THÁI BÌNH MINH TRIẾT II

Kim-Ðịnh

<<

>>



CHƯƠNG V: SỨ MẠNG THÁI NHO


1.

Chữ Việt trong từ ngữ mói của Việt nho xin hiểu theo hai nghĩa là Việt tộc và Việt nam. Việt tộc vì lấy gốc rễ từ đó, còn Việt nam vì những gốc rễ đó đang được khai quật ở Việt nam. Về phần Nho đi với Việt nho xin được hiểu là Hán nho tức phần của Tàu, ngầm hiểu rằng Hán đi với Việt nho sẽ có thêm được nhiều may mắn phát triển khả năng trình bày triết nho bằng tiếng nói hợp cảm quan thời đại. Tiếng nói đó tất nhiên không còn là tiếng nói buông lửng xưa cũ của nho, nhưng cũng không phải tiếng nói biệt cách trừu tượng của triết tây. Thực ra thì triết tây chưa bao giờ đạt khả năng nói lên tiếng nối có thể hiểu cho người bình thường.

Nhưng trước hết xin hỏi tại sao lại đặt vấn đề Việt nho ra đây, vì đó là vấn đề tế nhị có thể gây xích mích với Tàu? Thưa sợ như thế chỉ là vòng ngoài, chứ xét rộng ra thì vấn đề rất ơn ích, không những cho Việt nam, cho Tàu mà còn luôn cho thế giới.

Trước hết đối với người trong toàn khối dân Ðông Á nếu Nho không được coi là bởi tiên tổ mình thì khó có thể động viên được nhiều người lưu ý, vì bao lâu họ còn coi nho là của riêng Tàu thì nho sẽ bị khước từ như nay. Nếu có dăm ba người mến mộ nho thì có thể dễ bị coi như chạy cờ cho đế quốc Tàu vốn bị tin là chuyên dùng nho như đội tiên phong cho công cuộc chinh phục và thế là từ khước nho, mà từ khước nho là từ khước đạo tiên tổ mình và thế là tòan khối Ðông Á không có được dây thiêng nào ràng buộc với nhau, nên cứ rã rời như nay, cả đến từng nước cũng không có chủ đạo sống. Nhưng nếu khám phá ra nho lá của chung toàn tộc thì sẽ dễ dàng động viên được nhiều người cùng nhau cố gắng phục họat đạo nho hầu từng nước sẽ có chủ đạo, còn toàn khối sẽ trở nên một lực lượng tinh thần rất ơn ích cho mình cũng như cho nhân loại.
 

2.

Ðổi với Tàu mới nghe tưởng là thuyết Việt nho làm giảm uy tín Tàu, nhưng thực ra không có vậy, chẳng qua truy nhận sự đồng tông về chủng tộc cũng như đồng sáng tạo về văn hóa của các chi khác, hay đúng hơn cùng bởi tổ mẫu chung là Thái Bình dương. Vậy thôi chứ có làm chi thiệt đến uy tin của Tàu đâu. Tàu có quá nhiều uy tín đã đắc thủ cách chói chang xuyên qua dòng sử mệnh dài lâu với những thành tựu rực rỡ được cả thế giới ca ngợi, sức mấy mà một học thuyết có thể làm giảm uy tín, chỉ có giúp cho Tàu phục hồi uy tín thì đúng hơn. Ðiều thực sự làm giảm uy tín Tàu nằm ở chỗ khác, đó là Tàu đã từ bỏ chức lãnh đạo tinh thần khối Ðông Ấ với một nền chủ đạo đã từng chứng tỏ gía trị trác việt, để đi tranh địa vị học trò hạng ba trong một học thuyết hết sức bấp bênh và lạc hậu, tự ngày xuất hiện đến nay chưa hề chứng tỏ được giá tri trung thực lần nào. Ðấy mới là điều làm giảm uy tín của Tàu, làm giảm cách rất trầm trọng, phạm đến quốc thể không những riêng Tàu mà luôn của cả khối Ðông Á và đó là điều phải lo sửa lại, không những Tàu mà luôn cả các chi khác của tộc Việt.
 

3.

Chính trong ý đó mà thuyết Việt nho xuất hiện với mục tiêu góp phần vào việc khôi phục lại đạo tổ tiên chung của đại tộc, một chủ đạo đã xuất hiện ngay từ khởi thủy của đại chủng vã đã chứng tỏ là một đạo lý tuyệt luân, ưu thắng tức vượt xa mọi thuyết lý về sự quán triệt, thống nhất, lâu bền, thiết thực cũng như đã từng làm ơn ich cho miêu duệ tràn lan phúc huệ. Ðiều này dễ nhận ra khi so với tự lúc rước thuyết ngoại lai vào thì đã tan cửa nát nhất là với máu và nước mắt lưng trời tràn ngập. Chỉ cần suy nghĩ một chút liền thấy việc khẩn thiết hơn hết phải làm lúc này là phục hoạt lại nền đạo lý tổ tiên. Ðiều này nói trên lý thuyết thì không gặp chống đối nào hết, nhưng cái khó là phục họat thực sự, là điều cho đến nay chưa hề thấy xảy ra, vì nếu xảy ra thì Tàu đã không theo cộng, họăc đã quá theo thì cũng trở lại dễ dàng mà không ngần ngại dè dặt như nay. Dè dặt là vì trở lại bị coi là cổ hủ, là thụt lùi, là không tiến bộ. Ðó là niềm tin chung tuy rất sai lầm và tai hại nhưng không thể xoá bỏ dễ dàng bao lâu chưa có một cuộc phục họat đich thực. Hiện nay mới có những thử thách nhưng chưa thành công, vì mới chỉ là những luận bàn hoặc theo lối cổ xưa, hoặc theo lối triết tây. Ðó không là phục hoạt, phục hoạt đích thực không theo ai hết mà là cái gì vượt không gian và thời gian, một cái gì sáng tạo vọt lên từ uyên nguyên nguồn cội, nên tuy từ trong cố cựu phát xuất nhưng lại rất mới mẻ hợp thời. Nhưng cái đó không ở trong tầm tay của ước muốn thường tình: hễ muốn là được mà phải do tiềm thức cộng thông của cả đại chủng.
 

