THÁI BÌNH MINH TRIẾT II

Kim-Ðịnh

<<

>>



CHƯƠNG VIII: ÐẠO THẤT HAY GẬY THẦN
(đề nghị một phương thức hiện thực Thái Nho)


1.

Ðạo Thất là trung tâm của Việt linh, mà Việt linh là một hình thức của Cojup. Cojup là một nỗ lực cộng thông của một số dân nước chịu ảnh hưởng Nho giáo muốn phục hưng nhân đạo để bù cho cái học hiện nay quá chuyên về thành công mà thiêu về thành nhân. Trong nỗ lực đó có cả sự cố gắng hiện thực mối tình đồng tông giữa các nước Ðông Á mới đựơc khám phá ra. Vì mối tình đồng tông đó mà có chữ nỗ lực cộng thông, trên kia và nó sẽ được dùng như một phương tiện đầy hiệu năng ngay trong việc phục hưng đạo lý chung. Nói là hiện thực tức là tìm cách biến ý tưởng đồng tông thành một thực thể được hiện hình thù lù trong dân chúng để có nội dung trung thực, bền vững. Có làm được như vậy thì việc phục hưng Nhân Ðạo mới đạt độ sinh ơn ích thực sự, chứ không chỉ là Ðạo học suông. Thực thể đó muốn mang tên là Ðạo Thất. Như vậy hệ thống Ðạo Thất trong các nước Ðông Á nếu mai ngày thành lập được thì sẽ trở nên như một hệ thống kinh mạch sống động đầy ắp hoạt lực: luôn luôn chuyên chở khí huyết tinh thần chu lưu ra khắp thân thể hầu làm cho các dân nước Ðông Á coi nhau như anh em một nhà, thay cho lối nhìn chính trị coi nhau như người xa lạ ngoại bang, nhiều khi còn như thù địch: xa hẳn ý của tổ tiên trong câu nói tứ hải giai huynh đệ. Hiện thực được như vậy là Ðông Á đóng góp được quá nửa vào việc thiết lập mối tình huynh đệ phổ biến mà con người đã mong ước từ bao đời nhưng chưa sao hiện thực được.
 

2.

Ðó là nghĩa vụ thiêng liêng của hét mọi người, mọi nước Ðông Á, cách riêng nước Tàu xét như lãnh đạo toàn khối, và trong phong trào Việt linh (hay cojup) thì như anh cả trong dòng tộc. Cả hai tước hiệu đều cao quí vô biên cũng như đòi hỏi người Tàu không được làm môn đệ cho bất cứ một chủ thuyết ngoại lai nào hết mà phải trở về trùng tu lại ngôi nhà văn hóa tổ tiên mà trong dĩ vãng gần đây đã vô ý ruồng bỏ.

Nghĩa vụ trùng tu đạo tổ cũng buộc những người trong toàn tộc: không ai được quyền làm nô lệ ngoại lai làm điếm nhục cho dòng tộc. Tất cả phải trở về phục hưng đạo lý, cách riêng những người Ðông Á di tản đang sống xa quê hương đất nước vì đễ thực hiện hơn do sự vụ họ có được nhận thức bén nhậy hơn về những nhu cầu của thời đại, của từng nơi, nên có khả năng đi tiên phong cho phong trào, trong khi phải tim đủ cách thế đáp ứng những nhu cầu đang gào thét chung quanh, nếu không đáp ứng được thì tai họa chắc chắn sẽ đến cho mình, cho con chaú dóng tộc mình. Các nhu cầu đó rất nhiều chỉ xin kể sơ mấy điểm chính sau đây:

  • Săn sóc cho trẻ em tiếp nối đưởc những điều tốt lành của dân tộc.
  • Săn sóc các thanh thiếu niên không thân nhân đang nằm chờ hằng ngàn bên các trại tị nạn, hoặc đã định cư nhưng bỏ gia đình để nhập những băng tác quái...
  • Săn sóc các người cô quả, nhất là những cụ già đơn chiếc cho bớt cảnh lẻ loi lạnh lùng.
  • Với cộng đồng nhân loại mình cũng phải nghĩ đến đóng góp chút chi để đền bù những giúp đỡ mà nhân loại đã làm ơn cho mình, chứ chẳng lẽ chỉ có ngửa tay nhận mà không biết đóng góp được chi hết.

