Hà Tĩnh: Những "đường dây" thảm sát thú rừng

Người Việt
 

HÀ TĨNH 04-01.- Theo nhận định của các chuyên gia bảo tồn động vật hoang dã quốc tế thì chưa bao giờ các loài động vật hoang dã sinh sống tại các khu rừng Việt Nam lại chịu số phận hẩm hiu như hiện nay. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, trung bình mỗi ngày tại Việt Nam có hàng ngàn con thú rừng bị giết chết cung cấp thịt cho hàng ngàn quán nhậu, bán qua biên giới... Tệ trạng thảm sát, buôn lậu thú rừng bây giờ đã trở thành những "đường dây" kiếm tiền bạc tỉ trong sự bất lực và cả làm ngơ của nhà chức trách các địa phương, trong đó Hà Tĩnh là một trong những vùng đất "nóng bỏng" nhất hiện nay.

Theo tờ Thời Báo Kinh Tết Việt Nam, bọn buôn lậu sử dụng mảnh đất Hà Tĩnh như một hành lang vận chuyển, một trạm trung chuyển động vật hoang dã lớn trong những năm qua. Hàng năm số động vật hoang dã (ĐVHD) từ Lào và Campuchia được vận chuyển lậu qua Việt Nam lên đến gần 20,000 con thú; 10,000 con chim và khoảng 6,000 động vật bò sát. Những con đường chính mà bọn buôn lậu thường sử dụng để vận chuyển ĐVHD là quốc lộ 7 (Nghệ An, Hà Tĩnh), quốc lộ 9 (Quảng Trị), quốc lộ 14 xuyên các tỉnh Tây Nguyên. Ngay giữa thị trấn Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh), những đầu nậu hoạt động khá thoải mái. Trung là chủ một đầu mối chuyên tập kết ĐVHD tại thị trấn này vừa gỡ những bao tải lớn đầy rắn, rùa, tê tê, vừa nói: "Ở đây không bán lẻ. Hàng về đây với số lượng lớn rồi được thuê chở ra Hà Nội". Quả vậy, trong ngôi nhà gỗ nhỏ của Trung có hàng, chục bao tải lớn nhỏ với hàng túi rắn hổ, rắn ráo, khỉ, rùa, tê tê, hàng trăm con chim họa mi, yểng, sáo... Trung đã nổi tiếng cả vùng vì có thể cung cấp bất cứ loại chim thú quý hiếm nào nếu khách yêu cầu. Từ những năm đầu thập kỷ 90, khi thị trường có yêu cầu số lượng lớn, Trung đã tự đứng ra tổ chức luôn một đường dây buôn bán thú rừng. Theo "ông chủ" này thì ở Hà Tĩnh, có không dưới 10 đầu nậu cỡ vừa như anh ta. Có nghĩa là mỗi tháng, có ít nhất 10 tấn ĐVHD được chuyển qua Hà Tĩnh. Đó là chưa kể số do vài chục đầu nậu hạng loàng xoàng khác chuyển đi. Nguồn ĐVHD chủ yếu do bọn buôn lậu hàng điện tử, điện lạnh chuyển kết hợp với hàng của chúng. Tuy nhiên, cũng có khi ĐVHD là một loại hàng lậu riêng. Một anh chàng tênV. đã từng là bộ đội. Nghề nghiệp chính của anh ta là chở hàng. Mỗi tháng V đi Hà Nội 3 chuyến. Mỗi chuyến anh ta chở khoảng 1 tạ tê tê hoặc rùa. V cho biết: "Buôn ĐVHD lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng rất lớn". Anh ta lấy tê tê từ thị trấn Sơn Kim với giá khoảng 500,000 đ/kg. Chuyển đến Hà Nội bán với giá 700,000 - 800,000 đ/kg. Thế nhưng, trung bình vài tháng V lại bị công an hay kiểm lâm "chụp" một lần. Mỗi lần bị "chụp", anh ta cho biết tốn kém "tiền triệu chứ chẳng ít". Đã có lần, V phải nộp tới 18 triệu tiền phạt. Đó là anh ta còn buôn cò con, còn các đầu nậu lớn khác, có khi mất cả trăm triệu tiền hàng. Anh ta kết luận: "Kiểm lâm họ không "vồ" thôi chứ đã "vồ" thì ít khi trượt. Giải thích điều này, V cho biết: "Sự ghen ăn tức ở giữa các đầu nậu đôi khi giúp kiểm lâm đắc lợi. Giữa bao nhiêu xe cộ lưu thông trên quốc lộ 1, giới chức kiểm lâm cứ bắt là trong xe có hàng lậu". Theo các "trạm trung chuyển", có 2 lý do khiến họ dễ bị "chụp". Thứ nhất là bị "đồng nghiệp" báo kiểm lâm. Thứ hai do làm ăn bất cẩn, lộ liễu quá nên bị dân chúng phát hiện rồi báo với các nhà chức trách. Nếu tránh được cả hai điều này, theo một đầu nậu, thì kiểm lâm khó phát hiện ĐVHD.

