Nói thêm về chữ i và y trong chính tả tiếng Việt

Ðoàn Xuân Kiên

Bài được đăng từ trang nhà
Trung Tâm Văn Hóa Xã Hội Việt Nam tại Bỉ quốc.

 

1.

Trên báo chí hay trong lúc trò chuyện gần đây, một số độc giả thường tỏ ý thắc mắc về lối viết chữ i và y trong chính tả tiếng Việt hiện nay. Ðại khái ý kiến của quý độc giả xoay quanh mấy điểm như sau:

  • (1) viết I trong một số trường hợp làm vướng mắt người đọc;
  • (2) cách viết đổi Y thành I là sự cưỡng bức từ nhà nước Hà Nội đối với miền Nam; và 
  • (3) viết I trong một số trường hợp là cải cách hay một cách viết cho lạ để độc giả chú ý đến bài viết hoặc tờ báo.

Thật ra chuyện này đã được đặt ra từ rất lâu rồi, khi một số các học giả và nhà báo ở Sài Gòn chủ trương viết như thế. Công chúng có người không tán thành, vì cho rằng:

  • (a) tiếng Việt có thể chấp nhận cả I và Y trong một số trường hợp; 
  • (b) và cũng không có luật chính tả nào quy định chữ nào thì phải dùng I, chữ nào phải dùng Y để diễn tả âm I;
  • (c) nhưng có một trường phái muốn thống nhất cho tiện; và 
  • (d) công việc vận động này đã có từ ba bốn thập niên, nhưng chưa tới đâu, vì tuy hợp lý nhưng không thắng được thói quen.

Bài viết ngắn này xin góp thêm vài lời về một vấn đề cũ, nhỏ, nhưng dường như chưa được làm sáng tỏ cho lắm.
 

2.

Trước hết, chúng tôi thấy cần đính chính ngay rằng chuyện dài về chữ i và y đã khởi đầu từ gần tròn thế kỉ rồi chứ chẳng phải mới đây đâu. Câu chuyện bắt đầu từ năm 1902 đến nay. Những người tham gia một ủy ban cải cách chữ quốc ngữ dạo ấy đã chủ trương khôi phục lại cách chính tả hai chữ i và y mà họ xem là những nguyên tắc chính tả truyền thống từ thời mới hình thành chữ quốc ngữ. Như thế thì chắc những vị đó không phải là những kẻ hiếu sự, thích lập dị để gây chú ý cuả công chúng đâu. Việc làm như thế hẳn phải là rất có ý thức. Sở dĩ gần một thế kỉ qua, việc chưa đi đến đâu, thì chẳng phải vì không thắng được thói quen đâu, mà là do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Ai trong chúng ta cũng có thể đã hơn một lần để ý thấy những điều bất hợp lí trong cách viết chính tả tiếng Việt, vì chúng đi chệch khỏi nguyên tắc chính tả ghi âm của chữ quốc ngữ. Một trong những điều bất hợp lí ấy là vấn đề chữ i và y. Trong số những điều bất hợp lí kia, có những điều đã đi vào tập quán ngôn ngữ: chẳng hạn, chúng ta có bài và bày, khi nói ra chỉ khác nhau ở âm chính a đọc bình thường, và ă là thể ngắn cuả a. Thế nhưng khi viết, thể ngắn cuả âm chính đã chuyển trách nhiệm về bán âm cuối i và y để phân biệt a ngắn và dài.

