Sông Mê Công giữ vai trò như thế nào
trong nền kinh tế VN

Nguyễn Nam

RA, 8/2/03

Sông Cửu Long cũng gọi là sông Mê Công giữ vai trò như thế nào trong nền kinh tế VN, nhất là trong lãnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp? Lụt lội trong vùng Ðồng Bằng Sông Cửu Long giữ vai trò như thế nào trong đời sống kinh tế quốc gia? Ta có nên xây dựng đê điều để phòng chống lũ lụt hay không? Và có nên định cư tại những vùng thường bị lụt lội dọc ven sông hay không? Giáo Sư Võ tòng Xuân là một chuyên gia nông nghiệp lỗi lạc đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến vùng Ðồng Bằng Sông Cửu Long.

Ông không những có chân trong những tổ chức nông nghiệp uy tín trên thế giới, mà còn được trao phó nhiều nhiệm vụ quan trọng ở VN, điển hình là chức viện trưởng Viện Ðại Học An Giang mới được thành lập mấy năm nay. Khi nói về vai trò của sông Cửu Long, GS Võ tòng Xuân nhận xét rằng:
 

VTX: Ðồng Bằng Sông Cửu Long là vựa lúa và cũng là vựa cá lớn nhất ở VN. Gạo sản xuất trong vùng Ðồng Bằng Sông Cửu Long chiếm tới 80% tổng số gạo được VN xuất khẩu hiện naỵ Cá đánh bắt trong sông Cửu Long cũng chiếm tới 60% tổng số lượng thủy sản được VN xuất khẩu.

Vì thế phải nói rằng, Sông Cửu Long có một vị thế rất lớn trong nền kinh tế VN nói chung và ở Ðồng Bằng Sông Cửu Long nói riêng.
 

NN: Như vậy thì có bao nhiêu phần trăm dân chúng trong Vùng Ðồng Bằng Sông Cửu Long sống bằng nghề nông?

VTX: Trong vùng Ðồng Bằng Sông Cửu Long, có tới 85% dân chúng làm nghề nông. Cho nên hoạt động nông nghiệp tại Ðồng Bằng Sông Cửu Long sẽ quyết định mãi lực của đại đa số dân chúng ở đây.

Ðối với người dân ở đây, nước Sông Cửu Long cũng chẳng khác nào nước sự sống vậỵ Do đó, tất cả những toan tính gì có liên hệ đến nước Sông Cửu Long thì cũng ảnh hưởng sâu xa đến cả vùng Ðồng Bằng Sông Cửu Long.
 

NN: Giáo sư vừa đề cập đến vai trò của Sông Cửu Long trong lãnh vực nông nghiệp cũng như ngư nghiệp. Tuy nhiên, khi trình bày về hai điểm vừa kể, GS đã bao gồm cả tầm quan trọng của Sông Cửu Long trong việc trồng cây ăn trái chưa?

VTX: Dạ có, khi nói về cây ăn trái, thì tại Ðồng Bằng Sông Cửu Long, bà con hay trồng cây ăn trái trên những vùng đất gọi là đất “líp”.

Muốn trồng cay ăn trái, nông dân ở đây cần phải lên líp thì mới có chỗ trồng. Khi làm như thế, họ sẽ có nửa diện tích đất để trồng cây ăn trái, nửa còn lại là để chứa nước hầu giúp cho cây được xanh tốt quanh năm. Lạch nước giữa hai líp cũng là chỗ lý tưởng để nuôi tôm cá.
 

Dẫn: Theo quan niệm của các chuyên gia ngày nay, chu kỳ lụt lội tự nhiên sẽ có lợi cho việc bảo vệ và duy trì cuộc sống đa dạng và phong phú của sinh vật, cũng như có ích cho sự phát triển kinh tế.