Việc vận chuyển ĐVHD trên đường quốc lộ số 8 bằng xe gắn máy đã rất phát triển từ cách đây hơn 1 năm. Những người vận chuyển chủ yếu chuyển từ vận chuyển hàng điện tử lậu. Tiền công chở hàng ĐVHD thường rất cao, khoảng 200,000 - 300,000 đ/chuyến từ Sơn Kim ra Nghi Xuân - Hà Tĩnh hoặc Nghi Lộc - Nghệ An. Tuy vậy không phải ai cũng làm được. Đầu nậu lớn thường "chọn mặt gửi vàng" - những tay lái siêu đẳng và có xe máy tốt. Trên đường 8 thỉnh thoảng lại thấy xuất hiện một tố 5 - 7 xe Suzuki FX lao như tên bắn và chở đầy rắn, rùa, tê tê.

Khang là một tay lái xe ôm huyện Đức Thọ. Ban đầu, Khang tham gia chở hàng điện tử. Tiết kiệm được một ít tiền, anh ta chuyển sang chở hàng ĐVHD. Anh ta cho biết: hiện nay mỗi ngày anh ta đi 2 chuếyn từ Sơn Kim đến Nghi Xuân, chặng đường dài khoảng 100 km. Trừ tiền xăng xe và ăn uống. Khang bỏ túi mỗi ngày khoảng 500,000 đ. Anh ta nói: "Phải có xe máy tốt mới chở hàng ĐVHD được. Xe gắn mày của Trung Quốc chỉ chở hàng điện tử, điện lạnh thôi. Xe tốt còn phải lái tốt, có tiền đặt cho chủ hàng. Có nghĩa là nếu muốn chở 50 kg tê tê thì phải đặt tiền cho chủ hàng coi như mua đứt. Nếu đi đến nơi về đến chốn, sau đó mới lĩnh tiền công và rút tiền đặt cọc về". Khi được hỏi là có thấy công việc của mình mạo hiểm không? Khang trầm ngâm: "Mạo hiểm thì chắc chắn rồi. Cả quãng đương gần trăm cây số, toàn "quất" từ 100 - 120 km/giờ cũng ớn lắm. Còn tiền đặt cọc là do chủ hàng muốn mình có trách nhiệm với hàng. Chứ nếu có lỡ bị bắt thì họ chi tất cho mình". Khang cũng cho biết, anh ta là tay lái rất an toàn bởi chưa bị bắt bao giờ. Niềm tự hào đó của Khang sẽ vẫn tồn tại đến ngày xấu trời nào đó nếu chẳng may bị lực lượng kiểm lâm "chụp". Khang biết điều này bởi với công việc anh đang làm không lường trước được. Buổi sáng, trước khi đẩy xe ra khỏi nhà, Khang luôn dặn vợ con: "Nếu 8 giờ tối bố không về thì ra hỏi mấy chú công an". Ông Đặng Hữu Cử, Chi cục kiểm lâm Hà Tĩnh cho hay: "Chúng tôi biết có đường dây vận chuyển ĐVHD nhưng rất khó ngăn chặn một cách quyết liệt. Xe đang chạy trên đường, chúng tôi không có quyền ách lại, trừ khi biết chắc xe đó, có lâms ản lậu hoặc ĐVHD. Nhiều khi, nghe được tin báo của dân chúng xe này chở hàng lậu nhưng khi "ách" lại thì không thấy gì. Anh em tôi nhiều phen khổ sở vì tin báo sai hoặc chủ xe tẩu tán hàng sớm khi biết bị lộ". Ông Nguyễn Xuân Mẫn, Phó phòng pháp chế - thanh tra, Chi cục kiểm lâm Hà Tĩnh nói: "Mỗi năm, chúng tôi bắt khoảng 3 - 4 tấn ĐVHD. Tuy nhiên, do lợi nhuận quá cao, đầu nậu này sạt nghiệp thì đầu nậu khác lại mọc lên". Ông này cũng thú thật: "Từ khi đường 8 rộ lên nạn buôn bán ĐVHD bằng xe gắn máy thì kiểm lâm, nói chào thua thì hơi quá, những rõ ràng là chưa có biện pháp nào hữu hiệu. Các tay chở ĐVHD chạy bạt mạng, nhanh đến mức cảnh sát cũng chỉ đứng nhìn theo. Thậm chí, những tay buôn ĐVHD còn mạnh mồm tuyên bố: "Đâm chết bất cứ ai chắn đường. Đền vài ba chục triệu đồng một mạng, ăn thua gì". Hiện tại, số tay lái chở hàng ĐVHD ở Hà Tĩnh mới chỉ vài ba chục người. Tuy nhiên, một quan chức kiểm lâm cho rằng, chỉ có thời gian nữa, nếu tình hình buôn lậu ĐVHD trên đường 8 không được ngăn chặn có hiệu quả, đường 8 có khả năng trở thành "xa lộ động vật hoang đã".

Người Việt