4.

Ðó là điều nói lên sự cần thiết phải có sự đóng góp của nhiều chi tộc trong đại chủng. Tuy không phải hễ có sự góp sức đó là tất có sự phục họat, vì như đã nói cái đó không tùy nơi ta muốn mà được, nhưng với sự hợp tác cuả các chi khác thì ta đã sửa soan đủ về phía ta, còn phục hoạt có xảy đến cùng chăng là việc của vận nước, vận châu. Dầu sao thì điều đó cũng rất cần thiết cho việc truyền bá đạo lý vì dù đúng hay sai thì người Ðông nam Á coi người Tàu như xâm lăng nên nếu một mình Tàu đứng ra truyền bá đạo ly thì sẽ không công hiệu bằng một vài nước trong vùng ÐNA. Còn Tàu nên giữ vai anh cả giúp cho các em làm. Lúc ấy Tàu sẽ có rất nhiều tư thế tinh thần để giúp mở một mặt trận văn hóa nhằm khội phục lại di sản văn hóa nguyện thủy của chung toàn khối, là điều sẽ đóng góp hữu hiệu vào việc thiết lập mối tình huynh đệ phổ biến cho nhân loại cũng như cho nền hòa bình thế giới.

Ðây là điều nhân loại đã mong ước lâu đờì nhưng chưa bao giờ thành sự thực. Nay nếu khối Ðông Á đóng góp hữu hiệu vào cho việc đó, thì sẽ là một sự vẻ vang cho toàn khối, cách riêng cho Tàu vốn mặc nhiên được coi như lãnh đạo. Vì đây có được hai điều mà các khối khác không có: thứ nhất là một đạo lý trường cửu, chưa hề bị khủng hỏang trong cơ cấu, trái lại đã thiết lập được nhiều tổng hợp như của Ðổng Trọng Thư đời Hán, Chu Hi đời Tống và ba tổng hợp Phật nho: Tịnh độ của Huệ Viễn, Thiên Thai của Trí Khải và hành Thiền của tổ Huệ Năng. Thứ đến là một khối người đông gấp đôi ba lần các khối khác. Hiện nhân lọai có 5 tỉ người thì riêng đông Á đã chiếm gần ba tỉ, còn non nửa chia cho ba bốn khối kia.
 

5.

Bây giờ xin hỏi giả như Tàu và các nước Ðộng Á chấp nhận mối liên hệ gia đình văn hóa cho cả miền thì sẽ có thể làm được những gì?

Thưa nhiều điều có thể, thí dụ về văn học nên khởi công liền một cuộc nghiên cứu đến tận nền gốc của tiến trình thai nghén ra nguyên nho mà vì nguyên nho là Minh Triết, điều kiện bất khả vô cho mọi cuộc hòa bình, nên việc khấm phá trở nên ơn ích cho mọi người, đó là làm hứng khởi mọi người trong khối giúp củng cố tình gia tộc của khối. Do cuộc nghiên cứu sâu rộng ta biết được toàn thể các chi tộc đều có chung một số góc rễ, như ưa số lưỡng hợp chỉ Thái Hòa, số 5 chỉ tâm linh, tục đeo lông chim khi múa và đều có liên hệ xa gần với long: giao long , xà long, quỳ long, cẩu long... Trong khi đào sâu vào những vấn đề nguồn gốc, ta sẽ nhận ra rằng những gốc rễ đó chính là gia tài chung của cả miền và chúng quý vô cùng vì nó chứa đựng một nền Minh Triểt rất hữu hiệu mà cả nhân loại đang tìm mà chưa kiếm ra. Thế mà nay lại thấy có rồi đó, nó nằm ngay trong khối và có phần dễ phục hoạt vì nó cũng còn nằm rớt lại trong vùng tiềm thức cộng thông của toàn miền, cũng như còn nằm trong nhiều tục lệ cũng như thói tục và định chế vốn hiện hành nhưng không còn mấy ai hiểu ý nghĩa nữa, nay nếu có sự hợp sức kiếm tim thì hi vọng sẽ đưa ra ánh sáng trước sư vui mừng hớn hở của cả miền và đâu đấy sẽ có sự hăng hái giup vào việc hợp quần do đó toàn khối sẽ trở nên cường thịnh.
 

6.

Về câu hỏi tại sao cần tìm trở lại tận nguồn thì lý do chính là vì văn hóa nhân loại hiện đang trải qua cơn khủng hoảng trầm trọng, chưa biết đi về đâu. Á châu hết tin tưởng đạo lý của tổ tiên mới đi rước triết tây về, nhưng sau ít chục năm thực hiện mới vỡ mộng. Tây phương cũng hoang mang không kém, nhất là sau hai thế chiến, và sau các cuộc thí nghiệm của thực dân, của kỳ thị chủng tộc, của phát sít và cuối cùng của cộng sản thì hầu hết đã thấy được không chủ thuyết nào tỏ ra có khả năng dẫn nhân loại đến được bến bình an chân thực, nên hiện vẫn còn đang đi tìm. Xem ra nho có khả năng nọ, chứng cớ là năm 1949 hội nghị triết học ở Honolulu đã bầu Khổng tử làm nhạc trưởng cho cuộc thống nhất hòa âm giữa đông tây kim cổ mà rồi chẳng xảy ra điều gì. Tôi thử đưa ra lý do đó là tại Hán nho, nhưng tôi chưa đưa ra chứng cớ cũng như các học giả chưa bao giờ chú ý đến vấn đề này, ít ra cách sâu rộng. Vậy ở đây tôi thử đi vào xem sao.

