Minh Triết dẫn nhập

Kim-Ðịnh
VietCatholic.net


"Ðông Sơn là một biểu hiện hoàn chỉnh thuộc thời tiền sử và cổ sử ở giai đoạn đồng thau". Ðó là một trong những câu đã làm tôi khám phá ra Thái Bình Dương như cái nôi của nền Văn Hóa cổ sơ và lớn lao hơn hết của loài người, nên cũng là một nền "Minh Triết" trung thực, tức là khoa dậy con người sống sao để được hạnh phúc cho mình và cho mọi người, là khoa hiện thiếu cho con người, nên nghiên cứu về Minh Triết Thái Bình dương cũng là nối triết học vào với Minh Triết, để có thể ra hướng dẫn cuộc đời.

Cuộc khám phá này được hiện thực nhân khi nghiên cứu về nguồn gốc Nho, nên có nói nhiều về nguyên Nho, vì cuối cùng nhận ra rằng Nho chính là Ðạo của Thái Bình xuyên qua Bách Việt là khối dân lớn nhất của Thái Bình dương, trong đó có Việt Nam. Nên nói về Hán Nho, Việt Nho đã là nói về Thái Bình Dương trong ngành phát triển lớn nhất của nó trên đất liền. Từ trước tới nay Nho chỉ được nghiên cứu như của Tàu, của Khổng tử, nên chưa bao giờ xuất hiện rõ nét hết cỡ có thể như khi được móc nối với nguồn gốc Thái Bình của nó. Ðiều đó sẽ được làm trong tập sách này nên nguyên nho sẽ năng được kêu là Thái nho. Ðề tài sẽ được bàn trong 3 tập:

  • Tập Thái Bình Minh Triết I bàn về Nguyên lý Mẹ được coi như sợi dây Aredna để đi thám hiểm quê Mẹ về nhiều mặt, nhưng trên hết về mặt Minh triết được gọi là Nho.
     
  • Tập Thái Bình Minh Triết II bàn về liên hệ giữa Nho của Tàu đã lên đợt Văn Minh khác với nho của Việt tộc hãy còn trong đợt Văn Hóa, tức còn y nguyên là của Mẹ Thái Bình, chưa bị văn minh bố bẻ quặt.
     
  • Tập Thái Bình Minh Triết III bàn tổng quan về khuôn mặt của Thái Bình Dương xuyên qua lâu đài đồ sộ nghệ thuật biểu tượng của nó.

1.

"Tất cả Thái Bình dương với nam Trung quốc có chung một văn hóa" (xem Lommel. trg. 80). "Tộc Thương chịu ảnh hưởng phương nam trọn vẹn" (Xem Need. I, trg. 87)... Những câu như trên đã giúp tôi khám phá ra hai điều:

  1. Người Tàu không là dòng tộc khác mà chính là anh em họ hàng với người Việt nam chúng tôi, cả hai thuộc cùng một dòng tộc và cùng văn hóa phát xuất tự Thái Bình dương.
     
  2. Cuối cùng chúng tôi nghĩ là đã khám phá ra Minh triết của nền văn hóa chung đó: nó mênh mông bát ngát, mà Việt nho mới là một ngành, tuy là ngành đã phát triển đến trình độ văn minh, lại nằm trong miền đông dân nhất hoàn cầu, nên được biết đến nhiều hơn, nhưng không phải độc nhất vì ngoài ra còn cả vùng Thái Bình dương mà trung tâm có thể là Ða-Nê như được trình bày trong quyển The primitive as philosopher của ông Radin, nơi đã có đủ những cặp phạm trù âm dương với bộ số đặc trưng 2-3. Trên miền duyên hải Mỹ châu thì phải kể tới Maya, Astec, nơi có thần chim rắn, tiền thân của tiên rồng Việt nam, và được biểu lộ khắp nơi bằng tục mang lông chim khi múa, ưa dùng số 5, thờ cúng ông bà, và trên hết là kính tôn mẹ cực điểm.

Sau cùng có thể kể đến Sumer, nguồn gốc của văn minh Lưỡng Hà mà ông. W. Durant cho là có thể liên hệ xa săm với Mongol, vì vắt áo tay tả. (Xem Civilization I. trg. 117). Chúng tôi cho là rất có thể vì ngoài lẽ vắt áo tay tả còn thể tìm thêm nhiều lý chứng khác, nhưng trên hết là một chuỗi các Ðại Mẫu mà nổi hơn hết là nữ thần Demeter, dậy nông nghiệp. Mà văn minh lưỡng hà truyền sang Ðịa trung hải.

