THÁI BÌNH MINH TRIẾT I

Kim-Ðịnh

<<

>>



CHƯƠNG VII: TỪ THỜI TRỰC PHỤ HỆ
TRỞ VỀ THỜI TRỰC MẪU HỆ.


25.

Thời Mẫu hệ bị phụ hệ đẩy lui thì thần trăng cũng bị thay bằng thần Nhật. Nhật là thần nam, khác thần nữ ở chỗ tìm công chính và gia tăng quyền lực nên lấn át thần nữ. Tuy nhiên thần nữ biểu thị lòng lân tuất yêu thương (Mothers 354) đã có rất lâu đời trước, nên cũng còn để lại được nhiều đức tính cho nam thần. Nhiều lễ thờ nhật được cử hành ban đêm (như mặt trăng). Các phẩm phục mặc khi tế tự thì còn giữ y nguyên kiểu các bà. Nhiều nơi còn đi xa hơn nữa đến độ trong cuộc tế tự có cả màn nhà tư tế lên giừơng nằm kêu rên như bà để (mothers 276). Có những việc nhảy múa vốn đi với thần trăng, sau này cũng còn giữ lại nơi tế thần mặt nhật. Cái mà ta gọi là cuộc nhảy múa (như trên mặt tróng đồng) chính là cuộc tế tự đó, và nhà tư tế cũng gọi là ca vũ viên (mothers 340) nhảy múa để biểu lộ sư vui sướng tưng bừng vốn đi với thờ mặt trăng hiền dịu và là nền cho nét an nhiên thư thái, sống như chơi sau này mà ta nhận thấy trong Việt Nho. Thần Manitu đầy linh lực (magic power) được đa số dân da đỏ thờ thì có tính tình vui vẻ hay nói đùa và thường trêu chọc à chơi khăm mặt trời (mothers 336) làm liên tưởng đến thần Leela bên Ấn độ và Hóa nhi đa hí lộng bên Ðông Á. Xem ra cả ba là do nền Minh Triết cổ xưa đều đề ra lối sống như chơi của triết Việt.

26.

Nói tóm sự chuyển từ mẹ sang cha đã xảy ra khắp nơi trên hoàn vũ. Nhiều nơi Mẹ hầu bị chôn táng hẳn. Càng văn minh thì mẹ càng mất quyền lực. Những nơi văn minh nhất là các chốn có tụ hội đông như thành thị văn minh hơn thôn quê. Thôn quê thì văn hóa hơn thành thị, tức nhà quê giầu yêu thương, thực tình hơn... Càng văn minh thì quyền cha càng lấn lướt: ấn tích rõ nhất là các thần thọại thay nhân thọai với chủ quyền về tay thần, người chỉ còn là con vật hi sinh.

Xét đến cơ cấu thấy rõ đó là do phụ hệ nghiêng về quyền lực nên các thần thọai đều đặt nổi quyền uy, đều nhấn mạnh trên sự phục tùng với hình phạt ghê gớm dành cho những kẻ không vâng phục. Quyền tuyệt đối được gom vào tay một thủ lĩnh mạnh, gây ra giới vô sản, nhân đó có đẳng cấp, có chuyên chế, có chiến tranh với những nghệ thuật khổng lồ (để tăng quyền uy) nghiêng về sự chết... Tình trạng này xảy ra trong hết mọi nơi, trừ bên Ðông Á có nhân thoại đat(?) nổi đức tự cường, tự lập của con người, đó là do Mẹ chuyên lo hạnh phúc cho con không phân biệt, nên không có chế độ nô lệ, không có vô sản, không có âm phủ, chỉ có cõi tiên.... Cõi tiên hầu hết là tiên nữ. tiên nam ít thấy (hình như có nhưng ở cả dưới hầm rượu chăng) Nhờ thời Nữ thần kéo dài, nên khi phụ hệ lên thì những nơi hẻo lánh như các đảo Thái Bính Dương, những bộ lạc sống trên núi rừng xa cách còn giữ được hầu nguyên vẹn nguyên lý mẹ. Những nơi đông người như Tàu, Ấn độ, Mã Nê thì nền tảng còn mẹ có thể đến độ 50 hay 60%. Bên Tàu có thể đến 70% nhưng dù không đến thế thì cũng còn hơn bên Âu tây, nơi Nguyên lý Mẹ chìm hầu mất tích.

<<

>>