Ðiều cần nhận xét ở đây là tại sao trong nho có lưu truyền rằng từ đời Hán trở đi nho đã thất truyền, đã đánh mất "vi ngôn đại nghĩa". Vậy vi ngộn đại nghĩa đó là gì? Khi so sánh Hán nho với nho đời trước quen gọi là nho tiên Tần thì thấy có sự khác biệt quan trong này là tự Hán nho thì hết ca hát múa nhảy, còn tự tiên Tần về trước thì ca múa tràn ngập như có thể xem trên mặt trống đồng. Khổng tử đã tiếp nối tinh thần vui ca đó trong vụ ông chấp nhận dự án của ông Ðiểm. LN,11/25, nhấn mạnh đến ca hát, cũng như trong huấn điều rằng: "sĩ vô cố bất triệt cầm sắt". Ta có thể nói tinh hoa nho giáo nằm trong lễ nhạc tức không thể đề cao nhạc hơn được nữa, đến nỗi nước ông Thuấn có bộ nhạc...
 

7.

Tất cả sự quan trọng âm nhạc đó nói lên sự gắn bó với đạo Trống. Trên mặt trống Ðông sơn ta thấy mọi người cùng ca hát múa nhảy, cùng tiến về trung tâm là nguồn mọi ân phúc được biểu lộ bằng sự hòa hợp giữa trời, đất, người, giữa chim muông cá nước. Ðó là cuộc sống cực kỳ cao độ, vì ca múa là dấu của sự sống hạnh phúc tràn ra, ca hát chưa tỏa hết sung sướng thì múa nhảy. Eo ơi đạo gì mà nhảy cà tửng vậy sao? Vậy đấy. Ðạo thực nó sống động như thế đó. Không vậy thì kể là phần nào đã mất đạo. Chữ đạo không có nghiã khác hơn là hòa ca múa nhảy. Chữ nho đã diễn tả điều đó khi viết chữ Ðạo với bộ đầu và xước (đi) hàm ý đạo là đi về đầu cội rễ muôn vật, muôn loài, cũng là đầu cội rễ mọi ơn phúc, mọi diễm phúc. Bởi vì đạo là gì nếu không là hòa âm với dương, hòa hai đầu đối đãi, mà trên đời còn gì biểu hiệu sự hòa hợp hơn nhạc. Người ta gọi nhạc là hòa âm, hòa nhạc, hòa tấu. Bởi vậy nhạc được gọi là bà chúa nghệ thuật, vì bản tính nghệ thuật là hòa, mà khả năng nuôi dưỡng hòa thì không đâu bằng nhạc. Nên nho giáo lấy kinh nhạc làm điểm cao chót vót, và dùng nhạc để điều lý cuộc đời. Lễ cũng nhằm hòa như như nhạc. "Lễ dĩ hòa vi quý", nên lễ gắn liền với nhạc cách cơ thể: lễ là xác của nhạc, nhạc là hồn của lễ. Nói đển lễ là nói đến nhạc, cả hai chỉ là một, y như trên mặt trống cũng hát múa như nhau: hát là nhạc, múa là lễ, chỉ khác lễ là múa đã cho chậm lại đấy thôi. Nho giáo đã tóm những ý trên vào một câu có tính cách hàm hồ tuyệt cú rằng: "nhạc giả lạc dã", với nghĩa: nhạc là vui, hiểu là bản chất của nhạc là vui, kể cả nhạc buồn cũng là vui: vui trong cảnh buồn nó biểu lộ ra như thế đó. Câu trên cũng có nghĩa nhạc là của dân Lạc. Dân Lạc cũng chính là dân Việt, vì bản chất của dân Việt là vui vẻ an lạc, nên có thể lâu ngày thành thói quen nói Việt là lạc, dần dần bỏ tiếng là thành ra Việt lạc, đến lượt Tàu thí thành ra lạc Việt, đến Việt nam thành ra Lạc Việt. Như vậy câu trên có nghĩa bản chất triết Việt là triết vui sống. (Ðó là điều sẽ được bàn luận rộng trong quyển "sống như chơi")
 

8.

Khi tiền nhân nói "tiên học lễ hậu học văn" là đề cao ca vũ trên cả việc học văn chương chữ nghĩa. Ðó chính là huấn chương trên mặt Trống đồng. Tại sao quan trọng lễ nhạc đến như vậy. Thưa vì đó chính là bản chất Minh Triết, vì Minh Triết là hòa cùng triệt: hòa có với không, tức là đợt hòa sâu nhất có thể quan niệm. Thế mà ca múa giúp vào việc hòa hơn cả, vì thế tiền nhân đặt nặng lễ nhạc là để đạt Minh Triết vậy. Ca múa là việc trên các việc, vì nó có sự tưng bừng tận tụy theo sau, nên nó là biểu hiệu cho đốc hành, mà đốc hành chính là đầu mối hòa, cũng như tranh luận là đầu mối chia rẽ. Chính vì trực thị được điều đó nên Việt nho đặt nổi việc làm trước việc học. Sách Luận Ngữ nói: đệ tử khi vào thì hiếu, khi ra thì lễ, làm việc thì cẩn trọng, ăn nói thì giữ lời. Thương tất cả mọi người, nhưng thân cận với người có nhân đức. Làm bao nhiêu đó rồi, nếu còn có đủ hơi sức mới nên học văn chương lục nghệ. Luận Ngữ 1/6. Môn đệ đã hiểu điều đó nên mở đầu sách Luận ngữ bằng câu: "học nhi thời tập chi bất diệc duyệt hồ": học đạo lý mà thời thời tập luyện, há không phải là việc vui sao.