Như vậy là văn hóa Thái Bình đã có lúc bao trùm khắp hoàn vũ. Nên tìm về nguồn gốc văn hóa Thái Bình cũng như tìm về nguồn gốc văn hóa loài người vậy. Nền văn hóa tiên khởi của con người đó đã xuất hiện cùng với người "khôn ngoan" (homo sapiens) cách đây cả bốn năm vạn năm là ít . Và có thể đó là đối tượng của câu truyện huyền thoại Atlantis mà Plato nói đến. Thiết nghĩ gác sang bên phần vật thể của câu truyện, mà chỉ xét có nền Minh Triết của Thái Bình đã đủ cho câu truyện có ý nghĩa.

2.

Nhất là bên Ðông phương câu truyện Bồng Lai trong sách Liệt tử (C.V) có ghi các điểm quan trọng thuộc nền Minh Triết mà Atlantis có thể mơ tưởng như sau: Ở phía Ðông trong Bộc Hải có một vực thẳm không đáy, gần đó nổi lên năm đảo tên là Ðại Dư, Viên Kiều, Phương Hồ, Doanh Châu và Bồng lai. Mỗi đảo cao ba van dặm, rộng chín ngàn lý, các đảo cách nhau 7 vạn dặm. Nhà cửa trên đảo làm bằng vàng ngọc. Chim muông thân thiện với người, cây cối tốt tươi, hoa thơm quả ngọt, ăn vào làm cho không gìa, không chết. Vì vậy mà sống trên đảo toàn là tiên thánh mỗi ngày bay qua lại thăm nhau nhiều lần. Chỉ phiền là các đảo cứ trôi nổi theo nước thủy triều. Thượng Ðế sợ một ngay kia các đảo sẽ trôi sang tây, nên truyền cho thần Trung Cương liệu lý. Thần này sai khiến những con rùa khổng lồ đội đảo trên lưng, cứ mỗi đảo là ba con, 5 đảo thành 15 rùa, nhờ vậy mà các đảo trở nên vững như bàn thạch. Không may ngày kia có người khổng lồ tên Long Be từ biển Be đến câu mất 6 con đưa về lấy mu rùa dùng vào việc bói toán. Thế là hai đảo Ðại Dư và Viên Kiều trở nên bồng bềnh, giạt trôi về phía bắc rồi chìm mất, chỉ còn lại có ba đảo Phương Hồ, Doanh Châu, và Bồng Lai.

3.

Như đã nói trên câu truyện chứa đủ mọi yếu tố cần để làm nên một nước có Minh Triết, vì xét theo cơ cấu luận thì căn bản hơn hết là bộ ngũ hành ẩn trong năm đảo mà hai đảo bị chìm vì quá chênh lệch: viên kiệu= do chữ viên là tròn chỉ hành thủy phương bắc số 1. Ðại Dư = xe lớn số 4 chỉ phương tây, là hai đảo không dùng được, còn ba đảo làm thành Tam Tài là:

  1. Thiên Sinh chỉ bằng đảo Doanh Châu = tròn đầy.
  2. Ðịa Dưỡng chỉ bằng đảo Phương Hồ = vuông vức.
  3. Nhân Hòa ở giữa sướng như trong cảnh Bồng Lai.

Có được ngũ hành đầy đủ như vậy thì đã đủ lý lẽ chứng minh về cơ cấu Minh Triết. Phương chi lại còn thêm những con số 3,9,15 thì không còn thể hồ nghi đảo Bồng Lai trong câu truyện cùng có chung một cơ cấu như Văn Lang quốc của Hùng Việt, hay là lý tưởng của bất cứ nước nào muốn mưu hạnh phúc cho toàn dân. Như sẽ được bày tỏ chi tiết trong sách.

4.

