Rùa ở Việt Nam gần tiệt chủng

BBCVietnamese.com

14 Tháng 11 2002

Rùa quí Hồ Gươm (ảnh chụp tháng 3 năm 2002)

Rùa quí Hồ Gươm (ảnh chụp tháng 3 năm 2002)
 

Các giới chức người Việt Nam trong Ủy ban Quản lý Hiệp ước Quốc tế CITES về kinh doanh động vật hoang dã ở Việt Nam cho biết, môi trường sinh thái thu hẹp là nguyên nhân làm cho số lượng rùa đang giảm nghiêm trọng.

Họ nói việc săn bắt rùa sẽ giảm nếu như giáo dục toàn dân được tăng cường và các luật cấm kinh doanh động vật đang bị tiệt chủng được thi hành triệt để hơn. Thế nhưng rùa đang được bán với giá cao vì là một món khoái khẩu trong nhiều nhà hàng ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc, cho nên việc săn bắt rùa kiếm lời là khó tránh khỏi.

Giá rùa tươi chỉ một vài đôla, nhưng một khi vào thực đơn của các nhà hàng ở Hà Nội thì đắt lên gấp mười vì người ta cho rằng thịt rùa ngon hơn thịt gà. Ăn thịt rùa đang là một mốt thịnh hành ở thành thị vì giới đàn ông cho là thịt rùa tăng cường khả năng sinh lý.

Mặc dù kinh doanh các động vật hoang dã bị cấm, nhưng hiện có 23 giống rùa đang được bán, chủ yếu sang Trung Quốc với số lượng lớn.

Các nhà bảo vệ động vật hoang dã, bao gồm tổ chức quốc tế WWF nói việc liệt kê nhiều loài động vật trong sách các loài được bảo vệ, sẽ hỗ trợ việc kiểm soát hoạt động kinh doanh chúng, cũng như khuyến khích chính phủ các nước thi hành luật bảo vệ chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, hiện nay giá rùa đang tăng cao vì số lượng rùa đang giảm mạnh. Những người săn rùa phải đi xa hơn vào núi rừng để bắt rùa. Các chuyên gia nói còn nhiều việc cần làm để bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam tốt hơn, chẳng hạn như tăng cường huấn luyện các lực lượng biên phòng cũng như kiểm lâm.

Trong truyền thuyết của người Việt, con rùa qua hình tượng thần Kim Quy đã giúp vua An Dương Vương dựng nước và vua Lê giành độc lập từ tay quân Minh. Theo tín ngưỡng cổ truyền thì rùa là một trong Tứ Quý (Long, Ly, Quy, Phượng). Nhưng nay, rùa chỉ còn là một món được chế biến theo nhiều kiểu trong các quán đặc sản.

BBCVietnamese.com