Vài câu trên đủ tỏ rằng Khổng nho theo sát nút Ðạo Trống là đạo đặt quan trọng trên hòa ca múa hát cách chói chang, mà hòa ca hát xướng là tiên phong cũng như đồng hành của tác động, nên nho giáo cho lễ đi trước cả việc học. Chữ tập viết với bộ dực là cánh chim và bạch là trắng để tả việc con chim ra ràng đang đập cánh tập bay lên khỏang trời bao la bát ngát. Bạch là trắng, trắng là trống không, tức đập cho lòng lơi ra khỏi những tư kiến tư dục. Ðó! ngay một chữ viết đã nói lên liên hệ thâm sâu với các chim trên mặt trống, tức học phải đi với hành. Ðấy là cái học căn bản, nên thuyết lý nào không tận cùng bằng việc làm thì trước sau gì rồi cũng đổ.

Nói tóm lại nho tiên Tần còn giữ được đạo Trống là nhắm thẳng vào lý Thái hòa bằng ca múa. Dồn mọi nỗ lực vào việc đạt lý Thái hòa, bởi có đạt Lý đó thì vạn lý mới hanh thông. Còn nho sau Tần thì không chú ý đến điều đó nữa, nên kế là đánh mất đi cái quý hơn hết. Ðó gọi là nho thất truyền, chỉ còn chữ nghĩa vụn vặt, chứ "vi ngôn đại nghĩa" đã mất rồi. Ðó là luồng lưu truyền xuyên qua mọi đời mà chưa có một khởi công quy mô nào đi tìm ra cái vi ngôn đại nghĩa đó, nho học tự trước tới nay chỉ là cái học hàn lâm duy lý. Thiết tưởng vi ngôn đại nghĩa không ở đâu xa mà nó nằm ngay trong chữ Hòa, chữ nhạc, chữ làm. Nhạc gắn liền với Hòa, mà Hòa là chìa khóa mở ra mọi việc may lành ơn ich. Vậy khi nói tới Hán nho là nói nho đã thất truyền, thì điều thất truyền chính là nhạc xét như tác động khởi nguồn cho mọi động tác ơn ích khác.
 

9.

Ðánh mất vi ngôn đại nghĩa vì nhiều lý do, nhưng có thể đặt tụ điểm vào gác Thạch Cừ nhằm uốn nho sang phía pháp gia, cho hợp khẩu vị mấy nhà chuyên chế. Bởi thế Hán nho đốc ra một thứ tả pí lù gồm đủ pháp gia, đạo gia, âm dương gia, sấm vĩ. Chính cái nho bác tạp đó đã được truyền tụng trong hơn hai mươi thề kỷ qua, tuy có giúp cho nước Tàu đạt một số thành quả khá ngọan mục như thống nhất, trường tồn, êm thắm, vv... Nhưng khi gặp văn minh thái tây thì phải đầu hàng không những trước khoa học kỹ thuật quá chói chang, nhưng ngay trong phạm vi văn hóa triết học Tây âu cũng vượt hơn nữa, đến độ nhiều người Ðông á không dám gọi nho là triết lý mà chỉ gọi là tư tưởng hay là đạo học, vì nếu đưa ra so sánh với triết tây, thì nho có vẻ quá tiều tụy, cũng như bài hát rong đăt bên cạnh hòa tấu số 9 của Beethoven vậy. Do đó mọi người đều đổ xô đi học triết tây: người thì học trực tiếp: cố gắng giới thiệu thẳng bằng dịch thuật. Ðược chú trọng hơn hết là phần lý luận. Người học gián tiếp thì dùng phương pháp lý luận tây âu để trình bày đạo giáo Ðông phương như Hồ Thích trình bày Côn tôn Long, Phùng hữu Lan thì cố ý niệm hóa tân lý học đời Tống, nhưng lối nào cũng không có hậu. Vì hầu như không ai thắc măc về sự thất bại của triết tây, thí dụ không một ai đặt câu hỏi tại sao quyển Republic của Platon đồ sộ nguy nga đến cả triệu lời lại không ảnh hưởng tìch cực vào xã hội được bằng quyển Ðại Học, Trung Dung chỉ có 303 lời kinh mà tác động triền miên vào nước Tàu, Nhật, Hàn, Việt nam và gây vô vàn ơn ích. Vì không đặt câu hỏi tối quan trọng đó nên cuối cùng một nhóm nhắm mắt nhào theo Các Mác rằng từ nay triết học phải biến đổi vũ trụ chứ không chỉ suy luận suông về vũ trụ nữa. Nhưng cuối cùng đã gây tai họa cho quê hương đất nước như ta thấy ngày nay và chưa biết đến lúc nào mới thóat ra khỏi thảm họa?
 

10.