Ðại để đó là lỷ tưởng chỉ bằng trang huyền sử Bồng Lai của Liệt tử và có thể cả bằng huyền thoại Atlantis của Plato, nhưng là lý tưởng có thực sự đã từng xảy ra trong một không gian bao la, cũng như trong quãng thời gian lâu dài hơn bất cứ nền văn hóa nào đã được ghi trong lịch sử nhân loại, đến nỗi có thể nói đây là nền văn hóa chung của tỏ tiên loài người. Nền văn hóa mênh mông này đã được rất nhiều người bàn tới, trong đó đáng chú ý cách riêng là ông Briffault trong quyển The Mothers (1927). Nhưng còn một điều có lẽ cần hơn hết cho thời đại đang bị khủng hoảng văn hóa như ta, đó là hệ thống cơ cấu uyên nguyên của nền văn hóa đó, hay nói khác là cái cốt tuỷ nền Minh Triết của tiên tổ loài người chúng ta ra sao. Cái gì đã làm cho các ngài lưu lại được cho con cháu một kỷ niệm về hoàng kim thời đại. Hãy cứ gỉa sử có thực đi thì cái gì làm nên hoàng kim nọ. Ðó là điều các triết gia đông tây kim cổ đã rán sức mà vẫn chưa tìm ra. Vậy mà điều ấy có rồi đó đã được tiên tổ ghi lai bằng những dấu hiệu với những đồ biểu thực chói chang, chỉ cần đọc ra được. Chúng tôi sẽ thử làm điều đó trong ba quyển Thái Bình Minh Triết I, II, III. Trừ quyển III diễn bằng nghệ thuật là nói thẳng về Thái Bình, còn hai quyển trước tuy nói về Thái Bình nhưng nói xuyên qua Việt nho, bởi vì đó là ngành đã được biết tơí nhiều, và vì về đàng Minh Triết thì đại đồng tiểu dị, nên học một ngành đã biết đến nhiều thì có nhiều cơ may có được tiêu điểm tìm ra các ngành khác "ab uno disce omnes", nên tuy nói về Việt nho mà thực tế thì phần lớn là nói về những yếu tố Thái Bình dương trong Việt nho, nên kể là một công hai việc: vừa nói về Thái nho vừa chứng minh Thái nho được hiện thực trong Việt nho.

Kim Ðịnh

Garden Grove, ngày 2 tháng Tư năm 1989

Ghi chú về Romanization Nho bằng Việt ngữ.

Lý do căn bản là vì tiếng Tàu không phiên âm ra hết được thí dụ chữ "I" cho đích, cho nghĩa... cả đến 50 âm mà chỉ có một chữ. Tiếng Việt thì có đủ mọi âm vận (hơn 28 ngàn) giầu quá gấp đôi tiẻng Tàu (hơn 13 ngàn) do thiếu 7 phụ âm khởi, 3 phụ âm kết và chỉ có 4 dấu thay vì 6 của Việt, và nhất là Việt có đến hai trăm âm vận do chủ âm kép như ui, oa, oai, uyên Vậy đừng kể mấy tiếng đã quen như yin yang thì các chữ khác âm theo tiếng Việt và chữ nho.

Còn lý do tùy phụ một, vì nho đọc theo lối Nam cổ hơn lối Bắc, nên gần với Phác nho hơn (Phác =Pac chữ tắt cho Pacific, lại còn hàm nghĩa phác tố của Lão tử) tức là Nguyên nho tối cổ. Hán nho tối tân, ở giữa có Việt, nên Việt cũng nên có một lối đọc nho đáng được lưu tâm. Nhất là khi tìm về nguồn thì cái gì cổ hơn được coi là trung thực hơn.

Lý do sâu thẳm là vì Việt ngữ mang đầy Minh Triết, vì thành tố làm nên Minh Triết là nối kết hai thái cực lại một: nối có với không. Vậy Việt ngữ đầy rẫy ấn tích về sự nối ấy như: vui vẻ, trẻ trung, thích thú...Nói vui, trẻ, thích, đã đủ nghĩa, thêm vẻ, trung, thú là thừa, chữ nho gọi đó là hư tự= chữ rỗng, vô ích! A ha. Tất cả gía trị siêu việt nằm trong cái vô ích đó, vì nó nói lên được nét gấp đôi: là không dính liền với có, có- không đi đôi như cặp bài trùng = vui là có, vẻ là không, trẻ là có, vẻ là không, thích là có, thú là không. Về hư tự Tàu được có dăm từ: chi, hồ, gỉa, dã, hề, nhi... Còn Việt thì lu bù, chữ nào cũng cho vào được, nếu không thuận thì dùng vận iếc như học hiếc, đọc điếc, ăn iếc...