Rùa Hồ Gươm có nguy cơ tuyệt chủng

VNExpress.net
08/05/2002


Đốm trắng nhận dạng trên đầu rùa hồ Gươm.

"Hiện trong hồ chỉ còn một con duy nhất, lại đã quá già và không xác định được là đực hay cái. Trong khi đó, khả năng tìm được con cùng loài để giao phối là gần như vô vọng". Phó giáo sư Hà Đình Đức, người đã 12 năm nghiên cứu về rùa hồ Gươm, than phiền với phóng viên VnExpress.

Thưa ông, căn cứ vào đâu để khẳng định rùa hồ Gươm chỉ còn một con?

  • Tôi đã theo dõi và thống kê hiện tượng rùa nổi ở Hồ Gươm từ năm 1991 đến nay. Qua quan sát bằng ống nhòm, chụp hàng trăm bức ảnh và ghi hình thì chỉ thấy duy nhất một "cụ" rùa to chừng 200 kg, dài gần 2 m, có đốm trắng tròn rộng khoảng 3 cm trên đỉnh đầu, hơi lệch về bên trái. Khi bơi, đầu rùa cũng hơi nghiêng về bên trái. Từ đó, tôi khẳng định ở hồ Gươm hiện nay chỉ còn một "cụ" rùa, và đặt tên cho loài là Rafetus leloii, công bố trên tạp chí Khảo cổ học số 4/2000.

Có những đặc điểm gì riêng biệt để có thể coi rùa hồ Gươm là một loài mới?

  • Đây là loài rùa lớn mai mềm thuộc họ ba ba (Trionychidae). Sách Đỏ Việt Nam năm 1992 viết rùa hồ Gươm thuộc loài giải (Pelochelys bibroni). Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của chúng tôi những năm 1993-1994 cho thấy đây không phải là loài giải.

    Tiến sĩ Peter Pritchard, Chủ tịch Hội Bảo vệ rùa Quốc tế, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu rùa Florida (Mỹ), cũng khẳng định: "Chắc chắn rùa hồ Gươm không phải loài giải. Chúng có thể là chủng quần xa của loài rùa Thượng Hải (Rafetus swinhoei) hay loài mới". Trên cơ sở các tài liệu về loài rùa Thượng Hải, so sánh với rùa hồ Gươm thì thấy có nhiều điểm khác biệt về hình thái, xương sọ và tấm sống (*).

Nếu đúng rùa hồ Gươm là loài mới, lại chỉ còn một con trong hồ, vậy nguy cơ tuyệt chủng là rất lớn. Làm cách nào để duy trì nòi giống của loài?

  • Theo giả thuyết của tôi, rùa hồ Gươm đã được vua Lê đem từ Lam Kinh (Thanh Hóa) về thả. Bằng chứng là tại nhiều nơi quanh vùng Lam Kinh, người dân từng bắt được những con rùa lớn (có con nặng tới 150 kg), và hiện nay ở huyện Thọ Xuân, thỉnh thoảng vẫn bắt gặp trứng “ba ba”. Nếu đúng như vậy thì có thể tìm bắt rùa ở Lam Kinh về nuôi tại Hồ Gươm để giao phối với con hiện nay. Tuy nhiên, có một khó khăn rất lớn là rùa hồ Gươm đã quá già, lại không xác định được giới tính.

    Mặt khác, chúng tôi không được tạo điều kiện để nghiên cứu loài rùa này. Chẳng hạn như không được mở tủ kính để đo tiêu bản rùa trưng bày ở đền Ngọc Sơn, và thợ lặn cũng không được xuống hồ để quay phim chụp ảnh. Cho nên chúng tôi phải tiếp cận rùa hồ Gươm theo kiểu “kính nhi viễn chi”.

Gần đây rùa nổi nhiều, vì sao vậy?

  • Hiện nay, hầu như tất cả các nguồn nước thải xung quanh đều được ngăn chặn không đổ trực tiếp vào hồ, chỉ còn nước thải từ một số nhà vệ sinh công cộng bên đường Đinh Tiên Hoàng và ở đền Ngọc Sơn. Sắp tới, khu vực đền Ngọc Sơn sẽ được cải tạo thu gom nước thải và bơm vào hệ thống thoát nước của thành phố. Kết quả phân tích mới nhất vào tháng 11/2001 cho thấy, nước hồ chỉ ô nhiễm nhẹ, đáp ứng tiêu chuẩn loại B, TCVN 5942 - 1995. Nói chung, nước vẫn đảm bảo cuộc sống bình thường của rùa.