Ông Marc Goichot, Ðiều Hợp Viên Chương trình bảo Vệ Sông Mê Công tức là sông Cửu Long trực thuộc Quĩ Bảo vệ Thiên Nhiên nói như thế này:

MG: Chu kỳ lụt lội không những có ích trong việc duy trì cuộc sống phong phú và đa dạng của các sinh vật, mà còn giữ một vai trò quan trọng cho nền kinh tế những quốc gia có sông Mê Công chảy qua. Do đó, nếu không được thiết kế cẩn thận và hợp lý, hệ thống đê điều chẳng những dễ bị hư hỏng, gây trở ngại cho sự phát triển của các sinh vật, mà còn làm phương hại đến sự phát triển.

Ðiển hình là ở Phnom Penh. Ðây là một thành phố được đê điều vây bọc. Người dân ở đây không bị lụt lội. Thế nhưng, chính hệ thống đê điều này lại gây trở ngại cho sự phát triển tại thôn quê.

Vì vậy, ta phải xây dựng một hệ thống đê điều hiệu quả trong việc phòng lụt, nhưng vẫn không làm ngăn trở sự phát triển quốc gia, và tạo điều kiện cho dân chúng qua lại trong vùng quê suốt năm.
 

NN: Vậy thì tại sao chính quyền không ra lệnh cấm dân chúng định cư tại những vùng lụt lội có phải hơn không?

MG: Ðúng vậy, ta không nên xây dựng phố xá, làng mạc trong khu vực thường có lụt lội. Chính quyền nên buộc dân chúng định cư trên những vùng đất cao để tránh lụt lội. Bằng không thì, chẳng những ta phải bảo vệ người dân mỗi khi mùa lụt tới mà còn phí phạm những vùng đất mầu mỡ dọc ven sông.
 

NN: Thế ta có thể áp dụng kế hoạch này tại những quốc gia có sông Mê Công chảy qua không?

MG: Ngày nay, ngay tại khu vực dọc theo sông Mê Công, ta vẫn có điều kiện theo đuổi những kế hoạch phát triển dựa vào khái niệm sống chung hòa bình với thiên nhiên....

Chúng tôi nhận thấy rằng, đường lối phát triển được áp dụng từ trước đến nay đã không đem lại kết quả mong muốn.... 
 

NN: Vậy thì ta không nên gây trở ngại cho chu kỳ lụt lội?

MG: Vâng, nền kinh tế sẽ có lợi vô cùng nếu ta biết ứng dụng những phương thức mới vào công cuộc phát triển. Muốn như thế, ta phải để cho sông dâng nước lên theo như chu kỳ tự nhiên hầu duy trì đời sống đa dạng nhờ nước lụt đem lại.

Nói tóm lại, dân chúng nên định cư tại những vùng cao dọc ven sông để tránh lụt lội. Có nghĩa là, những vùng đất thấp sẽ không có người ở, không có người ở thì không cần đê điều, mỗi năm tới mùa lũ, nước sông dâng lên bao phủ những vùng đất thấp và đem theo phù sa vun bón ruộng đồng. Sinh vật và thực vật cũng được tự do sinh sôi nảy nở trong điều kiện tự nhiên. Cuộc sống sinh học sẽ đa dạng hơn và phong phú hơn.
 

NN: Có nghĩa là con người phải sinh tồn cùng với lụt lội phải không?

MG: Dạ đúng vậy, con người phải tìm hiểu thiên nhiên và sống chung hòa bình với thiên nhiên. Nên tránh những vùng lụt lộị Nếu muốn canh tác, ta cũng chỉ nên canh tác trong mùa không lụt lộị Ðây chính là khái niệm sống chung hòa bình với thiên nhiên, và đây cũng là khái niệm đang được triển khai tại VN.