Muốn làm được những việc vừa kể sơ trên đây thì phải có sự kết đoàn nào đó: kết đoàn càng rộng thì càng được việc. Việc cỡ quốc gia thì phải đoàn hợp cỡ quốc gia...
 

3.

Ðể đáp ứng được những nhu yếu trên nhất định phải có một cái nhà, to hay nhỏ còn tùy nhu yếu và phương tiện, nhưng nhất định phải có.

  • Phải có cái nhà mới có nơi sinh hoạt cho cộng đồng những người lưu vong.
  • Phải có cái nhà mới có nơi dậy các em học tiếng mẹ đẻ và truyền thụ văn hóa.
  • Phải có cái nhà mới có nơi trú ngụ cho những cụ gìa cô độc và nhất là
  • Phải có cái nhà mới có nơi tiếp nhận những thanh thiếu niên không thân nhân.
  • Phải có cái nhà mới dễ qui tụ những tâm hồn quảng đại chuyên lo cho quê hương đạo nghĩa.

Cái nhà đó thoạt tiên anh em muốn gọi là Cái Ðình để nhắc lại bao kỷ niệm thắm thiết êm đềm có, tưng bừng náo nhiệt có, nhưng tất cả đều tràn ngập muôn yêu thương mến nhớ của cuộc sống an vui nơi cố quận quê nhà. Nhưng rồi lại nghĩ đến những nhu cầu mới, những nghĩa vụ bao la đến độ có thể kêu là sứ mạnh, nên thiết nghĩ nên tìm một tên khác, một tên phải bao được cả Cái Ðình, cả đền Quốc Tổ cũng như những gì bao la mà hòan cảnh mới đem lại. Ðột nhiên chữ Ðạo vụt xuất chói lói như mặt trời, phát ra muôn tia sáng láng, soi thấu tới tất cả. Thôi, đúng rồi: chính chữ Ðạo đã gợi ra những việc kể trên thì chính nó cũng sẽ linh hướng cuộc sống trong ngôi nhà... và thế là chữ Ðạo được chọn và ngôi nhà mơ ước sẽ được gọi là Ðạo Thất. Chính Ðạo Thất sẽ là nơi các cán bộ học tập chủ Ðạo của Việt linh, đồng thời làm giáo viên và giám thị các thanh thiếu niên không thân nhân, những lưu trú ưu tiên của Ðạo Thất.
 

4.

Hiện nay Ðạo Thất mới là mộng án nhưng nó đã được cưu mang sau một chuỗi dài những thử thách thăm dò, xin tóm lược sơ qua:

Trước hết giữa năm 1984 Họ An Việt xuất hiện để truyền bá Việt Ðạo, cũng như để thăm dò xem có còn thể tìm ra đủ những tâm hồn quảng đại quyết chí dấn thân cho quê mẹ để đi xa hơn nữa chăng. Sau khi thấy cũng còn tạm được thì năm 1987 bước sang giai đoạn Việt Linh. Việt Linh là một thứ mặt trận nhằm quang phục hồn thiêng sông núi, tú khí anh linh của đại tộc Việt mà cao điểm là Ðạo Thất. Ðạo Thất sẽ là trái tim của Việt Linh...

Nhưng tiền đâu mà dám đòi nói đến Ðạo với Thất, Việt với Linh vậy à? Thưa trong việc lo cho quê nước nên luôn luôn nhắc nhở câu nói "có trờì mà cũng có ta". Phần ta thì trước hết phải "tận nhân lực qui thiên số". Thiên số tuy thường dành cho những cái bất ngờ thực kỳ lạ: nhưng chỉ sau khi ta đã phải tận nhân lực, nghĩa là trước đã phải làm tất cả những gì trong tầm tay mình, và làm hợp theo Ðạo, thì lủc ấy có thể nói tiền nằm ngay trong hai chữ "Ðạo Thất". Trong thực tế những việc làm có thể diễn ra đại khái như sau:
 

5.

  1. Thoạt ký thủy phải lập ra Quĩ Mẹ. Quĩ Mẹ thành bởi trước hết là tiền đóng góp của những người hảo tâm. Tiền đó sẽ được lưu giữ đời đời để làm tụ điểm vật thể thay cho quê Mẹ: chỉ tiêu có chút lãi (thí dụ 5.7% chia ra 2.3 cho trung ương, 3.4 cho địa phương). Tiền cứ đóng liên tục như thế sẽ có ngày thành ra nhiều. Như vậy quĩ có tính cách trường tồn nên dùng được làm tụ điểm để qui tụ lòng người, vì thế nói quĩ Mẹ thay cho quê mẹ là vậy.
     