Cuối cùng mới có người nhận ra rằng triết tây đã chẳng tác động được gì. Hơn thế sở dĩ Tây Âu đã tiến bộ nhiều, đã thiết lập được khoa học kỹ thuật là vì đã khôn ngoan khước từ triết học. Nhờ cử chỉ tiêu biểu của ông Francis Bacon dân nước Anh không phải học logic nên tiến về khoa học kỹ thuật trước Pháp cả hàng thế kỷ. Hơn thế nữa sở dĩ ngày nay Âu Mỹ trở nên cường thịnh như kia là nhờ họ đã biết khước từ triết. May mắn cho họ là còn giữ được đủ lương tri để lờ triết đi, mà chỉ theo thực tế (pragmatism). Tại sao kỳ dị vậy.? Thưa là vì triết học đã trở nên duy niệm, duy trí, đã loá mắt về sự hiển minh rõ ràng, nên lấy đó làm tiêu chuẩn đo giá trị: càng rõ ràng minh bạch thì càng được đánh giá cao, quên rằng sự vật trên đời nhất thứ là con người chẳng có gì là rõ rệt hết, vì ngoài lý trí rõ rệt còn lu bù uẩn khúc tâm tình với tiềm thức rồi vô thức vv... nên rất phiền toái âm u thành thử càng rõ ràng minh bạch thì càng xa cách con người. Anh có thuộc lòng Aristole, Kant, Hegel, Heidegger... anh cũng không biết hơn mấy về con người trong xương trong thịt, nên chẳng giúp cho anh bao nhiêu trong việc biết người. Còn gì nguy nga bằng những ý niệm của Plato về tự do dân chủ, nhưng dân Hilap có tới ba phần tư không biết gì đến mùi vị dân chủ tự do, mà phải làm nô lệ. Ðang khi bên Ðông Á không có ý niệm dân chủ, tự do ít ra cách rành mạch như của Plato thì hầu hết người trong nước lại được tự do, được dân chủ (dân chủ không tên) trừ vài ba phần trăm là nô, nhưng cũng chỉ là nô bộc, nô tì chứ chưa đến nỗi là nô lệ. Hay cho có ít nô lệ đi nữa thì cũng chỉ là những trường hợp cá nhân, chứ không là định chế nhà nước: không có luật phép nào ghép mình trong qui chế đó cách vĩnh viễn cả.
 

11.

Như vậy ta thấy triết tây có cao thực, nhưng là cao trong ý niệm, cao trong tư tưởng, còn thiếu nhiều lắm mới đi đến tác động. Với triết đông thì tác động phải đi kèm theo ý niệm, học phải có hành. Ðàng sau ý niệm phải có tình, có chí, nên triết gia chỉ được dành năng lực cho ý có một, còn phải giữ cho tình bốn, chí năm: không chịu giồn hết sinh lực cho ý suông như triết tây. Vậy muốn đánh giá triết đông cho sát thực thì phải xét trên cả ba phương diện ý, tình, chí, hay nói như xưa phải xét cả ba đợt: đức, công, ngôn (kỳ nhất lập đức, kỳ thứ lập công, hựu kỳ thứ lập ngôn). Xét trên có ý niệm suông thì oan quá. Vì Ðông Á không chú trọng ý niệm như tây Âu. Tây âu khi vào trường phải học ngữ luật để nói cho đúng, phải học logic để lý luận cho xuôi. Còn Ðông phương phải mở đầu bằng câu "tiên học lễ hậu học văn", mà văn thì phải khởi bằng thi ca múa hát: thi để hưng tình, nhảy múa để đi vào tác động.

Rõ ràng hai môn triết đông tây khấc nhau hẳn, nên ta hiểu được lối nghiên cứu nho theo phong cách triết tây là chắc chắn sẽ đi xa tác động, mà có tác động mới kể là thành công. Ðó là lý do giải nghĩa sự bất lực kinh niên của triết tây phương, nên phải cậy nhờ ngoại viện: trong luân lý thì nhờ tôn giáo trong chính trị thì cậy nhờ lương tri hay óc thiết thực (pragmatism).
 

12.

Ðại để đó là tình trạng của nho học cho tới nay, nó cho ta thấy còn xa lắm nho mới chu toàn được sứ mạng mà người ta đang trông đợi ở nó là thiết lập nèn hòa bình thế giới.

Muốn làm được như vậy nhất định phải trở về tận nguồn gốc, đén trước cả nhà Châu và lúc ấy ta sẽ thấy rằng công việc cao cả hơn hết là hòa là hợp hai đầu thái cực, hòa âm với dương, hòa Vô với Hưũ, như trong ngũ hành, nơi đó Vô là Hành Thổ trung cung, còn Hữu là bốn hành chung quanh, hai đàng hòa hợp với nhau cách xoắn xuýt. Hoặc rõ ràng hơn nữa như trong Trống Ðông Sơn nơi các đoàn vũ điều tiến về Trung cung, nơi vầng nhật thay cho "thiên vô thanh vô xứ". Tâm hồn nào có đạt được cõi Thái Hòa ấy mới làm nẩy sinh được các bậc hòa hợp sau. Lúc ấy và chi lúc ấy thôi triết Việt nho mới trông biến đổi được tâm thức con người, mới trông giúp con người nhìn ra được sự thực trong câu: "Ðức gỉa bổn dã, tài giả mạt dã". Từ đó hi vọng nó mới biết trọng nhân nghĩa hơn tiền tài, mới trông lôi dần xã hội ra khỏi cuộc tranh dành sát phạt để đi vào đường cộng tác. Còn đông tây cứ tranh dành kinh tế suông như nay mà không có những tương nhượng theo tinh thần đích thực của Ðông Á xưa thì chỉ là tung thêm vào trường thi những tay đua mới cho thêm đà khốc liệt, chứ vẫn còn lâu mới đủ uy tín để lập nên cuộc Thái bình và nền huynh đệ phổ biến. Ðấy mới là cùng đích của cuộc phục hoạt Việt nho.
 

13.

Muốn được như thế cần phải thay triết nay tận nền móng, tức thay bộ định đề duy lý cũ bằng những định đề toàn diện: thay nguyên lý đồng nhất với công ty bằng những nguyên lý đa giá và hàm hồ như ba định đề Thái Hòa, Nhân Chủ, và Tâm Linh. Ngoài ra cần đặt nổi khía cạnh tác hành một cách hết sức đặc biệt.