Tuy nhiên, cũng có những bất nhất tạo ra do sự nhầm lẫn hay bất cẩn của một số người soạn từ điển, sách báo để lại. Ðó là những trường hợp mà chúng tôi lượm lặt ra khi nói về nguyên tắc (a) trong cách viết chữ I từ thế kỉ XVII trở đi, nghĩa là từ khi chữ quốc ngữ được hình thành do công của một số cá nhân giáo sĩ phương tây  [1]. Nguyên tắc đó là: chữ i dùng để ghi nguyên âm cuả âm tiết, có thể là nguyên âm đơn / i / hay nguyên âm đôi / iê/. Chúng tôi nhận thấy là: những hiện tượng bất nhất lâu nay phần rất lớn là từ sự rối loạn của nguyên tắc (a). Chúng tôi ghi nhận những trường hợp viết chính tả chữ i và y sau đây:

  1. si/sy - li/ly - kí/ký: chữ i và y đặt ở sau phụ âm đầu, làm phần âm chính của âm tiết
  2. sinh - lính - kính -xỉu - : chỉ dùng chữ i trong phần chính cuả âm tiết mà không bao giờ dùng chữ y
  3. hia - bìa - đĩa - hiền - biết - giếng: chữ i đi kèm với nguyên âm ê để làm thành tổ hợp âm chính của âm tiết
  4. yêu - yến - yểng: tương tự như trường hợp 3 trên đây, nhưng chỉ dùng chữ y
  5. im - ỉu - ý - y - ỷ/ỉ: chữ i và y đều đứng ở đầu âm tiết
  6. quí/quýt - huyện - thuý - nguy: chữ i và y trong các tổ hợp nguyên âm chúm môi (nghĩa là khi viết thì có chữ u đặt trước nguyên âm chính)
  7. mai - cúi - mây - cay - cai : chữ i và y là hai bán âm cuối đi theo sau một nguyên âm để khép âm tiết lại.

Trong số những trường hợp trên đây, chỉ có hai trường hợp 2 và 3 là dứt khoát, không có tình hình nước đôi, dùng lẫn cả i và y; ngoại giả, năm trường hợp còn lại hình như có tình trạng hai chữ i và y dùng thông lẫn nhau.

Xem xét kĩ thì hiện tượng i và y không phải là có thể dùng tuỳ tiện, không theo nguyên tắc nào. Trong năm trường hợp còn lại, có thể nhận thấy ngay là chúng ta có thể tách được hai nhóm 4 và 5, vì chúng có những nét sóng đôi với hai nhóm 2 và 3: tất cả đều là thành phần âm chính cuả âm tiết. Chỉ có điểm khác biệt duy nhất: một đằng i và y đứng ở đầu âm tiết (nhóm 4 và 5), một đằng thì có phụ âm đầu đi trước (nhóm 2 và 3). Dựa trên nét khu biệt này mà chúng tôi quy bốn nhóm vào một loại, phân tích bậc hai để nhận ra tính quy luật của chúng.

Chúng tôi nhận thấy là ẩn dưới mớ bòng bong tùy tiện về cách viết hai chữ I và Y, có một nguyên tắc chung mà người viết chữ quốc ngữ từ thời Alexandre de Rhodes đến thời chúng ta đều thừa nhận. Nguyên tắc đó gồm có năm điểm như sau:

Chỉ viết y trong những trường hợp sau đây:
  1. khi tổ hợp âm / iê / ở đầu một tiếng. Ví dụ: yên, yêu, yết.
  2. trong các tổ hợp âm chúm môi / ui / và / uiê / (viết là uy, uyê, uya.)
    Ví dụ: uy, chuyện, khuya, nguy, tuy. [2]
  3. ở sau âm ngắn của a [trong chính tả hiện nay cũng viết bằng đồ vị a] 
    và âm ngắn của ơ [tức là đồ vị â]. Ví dụ: cay, dày, may, cây, đây, mây.

Chỉ viết i trong những trường hợp sau đây:

  1. khi âm / i / là nguyên âm, hay là phần âm chính của âm tiết. Ví dụ: ỉ, bí, chim, hí, kìm, lì, lính, sĩ, tị, vì, vinh.  [3]
  2. khi âm / i / là âm cuối, đứng sau phần âm chính ở thể thường, để khép âm tiết. Ví dụ: ngùi, đói, người, củi, hời, trai.

