Bồ Ðào Nha và Công Trình
Sáng Chế Chữ Quốc Ngữ


PHẢI CHĂNG
CẦN VIẾT LẠI LỊCH SỬ?

Roland Jacques

 

(Phần III)

 

3- Những người Bồ Ðào Nha tại Viễn Ðông: tiếng tăm của họ và những tiền kiến lịch sử.

Người ta có thể tự hỏi tại sao lịch sử đã ghi lại quá ít những sự việc này, đến độ đôi khi xem sự hiện diện và công việc làm của các nhà truyền giáo Bồ Ðào Nha ở Việt Nam như quá ít ỏi không đáng kể. Hẳn nhiên, hình ảnh của Bồ Ðào Nha ngày nay trên thế giới đã xuống cấp: xưa kia là một cường quốc thế giới, nhưng nay quốc gia này đi đến độ hầu như là hình ảnh "Cô Lọ Lem" của Tây Âu. Thực ra, ngay từ các thế kỷ trước đã từng có lập trường chống Bồ Ðào Nha mà sự kiện ghi lại một cách chắc chắn trong các tài liệụ Qua các tài liệu này, chúng ta có hai thí dụ.

Năm 1653, tu sĩ Dòng Tên người Ý Danielllo Bartoli trình lên ban kiểm duyệt của Hội Dòng một bộ sách lớn viết về lịch sử rao giảng Phúc Âm ở Trung Hoa, bộ sách đó cũng sẽ là đại tác phẩm cổ điển đầu tiên về công cuộc truyền giáo tại Việt Nam (69); hai trong ba vị kiểm duyệt bấy giờ đã trách cứ tác giả về lập trường chống Bồ Ðào Nha của ông (70). Người ta cũng thấy một phản ứng tương tự trong bản chính của các thư của Goswin Nickel, bề trên tổng quyền của các tu sĩ Dòng Tên, gửi vào giữa các năm 1655 và 1662 cho các tu sĩ trong dòng gốc người Ý và người Pháp ở Việt Nam và Viễn Ðông. Trong các thư, ngài tỏ ra khó chịu về những lời tấn công có tính cách cố chấp của các tu sĩ trên đây chống lại những vị người Bồ Ðào Nha, các phương pháp cũng như các việc họ thực hiện: các cha có quyền tố giác các lỗi lầm của người này người nọ, nhưng làm mất uy tín một quốc gia một cách chung như thế thì không thể chấp nhận được (71), ngài nói một cách thiết yếu với các vị liên hệ như thế.

Nên đặt gần hai sự kiện đó với hai dữ kiện lịch sử khác thường được biết đến. Các vị thừa sai Paris và các vị giám quản tông toà do Tòa Thánh gửi đến Việt Nam từ năm 1659 (72) chỉ có thể củng cố được quyền uy của mình tại các nước này với giá của một cuộc xung đột lâu dài và cam go chống lại các tu sĩ Dòng Tên: các vị Dòng Tên chống lại họ nhân danh sự trung thành hầu như không suy suyển đối với sự bảo trợ của triều đình Bồ Ðào Nha (73). Trong cuộc tranh cãi sôi động này và tiếp theo đó, dường như người ta đã đưa ra nhiều phê phán bất công: có khuynh hướng muốn nêu lên tình trạng vô thẩm quyền về mặt pháp lý hoặc sự bất lực của những vị đến trước, hoặc phóng đại những thiếu sót của họ để biện minh cho sự can thiệp độc đoán của kẻ mới đến. Cuối cùng như ở phần đầu, chúng tôi đã nêu lên vai trò đặc biệt của Pháp tại Việt Nam hai thế kỷ sau đó: vì muốn truy tìm những sự kiện đã có từ xa xưa nơi "cuộc viễn chinh của mình", trong đó việc truyền bá Phúc Âm, xâm lăng bằng quân sự và ý đồ thực dân chen lẫn với nhau mà người ta tin là khởi thuỷ có từ năm 1624, năm Alexandre de Rhodes đến Việt Nam, xem đây như một dấu chỉ của một sự tiền định về vai trò mà nước Pháp và người Pháp được gọi để thi hành tại xứ này (74).

Chúng tôi nghĩ rằng đây hẳn là toàn bộ các sự kiện có thể giải thích phần nào về sự quên lãng, giảm thiểu, ngay cả việc xoá bỏ vai trò cốt cán mà Bồ Ðào Nha đã thực hiện tại Việt Nam xuyên qua các vị truyền giáo Dòng Tên trong thế kỷ XVII, nơi những tác phẩm đặc biệt nghiên cứu vấn đề liên hệ (75). Ngoài ra phần lớn các tác phẩm này đã được xuất bản trong khung cản văn hóa của Pháp (76): người ta cố ý làm nổi bật sự hiện diện và ảnh hưởng của Pháp (77), đôi khi có tính cách phản niên kỷ. Còn đối với giới nghiên cứu người Việt, cho đến nay dường như hầu hết họ khó tránh khỏi tình trạng bất cập vì không thông hiểu tiếng Bồ Ðào Nha, nên phần lớn ảnh hưởng của những gì đã được xuất bản bằng tiếng Pháp (78). Năm 1990, một Hội Nghị Khoa Học Quốc Tế về thành phố Hội An đã được tổ chức tại Ðà Naûng. Nếu dựa vào bối cảnh được trình bày trên đây, người ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy không những cựu đế quốc thực dân bị đặt ra bên lề, mà ngay cả nước Bồ Ðào Nha cũng bị lảng quên, trong khi đó lại có phần của Hòa Lan (79).

Ðối với người Việt Nam hôm nay, vấn đề gặp gỡ các nền văn hóa giữa Việt Nam và Tây phương còn vướng vấp nhiều điểm gây tranh cãi, như chính chúng tôi đã từng kinh nghiệm được (80).

(Xem tiếp phần IV)

(Xem phần Chú thích [1-59] [60-118])