Xưa tổ tiên dùng lễ nhạc ca múa cho điều đó, thì nay có lẽ ta nên tìm ra một hai phương thức hợp thời chăng. Chính trong ý đó mà An Việt dự tính kiến tạo hệ thống Ðạo Thất để truyền bá Việt nho. Sống trong Ðạo thất sẽ là các em không thân nhân đang sống vất vưởng ngoài lề xã hội, đó là một tệ trạng trong nhiều xã hội ngày nay do sự tan vỡ các gia đình. Không những cần săn sóc các em về đàng vật chất, là điều hiện đã được lưu ý, nhưng càng cho các em một nền giấo dục đổi mới, một nền giáo dục toàn diện thay cho nền văn hóa một chiều ngày nay. Chính nền văn hóa thiếu sót này đã phần nào gây ra tệ trạng mà các em đang là nạn nhân, vậy mà nay lại bắt các em tiếp tục chịu sự giáo hóa đó hay sao. Việt nho sẽ cố cung ứng nền giáo dục tòan diện mới này (xin xem quyển giáo dục quân bình sắp ra). Chính vì vậy mà An Việt cũng dư tính chương trình Ðạo Thất. Sống trong Ðạo Thất các em sẽ có dịp thực hiện liền những điều vừa được giảng dậy. Vì thế Ðạo Thất cũng sẽ được gọi là Trường Minh Triết mà hiện anh em An Việt đang học tập ở nhiều nơi để như tự học hỏi và tự huấn luyện với nhau hầu mai sau có thể quản trị các Ðạo Thất.
 

14.

Chúng tôi đã có dịp nói đến Ðạo thất một lần tại hội nghị hoàn cầu về Khổng giáo tại Ðài Loan năm 1987. Trong dịp ấy tôi có trình bày Ðạo thất như cơ sở của Liên đoàn các xã hội theo nho. Chúng tôi dùng tiếng cojup: viết tắt cho confraternity of ju's peopole, tức là những nước đã chịu ảnh hưởng của Hán nho (Tàu, Nhật, Hàn, Loan, Hồng, Tân, Viet nam) cũng như cả nguyên nho (Lào, Mên, Thái, Phi, Nê...) Chúng tôi tính đưa ra lời kêu gọi các nước giầu mạnh đàn anh giúp các nước em mở ra một hai Ðạo Thất theo mục đích đã nói trên, vì xét cho cùng thì đó là phương thức hữu hiệu hơn hết để phục hoạt nguyên nho cũng như để nối lại mối tình thân tộc của đại chủng, làm cho nó trở nên thân thiện yêu thương thay vào lòng nghi kỵ thù hằn như tự trước tới nay. Nhưng sau chúng tôi nhận ra là tư tưởng chưa được sửa soạn chín mùi, nên chúng tôi đã hoãn sự kêu gọi lại dip khác. Vì chúng tôi thâm tín rằng cả hai điều trên đều cần được làm, hơn thế cần làm liên tục và do những cán bộ trung kiên tiếp nối nhau như một thứ hội tu ngoài đời, một thứ dòng tu của các văn hiến nhăm giúp văn minh ngày nay vượt qua cơn khủng hoảng. Ðược như vậy thì các Ðạo thất sẽ trở nên như một thứ kinh lạc gắn bó mọi nước trong miền lại với nhau trong mối tình đại gia đình văn hóa có nền Minh Triết trường cửu, với những câu kinh u linh man mát, sẽ sáng soi đường đi tới khắp nơi với những quỹ mẹ luôn luôn tăng trưởng để đủ sức đem đến sự giúp đỡ thiết thực, khiến cho chữ đại gia đình văn hóa không chỉ là danh xưng suông, nhưng là một thưc thể mới của yêu thương, của Minh Triết và sẽ trở nên mối liên hệ mới cho nhân loại trong thế kỷ 21. Tuy nhiên vì đây là ý niệm quá mới, lại được cưu mang trong một hòan cảnh hết sức đặc biệt, cũng như chưa được nói ra hết ý nên hơi khó hiểu. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề khi tư tưởng đã chín mùi. Những chuẩn Ðạo Thất này mới được thai tượng trong những họ An Việt đang lan dần ra nhiều nơi.

Trên đây là mục tiêu chung và lâu dài của Ðạo thất. Riêng An Việt thì muốn lưu tâm trước hết đến trường hợp đặc biệt của một số trẻ em cô thế đang chờ đợi hàng ngàn trong các trại Ðông nam Á. ý tưởng Ðạo thất được thai nghén là do lòng mong ước cứu giúp các em, nếu sau này Ðao thất có bao giờ thành sự thực thì các em sẽ là những lưu trú đầu trước tiên./.

 

Phụ trương:

15.

Hỏi: có chứng tích nào cho câu nói: Tàu đã nghiêng sang du mục đến 30% chăng?

Thưa chứng tích không thiếu, nhưng con số 30% chỉ đưa ra như ước lượng xác xuất cần được hiểu cách co giãn. Sau đây là vài chứng tích, thí dụ thứ tự nhân luân Tàu là: vua tôi, cha con, chồng vợ. Còn Việt thì: vợ chồng, cha con, vua tôi. Vợ trước hết, cao hơn câu ladies first của Mỹ vì nó phát nguyên từ triết lý âm dương, âm trước dương, vợ trước chồng, đó là dấu dân chủ hơn, giầu nguyên lý Mẹ hơn. Còn đặt vua trước hết là dấu đã ghé du mục, thống trị, đề cao quyền bính.

Nhà Châu dùng số 6 (trong Châu lễ), số 6 là số đất, duy vật hơn. Việt dùng số 5 (trong nguyệt lệnh) là số trời, só quân bình hơn cả, gần nguyên lý thân tộc hơn hết.