(Bảng 1)
 

Xem thế thì không phải là tiếng Việt chúng ta không có chuẩn nào, không có nguyên tắc chính tả nào. Những ngoại lệ ít ỏi trong chính tả là những hiện tượng thông thường, ngôn ngữ nào cũng có. Nhưng hiện tượng I và Y không thế. Chúng tôi nhận thấy là những hiện tượng bất nhất về I và Y hoàn toàn là do sự tuỳ tiện kéo dài quá lâu.

Những tìm tòi vừa kể sẽ có ý nghĩa cho những ai có trách nhiệm (những người quản lí vấn đề chính sách ngôn ngữ quốc gia, báo chí, và nhà trường) để góp phần vào tiến trình chuẩn hoá ngôn ngữ. Có thể trong tương lai xa, khi có những cải cách triệt để chính tả chữ quốc ngữ, năm quy tắc kia sẽ thay đổi chăng. Nhưng đó là chuyện về sau. Nhưng trong điều kiện hiện nay, năm quy tắc đó có thể rút xuống mức thấp nhất những rối rắm về chính tả chữ i và y mà nguyên nhân chính là việc dùng một đồ vị để ghi hai âm vị khác hẳn nhau: i/y đều dùng để ghi nguyên âm / i / và âm cuối / j /. Sự lẫn lộn này đã có từ thời De Rhodes chứ không phải hoàn toàn là do người đi sau.
 

3.

Thời gian sau 1975, cuộc giao lưu văn hoá-xã hội lớn lao giữa hai miền Nam-Bắc đã tác động đến ngôn ngữ phổ thông rất nhiều. Và hẳn nhiên cuộc giao lưu này đã không tránh được nhiều chuyện lố bịch, trong đó có những kiểu dùng từ ngữ lạ tai so với thói quen ở trong Nam. Có lẽ cũng là tâm lí dễ hiểu khi có nhiều người trong cộng đồng ngôn ngữ ở miền Nam cho rằng lối viết chữ I và Y lạ mắt là do sự cưỡng bức cuả chính quyền Hà Nội đối với công chúng miền Nam. Nhưng nói thế thật oan cho công phu của một số học giả miền Nam đã đi bước tiên phong trong việc cải cách chính tả mà chúng ta đang bàn ở đây.

Lật lại một số trang sách in tại miền Nam trước 1975 hẳn là chúng ta sẽ thấy rõ điều này: một số tác giả in sách ở Sài Gòn đã có ý thức rất cao trong việc định chuẩn chính tả tiếng Việt. Từ nhà báo Nguiễn Ngu ´ đến Gs. Trần Ngọc Ninh, từ Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê đến Hoàng Xuân Hãn, những vị này đã thật sự là những cánh én đầu muà. Trang sách in và bài báo của các vị đều rất nhất quán với năm nguyên tắc ghi ở bảng I trên đây. Nhà cầm quyền Hà Nội ra quyết định về chính tả hẳn hoi bằng quyết định 240/QÐ kí ngày 5.3.1984. Ðó là một quyết định đúng. Chúng tôi nghĩ rằng làm như thế là chính quyền đã phải công nhận việc làm của những người tiền phong là đúng. Nhưng ngoài một số sách giáo khoa bậc phổ thông, cho đến nay các trang sách báo in của họ ở trong nước vẫn không thèm đếm xỉa gì đến nguyên tắc chính tả ghi trong Quyết Ðịnh vừa nói. Cho nên chúng tôi tưởng là chúng ta hãy thận trọng hơn khi quy công lao cho những người không có công trạng gì. Vả chăng, không phải cái gì lạ mắt cũng là của người Hà Nội, mà nói cho sòng phẳng thì phải trả lại César cái gì cuả César.
 

4.

