THÁI BÌNH MINH TRIẾT II

Kim-Ðịnh

<<

>>



CHƯƠNG VI: NGỎ LỜI CÙNG NGƯỜI ÐÔNG Á


Thưa quí vị.

Sở dĩ tôi mạo muội ngỏ lời cùng quí vị là vì có một việc rất trầm trọng liên quan mật thiết đến toàn khối chúng ta, cũng như liên hệ đến từng nước tưng người trong chúng ta cách sinh tử, thế mà phần lớn lại nằm trong quyết định của chung ta.

Vì vấn đề quá ư trầm trọng nên trước hết tôi xin tự giới thiệu tôi là người Việt nam, 75 tuổi. Từ năm 30 tuổi tôi chuyên nghiên cứu và dậy về triết Ðông Á (Tàu Việt) ở hầu hết các đại học Saigòn, đã viết trên hai chục sách về nguồn gốc văn hóa đông Á, và đã đi đến kết luận này là tất cả chúng ta đều bởi một gốc mà ra: cả về chủng tộc lẫn văn hóa. Luận đề này đã được chứng minh nhiều lần và về đủ phương diện nhất là cơ cấu, uyên tâm, cổ nghệ và khảo cổ cách rất cẩn trọng, quí vị có thể yên lòng, vì ở đây không thể lặp lại những điều đó. Chỉ xin nhắc đến ít khám phá lớn nhất, những đức tính cao quí rất mực của nền văn hóa đại tộc, và bởi nhìn ra được một lối trở về với nguồn gốc văn hóa của mình, nhân đấy cũng thấy sứ mạnh của người Ðông Á chúng ta có thể sẽ hết sức cao cả nếu hiện thực được và có nhiều khả năng hiện thực miễn kết đoàn để đi đến phát triển nền văn hóa chung này, như đã được bàn sơ lược trong mấy chương trước.

Trong những lời cuối cùng này chỉ xin tóm lược vài khía cạnh đặc sắc hơn hết của đại tộc rồi đề nghị một trong những đường hướng có thể làm, hơn nữa một khởi đầu thử hiện thực đặng tạo dịp tóm thâu những kinh nghiệm sống và những lời mách nước bất kỳ tự đâu về dự án sẽ được trình bày dưới đây. Vậy trước sau đây là bốn nét đặc trưng của đại tộc:
 

1.

  • Nét đầu tiên là tính cách Lưỡng Thê của Nghệ tổ như Phục Hi, Nữ Oa, Thần nông: tất thảy đều sống được cả trên đất lẫn dưới nước. Thứ đến là mấy vị liên hệ với điển chương văn hóa đều sống ở biển khơi như hiền triết Tanê ở Ðanê, Lạc long quân chủ Sách Ước ở thủy phủ, Thần kim qui chủ sách Lạc Thư Minh Triết cũng vậy, điều đó chỉ tỏ văn hóa Việt tộc phát xuất từ nước, từ Thái Bình dương. Ðiểm này còn được kiện chứ ng bởi các điển chương nền móng của Nho* như Hồng Phạm Cửu Trù, Hà Ðồ Lạc Thư đều phát xuất từ nước hoặc trực tiếp như Hà Ðồ Lạc Thư, hoặc gián tiếp như Hồng Phạm Cửu Trù. Nói gián tiếp vì Hồng Phạm Cửu Trù đều do ngũ hành, mà ngũ hành thì do khung giếng nước và số 5 của đại tộc (số 2, 3 của Sách Ước đều tự nước). Hoặc những cổ nghệ như như thấy trong trống đồng đều có nguồn gồc biển khơi.
     

2.

  • Nét đặc trưng thứ hai là vũ trụ quan lưỡng nhất: hai mà một, một mà hai được biểu thị bằng hai bộ số 2, 3 hay chẵn lẻ, đất trời... Nét lưỡng nhất này liên hệ với nét lưỡng thê nói trên: có được đời sống lưỡng thê là nhờ có đạo lưỡng nhất. Ðấy là theo luật: "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài".
     
  • Nét đặc trưng thứ ba "vị thế Mẹ trội vượt vị thế Cha", biểu thị bằng mẫu hệ, mẫu quyền, mẫu cư... Ðây là nét xã hội biểu lộ sự cân đối giữa âm và dương, cũng là giữ linh thiêng và vật chất, gây nên xã hội thân tộc: không có giai cấp, tài sản quốc gia được phân chia tương đối công bình. Có thể nói gọn đó văn hóa có nguyên lý Mẹ.
     
  • Nét đặc trưng thứ bốn là Ðạo Thờ Cúng Tổ Tiên. Lệ tục này biểu lộ vị trí con người được bảo tồn giữa trời cùng đất, nhờ vậy con người thoát nạn vong thân, nguồn mạch mọi khổ đau của loài người.

Ðó là mấy nét chính cốt tả cái cơ cấu nguyện Nho của đại tộc gồm bốn điểm sau: 1/Lưỡng thê. 2/lưỡng nhất. 3/ Mẫu từ. 4/ Gia tiên. Cứ dựa vào cái nguyên Nho đó mà đi tìm dòng họ thì có căn cứ rất nền tảng: dù ở xa cách bao nhiêu, dù dùng ngôn ngữ nào hay cả theo tôn giáo nào cũng có thể tìm ra tông tích của đại tộc. Thí dụ người Ấn Nê tuy theo Hồi giáo mà vẫn giữ được đức khoan dung: đó là do ảnh hưởng nguyên lý Mẹ. Vào nhà người Mên muốn hỏi gì thì người chồng thường bảo xin hỏi vợ tôi... chỉ vài cử chỉ đó đủ nói lên mối liên hệ xa xưa với nền văn hóa đại tộc.
 

3.