Nhà Châu vắt áo sang hữ: du mục hơn, Việt vắt tay tả (tả nhậm): phù yểu hơn.

Nhà Châu nói Càn khôn: nhấn mạnh trên dương, dễ ghé sang phụ hệ hơn. Viêt nói "khôn càn" (Li ki c. VII L iun I,5). Nói khôn trước càn là hợp thứ tự âm trước dương: đúng thứ tự nguyên thủy hơn, dễ giữ được nguyên lý mẹ hơn (motherhood=khôn). Thứ tự âm dương là thứ tự đã có quá lâu đời trong dân gian nên không tiện đổi chỉ đổi có càn khôn.

Nhà Châu nói trời đất: trời trước đất, "tham thiên lưỡng địa nhi ỷ số", Thuyết quẻ 1. Còn Việt nói "lưỡng tham": ông Vũ có hai tai ba lỗ (lưỡng nhĩ tham lưũ: Trúc thư kỷ niên) cũng là âm trước dương, đúng đạo nho hơn, vì nho đi theo lối "dĩ nhu thắng cương", nói càn khôn là nói dương trước âm, là "dĩ cương thắng nhu". Ðó là đường lối du mục.

Dân chúng nói kim mộc thủy hỏa thổ, đó là ngang trước dọc, tức là âm trước dương. Còn Tàu nói thủy hỏa mộc kim, tức dọc trước ngang sau, đó là dương trước âm.
 

16.

Nói chung thì Tàu phải bỏ nhiều truyện đã lây du mục để hội nhập trở lại văn hóa của đại tộc. Ðiều đó được biểu lộ cả bằng huyền sử lẫn sử ký. Thí dụ về các nhà cai trị Tàu hầu hết học văn hóa Việt, mà huyền sử chỉ bằng các vai nữ, thí dụ Hoàng đế học với ba cô là Tố nữ, Thái nữ, và Huyền nữ. *

  • Vua Thuấn học đạo tiên rồng với hai vợ: huyền sử nói là vợ may cho aó tiên rồng: "điểu công và long công".
     
  • Ông Ðại Vũ nhờ lấy vợ miền Việt mà có được hai tai ba lỗ, tức là học được đạo nho gồm cả trời lẫn đất:" thông thiên địa nhân viết nho".
     
  • Tộc Thương thì được mẹ đẻ theo tục Việt, tức đẻ theo lối trống quân: nuốt trứng chim huyền điểu. (Tổ tộc Thương là bà Giản Ðich là người Di dòng Nhung.) * and **
     
  • Nhà Châu cũng dòng Di: "Văn vương là tây Di chi nhân." Mạnh tử IIIb, 4.
     
  • Nhà Tần cũng sinh bởi chim, tức cũng họ chim rắn hay tiên rồng.*

Nhà Hán là người châu Từ, đất Giang Tô: rõ ràng là nông dân Việt. Khi lên ngôi còn xưng mình là Hán Man (Man cùng họ Hồng Bàng. Xem lại chú thích về chữ Việt), khi mới lên ngôi còn tế Li Vưu. (Mã đoan Lâm trong Văn hiến thông khảo. Trang 97 và SMT II. 335) Nhờ gốc nông nghiệp nên đã bỏ đươc hầu hết biểu hiệu du mục, trong đó phải kể đến cờ bạch hổ để nhận rồng. Nhận chim phụng thay chim cú là biểu hiệu của triết học duy lý, thiên trọng về mắt, mà Mạnh tử gọi là "nhĩ mục chi tư" chỉ thấy được ý niệm chứ không thấy vô niệm, giống chim cu hí mắt mở quá to không thấy được những gì vi tế, cử ngõ của linh thiêng vô thể: mắc chứng "minh ư tế nhi ám ư đại". Ðó là phương ngôn Việt nho, giống tục ngữ Việt nam rằng cú ngáy tỉnh đêm.

Nhận lân thay cho sư tử hay đúng hơn lân là sư tử đã đi tu dòng nữ, trở nên hiền quá sá: không dám đi trên cỏ sợ giẵm chết sâu, vì thế người ta vẽ lân chỉ có cái đầu là còn hơi giống sư tử, chứ lưng với đuôi thí giống hươu với cá chi đó, nên tôi thích gọi lân là sư tử đã hóa "ma sơ" (Lân is lion already sistered).
 

17.

Về nho thi nói chung Tàu chỉ tô điểm vòng ngòai cho ra rực rỡ, tôi gọi đó là công thức hóa hay là đổ khuôn lời, thí dụ rồng thì Việt nhận ngay tự đầu dưới nhiều hinh thức mộc mạc như giao long (cá sấu hay cá mập), xà long (rắn), ly long là rồng không ngà nhưng có vảy*. Ban đầu Tàu không nhận rồng mà nhận chim cú đời Hoàng Ðế, bạch hổ đời Thương, cá đời Tần, đến đời Hán mới nhận rồng như nay.* Các nhà nghiên cứu gọi đó là long sông Hoài. Rồng rất giống đạo nho ở chỗ phát xuất nơi Việt, nhưng đến đời Châu thì được tô điểm cho đủ râu ria để bước ra sân khấu.
 

18.

Sau long thì đến Kinh Dịch.

Ðây là quyển kinh vô tự, về cơ cấu thì giống hệt Sách Ước Gậy Thần. Sách có ba số 2, 3, 5 thì Kinh Dịch cũng có ba số 2, 3, 5 tức âm dương số 2, Tam Tài só 3, ngũ hành số 5. Như vậy cả hai kinh đã đạt đạo vì hòa hợp được cả âm lẫn dương, nên đều thuộc loại sách hiếm họa vô cùng, chỉ gặp thấy nơi Việt tộc mới có loại sách kiêm cả "Có lẫn Không" này.

