kiến Hải vương. Tâm tư rúng động ! Hỡi ơi ! Tại Hàn-quốc có tới hai giòng họ Lý, gốc là thuyền nhân Đại-Việt. Tôi ghi chú tất cả những gì mà giòng họ Lý của Kiến Hải vương cung cấp để khi viết về thời đại Tiêu-sơn còn có thêm tài liệu. Cuối năm 1996, một nhà nghiên cứu tộc phả nổi tiếng của Nam-hàn là giáo sư Phiến Hoằng Cơ (Pyon Hong Ke) công bố kết quả cuộc nghiên cứu của ông rằng ông đã phát hiện một giòng họ Lý thứ nhì, tại Đại-hàn, được gọi là Lý Tinh-thiện. Giòng họ này, chính là giòng họ Lý, con cháu Kiến Hải vương mà tôi đã có cơ duyên gặp hậu duệ là ông Lý Gia Trung. Giáo sư Phiến Hoằng Cơ cho biết, căn cứ vào gia phả của giòng họ này mang tên Tinh-thiện Lý thị tộc phả, được lưu trữ tại thư viện Quốc-gia Hán-thành, thì ông tổ của giòng họ Lý Tinh-thiện là Lý Dương Côn (Lee Yang Kon) tới Đại-hàn vào đầu thế kỷ thứ 12:
Tra trong sử Việt, thì vua Càn Đức chính là tên của vua Lý Nhân-tông. Vua Lý Nhân-tông là con của vua Lý Thánh-tông với Ỷ-Lan phu nhân, sau được tôn là Linh-Nhân hoàng thái hậu. Người chỉ đạo cuộc đánh Tống, kháng Tống lừng danh lịch sự Việt-Nam. Theo ĐVSKTT, Lý kỷ, Nhân-tông kỷ thì:
Vậy thì Lý Dương Côn là con nuôi của vua Lý Nhân-tông, chứ không phải con đẻ. Con nuôi thứ ba, thì là con của Thành Quảng hầu. Lý Dương Côn, được phong tước Kiến Hải vương. Giáo-sư Phiến Hoằng Cơ dựa theo Tinh-thiện Lý thị tộc phả và bộ Cao-ly sử, ông công bố:
Qua cuộc nghiên cứu của Phiến Hoằng Cơ, tôi thấy có đôi chút nghi vấn: Một là, vua Lý Nhân-tông nhận con nuôi năm 1117. Vua Thần-tông sinh năm 1116, vậy thì Lý Dương Côn chỉ có thể sinh năm 1116 hay 1117 mà thôi. Năm Lý Dương Côn rời Đại-Việt ra đi là năm 1150. Bấy giờ ông mới 32-33 tuổi. Thế nhưng gia phả Lý Tinh-thiện nói rằng năm 1170 Lý Nghĩa Mẫn, hậu duệ đời thứ sáu của Lý Dương Côn, được vua Nghị-tông phong cho chức Biệt-trưởng. Đây là điều vô lý. Bởi năm đó chính Lý Dương Côn có còn tại thế thì ông mới có 54 tuổi, làm sao ông đã có cháu 6 đời? Tôi thì tôi cho rằng Lý Nghĩa Mẫn là con Lý Dương Côn. Còn hậu duệ đời thứ sáu là kể từ vua Lý Thái-tổ:
Hai là, trong gia phả Lý Tinh-thiện nói rằng, Lý Dương Côn rời quê hương ra đi vì quốc nạn. Giáo-sư Phiến Hoằng Cơ cho rằng vì sự đe dọa của Kim. Có lẽ khi giải đoán việc ra đi của Lý Dương Côn, ông đã bị ảnh hưởng bởi sử Cao-ly. Vì hồi ấy, nước Kim đang từ một bộ lạc Nữ-chân, nổi lên diệt nước Liêu, rồi đem quân đánh Tống. Sau đó, họ bắt vua Tống mang về Bắc. Nhưng con cháu nhà Tống lại tái lập triều Nam-Tống. Khoảng cách Kim với Đại-Việt còn một nước Tống quá rộng, quá xa. Dù Kim hùng mạnh cũng không ảnh hưởng gì tơí Đại-Việt khiến Lý Dương Côn phải bỏ nước trốn đi. Nhất là giai đoạn 1161 đến 1174, bấy giờ binh lực Đại-Việt đang mạnh, muốn hướng lên Bắc tái chiếm lại Quảng Đông, Quảng Tây! (xin đọc Anh-hùng Đông-A dựng cờ Bình-Mông của Trần Đại Sỹ, hồi 4 và hồi 16-17-18). Lần lại trang sử Đại-Việt thời đó: Vua Thần-tông được vua Nhân-tông đem vào cung nuôi cùng 4 người anh em họ. Nhưng ngài được lập làm Thái-tử, rồi lên ngôi vua. Theo Hội-điển sự lệ triều Lý thì những chức như:
Các chức này luôn trao cho các hoàng đệ. Vì vậy trong 5 con nuôi của vua Lý Nhân-tông, thì Thái-tử Dương Hoán đươc truyền ngôi, còn 4 con nuôi khác, là con của các hầu Thành Khánh, Thành Quảng, Thành Chiêu, Thành Hưng ắt được phong vào các chức trên. Con của Thành Quảng hầu là Lý Dương Côn được phong tước Kiến Hải vương, lĩnh chức Đại Đô-đốc Thủy-quân. Khi vua Thần-tông băng (1138), Thái-tử Thiên-tộ mới có 2 tuổi, triều thần muốn tôn hoàng đệ Lý Dương Côn lên ngôi vua, vì ông là người thông minh, tài trí, đang là Đại Đô-đốc, ở tuổi 22. Nhưng rồi mẹ của Thái-tử Thiên-tộ là Cảm Thánh hoàng hậu đã dùng vàng bạc đút lót cho các quan, bà lại được tình nhân Đỗ Anh Vũ là em của Chiêu Hiếu thái hậu, (mẹ vua Thần-tông) hết sức ủng hộ. Thiên-tộ lên ngôi vua, sau là vua Anh-tông. Dĩ nhiên vua Anh-tông lên ngôi, khi còn bế ngửa, thì mẹ là Cảm Thánh thái hậu thính chính, nói khác đi là làm vua. Bà phải diệt hết những mầm mống có thể nguy hiểm cho con bà. Bà cùng Đỗ Anh Vũ vu cáo, giết hết các em nuôi của vua Thần-tông là con của các hầu em vua Nhân-tông. Toàn gia các hầu, từ thê thiếp, con, cháu, thân binh, nô bộc đều bị giết sạch. Riêng Lý Dương Côn đóng quân ở Đồn-sơn, được mật báo. Ông đem hết gia thuộc, xuống chiến thuyền, bỏ quê hương ra đi, rồi táp vào Cao-ly. Tôi kết luận:
Dòng thứ nhì, Hậu duệ của Kiến-bình vương Lý Long Tường, còn gọi là Lý Hoa-sơn. Giòng họ Lý thứ nhì tới Đại-hàn sau giòng họ Lý Tinh-thiện 76 năm, là hậu duệ của Kiến Bình vương Lý Long Tường, con thứ 7 của vua Lý Anh-tông. Mà tôi đã trình bầy ở trên. Theo Trần-tộc vạn thế ngọc phả, của chi bốn, thuộc giòng dõi Chiêu-quốc vương Trần Ích Tắc, để tại nhà từ ở thị xã Lãnh-thủy, huyện Chiêu-dương, tỉnh Hồ Nam, Trung-quốc; phần chép về Ninh-tổ hoàng đế Trần Lý. Có đoạn nói về các con vua Lý Anh-tông, nguyên văn như sau:
So sánh giữa Tộc phả Hoa-sơn và Trần tộc vạn thế ngọc phả, có một chi tiết khác nhau. Tộc phả Kiến Bình thì chép Kiến Bình vương là con thứ sáu vua Anh-tông. Trong khi Trần tộc vạn thế ngọc phả lại chép vương là con thứ bẩy. Vì sao? Phả Trần tộc chép theo huyết tộc, ai sinh trước là anh, ai sinh sau là em. Vì vậy Kiến Bình vương là con thứ 7. Phả Kiến Bình thì chép thứ tự theo chỉ dụ của vua Lý Anh tông, Long Xưởng bị giáng xuống làm con út, thì Long Tường trở thành con thứ sáu. Hồi đó Lý Long Tường dẫn tông tộc rời Đại-Việt ra đi. Trần triều không biết đi đâu. Nay chúng ta mới được biết vương với hạm đội bị bão phải ẩn ở một đảo lớn (Đài-loan?) Nghỉ ít lâu, hạm đội của vương lại tiếp tục lên đường rồi dạt vào Cao-ly. Duy một người con của vương tên Lý Long Hiền cùng gia thuộc hơn hai trăm người ở lại đảo. Vương là khai tổ của giòng họ Lý tại Đại-hàn, thế tử Long Hiền là khai tổ của giòng họ Lý tại Đài-loan hiện nay? Sự kiện này tôi sẽ đi Đài-loan tìm hiểu sau. Tôi đã bỏ công sang Bắc cũng như Nam-hàn, tìm các chi, hậu duệ của Kiến Bình vương Lý Long Tường, khảo