    Rùa hồ Gươm là loài ở nước ngọt mai mềm, có bộ phận hô hấp phụ nên có khả năng trao đổi ôxy trong nước, thậm chí có thể vùi mình trong bùn. Khi nồng độ ôxy trong nước thấp, bộ phận hô hấp phụ không đảm bảo đủ nhu cầu ôxy thì rùa phải ngoi lên thở bằng phổi. Hiện tượng này không diễn ra thường xuyên mà chỉ nhất thời, có khi một vài giờ hoặc cả ngày.

    Cũng có hiện tượng không thể lý giải được, đó là rùa nổi trong một số dịp sửa chữa hay khánh thành các công trình có liên quan đến khu tưởng niệm vua Lê ở cạnh hồ Gươm. Ví dụ ngày bàn giao mặt bằng Khu Di tích tưởng niệm vua Lê 26/8/1999, rùa lên lúc 10h30' đến 12h30'; ngày sửa đầu đao trên nóc Tháp Rùa 23/8/2000. Gần đây nhất là ngày khánh thành khu tưởng niệm vua Lê bên hồ Gươm (27/9/2000), rùa lên nằm gối đầu vào kè đá dưới đám rễ si bên chân đảo Ngọc từ 8h20' đến 10h20', trước sự chứng kiến của nhiều quan chức Hà Nội.


Hình ảnh rùa bị thương ở bên phải cổ. Ảnh chụp ngày 24/3/1998.

Có những nguy cơ nào đang đe dọa rùa hồ Gươm?

  • Đó là những cọc tre cắm giữ đài phun nước, cọc bê tông kè quanh chân đảo Ngọc, hoặc dây nylon buộc vào các tảng đá lớn để giữ bóng bay mỗi dịp lễ tết. Ngày 10/12/1996, con rùa bị xây xát, chảy máu trên lưng và chân trái. Ngày 24/3/1998, Đài Truyền hình Trung ương ghi được hình ảnh rùa bị thương, ở bên phải cổ sưng tấy, màu đỏ hồng, trông như có vết cứa chéo. Các trường hợp rùa bị thương có thể là do chướng ngại trong hồ, hoặc bị móc lưỡi câu chùm của kẻ câu trộm.


Đá và cọc tre còn sót lại sau khi kè hồ có thể
làm rùa bị thương.

Theo ông, cần có biện pháp gì để bảo vệ “cổ vật sống” này?

  • Rùa Hồ Gươm là báu vật sống duy nhất của nước ta, là chứng nhân sống duy nhất của thời kỳ Lê Lợi chống giặc ngoại xâm, là linh hồn của hồ Gươm. Vì vậy, UBND thành phố Hà Nội cần giao hẳn trách nhiệm bảo vệ rùa hồ Gươm cho Đội bảo vệ trật tự an ninh khu vực hồ Gươm; đưa tên loài này vào Sách Đỏ Việt Nam. Đồng thời, cần dọn dẹp tất cả những chướng ngại trong lòng hồ và thành lập trạm quan trắc thường xuyên theo dõi sự hoạt động của rùa và sự biến động môi trường hồ. Đặc biệt, cần tiến hành khảo sát ở các địa phương có loài rùa mai mềm lớn cùng loài với rùa hồ Gươm, làm nguồn dự trữ khi cần thiết bổ sung.

    Nếu không làm ngay những việc trên, sẽ là quá muộn khi "cụ" rùa duy nhất ra đi và cái giá phải trả là không thể tính được.
     

(*) Bảng so sánh hai loài rùa Thượng Hải và rùa hồ Gươm

Rùa Thượng Hải

Rùa hồ Gươm

Click vào ảnh Click vào ảnh
Về hình thái: mai phẳng, hơi lồi, xanh ô liu thẫm, có nhiều chấm vàng. Mép sau mai dày không khum xuống. Mai phẳng hơn, màu xám nhạt. Mép sau diềm mai mỏng, hơi khum xuống.
Click vào ảnh
Về xương sọ, bờ trước hàm trên hơn nhọn, ổ mắt lớn hơn. Lỗ mũi trong lớn và hình bầu dục. Bờ trước hàm trên tù, ổ mắt nhỏ hơn và nằm gọn bên trong bờ ngoài cung hàm trên, lỗ mũi trong tròn và nhỏ.
8 tấm sống có kích thước tương đối đều. 8 tấm sống thu nhỏ dần từ 1-8, đặc biệt tấm thứ 8 nhỏ và tách khỏi hẳn tấm 7.

Như Trang - Bích Hạnh (thực hiện)