Kinh Dich còn giống Sách Ước ở chỗ cũng có hai giai đọan hình thành: một là "tại thiện thánh tượng" (h.T.I ) thì mới có số 5 của Sách Ước, đến tại "địa thành hình" mới đến số 9 của Gậy Thần. Kinh Dịch cũng suýt soát: ở giai đoạn tại thiên thành tượng thì chỉ có ba số 2, 3, 5 hay là âm dương, tam tài, ngũ hành. Ðến giai đoạn "tại địa thành hình" mới có hệ từ của Văn vương rồi Khổng tử.

Như vậy rõ ràng Kinh Dịch là di sản chung của Việt và Tàu. Của Việt ở giai đoạn vòng trong: tượng, số, chế:

Tượng là đạo Dịch của trời đất vớí các huyền thoại có nét lưỡng nhất như núi sông, đực cái, cứng mềm...

Số là đạo Dịch của Phục Hi gồm số 2 là âm dương, số 3 là Tam Tài, số 5 là ngũ hành.

Chế là bước vào Cửu Lạc với đại Vũ đúc cửu đỉnh. Ðó là giai đoạn thi hành chính sách nhân trị.
 

19.

Sau Dịch thì đến lịch số.

Lịch cũng là một lâu đài hòa hợp lớn giưã âm với dương, giữa nhật với nguyệt, giữa mẹ với cha: cha mặt trời, mẹ mặt trăng. Cha là hệ thống kiểu nguyệt lệnh. Mẹ là các lễ lạy hội mùa của dân gian. Trong cái nôi của lịch là thiên nguyệt lệnh thì số 5 của mẹ đã thắng số 6 của nhà Châu,* tức nông nghiệp Việt tộc đã thắng du mục của pháp gia.

Thứ đến là hai tết xuân thu được chọn theo trục phân của con người vơí các lễ lạy hội hè đình đám của dân gian đã lấn át được trục chí của nhà Châu.*

Trong ba ẩn tích chói chang vừa kể (rồng, dịch, lịch) đều có sự đóng góp đôi bên, nhưng phần Việt thuộc vòng trong, tất cả đều nói lên sự thắng thế của văn hóa Việt. Bí quyết của văn hóa đó ở tại nó nằm trong dân gian, nằm trong gia đình lối xóm. Ðó là văn hóa của đại tộc, của dân, của vạn đại chi dân, nên nay mặc dầu bị văn hóa quí tộc của tây phương đàn áp cách dã man nó vẫn sống mạnh trong dân gian, ít gì cũng đến 70% dân số. Ðó quả là một lực lượng tuy âm thầm nhưng không thiếu phần hùng mạnh, không dễ dàng chịu thua.

Các vua Tàu hầu hết là ngoại nhân. Nhà Châu có pha máu Turc, nhiều người tóc đỏ nên gọi dân chúng là dân đen đầu. Nhà Tần thì đã luyện thành du mục hạng nặng. Nhà Hán thì ăn tự toàn bộ nền cai trị du mục của nhà Tần giối lại. Sau đó Kim, Mông, Mãn, phần lớn là ngoại nhân (về đàng chính trị), liên tục như thế mà không một kẻ nào lập nổi một nền văn hóa thống trị, vẫn phải bám lấy nền văn hóa dân tộc.
 

20.

Nhưng kẻ thống trị đã làm được hai điều di hại hiện đang kìm kẹp nặng nề văn hóa dân tộc: một là đã pha chất pháp gia vào nền Việt nho khiến người ta khó nhận ra khuôn mặt từ hậu của nguyên nho. Hai là đã dùng những chia rẽ chính trị, những tình tự dân tộc hẹp hòi để lấp liếm mối tình đồng tông của cả văn hóa lẫn chủng tộc trong tòan khối, khiến cho rõ là người trong cùng một dòng tộc mà thay vì nhìn nhau như bà con cùng tộc họ, thì lại nhìn nhau như địch thù. Ðó là những oán ân giả tạo cần được dần dần khắc phục. Chúng ta quyết sẽ khắc phục bằng cách liên kết với nhau để tìm cách phục hoạt nền văn hóa của đại tộc Việt. Tất cả những ai trong bất cứ dân nào: Tàu, Nhật, Hàn, Phi, Nê, Thái, Mên, Lào... hễ cảm thấy mối tình của đại tộc thì hãy tìm liên lạc với nhau, nếu cần hãy vượt qua các ranh giới chính trị, các cảnh vực của địa dư, các ngăn cách của những thói tục dị biệt... để nhận lại nhau qua ánh sáng trinh trong của văn hóa đại tộc, nó hết sức lớn lao cao cả quá đủ để bao phủ toàn khối, để ấp ôm khắp hết miêu duệ trong đại gia đình văn hóa, để cùng nhau gom sức cứu vãn lấy nền văn hóa đại Việt của dòng tộc mình, một dòng tộc lớn nhất trong nhân lọai, có một nền văn hóa thống nhất hơn hết, trường cửu hơn cả, đã từng gây nền hạnh phúc cho toàn khối hơn bất cứ nền văn hóa nào khác, một nền văn hóa ơn ích hơn hết cho loài người và may mắn thay, cũng là nền văn hóa duy nhất đã được nhiều nhà nghiên cứu đoán trước là có nhiều cơ may sẽ còn sống sót qua cơn khủng hoảng ngày nay đang làm rung chuyễn gốc rễ mọi nền văn hóa và sẽ chấm dứt vào quãng năm hai ngàn./.

<<

>>