gia phả của họ. Phần chi tiết tuy có sự khác biệt, nhưng đại lược vẫn giống nhau. Tổng-thống Lý Thừa Vãn của Đại-hàn là hậu duệ đời thứ 25 của Kiến Bình vương Long Tường. Còn tổng thống Lý Đăng Huy của Đài-loan có phải là hậu duệ của thế tử Lý Long Hiền hay không, thì tôi không dám quyết, bởi Lý là giòng họ chiếm đa số ở Trung-quốc. Trong một bài khác, tôi sẽ trình bầy về Thủ-tướng Lý Quang Diệu của Singapore là Việt kiều, khai tổ một chi họ Lý đời thứ nhất hay Lý khác? (Thưa quý độc giả, chỉ cần thử nghiệm di truyền ADN là ra ngay). Cả ba bộ sử ĐVSKTT, VSL, KĐVSTGCM cùng chép rất mơ hồ về việc vua Anh-tông phế Long Xưởng lập Long Trát. Nhà vua có tới bẩy hoàng tử. Nếu sự thực Long Xưởng phạm tội, phế xuống, sao không lập các con đã trưởng thành, tài trí xuất chúng, đang cầm đại quyền như Kiến Ninh, Kiến An, Kiến Tĩnh vương? Hoặc cùng quá, thì lập Kiến Khang vương Long Ích, năm ấy đã chín tuổi ? Mà phải lập Long Trát mới có 26 tháng làm Thái-tử, rồi phải cử Tô Hiến Thành làm phụ chính ? Cái khúc mắc này tôi đã giải thích rất chi tiết, rất rõ ở hồi 21-23 bộ Anh-hùng Đông-a dựng cờ bình Mông. Trong bài ngắn này không thể giải thích hết. Dưới đây là phần tôi thuật theo Tộc-phả Lý Hoa-sơn:
Việc Kiến Bình vương ra đi, có lẽ bắt nguồn từ việc ra đi của Kiến Hải vương trước kia chăng?
Theo gia phả của con cháu vương thì:
Trong dịp thăm Hoa-sơn năm 1981, tôi xin người đại diện tộc Lý cho phép được mượn thợ khắc vào một phiến đá bài thơ cổ phong bằng chữ Trung-quốc (Hán, Nho), đặt cạnh tấm bia trên, gọi là chút lòng của người sau, tế người trước. Xin phiên âm như sau:
Ngày nay trên ngọn đồi Julbang thuộc xã Đỗ-môn (Tô-mơ-ki) cách núi Hoa-sơn 10 cây số về phía Tây còn lăng mộ ngài và con, cháu cho đến ba đời. Trên Quảng-đại sơn có Vọng-quốc đàn, nơi cuối đời ngài thường lên đó, ngày ngày nhìn về phương Nam, ôm mặt khóc, tưởng nhớ cố quốc. Mỏm đá mà ngài đặt chân đầu tiên lên bờ biển Cao-ly, được gọi là Việt-thanh nham, tức đá xanh in vết tên Việt. Trên Hoa-sơn còn rất nhiều di tích kỷ niệm huân nghiệp của vương. Khi đến Hoa-sơn hành hương, thay vì chào nhau, du khách được hướng dẫn viên du lịch dạy cho nói câu: Hữu khách, Hữu khách, kỵ bạch mã. Nghĩa là Có người khách cỡi ngựa trắng, tức Lý Long Tường. Tương truyền một đạo binh thiện chiến do Vương huấn luyện, trở thành đạo binh bảo quốc, đời nọ sang đời kia đều lấy tên là Bạch-mã. Hồi chiến tranh Việt-Nam (1960-1975) sư đoàn Bạch-mã có tham chiến, trấn đóng tại vùng Bồng-sơn, Quy-nhơn, Bình-định. Cho đến nay, giòng họ Lý Hoa-sơn truyền trải 28 đời. Tại Nam-hàn chỉ có khoảng hơn nghìn hộ. Tại Bắc-hàn thì đông lắm, không thống kê được. Lý tộc tại Nam-hàn, hầu hết họ là những gia đình có địa vị trọng yếu về giáo dục, kinh tế, kỹ nghệ. Kỳ ứng cử vừa qua, một ứng viên Tổng thống họ Lý suýt trúng cử. Theo tấm bia trên mang tên Thụ-hàng môn bi ký, thì Kiến Bình vương Long Tường có nhiều con trai, tất cả đều hiển đạt. Không thấy nói tơí Lý Long Hiền, cùng tông tộc hơn 