  2. Ban tài chính sẽ tìm nhiều cách kinh doanh khác nhau, từ nhỏ như xâu phở, xâu nước chấm, bán đấu giá họăc bán thường những tặng vật như các mỹ thuật... vừa để thêm tài lực cho tổ chức, vừa nhất là tạo dịp cho đồng bào tham gia vào việc chung. Càng nhiều càng tốt, vì nó thuộc "diện tận nhân lực": có tận nhân lực nhiều thì trời mới ra chiêu ban phát.
     
  3. Tiết kiệm phải là điều then chốt trong việc điều động Ðạo Thất, chính hai chữ cần kiệm đã gợi nên ý niệm Ðạo Thất trong khi đọc câu sách Ðại Học rằng: "vi chi giả tật, dụng chi giả thư" = làm ra tiền thì phải mau mắn, tiêu ra thì phải chậm chạp. Quĩ tiết kiệm năm sau bao giờ cũng phải to hơn năm trước. "Kiệm cố năng quảng." là câu khẩu hiệu trong Nhà.
     
  4. Phải đi tìm tặng dữ. Ðây mới là nguồn tài lực chính: Ðạo Thất có được chóng xuất hiện cùng chăng là nhờ vào món này đây. Quan trọng là thế nhưng khi nào tiện sẽ nói thêm.
     
  5. Xin fund của các cơ quan xã hội. Ðây sẽ là nguồn tài trợ chính để lo cho các thanh thiếu niên không thân nhân. Xây nhà thì trông vào tặng dữ, còn tiền cấp dưỡng thì phải trông vào các hội thiện nghĩa.

     

6.

Trong năm khoản trên thì ba khoản đầu là đối nội; lo nhiều hơn về đức. Chứ về tiền nong không có bao nhiêu ở mấy lúc đầu: tiền đóng góp của hội viên chỉ là tiêu biểu cho óc tự lực, tự cường và lòng nhất tâm: đã quyết là làm, đã làm là đi tới cùng kỳ cực. Ðó là điễu rất quan trọng về đàng đức: đức quyết tâm hi sinh công của, đức kiên trì chịu đựng.

Với khoản hai là đức cần cù làm cho ra tiền của, cũng như chịu khò học hành, nhất là mai sau trong việc đào luyện những thanh thiếu niên bụi đời mà nhiều người mới nghe nói tới đã tởn: nó đòi hỏi biết bao nhẫn nhục, khéo léo: khi thì dịu mềm, lúc phải cương nghị. Ðúng là một trường tu đức thiết thực một cách gắt gao. Khóa tu đức "Sống Như Chơi" sẽ giúp vào việc nọ.

Khoản ba là bí quyết lớn để thành công mà chỉ Việt linh mới có khả năng thực hiện: "chỉ tiêu có lãi". Lối này chật vật lúc đầu, nhưng qua được chặng đầu rồi thì nó sẽ đem lại cho Việt linh một nền kinh tế ngày càng phong lưu, sau này sẽ có thể mở vòng tay lớn để đón những bụi đời bất đắc dĩ do gia đình tan vỡ đẩy đầy ra rìa phố... Và còn nhiều khả năng khác nữa. Vì thế Việt linh nâng đức tiết kiệm lên hàng "Quốc Sách."

Những đức tính trên đem lại cho Việt linh khả năng trường cửu, khiến có hi vọng sớm kéo được nhiều tăng dữ để có nơi đón nhận các em. Bởi khi thấy thành viên làm việc tận tình trên nền vững chắc thì săn sàng hơn trong việc giúp đỡ: đồng tiền bỏ ra vẫn còn đó để truyền lại cho các đời sau.
 

7.

Trên đây là một trường hợp riêng biệt của mấy người lưu vong Việt nam tuy mới đưa ra để thảo luận vì chưa đủ phương tiện để hiện thực hết các đợt nhưng phải trình bày khá cặn kẽ với các bạn của một số nườc Ðông Á để sau này nếu phải xin tặng dữ hay cả viện trợ thì những người có liên hệ sẽ dễ dàng quyết định hơn.

