Cổ vật Thăng Long: Bia đồng & sách đồng

Saigonnet

Hà Nội - mảnh đất của nghìn năm văn vật không chỉ nổi tiếng với rồng thiêng, quy thần mà Hà Nội còn là nơi gìn giữ nhiều cổ vật quý hiếm. Trong đó có thể đến hai cổ vật lịch sử bia đồng, sách đồng.

Người ta thường nói "tượng đồng, bia đá"  và "sách lá, sách tre" chứ ít thấy ai nói đến "bia đồng, sách đồng".

Vậy mà ở Hà Nội ta có cả hai loại cổ vật quý hiếm ấy.

Bia đồng ở đình Quan Nhân, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Năm 1986, hậu cung đình làng do đã lâu ngày mục nát, gặp cơn mưa to gió lớn đổ sập xuống. Khi dân làng thu dọn để trùng tu thì phát hiện ra một tấm bia đồng, lồng trong khung gỗ viền quanh. Bia hình chữ nhật, cao 1,2 m, rộng 0,8m, dày 5mm, nặng khoảng 60kg, mặt bia khắc 2700 chữ Nho, được tạo tác vào năm Tự Ðức thứ sáu, Quý Sửu (1853).

Văn bia ghi tại bản thần tích do Hàn Lâm Viện, Ðông Các Ðại Học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ hai (1573) thời Lê Anh Tông, phong cho vợ chồng vị thần là Hùng Lãng Công.

Công vốn dòng dõi vua Hùng, tinh thông văn võ, được giao làm huyện trưởng Vũ Tiên, có công dẹp loạn Nam Chiếu, sau lấy Trương Mỵ Nương người ấp Quan Nhân, xã Nhân Mục Môn. Trong một lần, Công đem theo vài chục gia binh về Quan Nhân thăm quê vợ thì bị giặc bao vây, Công chiến đấu anh dũng, nhưng vì quân ít thế cô, không chịu để giặc đã bắt nhảy xuống sông tuẫn tiết.  Trương Mỵ Nương nghe tin chồng chết cũng quyên sinh theo. Triều đình thương tiếc, phong cho Hùng Lãng Công là Trung Nghĩa đại Vương, Hộ quốc an dân và vợ là Dục Ðức Tế my Quan Nhân nương Công chúa. Làng Quan Nhân thờ ông bà làm thần hoàng.

Còn sách đồng, tương truyền trước đây ở chùa Láng, tức Chiêu Thiền tự, nay thuộc phường Láng Thượng, quận Ðống Ða có một cuốn sách kinh bằng đồng lá. Rất tiếc qua nhiều thời ly loạn sách đã bị mất, không còn rõ từ khi nào. Như vậy trong địa phận Hà Nội bây giờ chỉ còn một cuốn sách đồng duy nhất ở đình Mai Phúc, thuộc xã Gia Thuỵ, huyện Gia Lâm. Theo bài viết của Doãn Chí Thành trong tập san văn hoá thông tin số 4 (tháng 8-1993) do sở VHTT Hà Nội xuất bản, thì sách đồng này làm năm Vĩnh Hựu thứ ba (1737) đời vua Lê Ý Tông.

Sách đóng gồm 14 lá đồng, khổ 18x30cm khắc lại bản thần tích do Hàn Lâm viện Ðông Các Ðại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ nhất (1572) đời Lê Anh Tông. Ngoài bìa sách đóng có mấy dòng ghi "Ðinh triều công thần, nhất vị đại vương, nhất vị công chúa". Nội dung kể vào thời loạn 12 sứ quân, có hai anh em người xứ Thanh Hoa ra ngụ cư ở làng, anh tên là Vinh, em gái là Son. Họ có công giúp Ðinh Bộ Lĩnh dẹp yên loạn lạc, thống nhất giang sơn về một mối. Sau khi mất, hai người được vua Ðinh phong làm thần hoàng làng Mai Phúc.

Ở gần Hà Nội, đình làng Ðông Lao, huyện Hoài Ðức, Hà Tây (đã một thời thuộc ngoại thành Hà Nội) cũng lưu giữ được một cuốn sách đồng, làm vào năm Chính Hoà thứ tám (1687) đời Lê Huy Tông. Sách có 18 lá đồng, khổ 12,5x19cm, liên kết với nhau bằng ba chiếc khuy tròn lồng qua lỗ đục sát mép gấp. Nội dung nói về khoán ước của làng thờ cúng thành hoàng là Nguyễn Công Triều - một vị tướng thời Lê - có công với nước với làng.

Bia đồng, sách đồng là những di vật quý hiếm, lại cung cấp cho ta những tư liệu về lịch sử, địa lý cần thiết cho công tác nghiên cứu thời xưa. Hà Nội thật tự hào vì có những cổ vật quý hiếm như vậy.

Saigonnet