Dẫn: GS Võ tòng Xuân cũng biểu đồng tình với ông Mrac Goichot:

VTX: Tự lo cho mình là mình phải đầu tư xây dựng những cụm dân cư trên những vùng đất được đắp cao để người dân tới đây lập nghiệp và xây dựng nhà cửa và trường học. Có như thế thì trong mùa nước lũ, bên ngoài bị ngập, nhưng nước sẽ không gây lụt lội tại những vùng đất cao như thệ Ðây là cách mà hiện nay chúng ta nói là sống chung với lũ.

Dẫn: Thế nhưng, đây là kế hoạch phát triển làng mạc dọc ven sông trong tương lai, còn những người đã định cư từ lâu nay trong những vùng thường bị lụt lội thì sao? Ta phải làm gì để bảo vệ sinh mạng cũng như tài sản của họ?

MG: Tôi không có ý cổ võ cho kế hoạch tái định cư những người hiện đang sống trong vùng đất thấp, tức là những vùng lụt lội dọc ven sông. Ðương nhiên là ta phải bảo vệ những làng mạc ấy. Bởi vì lụt lội có thể gây ra những thiệt hại khủng khiếp. Chính vì không muốn dân chúng bị lâm vào tình trạng điêu đứng như vậy, chúng tôi mới cổ súy khái niệm sống chung hòa bình với thiên nhiên.

Dân số ngày càng trở nên đông hơn, trong khi con người lại quên dần đi bản chất của sông ngòi và lụt lộị Thế là họ mới tự chuốc lấy những hiểm họa như vậỵ Ngày xưa, người dân thường định cư trong những vùng an toàn ở trên cao gần ven sông.

Ðương nhiên, chúng tôi không có ý định tái định cư dân làng trong những khu vực ấỵ Chúng tôi chỉ nói về kế hoạch xây dựng làng mạc trong tương lai mà thôi. Lẽ dĩ nhiên, ta phải bảo vệ dân chúng cư ngụ trong thành phố Phnom Penh. Chúng tôi sẽ không chống đối kế hoạch xây dựng thêm đê điều để phòng chống lũ lụt tại những nơi ấy. Chúng tôi chỉ muốn mọi người nên biết nhìn xa trông rộng mà thôi.

Dẫn: Tuy nhiên, nếu không biết tính toán cẩn thận, con người sẽ làm cho tình trạng lũ lụt xẩy ra liên miên. Ðây sẽ không phải là chu kỳ lụt lội tự nhiên, và lợi sẽ bất cập hại.

VTX: Lụt lội xẩy ra quá thường xuyên một phần là do rừng rú trên thượng nguồn bị mất đi. Một phần là tại những bờ đất cao được bà con nông dân VN đắp để giữ cho vùng đất bên trong được khô ráo để trồng lúa. Hậu quả là nước dâng lên tại những chỗ không có đắp bờ.

Nói tóm lại, vì rừng bị phá, nên nước trên thượng nguồn cứ đổ xuống ào ạt. Lý do thứ hai là vì nước sông không có đường đi vào phía trong. Thế là cả hai yếu tố này đã kết hợp với nhau để gây lụt lội trong khu vực. Trước kia, cứ mỗi 7, 8 năm lụt lội mới xẩy ra một lần. Thế nhưng trong mấy năm gần đây, lụt lội hầu như năm nào cũng xẩy ra.
 

Kết: Thưa quí vị, vừa rồi là bài nói về vai trò quan trọng của Sông Cửu Long tại VN, cũng như vai trò của chu kỳ lụt lội trong việc duy trì cuộc sống phong phú trong thế giới loài vật và thực vật, qua lời phát biểu của GS Võ tòng Xuân, Viện Trưởng Viện Ðại Học An Giang, và ông Marc Goichot, Ðiều Hợp Viên Chương Trình Bảo Vệ Sông Mê Công của Quĩ Bảo Vệ Thiên Nhiên.

Tạp Chí Ðịa Cầu của đài Úc Châu tới đây xin tạm ngưng, NN và TG xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại quí vị trong tiết mục này vào tuần sau cũng vào giờ thường lệ.