Có người sẽ nghĩ rằng những chuyện như chúng ta đang bàn đây là việc cuả mấy ông Hàn Lâm chứ không phải việc của một vài cá nhân. Tuy nhiên, viện hàn lâm là một cơ chế tổ chức của các vị hàn lâm, thì hiện nay chưa có. Và cứ cái chiều hướng như thế này, việc chuẩn hoá ngôn ngữ có lẽ cũng còn lâu lắm. Ðất nước chúng ta hiện nay có hiện tượng lạ lùng là thả nổi ngôn ngữ, mạnh ai nấy đặt ra chữ nghĩa bất chấp luật lệ. Chẳng hạn kiểu dùng từ ngữ sặc mùi lính tráng trong ngôn ngữ hằng ngày: tiến công vào trận địa khoa học. Hoặc kiểu nói chắp vá hán việt và thuần nôm: siêu sao. Hoặc nữa là hiện tượng sản sinh vô tội vạ loại tiếng lóng, kiểu như anh ta còn máu lắm, Sao mà (Cao Ba)ù Quát lắm thế ! Xin hãy (Nguyễn Bỉnh) Khiêm cho một tí !& Cứ theo cái đà loạn ngôn ngữ như thế thì không lạ gì người mình đang 'choáng' trong những cơn say bùng nổ (?) phát triển, trong sinh hoạt báo chí người ta còn mải vinh danh các siêu sao người mẫu (!), người ta đua nhau diện áo bò, quần jeans..., liệu có thể trông mong gì lúc này một viện hàn lâm giúp đỡ cho thế hệ con em chúng ta hay chăng? Chúng tôi không lạc quan đợi viện hàn lâm đâu, vì rằng thế kỉ XX đã có rất nhiều cơ hội để các vị hàn lâm ngồi lại làm việc [4]. Tiếc thay, bàn cãi thì nhiều mà một nghị quyết đủ thẩm quyền thì quá hiếm hoi. Liệu chúng ta có thể đợi các ông hàn bàn cãi thêm một thế kỉ nữa hay không?

Vả chăng việc sử dụng ngôn ngữ là của mọi chúng ta. Việc chăm lo giữ gìn nó là trách nhiệm chung. Những ai quan tâm đến chữ quốc ngữ đều thấy là nó rất nhiều ưu điểm của một hệ thống chữ viết ghi âm, nhưng không phải thế là nó toàn bích. Nếu người nghiên cứu đưa ra những luận điểm xác đáng thì sẽ là những gợi ý tốt cho những ai quan tâm đến việc chính tả tiếng Việt (người quản lí chính sách ngôn ngữ, báo chí, nhà trường). Họ sẽ làm những phần việc tiếp theo trong phạm vi chức năng của họ. Những tìm tòi về ngôn ngữ như thế sẽ không là những việc làm vô ích, mà sẽ có góp phần vào việc thúc đẩy sinh hoạt ngôn ngữ tiến bộ. Trên bình diện quốc gia, một cải cách ngôn ngữ hợp lí vẫn có thể thực hiện được nếu có được một kế hoạch hoạt động đồng bộ giữa nhà nước, nhà trường và báo chí truyền thông. [5]
 

5.

Hiện nay thì bệnh tuỳ tiện dường như đã trở thành bất trị, cho nên có người đã đồng hoá bệnh tuỳ tiện này với tập quán ngôn ngữ; hậu quả là những người có trách nhiệm đều lẩn tránh trách nhiệm, thả nổi việc sử dụng ngôn ngữ. Chính sự kiện thả nổi tuỳ tiện này đã dẫn đến những lúng túng cho những ai quan tâm đến giáo dục lớp trẻ. Khi chọn ghi tựa sách cuả mình là Học Kĩ Ðọc Ðúng, chính là chúng tôi muốn khẳng định với chính mình và đề nghị một sự đồng tình của độc giả về một nhu cầu chính đáng: tiến đến việc chuẩn hoá chính tả tiếng Việt. Nhân đây cũng xin đề nghị toà soạn TK21 đính chính hộ về cái tựa sách mà các bạn đã thân ái giới thiệu trong cùng số báo TK 21 nói trên (tr.110-111).