Cả bốn nét vừa kể đều là cột trụ cho nền triết lý nhân sinh, cũng là Minh Triết: bất cứ triết lý nào mà muốn trung thực thì không thể thiếu bốn đức đó, và hiện đang được thế giới mong chờ dưới danh nghĩa là cái biết "Chu Tri" toàn diện cho lưỡng thê và lưỡng nhất; "Nguyên lý Mẹ" cho Mẫu từ và "Nhân Chủ" thế cho vong thân. Tóm lại toàn là những nét đem lại hạnh phúc cho loài người: vì thiếu nó nên văn minh ngày nay hiện đang rung chuyển tận gốc rễ và mai đây nếu nhân loại có thoát khỏi cơn khủng hỏang hiện tại cùng chăng thì chính là nhờ có đạt được cùng chăng những đức tính vừa kể lại. Thực ra thì những đức tính đó vẫn đang được thi hành, vì nếu không thì loài người cũng chẳng tồn tại nổi, nhưng đó là thục hiện do lương tri mà không do triết, nên khó nhọc rất mực: phải thêm công an vòng trong vòng ngoài, hoặc dùng luân lý thúc đẩy hay cả những răn đe của tôn giáo, thế mà công hiệu vẫn thua: vừa bấp bênh vừa ít ỏi, khác với Minh Triết biết bao: ung dung trúng đạo, nên thành công vừa vững chắc vừa nhiều và trên những điểm then chốt.
 

4.

Hỏi làm thế nào có thể thi hành như thế? Thưa phải có triết, hơn thế phải là thứ triết đạt thân cũng gọi là Ðạo, và đến đây thì ta thấy rõ chỗ giá trị của văn hóa mình, tức là đại tộc ta đã có Ðạo mà càc nơi khác thì chưa, chứng cớ là dân ta có nhưng đức như đã kễ trên. Hoặc nói đúng hơn thì các nơi cũng có đạo, nhưng là đạo trời, hoặc đạo đất, còn đạo người thì không. Thế mà chỉ có đạo người mới phụng sự người: vì có đạo người nên mới có đạo thờ người. Mà đạo thờ người biểu thị rằng con người giữ được quyền làm người của mình, không có chế độ nô lệ, toàn dân được thong dong và cái học được hướng trọn vào việc làm người. Thế mà đó chính là nhưng cái con người đang mong ước, bởi chính sự thiếu vắng đó gây nên muôn trùng khốn khổ cho con người, cũng như đã quật ngã mọi nền văn minh cho tới nay, ngoại trừ văn minh Tàu. Ðến lúc tìm hiểu lý do tại sao văn minh Tàu lại được như thế thì té ra nó cùng một gốc với đại tộc, tức là nền văn hóa đã có bốn yếu tố nói trên tuy không đầy đủ, và nhất là chỉ giữ hầu như vô thức, tức không nhận thức được cách lý luận và biện chứng nên dễ bị những chủ thuyết ngọai lai đè bẹp. Vậy đó là tình trạng nguyên Nho tuy còn lại trong đại tộc nhưng đã chìm khỏi bình diện ý thức nên ngay giới trí thức cũng không còn nhận ra giá trị nữa: tất cả các điển chương, các huyền số của tổ tiên không nói lên được gì nữa với miêu duệ. Huyền sử cốt nói về vũ trụ và nhân sinh quan thì bị coi như sử ký thuật truyện để mà tin hay không tin trên bình diện ý thức, thành ra không biết lặn xuống vùng tiềm thức để tim lời huấn giáo. Ðó là một tình trạng bi thảm không đủ sức tự cứu chứ đừng nói tới sứ mạng làm chi cho rởm.
 

5.

Nếu vậy thì đành buông xuôi sao? Thưa tại sao lại nói tới buông xuôi khi ta có thể quật ngược lại thế cờ. Sự việc đại loại như sau. trước hết cần nhận chân rằng con đường dân tộc là con đường bó buộc, không còn con đường nào khác, chỉ cần phân tích cái học hiện nay thì sẽ thấy điều đó. Chúng tôi đã phân tích một lần dưới nhan đề là "Chu Tri", như được in lại sau bài này, để khỏi viết lại.

Ðọc bài đó xong quí vị sẽ hiểu tại sao tôi nói không có đường cứu rỗi khác ngoài con đường dân tộc học. Chỉ cần thêm rằng phải học đúng kiểu dân tộc, tức học phải có hành. Chúng ta phải tìm ra một lối hành hợp hoàn cảnh hiện nay của chúng ta. Chúng tôi đã thử phác họa một phương thức mà tôi tin là hợp với hoàn cảnh chúng tôi dưới nhan đề "Ðạo Thất". Chúng tôi cũng cho in lại đây liền sau bài Chu tri.

Sở dĩ phải viết riêng một bài là đẻ đủ chỗ trình bày tỉ mỉ dự án để tiện cho việc xin viện trợ sau này. Vì việc xin viện trợ đề cập tới ở đây cũng thuộc bản cốt dân tộc học, hầu như có một mối liên hệ thiêng liêng bắt buộc phải xin cũng hầu như buộc phải cho, nên thiết nghĩ cần viết tỉ mỉ như một thứ thiết kế để phía cho viện trợ thấy công việc thực sự đáng làm, thí dụ dự án phải vắng bóng phiêu lưu: đã bỏ tiền ra là tất thành tựu. Hai là phải tỏ ra có khả năng trường tồn: chỉ cần bỏ tiền ra một lần vì hiệu quả chắc phải còn mãi mãi. Có đạt được như vậy mới trông có được nhiều cơ may nhận được tặng dữ.

Vậy xin quí vị đọc tiếp hai chương sau: "Chu tri""Ðạo Thất" như hai đoạn tiếp nối bức thư này./.

<<

>>