Hỏi xin tặng dữ hay viện trợ ở đâu? Thưa bất kỳ nơi đâu nếu có thế, nhưng cách riêng phải nghĩ đến mấy nước bên Ðông Á mà trước nhất là nước Tàu được suy tôn là anh cả trong gia đình văn hóa của đại tộc, rồi tới các nước đã phát triển mà trển hết là Nhật, sau đến "bốn con hùm Ðông Á": Ðại Hàn, Ðài Loan, Hồng Kông, Tân gia Ba. Một con đại bàng với bốn con hổ hiện đang làm cho Âu Mỹ lo ngại sẽ bị qua mặt trong phương diện kinh tế.

Tại sao lại đặc biệt nghĩ đến mấy nước Ðông Á. Thưa vì lý do đồng tông cả văn hóa lẫn chủng tộc. Mấy người đang lo Ðạo Thất cảm thấy mình đang làm việc cho một đại gia đình văn hóa rất cổ kính nhưng đang lâm nguy tiêu trầm, nên khi thiếu phương tiện thì tự nhiên nó nghĩ đến xin trước hết nơi những đồng tông, chưa chắc đã được đáp ứng ngay, hoạc vì dự án chưa được hiểu hoặc vì lý do nào khác, nhưng thiết nghĩ khi được hiểu thấu đáo thì hi vọng thế nào cũng có sự giúp đỡ do tư nhân hay cả chính quyền. Bởi việc làm có liên hệ đến danh dự đại gia tộc, hoặc vì danh dự đàn anh muốn khích lệ mấy em làm việc nghĩa... Nhưng dầu sao nó thấy cầu cứu với những ngưỡi đồng tộc thì tỏ ra thân tình hơn, có thể nói là hợp Lễ hơn, ít nhất cũng gióng lên được hồi chuông báo nguy cho đại tộc.
 

8.

Cái nguy đó ở tại cả khối đua nhau làm nô lệ cho ngoại mà, mà đệ tiêu trầm (?) đi một đạo cần thiết cho mình, cho cả nhân loại. Chia theo Tam Tài: thiên, địa, nhân thì các nơi chuyên về thiên đạo hay điạ đạo, còn Nhân đạo là sứ mạnh dành riêng cho Ðông Á, như đã xảy ra nhiều ngàn năm qua, nhưng đến nay Ðông Á đang ruồng bỏ đạo tổ, chỉ lo có đạo thực. Âu Mỹ đang lo ngại sẽ bị mươi con hổ Ðông Á qua mặt về đàng kinh tế. Giả sử điều đó có xảy ra thực thì những người chính tông Ðông Á sẽ chẳng lấy gì làm hãnh diện, vì đó chẳng qua là nhờ học được kỹ thuật của tây âu, chứ có gì là đóng góp mà hãnh diện. Ðã thế nếu cứ tiếp tục thâu nhận khoa học duy vật nguyên con mà không linh nhuận bằng đạo đức Ðông phương thì rồi cũng sẽ dẫn đến chỗ xâu xé nhau, tức cũng tận cùng bằng đau khổ thì có gì mà hãnh diện. Hay giả sử có tạo được giầu thịnh nhưng trên lưng người khác, dù người ấy là tây hay đông cũng thế, đều không phải là Minh Triết, Minh Triết là phải lo cho mọi người đều được hạnh phúc. Ðông phương chỉ có thể hãnh diện thực sự khi quang phục được nền Minh Triết để linh nhuận nền khoa học duy vật hiện nay. Ðấy mới là đóng góp đích thực mà tây âu có quyền trông chờ tự Ðông phương: Tây phương đã dựng nên khoa học mạnh mẽ như thần, đến độ quay lại hành hạ ngay chính những người dựng nên nó. Muốn khoa học quay ra phục vụ con người thì cần phải đưa nó đi rửa tội bên giếng Minh Triết. Ðó phải là việc của Ðông phương. Làm được như thế Ðông phương mới chu toàn phần việc mà trời đã chia cho mình trong cuộc thăng tiến của nhân loại. Mà muốn hoàn thành được nhiệm vụ trên thì những nỗ lực một chiều và lẻ loi như đã thử tới nay không còn đủ nữa, nhưng phaỉ là những cố gắng cộng thông đại loại như lối Việt linh với Ðạo Thất./.

<<

>>