Trên đây chỉ là vắn tắt vài ý kiến bàn thêm với báo TK 21. Ðể thảo luận đầy đủ hơn, xin mách quý vị bài viết 'Chữ quốc ngữ qua những biển dâu' in trong Thế Kỷ 21 số 30 (th.10.91), tr. 69-78, và bài. Chữ i và y trong chính tả tiếng Việt in trong tập san Văn Học (USA) số 129-130 (th. 1.1997), tr. 60-75. Bài này cũng có in lại có sửa chữa trong tập san Ðịnh Hướng (Pháp) số 15 (mùa hè 1998), tr 96-112.

Ðoàn Xuân Kiên

* Bài đăng trong tập san Ðịnh Hương 21 (1998)
 

Chú thích:

[1] Xin xem đầy đủ bốn nguyên tắc chính tả chữ i và y cuả Alexandre de Rhodes trong bài viết cuả chúng tôi trong tập san Văn Học (USA) 129-13- (th. 1-2.1997), tr. 60-75, hoặc tập san Ðịnh Hướng số 15 (mùa hè 1998), tr 96-112.

[2] Trong ngữ học Việt Nam, âm / k / được kí hiệu bằng ba chữ cái tuỳ theo trường hợp: c, k, q. Chữ q chỉ dùng khi có chúm môi mà thôi. Vả chăng, q không bao giờ đứng một mình cả, mà luôn kèm với u. Do vậy, đã có quan niệm cho rằng phụ âm đầu trong trường hợp / k / chúm môi phải là qu. Lập luận này sẽ dẫn đến hệ quả là những từ quý, quýt sẽ viết là quí, quít vì âm / i / nay là nguyên âm đứng làm phần âm chính của âm tiết. Nhưng cách phân tích âm tiết như thế tự mâu thuẫn: trước hết, phần âm chính của âm tiết là tổ hợp âm chúm môi /ui/ chứ không phải là /i/, và phụ âm đầu chỉ là /k/; vì thế, nếu tổ hợp này đã xuất hiện đều trong các kết hợp khác như trong quyết, quyền, thì không thể có ngoại lệ là quí được. Sau nữa, không thể lấy cớ là trong các ngôn ngữ Ấn Âu có qu để cho rằng phụ âm đầu là âm chúm môi, vì chúm là thuộc về phần âm chính của âm tiết.

[3] Tuy vậy, trong khi chúng ta viết y thị ỷ lại thì sự thiên vị trong tâm lí ngôn ngữ đã dẫn đến thói quen viết âm ỉ, ầm ĩ, đi ỉa theo đúng nguyên tắc âm vị học. Khuynh hướng viết các từ hán việt có âm / i / với chữ y làm âm chính có thể tìm thấy trong các tiếng đứng đầu âm tiết: y, ỷ; hoặc các từ có phụ âm đầu là h, k, l, m, q, t. Nhưng về mặt ngữ âm, không có lí do gì để tách số từ vựng hán việt ra theo quy tắc chính tả khác với những quy tắc chung.

[4] Ðã có nhiều hội nghị bàn về việc cải cách chữ quốc ngữ hoặc về việc chuẩn hoá tiếng Việt từ năm 1902 trở về sau. Nhưng kết quả không như ý mọi người. Xem Nguyễn Bạt Tuỵ, Chữ và Vần Việt Khoa Học. Saigon: Ngôn Ngữ (1949), Ðoàn Xuân Kiên, 'Chữ quốc ngữ qua những biển dâu' in trong Thế Kỷ 21 số 30 (th.10.91), tr. 69-78.

[5] Về vấn đề nầy, đã có những kinh nghiệm tiền lệ từ các nước có đầu tư vào việc chuẫn hoá ngôn ngữ. Xin xem Rubin&Jernudd (eds) Can language be planned? Honolulu: An East-West Center Book.