200 người ở lại đảo (Đài-loan? ). Lý Cán Đại lĩnh Đề-học nghệ văn quán, Kim-tử quang lộc đại phu. Lý Huyền Lương, Tham-nghị lễ tào, Chính-nghị đại phu. Lý Long Tiền Giám-tu quốc sử. (8) Ngày nay, tại Bắc-hàn, cứ đến dịp tết Nguyên-đán, hậu duệ của Kiến Bình vương Lý Long Tường khắp lãnh thổ Đại-hàn đều kéo về Hoa-sơn để dự lễ tế tổ (Luật pháp Nam-Bắc Hàn đều cấm ngặt người Nam-Hàn du lịch Bắc-Hàn. Thế nhưng, hầu hết các hậu duệ tại Nam-hàn đã dùng phi cơ sang Trung-quốc, rồi từ Trung-quốc vào Bắc-hàn. Khi những hậu duệ Nam-Bắc Hàn gặp nhau, họ ôm nhau khóc nức nở. Sự kiện này chính phủ Nam-Bắc Hàn nhắm mắt lờ đi, vì tộc Lý dù ở Nam hay Bắc họ đều giữ những chức vụ trọng yếu). Khởi đầu của cuộc tế, đánh chín tiếng trống, gọi là Tâm-thanh để mọi người cùng tưởng nhớ cố quốc. Theo gia phả của chi Thuận-xuyên, sở dĩ đánh chín tiếng, vì muốn ghi lại triều Lý trải 9 đời vua, kể cả Lý Chiêu-hoàng. (9) Năm 1995, con cháu của Kiến Bình vương Lý Long Tường, quy tụ hơn trăm người trở về Đình-bảng, huyện Tiên-sơn, tỉnh Bắc-ninh dự lễ hội làng vào ngày rằm tháng ba Âm-lịch. Tại thiên chi linh, hẳn 9 đời vua triều Tiêu-sơn, cũng như Kiến Bình vương Lý Long Tường đã thỏa nguyện: Những đứa cháu lưu lạc, nay trở về chầu tổ.
Lời quê gửi tới người Việt hải ngoại Hiện nay gần ba triệu người Việt lưu lạc khắp mọi góc biển, mọi chân trời. Có nơi sống tập trung như Hoa-kỳ, Thái-lan, Cao-miên, Ai-lao, Canada, Úc, Pháp, Nga-sô. Có nơi sống rải rác cô độc như Do-thái, Irak, Gabon... Nhìn vào tấm gương của hai giòng họ Lý tại Ðại-hàn. Dù con cháu quý vị không còn nói được tiếng Việt. Dù con cháu quý vị đã kết hôn với người địa phương. Nhưng quý vị phải luôn nhắc nhở cho chúng biết rằng: Chúng là người Việt, lấy chủ đạo là con Rồng cháu Tiên. Xin quý vị khẩn chép lại:
Vài lời thô thiển. Biết rằng các vị cho là thường. Thưa quý vị, tộc Việt ta vốn là con Rồng, cháu Tiên. Biết đâu trăm năm sau, nghìn năm sau, con cháu quý vị có thể là Tổng-thống Hoa-kỳ, Tổng-thống Nga-sô hay Thủ-tướng Đức, Do-thái. Và biết đâu con cháu quý vị không thành Thủ-tướng Trung-quốc. Bây giờ những gì quý vị coi là thường, bấy giờ sẽ trở thành quý báu vô cùng. Mong lắm thay! Cầu xin như vậy đấy. Yên-tử cư-sĩ Trần Ðại-Sỹ
Đền thờ tám vị vua triều Lý (Lý Bát-đế từ) tại Bắc-ninh
1. Tượng thờ vua Lý Thái-tổ
2. Tượng thờ vua Lý Thái-tông
2. Tượng thờ vua Lý Thánh-tông
4. Tượng thờ vua Lý Nhân-tông
5. Tượng thờ vua Lý Thần-tông (?)
6. Tượng thờ vua Lý Anh-tông
7. Tượng thờ vua Ly Cao-tông
8. Tượng thờ vua Lý Huệ-tông
=:=:=:=:=:=:=:=:=:=:=:=:=:=:=
Hồ mã tê Bắc phong, Nghĩa là: Con ngựa đất Hồ (vùng Bắc Trung-quốc) khi bị đưa vào Trung-nguyên, mỗi khi gió Bắc thổi, nó nhớ quê, hý lên, buồn thảm. Còn con chim Việt, lạc sang Trung-nguyên, khi làm tổ, bao giờ nó cũng làm ở cành phía Nam.
Ghi chú: (Những tài liệu tôi dùng để viết bài này rất phong phú, rất nhiều. Xin xem phần Những nguồn tài liệu, trong bộ Anh-hùng Đông-a dựng cờ bình Mông, quyển 1, do Đại-Nam Hoa Kỳ ấn hành)
|